Thiền Sư Tịnh Không

Sự trùng hợp cách nhau 300 năm giữa Tổ Sư Thiền Phái Vô Ngôn Thông và đệ tử truyền thừa đời thứ 10… Thiền Sư Tịnh Không (1091 – 1170).

Đọc hành trạng của Thiền Sư Tịnh Không, ( đời thứ 10 ) sống vào thời Vua Lý Nhân Tông và Vua Lý Thần Tông có sự trùng hợp giữa Tổ Sư sáng lập thiền phái Vô Ngôn Thông thật thú vị… dù cách nhau 300 năm.

Quý Ngài không mặc cảm, không tự ái, không đặt thành vấn đề gì hết… Được thiện hữu tri thức chỉ cho chỗ chưa đúng thì các Ngài sẽ y theo đó quyết tiến.

• Tổ Vô Ngôn Thông… Ngài là người đầy đủ đức độ, đã ra làm trụ trì, nên được chư thiện hữu tri thức quan tâm hướng dẫn. Khi ngài lễ Phật, có một thiền khách hỏi: Tọa chủ lễ đó là cái gì? Câu hỏi này với chúng ta thì sẽ được trả lời bằng kiến thức Phật học, giải thích cho một lô. Nhưng người xưa không có kiểu đó, chỉ chuyên trong việc tu hành thôi. Một câu hỏi bất ngờ như vậy, ngài giật mình.

Sư đáp: Là Phật. Thiền khách bèn chỉ tượng Phật hỏi: Cái này là Phật gì? Câu đầu đáp là Phật. Dĩ nhiên lễ Phật rồi. Chùa nào lại không có Phật. Nhưng khi thiền khách chỉ tượng Phật hỏi là Phật gì? Ngài không đáp được. Nếu chúng ta, mình sẽ nói nào là Phật gỗ, Phật đồng, Phật thạch cao, Phật xi-măng… Ở đây không phải hỏi như thế.

Đến tối, Sư y phục chỉnh tề đến lễ thiền khách, thưa: Hôm nay Thầy hỏi, tôi chưa biết ý chỉ thế nào? Đây là biểu hiện đức điềm đạm, chân chính của người chỉ cầu đạo giác ngộ giải thoát, không có việc khác. Bấy giờ tất cả ngô ngã ý tư lặng hết, cầu thầy chỉ dạy.

Thiền khách hỏi: Tọa chủ được mấy hạ? Sư thưa: Mười hạ.

Ngài thưa 10 hạ, tức là đã thọ Tỳ-kheo 10 năm. Giới lạp cở đó không phải nhỏ đâu. Vậy mà thiền khách hỏi: Đã từng xuất gia chưa? Thầy này mới lạ. Đã mười hạ rồi mà hỏi xuất gia chưa. Sư mờ mịt. Thiền khách khuyên Sư đồng đến tham học với Mã Tổ.

Đi đến Giang Tây nghe tin Mã Tổ đã tịch, bèn đến yết kiến Bá Trượng Hoài Hải. Bấy giờ ngôi sao độc chiếu ở vùng trời Trung Hoa là đạo tràng của thiền sư Bá Trượng nơi có cả nghìn người, hai nghìn người.

Thiền sư Vô Ngôn Thông khi đến đạo tràng của tổ Bá Trượng đã là một Thượng tọa rồi, rất chững chạc trong giờ học pháp. Nhân vị tăng hỏi, Hòa thượng đường đầu trả lời: Đất tâm nếu không, mặt trời trí tuệ tự chiếu. Ngang đây ngài ngộ đạo. Tâm không có vọng tưởng thì trí tuệ hiển hiện, quá rõ ràng. Tuy nhiên, trải qua 10 năm tu học, thiền sư Vô Ngôn Thông mới nhận được ý chỉ này ( trích đọan trong TS Việt Nam ).

• Ngài Tịnh Không cũng thế… từng được Vua khen, bái phong là bậc danh Tăng.

Nhưng một hôm, có một vị Thiền khách đến chùa Sư, hỏi thăm sự tu hành, biết Sư chưa đạt yếu chỉ Thiền tông, liền giới thiệuSư đến tham vấn Thiền sư Đạo Huệ ở núi Tiên Du, Sư bèn giao chùa đi thẳng đến núi Tiên Du.

Gặp được Ngài Đạo Huệ liền tìm hiểu rốt ráo về yếu chỉ Thiền Tông và đã được triệt ngộ (Sư liền lãnh hội yếu chỉ. Sư ở lại đây hầu hạ thầy ba năm).

