Phẩm Thứ Ba
NIỆM PHẬT CÔNG ĐỨC
Kinh Văn:
Lúc bấy giờ, Ngài Phổ Hiền Bồ Tát liền nhập Nhất Thiết Phật Độ Thể Tánh Tam Muội, tất cả Bồ Tát và đại chúng đều thấy thân mình ở trong thân của Phổ Hiền Bồ Tát.
Phẩm này có tên là Niệm Phật Công Đức. Bốn chữ: “Niệm Phật Công Đức” ý nghĩa rất quan trọng. Thiết nghĩ, chúng ta cũng nên tìm hiểu sơ qua về danh đề của phẩm này. Trước hết, chúng ta nên tìm hiểu niệm Phật như thế nào mới có được công đức? Và công đức là gì? Sự khác biệt giữa công đức và phước đức ra sao? Có hiểu rõ hai chữ công đức thì chúng ta mới có thể hiểu được phẩm này. Như chúng ta đã biết, hai chữ “Niệm Phật” như kinh này nói, thì nó không mang ý nghĩa tầm thường là chỉ có miệng niệm Phật suông thôi. Nếu niệm Phật như thế thì làm sao được công đức? Muốn có được công đức tất nhiên, là chúng ta phải dùng tâm mà niệm. Nghĩa là phải thành tâm hết lòng chí thành tha thiết mà niệm. Chữ “Niệm” này nghĩa là không bị dính kẹt vào hai đầu: “quá khứ và tương lai”. Chỉ có một niệm hiện tiền, nói cách khác chỉ có cái “Biết” hiện tiền, không có một niệm nào khác.
Còn nói về công đức, thì theo Kinh Pháp Bảo Đàn, đức Lục Tổ Huệ Năng có giải thích như sau:
“Công đức là ở trong pháp thân, không phải do tu phước mà được. Tổ lại nói:”Thấy tánh ấy là công, bình đẳng ấy là đức. Mỗi niệm không ngưng trệ, thường thấy bản tánh, chân thật diệu dụng gọi là công đức… Mỗi niệm không có gián đoạn ấy là công, tâm hành ngay thẳng ấy là đức…”
Tổ lại nói rõ sự khác biệt giữa công đức và phước đức: “Công đức phải là nơi tự tánh mà thấy, không phải do bố thí cúng dường mà cầu được. Ấy là phước đức cùng với công đức khác nhau”. Như vậy công đức có ra là do hành giả niệm Phật tương tục, tức tịnh niệm nối luôn và chỉ có một tâm thể vắng lặng sáng suốt hiện tiền đó mới thực là “Niệm Phật Công Đức”.
Mở đầu của Phẩm này là nêu lên ngài Phổ Hiền Bồ tát nhập: “Nhất Thiết Phật Độ Thể tánh Tam Muội”, nói gọn là nhập vào chánh định, bởi tất cả cõi Phật không ngoài bản tâm, khi tâm được chánh định rồi thì không có vật nào ngoài tâm cả. Vì thế nên nói: “Tất cả Bồ tát và đại chúng đều thấy thân mình ở trong thân của Phổ Hiền Bồ Tát”. Đây là ý nghĩa: “một là tất cả, mà tất cả là một”, theo lý “Tương tức, Tương nhập” của Kinh Hoa Nghiêm. Tương tức là cái này cũng chính là cái kia. mà cái kia thì đi vào trong cái này. Theo David Bohm, một nhà vật lý học hiện đại, khi nhìn các sự vật trong thế giới, chúng ta thấy mọi sự mọi vật tồn tại ngoài nhau; nhưng nhìn kỹ thì chúng ta có thể đi vào một thế giới mà trong đó tất cả mọi cái nằm trong một cái.
“David Bohm ( 1917 – 1992 ) gọi thế giới mà trong đó sự vật tồn tại riêng rẽ The explicate order. Thế giới mà “cái một” chứa đựng tất cả những cái khác, David Bohm gọi là The implicate order. Đây là ngôn ngữ Hoa Nghiêm. Các nhà khoa học vật lý lượng tử khi đi sâu vào thế giới của những chất điểm (particles) đã buông bỏ được rất nhiều những ý niệm trong ngoài; tự tha. Chính các nhà bác học này đã nói: “Một nguyên tử được làm bằng những nguyên tử khác, một điện tử được làm tất cả điện tử khác”. Khi học Phật chúng ta thấy rất rõ về yếu lý này. Trong ta có chứa đựng tất cả vạn hữu vũ trụ : trong tôi có anh, trong anh có tôi. Tôi không ngoài anh, anh cũng không ngoài tôi. “Cái này có vì cái kia có, cái này không vì cái kia không”. Giáo lý duyên khởi khi phát triển đến độ cùng cực thì ta thấy trùng trùng duyên khởi: “một là tất cả, tất cả là một” ( Duy Biểu Học – Thích Nhất Hạnh ).
Ta có mặt ta trong đám mây
Trải dài hoa lá khắp rừng cây
Nơi nào cũng có ta trong ấy
Cùng dựng mùa xuân để đắp xây
Tôi thấy hạt mưa rất thân quen
Hạt mưa không nói sự sang hèn
Sang hèn là tại ta phân biệt
Đã chết lâu rồi trong đảo điên
Không có thứ gì chẳng phải ta
Sống chết là hai mặt khác là
Ai còn lầm nhận phân chia ấy
Thế giới điên cuồng khổ tại ta
Cực lạc đâu xa tại Ta bà
Có gì chẳng phải ở tâm ta
Muôn pháp thảy đều quy một chữ
Một là tất cả khắp hằng sa.
( Thích Phước Thái )