Đời Sống Sau Khi Chết – Chương 8 & 9 (LIFE AFTER DEATH)

CHƯƠNG 8: NHỮNG CON NGƯỜI HOẠT ĐỘNG TRONG CÕI VÔ HÌNH

Có hai hạng người mà sự can thiệp vào các sự việc của loài người có thể xảy ra, và trong cả hai trường hợp thì họ cũng là những con người giống như chúng ta, không cách xa trình độ của chính chúng ta. Hạng thứ nhất bao gồm những người mà ta gọi là những người chết. Ta nghĩ rằng họ ở cách xa vạn dặm nhưng đó chỉ là một sự hão huyền; họ ở rất gần chúng ta và mặc dù trong sự sinh hoạt mới của mình họ thường không thấy được thể xác của ta, nhưng họ có thể và ắt thấy được thể vía của ta, do đó họ biết được mọi xúc cảm và xúc động của ta. Vì vậy, họ biết khi nào chúng ta gặp rắc rối và khi nào ta cần được giúp đỡ, đôi khi có xảy ra trường hợp họ có thể giúp đỡ được. Vậy là ở đây ta có một số rất lớn những người có thể giúp đỡ được và đôi khi can thiệp vào những sự vụ của con người. Đôi khi thôi chứ không thường xuyên lắm, vì người chết lúc nào cũng đều đều triệt thoái vào bản thân, do đó nhanh chóng thoát ra khỏi sự tiếp xúc với những việc trên cõi trần; những người tiến hóa cao nhất và do đó là những người hữu ích nhất cho người khác thì lại chính là những người phải xa lìa trần thế nhanh nhất. Thế nhưng chắc chắn có những trường hợp mà người chết can thiệp vào những sự vụ của con người; thật vậy, có lẽ những trường hợp như thế nhiều hơn ta tưởng, vì trong nhiều trường hợp công việc thực hiện chỉ là ám thị vào tâm trí của một người nào đó vẫn còn sống trên cõi trần, và y thường vẫn không có ý thức về nguồn gốc của sự cảm hứng hay ho này. Đôi khi người chết cũng cần tới một mục đích dành cho con người nên phải hiện hình ra và chỉ khi đó thì chúng ta mới thấy rằng mình đã quá mù quáng nên không biết được tư tưởng đầy yêu thương của người chết dành cho chúng ta. Ngoài trường hợp đó ra thì y không thể luôn luôn tùy tiện hiện hình ra được; có thể có nhiều lúc y cũng cố gắng giúp đỡ nhưng không thể làm được như vậy, và hầu như lúc nào ta cũng chẳng biết tới đề nghị của y. Thế nhưng cũng có những trường hợp như thế, và trong quyển sách của tôi tựa đề là Phía Bên Kia Cửa Tử ta thấy có một số trường hợp như vậy được tường thuật lại.

Ta có thể thấy hạng người thứ hai trong số những người giúp đỡ bao gồm những kẻ có thể hoạt động một cách hữu thức trên cõi trung giới trong khi còn sống, hoặc có lẽ chúng ta nên nói rằng trong khi còn ở trong xác phàm vì các từ ngữ “Đang sống” và “Đã chết” thực ra đã được áp dụng sai lầm một cách tức cười trong ngôn ngữ bình thường.

Chính chúng ta – vốn bị giam hãm trong cái loại vật chất trên cõi trần này, bị chôn vùi trong đám sương mù u ám và náo nhiệt của sinh hoạt trên cõi trần, bị mù quáng đi bởi lớp màn dày đặc che khuất chúng ta khỏi biết bao nhiêu ánh sáng và sự vinh quang đang tỏa chiếu xung quanh ta – mới chắc chắn là đã chết; chứ còn những người tạm thời đã vứt bỏ được gánh nặng của xác thịt, đứng giữa chúng ta chói lọi, hoan hỉ, dũng mãnh, tự do hơn và có nhiều năng lực hơn hẳn chúng ta, những người này đâu có chết.