Từ bài kệ khi thương đường hội chúng của Thiền Sư Tịnh Không lại liên kết đến câu chuyện của Ngài Giáp Sơn Thiện Hội đệ tử nối pháp của Thiền Sư Đức Thành ( Hoa Đình Thuyền Tử một trong ba đệ tử ưu tú của Ngài Dược Sơn Duy Nghiễm ).

Trên không miếng ngói che,
Dưới không đất cắm dùi.
Hoặc đổi áo thẳng đến,
Hoặc xách trượng mà đi.
Khoảng chuyển động xúc chạm,
Tợ rồng vẫy đớp mồi.

(Thượng vô phiến ngõa giá,
Hạ vô trác chùy địa.
Hoặc dịch phục trực nghệ,
Hoặc sách trượng nhi chí.
Chuyển động xúc xứ gian,
Tợ long dước thôn nhĩ.)

Theo tích sử… Thiền Sư Thiện Hội cũng vậy, là người quyết tâm học đạo, đang là một vị thầy thuyết pháp có đệ tử đông đảo thế mà, khi biết mình còn khuyết, từ địa vị một tọa chủ giám giải tán chúng, đổi y phục làm một thiền khách lang thang tìm thầy học đạo.

Điều này minh chứng như lời HT Thích Thanh Từ thường chỉ dạy trong các lời bình “Người xưa học đạo chỉ để giải quyết vấn đề sanh tử, luân hồi không vì thứ gì khác… Trong tất cả nỗi khổ của chúng sanh, cái khổ lớn nhất là khổ luân hồi sanh tử. Do mình si mê, lầm tạo nghiệp bị quả báo xoay chuyển trong vòng luân hồi. Vì cứ tạo nghiệp rồi thọ quả, thọ quả rồi tạo nghiệp, vay trả trả vay không dứt. Người tạo nghiệp nhân không tốt, thọ quả khổ cũ chưa hết, lại tạo thêm nghiệp nhân xấu mới, cho nên khổ chồng lên khổ, rồi than trời trách đất.

Chư Phật, Bồ-tát vì thấy chúng sanh khổ như thế, nên các ngài thị hiện ra đời, chỉ dạy chúng ta phương pháp tu tập để thoát khỏi những nỗi khổ đó. Kinh Pháp Hoa, đức Phật nói mục đích chư Phật ra đời là vì khai thị cho chúng sanh thấy biết, nhận ra và sống được với tri kiến Phật của mình. Để làm gì? Để đừng tạo nghiệp, đừng tăm tối, hết khổ, giải thoát.

Thay lời kết, một lần nữa kính xin tiếp tuc mượn lời dạy của Đại Trưởng Lão HT Thích Thanh Từ như sau : ” Thần cơ diệu dược của chư Tổ phi thường, người đem tâm hẹp hòi, hiểu biết cạn cợt mà so lường làm sao hiểu nổi. Với người căn khí đại thừa, chỉ một câu gợi ý là vùng nhảy vượt. Đúng là một nhảy, thẳng vào đất Như Lai “.

Còn vướng mắc thế nào cũng rơi vào cái thế bị cọc cột lừa. Đừng bị cuộc đời vào tình huống đó. Cho nên phải nuôi dưỡng khí phách, ý chí vượt thoát.

Người xuất gia phải là người có ý chí phi thường, tâm hình dị tục, nói được làm được như các thiền sư ngày xưa vậy.
Người thông minh, nhớ giỏi mà thiếu tu chẳng qua chỉ là những cái cọc cột lừa mà thôi. Hãy nêu cao ý chí xuất trần, mới bước vào được cửa thiền chừng đó muốn nói gì thì nói, còn bây giờ xin hãy im lặng, mỗi vị tự xoay lại mình phản quan tự kỷ đi.

Nhờ học người xưa nên chúng ta nhớ lại rồi thấm. Như yếu chỉ xuất thế của ngài Thiện Hội là gì ?

Chúng ta đủ duyên được học một loạt hành trạng của các thiền sư. Đó là những bước nhảy thượng phương, để thoát ly ra khỏi trần lao sanh tử, được giác ngộ giải thoát.

Thật ra lời dạy thấu triệt của chư Phật, chư Tổ là những lời rất giản dị. Yếu chỉ của các bộ kinh lớn như Pháp Hoa, Lăng Nghiêm, Niết-bàn… cũng không nói gì hơn ngoài việc chư Phật ra đời nhằm chỉ cho chúng sanh nhận hiểu Phật tri kiến, tu chứng Phật tri kiến. Chừng đó thôi. Người kế thừa tiếp tục giảng từ đời này qua đời kia cũng chỉ tri kiến Phật. Tri kiến Phật của ai? Tri kiến Phật của mình, chứ không phải của Phật.

Yếu chỉ của kinh Niết-bàn là gì? Chỉ Phật tánh là cái bất sanh bất diệt của chúng ta. Thân này sẽ bại hoại nhưng còn có cái không bại hoại. Giản dị quá. Chúng ta nắm một yếu chỉ rồi đào xới riết cũng xong thôi.

Kinh Thủ-lăng-nghiêm nói gì? Phật dẫn từ nhân duyên mê muội nên chúng sanh bị vướng mắc trong trần lao sanh tử, bây giờ chỉ ra tâm thể rỗng rang sáng suốt nơi mỗi người, hãy nhận và sống với nó thì ra khỏi luân hồi sanh tử. Ai cũng có sẵn cái bản tịnh minh thể, diệu tịnh minh tâm, nó hằng hữu bất sanh bất diệt. Khi nhận ra cái đó rồi, tôn giả A-nan phát nguyện: xin chư Phật mười phương chứng minh gia bị cho, con nguyện độ hết tất cả chúng sanh khổ não, sau đó con mới thành Phật. Vĩ đại chưa? Chứ không phải cho con đăng ký thành Phật trước, rồi sau mới đến chúng sanh đâu.

Kinh Lăng-già nói về thức và tâm. Chúng ta sống theo thức thì phân biệt vọng trần điên đảo, sống được với tâm thể thì an ổn, thanh tịnh, giải thoát. Chỉ vậy thôi. Với thiền sư thì nhanh hơn, thộp cổ bảo “nói”, mà nói thì bị đánh. Gật đầu cho xong.

Thật chí lý… Thật thậm thâm.

Kính trân trọng,

Kính ngưỡng Thiền Sư Tịnh Không,
… Đệ tử nối pháp Minh Sư Đạo Huệ (1)
Đến Sùng Phước xuất gia rồi Khai Quốc trụ trì (2)
Sáu năm hạnh đầu đà, rất đại lương…
………” Tự do cứ lấy đi ” (3)
Tiết tháo, tự tại thong dong …
……. “Danh Tăng”, Vua ban tặng ! (4)

Ý Tổ, Kinh sách đều chỉ rõ …
Vượt ngã, pháp chấp …cửa Đạo tiến thẳng
Mọi con đường phải hướng đến Bất Nhị Pháp môn
Bản kinh Duy Ma Cật sở thuyết … im bặt ngữ ngôn
Câu chuyện Thiền Sư Thiện Hội triệt ngộ … minh chứng (5)

Mượn tích sử hành trạng Ngài … liễu tri đại dụng !!!
Đạo là gì ! Ngộ là gì ? Cái sẵn có của riêng mình
Đối đáp giữa Sư Tịnh Không và các tăng sinh (6)
Thể tánh Tinh Minh hằng hữu … khéo tự lo gìn giữ (7)

Tổ Sư thiền, Như Lai Thiền phải nên trân quý
Chỉ là … luôn chánh niệm từng mỗi sát na
Vén màn vô minh … thường quên nay nhớ … Nhận ra
CÁI CHỖ BIẾT KHÔNG PHẢI CHỖ CỦA TAI MẮT(8)

Đại được Phật Tánh… cơ duyên kỳ đặc ) (9)
” Trong cái thấy chỉ là cái thấy ” … tự nhắc lòng
Mặt trời tự chiếu khi tâm địa nhược không (10)
Bình thường Tâm thị đạo, nhật nguyệt trùm khắp !(11)

Nam Mô Thiền Sư Tịnh Không tác đại chứng minh.

Huệ Hương – Melbourne 14/10/2021
_______________________

Chú thích :

(1) Một hôm, có một vị Thiền khách đến chùa Sư, hỏi thăm sự tu hành, biết Sư chưa đạt yếu chỉ Thiền tông, liền giới thiệuSư đến tham vấn Thiền sư Đạo Huệ ở núi Tiên Du, Sư bèn giao chùa đi thẳng đến núi Tiên Du.
Đến nơi Sư hỏi Đạo Huệ:
– Nơi này có tông chỉ Thiền tông chăng?

Đạo Huệ đáp:
– Nơi đây tông chỉ chẳng phải không, nhưng Xà-lê làm sao đảm nhận?
Sư suy nghĩ trả lời. Đạo Huệ nạt:
– Ngay trước mặt đã lầm qua rồi!

Sư liền lãnh hội yếu chỉ. Sư ở lại đây hầu hạ thầy ba năm.