Những người nào trong khi vẫn còn sống ở cõi trần mà đã học được cách sử dụng thể vía của mình, và trong một số trường hợp sử dụng được cả thể trí của mình nữa, những người đó thường là đệ tử của các Chơn sư mà ta đã nói trước kia. Họ không thể làm được công việc mà các Chơn sư thực hiện vì quyền năng của họ chưa phát triển; họ chưa thể hoạt động tự do trên các cõi cao nơi mà Chơn sư có thể tạo ra những kết quả tuyệt vời xiết bao; nhưng họ có thể làm được một điều gì đó ở các cảnh thấp hơn và họ rất biết ơn vì đã được phục vụ theo bất cứ cách nào mà Chơn sư cho rằng tốt nhất đối với họ, và họ đảm nhiệm những công việc trong phạm vi khả năng của mình. Vì vậy đôi khi xảy ra trường hợp, họ thấy một người nào đó gặp rắc rối hoặc đau khổ mà họ có thể làm nhẹ bớt gánh nặng đi và họ vui lòng cố gắng thực hiện điều mà mình có thể làm được. Họ thường có thể trợ giúp cả người sống lẫn người chết, nhưng ta phải luôn luôn nhớ rằng họ làm việc có điều kiện. Khi những quyền năng và sự rèn luyện như thế được ban cho một người thì điều kiện để được ban cấp là y phải bị sự ngăn cấm. Con người không bao giờ được dùng chúng một cách ích kỷ, không bao giờ được phô trương chúng để thỏa mãn óc tò mò, không bao giờ được dùng chúng để tọc mạch vào chuyện của người khác, không bao giờ được phô trương điều gọi là những sự trắc nghiệm ở những buổi lên đồng của thần linh học – điều này có nghĩa là y không bao giờ được làm bất cứ thứ gì có thể tỏ ra là một hiện tượng phép lạ trên cõi trần. Nếu muốn, y có thể mang một thông điệp tới cho người chết, nhưng sẽ vượt ngoài tầm của y khi y muốn đem một thông điệp trả lời từ người chết trở lại cho người sống trừ phi điều này được thực hiện theo huấn lệnh trực tiếp của Chơn sư. Như vậy, đoàn thể những người phò trợ vô hình tự thân nó không tạo thành một phòng thám tử, không phải là một văn phòng thông tin trên cõi trung giới mà chỉ âm thầm làm công việc đó khi nó được giao phó cho mình hoặc khi nó xảy ra trên bước đường hành hiệp của mình.

Giờ đây ta hãy xem một người có thể làm điều đó ra sao và có thể trợ giúp như ta mô tả ra sao để cho ta có thể hiểu được đâu là những giới hạn của quyền năng này, và để xem trong một chừng mực nào đó bản thân ta có thể đạt tới mức ấy ra sao. Trước hết ta phải nghĩ xem trong khi ngủ thì một người rời bỏ thể xác của mình như thế nào. Y rời bỏ thể xác để cho nó có thể được hoàn toàn yên nghỉ; nhưng bản thân y tức linh hồn đâu có cần nghỉ ngơi vì y đâu có cảm thấy mệt mỏi. Chỉ có thể xác mới cảm thấy mệt mỏi thôi. Khi ta nói tới sự mệt trí, thực ra đó là cách gọi sai lầm vì chính bộ óc mệt mỏi chứ cái trí không mệt mỏi. Vậy thì trong khi đang ngủ, con người chỉ đang sử dụng thể vía thay vì là thể xác, và chỉ có thể xác mới yên ngủ chứ bản thân con người thì không. Thật ra nếu ta dùng thần nhãn quan sát một người dã man đang ngủ thì có lẽ ta sẽ thấy rằng y hầu như cũng yên ngủ giống như thể xác của mình – nghĩa là y có rất ít ý thức rõ rệt trong thể vía mà y đang ở trong đó. Y không thể đi xa ra khỏi vùng lân cận ngay kế đó của thể xác đang yên ngủ và nếu người ta thử lôi kéo y ra xa thì y sẽ tỉnh dậy và rất hãi hùng.

Nếu ta khảo sát một người văn minh hơn, chẳng hạn như một người trong đám chúng ta, thì chúng ta sẽ thấy khác nhau rất nhiều. Trong trường hợp này, con người ở trong thể vía tuyệt nhiên klhông hề vô ý thức mà hoàn toàn chủ động suy tư. Tuy nhiên, y cũng có thể rất ít quan tâm tới môi trường xung quanh giống như người dã man, mặc dù tuyệt nhiên không phải với lý do giống như vậy. Người dã man không thể thấy được, còn người văn minh bị cuốn chìm trong đám tư tưởng của mình đến nỗi y cũng chẳng thấy gì mặc dù y có thể thấy được. Y đã có sau mình một thói quen từ lâu đời trải qua hằng chuỗi kiếp sống dài dằng dặc trong đó các năng lực của thể vía chưa hề được sử dụng vì những năng lực này tăng trưởng dần dần bên trong một lớp vỏ giống như một con gà lớn lên bên trong quả trứng. Lớp vỏ này bao gồm một khối rộng lớn những tư tưởng qui ngã (self-centred thought) mà người phàm phu đã bị chôn vùi một cách tuyệt vọng trong đó. Cho dù tư tưởng làm tâm trí y bận rộn chủ yếu trong ngày vừa qua có bản chất ra sao đi nữa, thì y thường tiếp tục suy nghĩ như vậy khi ngủ thiếp đi và thế là y bị bao vây bởi một bức tường dày đặc do chính mình tạo ra đến nỗi mà y thực tế chẳng biết gì về điều đang diễn ra ở bên ngoài. Đôi khi một ấn tượng mạnh mẽ nào đó từ bên ngoài hoặc một ham muốn mạnh mẽ nào đó của chính y từ bên trong có thể nhất thời xé toạc ra bức màn sương mù này khiến cho y có thể nhận được một ấn tượng rõ rệt nào đó; nhưng ngay cả khi ấy thì màn sương mù lại hầu như ngay tức khắc buông xuống và y lại mơ mộng không tỉnh thức giống như trước.

Bạn ắt tự hỏi liệu y có thể thức tỉnh được chăng? Có chớ, điều này có thể xảy ra đối với y theo bốn phương thức khác nhau. Một là, trong tương lai xa xôi, sự tiến hóa chậm chạp nhưng chắc chắn của con người nhất định sẽ dần dần xua tan được màn sương mù. Hai là, bản thân con người vì đã học biết được sự thật về trường hợp này có thể tinh tấn, kiên trì và đều đặn xé toạc màn sương mù từ bên trong, và từng bước khắc phục được sự ù lì do kết quả của biết bao nhiêu thời kỳ không hoạt động. Trước khi ngủ thiếp đi, y có thể quyết tâm sao cho khi y rời bỏ thể xác thì y sẽ cố gắng tỉnh thức để nhìn thấy một điều gì đó. Đây chỉ là việc đẩy nhanh quá trình của thiên nhiên và việc đó chẳng có hại gì nếu trước đó con người đã phát triển được óc suy xét phải trái thông thường và những đức tính luân lý. Nếu y thiếu những điều kiện này thì rất tiếc là y có thể gặp nhiều phiền não vì y gặp một nguy cơ gấp đôi là lạm dụng những quyền năng mà mình có thể đạt được, và bị tràn ngập bởi sự sợ hãi khi đương đầu với những lực lượng mà mình có thể hiểu được hoặc kiểm soát được. Ba là, đôi khi có xảy ra việc một tai nạn nào đó hoặc một sự lạm dụng không chính đáng nào đó các nghi thức pháp thuật đã xé rách bức màn đến nỗi mà nó chẳng bao giờ có thể hoàn toàn khép kín trở lại được nữa. Trong trường hợp như thế, con người bị bỏ mặc cho rớt vào tình trạng khủng khiếp đã được mô tả rất hay trong câu chuyện ‘Một Cuộc đời bị Quỉ ám’ của bà Blavatsky, hoặc trong quyển tiểu thuyết đầy thần thông Zanoni của ngài Lytton. Bốn là một người bạn nào đó vốn biết rất rõ con người này và tin rằng y có thể xua tan được những nguy cơ của cõi trung giới để làm việc tốt đẹp và vị tha trên cõi này, thì người bạn đó có thể tác động lên lớp vỏ sương mù này từ bên ngoài và dần dần khơi dậy con người ấy đạt được những khả năng cao siêu. Nhưng người bạn sẽ không làm như thế nếu y không cảm thấy hoàn toàn tin chắc vào con người này, tin vào lòng can đảm và tận tụy của con người này, tin rằng y có được những phẩm tính tốt đẹp cần thiết để làm việc thiện. Nếu xét theo mọi khía cạnh này mà y được đánh giá là thỏa đáng, thì y có thể được mời gọi gia nhập vào hàng ngũ những vị phò trợ vô hình.