(2) Thiền sư Tịnh Không gốc Người Trung Hoa, họ Ngô, quê ở Phúc Châu, sanh năm 1091, tịch năm 1170, đời thứ 10 dòng Vô Ngôn Thông.
Ban đầu đến viện Sùng Phước trong bản châu xuất gia và thọ giới Cụ túc.
Năm ba mươi tuổi, Sư đi hành cước phương Nam đến chùa Khai Quốc, phủ Thiên Đức dừng lại trụ trì.

(3) Khoảng năm sáu năm chuyên tu hạnh đầu-đà, ngày chỉ dùng một ít đậu, một ít mè, ngồi hoài không ngủ. Mỗi khi Sư nhập định đến nhiều ngày mới xuất. Đàn thí bốn phương đem lễ vật cúng dườngchất cao như núi. Những kẻ gian đến rình mò, Sư trông thấy bảo: “Tự do lấy đi.”

(4) Bà công chúa Nam Khương ý muốn xuất gia, sắp soạn lễ vật định xin xuống tóc.
Triều đình hay được, xuống chiếu bắt Sư vào triều.
Vào đến cửa khuyết, thần sắc Sư vẫn bình thường,
Vua thấy thế càng thêm kính nể, bái phong là bậc danh Tăng.

(5) Từ hai câu đầu tiên trong bài kệ Khi thượng đường Sư dạy chúng
Thượng vô phiến ngõa giá,
Hạ vô trác chùy địa.
Hoặc dịch phục trực nghệ,
Hoặc sách trượng nhi chí.
Chuyển động xúc xứ gian.
Tợ long dước thôn nhĩ.

Dịch :
Trên không mếng ngói che,
Dưới không đất cắm dùi.
Hoặc đổi áo thẳng đến,
Hoặc xách trượng mà đi.
Khoảng chuyển động xúc chạm.
Tợ rồng vẫy đớp mồi.

Dẫn đến câu chuyện của Ngài Giáp Sơn Thiện Hội đắc pháp với Hoa Đình Thuyền Tử ( TS Đức Thành )

Hoa Đình Thuyền Tử là tên của thiền sư Đức Thành.
Thiền sư Đức Thành cùng Vân Nham Đàm Thạnh, Đạo Ngô Viên Trí là bạn đồng học thâm giao ( ba đệ tử của Ngài Dược Sơn ).

Khi rời Dược Sơn Sư bảo hai bạn :
Hai huynh mỗi người sẽ ở một nơi để dựng lập tông chỉ Dược Sơn, riêng tôi tánh tình quê mùa, chỉ ưa sơn thủy làm vui thú. Ngày sau hai huynh biết tôi ở đâu, giới thiệu cho một người, tôi sẽ đem chuyện bình sanh thọ nhận trao lại, gọi là đền đáp ơn của tiên sư.
Chia tay nhau, Sư đến Tú Châu, sông Ngô, Bến Hoa Đình làm người chèo đò tùy duyên độ nhật. Người thời ấy gọi Sư là Thuyền Tử Hòa Thượng

Sau này, thiền sư Viên Trí, Đạo Ngô có dịp đi đến Kinh Khẩu, gặp lúc Sư Thiện Hội thượng đường.
Có vị tăng hỏi : “Thế nào là pháp thân ?” Thiện Hội đáp : “Pháp thân không tướng”. Tăng hỏi : “Thế nào là pháp nhãn ?” Thiện Hội đáp : “Pháp nhãn không vết”.
Viên Trí bất chợt phát cười.
Thiện Hội xuống tòa hỏi Viên Trí :
Tôi vừa đáp câu hỏi của tăng, chắc có chỗ không đúng khiến Thượng tọa phát cười, xin Thượng tọa từ bi chỉ dạy.
Viên Trí bảo :
Hòa Thượng nhất đẳng (bật nhất) là đúng, về phần xuất thế thì chưa có thầy.
Chỗ nào tôi không đúng, mong Thượng tọa vì tôi nói phá.
Tôi hoàn toàn không nói, mời Hòa Thượng đến Hoa Đình Thuyền Tử.
Người ấy như thế nào ?
Người ấy trên không có miếng ngói, dưới không có mũi dùi.
Hòa Thượng muốn đi xin đổi y phục.
Thiện Hội bèn giải tán chúng, sửa sang hành lý, đi thẳng đến thiền sư Đức Thành.
Vừa thấy Thiện Hội đến, Sư liền hỏi:
– Đại đức trụ trì chùa nào?
Thiện Hội thưa:
– Chùa tức chẳng trụ, trụ tức chẳng giống.
– Chẳng giống, giống cái gì?
– Chẳng pháp trước mắt.
– Ở đâu học được nó?
– Chẳng phải ở chỗ mắt tai đến
thiền sư Đức Tành cười bảo : “
Một câu hợp đầu ngữ, muôn kiếp cọc cột lừa.
Thả ngàn thước tơ ở đầm sâu, lià lưỡi câu ba tất nói mau, nói mau”.