Bây giờ ta xét tới công việc mà những người phò trợ như thế có thể làm được. Tôi đã đưa ra nhiều sự minh họa về điều này trong quyển sách nhỏ do tôi viết mang tựa đề là Những vị phò trợ vô hình, vì vậy giờ đây tôi sẽ không thuật lại những câu chuyện ấy nữa mà thay vào đó sẽ cung cấp cho bạn một vài ý tưởng chủ đạo về các loại công việc khác nhau mà người ta thường thực hiện nhiều nhất. Dĩ nhiên là nó thuộc nhiều loại rất khác nhau và hầu hết tuyệt nhiên không có tính cách trần tục; có lẽ tốt hơn ta nên chia nó ra thành công việc với người còn sống và công việc với người đã chết.

Việc an ủi và vỗ về trong trường hợp phiền não hoặc bệnh tật đôi khi tỏ ra là một công việc tương đối dễ dàng, một việc mà người ta thường thực hiện cũng chẳng cần biết ai làm điều đó.

Thường thường người ta cố gắng dàn xếp những cuộc cãi cọ để hòa giải giữa những người từ lâu rồi đã bị ngăn cách với nhau do một sự dị biệt nào đó về ý kiến hoặc mối quan tâm. Đôi khi người ta có thể cảnh báo cho người khác về một mối nguy cơ lớn lao nào đó đang treo lơ lửng trên đầu họ, và như vậy có thể tránh được một tai nạn. Đã có những trường hợp trong đó người ta thực hiện điều này ngay cả đối với một vấn đề thuần túy trên cõi trần, mặc dù thông thường hơn thì những sự cảnh báo đó nhằm vào mối nguy cơ về đạo đức. Đôi khi người ta được phép đưa ra một lời cảnh báo long trọng cho kẻ nào đang sống một cuộc đời vô luân và như vậy giúp cho y trở lại con đường chính trực. Nếu người phò trợ ngẫu nhiên biết được có một lúc đặc biệt rắc rối cho bạn mình, thì họ sẽ cố gắng kề vai sát cánh với y trải qua giai đoạn đó, tăng viện và an ủi y.

Cũng vậy, trong khi có những tai họa lớn thường có nhiều điều thực hiện được bởi những kẻ mà công việc của họ không được thế giới bên ngoài nhận ra. Đôi khi một hoặc hai người được phép cứu sống, và như vậy có xảy ra những chuyện kể trong một cơn hủy diệt trọn bộ khủng khiếp thỉnh thoảng chúng ta lại nghe nói tới những sự thoát hiểm được đánh giá như là phép lạ. Nhưng điều này chỉ xảy ra khi trong số những người đang lâm nguy có một người không thể bị chết theo kiểu đó – người này không mắc nợ gì định luật Thiêng liêng đến nỗi phải trả nợ theo kiểu đó. Trong đại đa số trường hợp, tất cả những gì mà người ta có thể làm được là thực hiện một nỗ lực nào đó nhằm truyền thêm sức mạnh và sự can đảm cho nạn nhân giáp mặt với điều ắt phải xảy ra để rồi sau đó tiếp dẫn linh hồn khi chúng đã bước sang cõi trung giới, hoan hỷ đón tiếp và trợ giúp họ ở đó.

______________________________

CHƯƠNG 9: SỰ GIÚP ĐỠ NGƯỜI CHẾT

Chương nầy đưa chúng ta tới xem xét điều cho đến nay là phần quan trọng nhất và lớn lao nhất trong công tác này, đó là việc giúp đỡ cho người chết. Trước khi có thể hiểu được điều này chúng ta phải hoàn toàn dẹp sang một bên những ý tưởng thông thường, vụng về và sai trái về sự chết, và tình trạng của người chết. Họ không xa cách với chúng ta, họ không đột ngột thay đổi hoàn toàn, họ không trở thành các thiên thần hoặc ma quỉ. Họ chỉ là những con người giống y hệt như trước kia, cũng chẳng tốt mà cũng chẳng xấu hơn, và họ vẫn cận kề bên chúng ta, bén nhạy với những xúc cảm và tư tưởng của chúng ta hơn bao giờ hết. Chính vì thế mà sự tiếc thương không kềm chế được dành cho người chết vừa sai trái lại vừa ích kỷ. Người chết cảm nhận được mọi xúc động trải qua trong tâm hồn của những người thân thương, và nếu những người này vì thiếu hiểu biết mà đâm ra buồn khổ và ném một đám mây nản lòng tương ứng lên cho người chết, thì điều này sẽ cản đường y khó khăn hơn mức cần thiết nếu bạn của y đã được dạy dỗ cho hiểu rõ.

Như vậy ta có thể dành cho người chết nhiều cách giúp đỡ. Trước hết là nhiều người chết (quả thật là hầu hết những người chết) đều cần được giải thích rất nhiều về thế giới mới mà họ đang ở đó. Lẽ ra tôn giáo của họ đã phải dạy cho họ điều mà họ mong đợi và làm thế nào sống được giữa hoàn cảnh mới đó; nhưng trong hầu hết mọi trường hợp thì tôn giáo lại không làm được điều gì thuộc loại này. Vì vậy mới xảy ra việc rất nhiều người chết ở trong một tình trạng rất khó chịu và những người khác thì rất hãi hùng. Họ cần phải được vỗ về và an ủi, vì khi họ gặp những hình tư tưởng ghê sợ mà họ và thân bằng quyến thuộc đã tạo ra trong hằng thế kỷ (tư tưởng về một con quỉ cá nhân, về một Đấng thiêng liêng giận dữ và tàn ác) thì họ thường có rút về một tình trạng sợ sệt thảm hại, điều này chẳng những vô cùng khó chịu mà còn rất tệ hại cho sự tiến hóa của họ; thường thường thì người phò trợ phải tốn rất nhiều thời giờ và công sức thì mới đưa được người chết vào trong một khuôn khổ tâm trí biết lẽ phải trái hơn.

Có những người mà việc thâm nhập vào sinh hoạt mới mẻ này dường như lần đầu tiên tạo cho họ có cơ hội thấy được chân tướng của mình, và vì vậy có một số người lòng tràn đầy hối hận. Ở đây rất cần có được việc phụng sự của người phò trợ để giải thích rằng cái gì đã qua rồi thì cứ cho nó qua luôn, và sự ăn năn hữu hiệu duy nhất chính là việc quyết tâm không làm điều đó nữa vì rằng cho dù người chết có thể đã làm gì đi chăng nữa thì y cũng chẳng hề bị mất linh hồn và y chỉ bắt đầu từ nơi y đang đứng đó để cố gắng sống cuộc đời chân thực cho tương lai, một số người chết đam mê bám víu lấy trần thế nơi mà mọi tư tưởng và sự chú tâm của họ vẫn còn gắn liền vào đó và họ đau khổ rất nhiều khi thấy mình không kiểm soát được và không thưởng ngoạn được chuyện đời nữa. Những người khác vẫn vướng vòng tục lụy do những tư tưởng tội ác mà họ đã phạm phải, do những bổn phận mà họ còn làm dang dở, trong khi đó đến lượt những kẻ khác lại lo âu về tình trạng của những người thân mà họ còn bỏ lại trên cõi trần. Tất cả những trường hợp này đều cần được giải thích và đôi khi người phò trợ cũng cần phải xen vào chuyện trên cõi trần để thực hiện mong ước của người chết đặng cho y an tâm, thoải mái chuyển tiếp lên những vấn đề cao siêu hơn. Người ta có khuynh hướng chăm chăm vào khía cạnh đen tối của thần linh học: Nhưng chúng ta không được quên rằng thần linh học đã làm được vô số điều tốt trong lãnh vực công tác này khi giúp cho người chết có cơ hội dàn xếp công việc của mình sau khi bất thần lìa đời mà không được báo trước.