Thiện Hội vừa mở miệng, thiền sư Đức Thành đánh một chèo té xuống nước.
Thiện Hội vừa leo lên thuyền, thiền sư Đức Thành lại thúc : “Nói ! Nói!”
Thiện Hội vừa mở miệng, lại bị thiền sư Đức Thành đánh.
Thiện Hội hoát nhiên đại ngộ, bèn gật đầu ba cái.
Còn ngôn ngữ do ý nghĩ phát sinh là còn chưa thấy Tánh

(6) Có vị Tăng đến hỏi:
– Từ trước chỉ thẳng là nói cái gì?

Sư đáp:
– Ngày ngày đi gặt lúa, giờ giờ kho lẫm không
(Nhật nhật khứ hoạch hòa,
Thì thì không thương lẫm.)

– Con chẳng hội.
Sư đáp
– Nhật nguyệt hằng sáng, mây nổi phủ che ( Nhật nguyệt trường minh, phù vân cái ấm ).

Sư nói kệ:
Người trí không ngộ đạo,
Ngộ đạo tức kẻ ngu.
Khách nằm thẳng duỗi chân,
Nào biết ngụy và chân.

(Trí nhân vô ngộ đạo,
Ngộ đạo tức ngu nhân.
Thân cước cao ngọa khách,
Hề thức ngụy kiêm chân).

HT Thích Thanh Từ thường nhắc đến Thể tánh Tịnh Mình trong kinh Lăng Nghiêm ….

Đạo là Thể tánh tịnh minh Cái sẵn có của riêng mình đâu có gì được hay mất mà phải Ngộ Chỉ là từ lâu bị vô minh che lấp nên mình thường quên , nay nhờ có trí tuệ soi sáng đột nhiên nó hiển hiện lại… gọi là Ngộ.

(7) Năm thứ tám niên hiệu Chính Long Bảo Ứng (1170) đời Lý Anh Tông, sắp tịch Sư từ giã chúng dặn:
– Các ngươi khéo tự gìn giữ như lúc ta còn, chớ nhiễm thế gian sanh ra quyến luyến.

Đến nửa đêm, Sư ngồi kiết-già mà tịch, thọ hơn tám mươi tuổi.

(8) Trích đọan đối đáp của thiền Sư Thiện Hội và Thiền Sư Đức Thành

Vừa thấy Thiện Hội đến, Sư liền hỏi:
– Đại đức trụ trì chùa nào?
Thiện Hội thưa:
– Chùa tức chẳng trụ, trụ tức chẳng giống.
– Chẳng giống, giống cái gì?
– Chẳng pháp trước mắt.
– Ở đâu học được nó?
– Chẳng phải ở chỗ mắt tai đến.

(9) – Ý Tổ và ý kinh là đồng là khác?
• Muôn dặm nhờ thuyền đều đến triều vua.
– Hòa thượng có việc kỳ đặc, tại sao không nói cho con?
• Ngươi thổi lửa, ta hốt gạo, ngươi khất thực, ta giữ bát, ai mà cô phụ ngươi?

(10) Đây là lời khai thị của Tổ Bách Trượng cho một tăng sinh mà Ngài VÔ Ngôn Thông đã liễu ngộ
(Thiền sư Vô Ngôn Thông khi đến đạo tràng của tổ Bá Trượng đã là một Thượng tọa rồi, rất chững chạc trong giờ học pháp. Nhân vị tăng hỏi, Hòa thượng đường đầu trả lời: Đất tâm nếu không, mặt trời trí tuệ tự chiếu. Ngang đây ngài ngộ đạo. Tâm không có vọng tưởng thì trí tuệ hiển hiện, quá rõ ràng.)

(11) Tăng hỏi:
– Thế nào là Phật?
Sư đáp:
– Nhật nguyệt sáng trời trùm ức cõi,
Ai biết mây mù rơi núi sông.
(Nhật nguyệt lệ thiên hàm ức sát,
Thùy tri vân vụ lạc sơn hà.)

– Thế nào hội được?
Sư đáp :
– Mục đồng chỉ thích nằm lưng trâu,
Kẻ sĩ thường khoe được anh hùng.
(Mục đồng chí quán ngọa ngưu bối,
Thổ hữu anh hùng khóa đắc y.)

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.