Chắc chắn là một tư tưởng rất thú vị khi thời kỳ thể xác cần nhiều sự yên nghỉ lại không nhất thiết là thời kỳ mà chơn nhơn bên trong không hoạt động. Có lúc tôi đã thường cảm thấy rằng thời gian dành để ngủ là thời gian bị lãng phí một cách đáng tiếc. Giờ đây tôi mới hiểu ra được rằng Thiên nhiên đâu có quản lý công việc của mình tệ hại đến mức chịu mất không một phần ba kiếp sống một người. Dĩ nhiên cần phải có một số điều kiện thì mới làm được chuyện đó, nhưng trong quyển sách nhỏ của tôi bàn về đề tài này tôi đã trình bày kỹ lưỡng và dài dòng đến nỗi ở đây tôi chỉ cần đề cập tới chúng thôi – một là y phải nhất tâm và công việc giúp đỡ người khác bao giờ cũng phải là bổn phận đầu tiên và cao nhất của y. Hai là y phải hoàn toàn tự chủ, kiểm soát được tính khí và thần kinh của mình. Y không bao giờ được để cho những xúc động can thiệp chút xíu nào vào công việc của mình, y phải khắc phục được sự giận dữ và sự sợ hãi. Ba là y phải hoàn toàn bình tĩnh thanh thản và vui vẻ. Kẻ nào ưa nản chí và lo âu thì thật là vô dụng, vì phần lớn công việc này là phải trấn an và vỗ về những người khác, thì làm sao họ có thể thực hiện được nếu lúc nào họ cũng ở trong cơn xoáy lốc kích động hoặc lo lắng ? Bốn là người ta phải có tri thức; ngay ở trên cõi này y đã phải học biết được tất cả mọi điều mà y có thể học được về cõi bên kia, vì y không thể trông mong những người ở đó sẽ phí phạm thời giờ quí báu để dạy cho y những điều mà chính y tự học được. Năm là y phải hoàn toàn vị tha. Y phải khắc phục được sự điên rồ của lòng tự ái bị tổn thương và không được nghĩ tới mình trừ phi nghĩ tới công việc mà mình phải làm, sao cho y phải vui lòng làm nhiệm vụ hèn hạ nhất cũng như nhiệm vụ cao cả nhất mà một đằng thì không ganh tị còn một đằng thì không hống hách. Sáu là y phải có một tâm hồn tràn ngập yêu thương không phải là sự đa cảm mà là ý muốn tha thiết phụng sự để trở thành một phương tiện cho tình thương của Thượng Đế vốn vượt xa mức hiểu biết của con người chẳng khác nào sự an bình của Thượng Đế vậy.

Bạn có thể nghĩ rằng đây là một tiêu chuẩn không thể thực hiện được; ngược lại bất cứ người nào cũng có thể đạt được tiêu chuẩn đó. Phải mất thời gian mới đạt được tiêu chuẩn này, nhưng chắc chắn là thời gian đã được tiêu phí một cách thỏa đáng. Ta đừng chán nản quay mặt đi mà hãy bắt đầu làm việc ở đây và ngay bây giờ, cố gắng trở nên thích ứng với nhiệm vu vinh quang này, và trong khi chúng ta đang phấn đấu thì chúng ta đừng chờ đợi trong sự ăn không ngồi rồi mà phải cố gắng đảm nhiệm một công việc nho nhỏ nào đó theo đường lối ấy. Mọi người đều biết có một trường hợp nào đó đang buồn rầu hoặc khốn khổ, cho dù đó là nơi kẻ đang sống hay người đã chết thì cũng không quan trọng. Nếu bạn có biết một trường hợp như thế bạn hãy lưu ý tới nó khi bạn đi ngủ và quyết tâm ngay khi rời bỏ cái xác này bạn sẽ đi đến gặp người đó và cố gắng an ủi y. Bạn không thể biết được kết quả, bạn không thể nhớ được bất cứ điều gì về chuyện này khi buổi sáng bạn tỉnh dậy; nhưng bạn cứ tin chắc rằng quyết tâm của mình sẽ không vô ích đâu, và cho dù bạn có nhớ điều mình đã làm hay chăng, thì bạn ắt biết chắc rằng mình đã làm một điều gì đó. Sớm muộn gì, một ngày nào đó bạn sẽ thấy có bằng chứng là bạn đã thành công. Nên nhớ rằng khi chúng ta giúp người thì chúng ta có thể được người khác giúp đỡ lại. Nên nhớ rằng từ kẻ thấp nhất lên tới người cao nhất, chúng ta đều bị ràng buộc với nhau bởi một sợi dây xích dài của sự liên đới hỗ tương, và mặc dù chúng ta ở trên nấc thang thấp thỏi của cái thang, thì cái thang này vẫn vượt lên qua những đám sương mù trần tục tới tận nơi mà ánh sáng của Thượng Đế luôn luôn chói lọi.

HẾT

Charles Webster Leadbeater – Tâm Như dịch ( Theo chuabuuchau.com.vn )

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.