Hạnh Phúc Kỳ Diệu – Chương VII

Chương 7 – SỐNG LÀNH MẠNH VÀ HẠNH PHÚC LÀ PHÉP LẠ LỚN NHẤT CỦA CON NGƯỜI

Đức Phật là một vị Đại Thần Thông và thần thông lớn nhất, phép lạ lớn nhất là Ngài sống rất thọ, rất an vui mà chúng ta gọi là trạng thái Niết Bàn, cho đến lúc Ngài từ giã cuộc sống để trở về chốn an vui vĩnh cửu. Tuy là có đầy đủ thần thông nhưng Ngài không cho việc đi qua trên nước, bước qua lửa hay bay lên không là điều đặc biệt mà Ngài dạy chúng ta cách sống cuộc sống thật an vui, lành mạnh, giác ngộ là điều quan trọng hơn cả.

Nhiều người chúng ta thích xem người khác thực hành phép lạ mà quên rằng mỗi người chúng ta đều có khả năng như nhau trong việc thực hành các phép lạ ấy. Do đó, khi nghe ai có “thần thông” thì chúng ta háo hức tìm đến xem và kính phục họ mà quên đi mình cũng có khả năng thực hiện những điều kỳ lạ đó. Ngoài ra, như lời Phật dạy, phép lạ lớn lao và chân thật nhất là sống đời tràn đầy an vui, hạnh phúc trong cuộc sống này. Được như thế còn hơn gấp trăm ngàn lần đi được trên lửa (mà bất kỳ ai tu tập Diệu Pháp Thiền Tịnh với tâm thành là có thể thực hành được), bước được trên nước, đọc được tư tưởng người khác, v.v… mà luôn luôn sống trong lo sợ, giận dữ, buồn phiền và khổ đau.

Chính đức Đạt Lai Lạt Ma thứ XIV đã luôn luôn nhắc nhở chúng ta đừng để ý nhiều đến thần thông, đến các phép lạ khi tìm đến Phật giáo nói chung và Mật Tông Tây Tạng nói riêng, mà nên chú tâm đến thực hành đời sống an vui, lành mạnh, thông minh và hạnh phúc cao vút nhất mà con người có thể đạt được ngay trong chốn trần gian này. Khi chúng ta sống đời sống với tình thương yêu rộng lớn, sự hiểu biết chân thật cùng nguồn hạnh phúc bao la thì các phép lạ, các thần thông tự nhiên xuất hiện. Sống an vui hạnh phúc mới chính là phép lạ cao quý nhất của con nguời của thế kỷ thứ hai mươi hiện nay.

Tu Tập Diệu Pháp Thiền Tịnh Hay Thực Hành Phép Lạ Của Hạnh Phúc

Tất cả hệ thống tu tập của Phật giáo quy về một cứu cánh duy nhất. Giúp cho nhân loại khám phá khả năng kỳ diệu của mình để đạt được hạnh phúc cao vút nhất mà con người có thể đạt được. Hạnh phúc ấy gồm sự thoải mái, lành mạnh, tươi mát của cơ thể và niềm an vui sâu đậm, ấm áp, tràn đầy, tích cực cùng sự tự do huyền diệu của tâm linh. Nói khác đi, đạo Phật chỉ cho chúng ta phương pháp biểu lộ Chân Tâm, Phật Tánh, Tâm An Vui Rộng Lớn Bao La tràn đầy tình thương yêu trong lành, sự thông minh tươi mát bén nhạy, sự hiểu biết rõ ràng chân thật trong các hoạt động thường ngày.

Khi cái tâm an vui chân thật ấy biểu lộ tràn đầy thì thân thể và tinh thần chúng ta không còn là hai thứ tách biệt mà chỉ là cái một, cái tích cực, cái rộng lớn bao la trong một thân thể con người, cái nồng ấm an vui sâu thẳm và cao vút, cái năng lượng tràn dâng của hiện hữu, của dòng sống, cái kỳ diệu tuyệt vời của đời sống mỗi chúng ta. Một người an vui hạnh phúc là một người hoàn toàn lành mạnh về tinh thần. Một người lành mạnh về tinh thần biết cách làm cho thân thể mình được khỏe mạnh: Không lạm dụng rượu chè, các chất ma túy, thuốc lá hay ăn uống quá độ làm cho thân thể bệnh tật.

Như thế, thực hành Diệu Pháp Thiền Tịnh chúng ta không những xả trừ mọi thứ khổ đau, phiền não mà còn biết cách làm cho bệnh tật tiêu trừ (y khoa chữa trị), phòng ngừa các bệnh tật (y khoa phòng ngừa) và duy trì một sức khỏe tối đa trong đời sống hàng ngày của mình (nỗ lực cá nhân trên con đường sống an vui, lành mạnh và hạnh phúc cùng chọn lựa con đường Y Đạo tức là tiến thêm một bước nữa trên Y Khoa Phòng Ngừa). Đó chính là cuộc cách mạng chân thật nhất và cao quý nhất mà mỗi người chúng ta phải thực hiện để đạt đến niềm hạnh phúc cao vút nhất của con người.

Diệu Pháp Thiền Tịnh là sự phối hợp những gì tinh hoa nhất của Thiền Tông, Tịnh Độ Tông và Mật Tông cùng những kỹ thuật chữa trị bệnh tật, phòng ngừa bệnh tật và cách xây dựng một nền tảng vững chắc nhất cho sức khỏe thể chất và tâm thần tân tiến nhất hiện đại. Nói khác đi, khi thực hành Diệu Pháp Thiền Tịnh, chúng ta thực sự hưởng được những thứ tinh hoa nhất, tốt đẹp nhất và quý báu nhất mà tôn giáo và y khoa tìm ra.

Những gì mà đức Phật dạy về vũ trụ, vạn vật cùng đời sống con người trên 2500 năm nay đã được các nhà khoa học chứng minh là đúng trong các ngành vật lý nguyên tử, vũ trụ học, tâm lý học, giáo dục, y khoa chữa trị và phương pháp phòng ngừa. Diệu Pháp Thiền Tịnh là phương pháp tu tập theo lời dạy của đức Phật giúp cho chúng ta biết cách thực hành có hệ thống một phương pháp sống lành mạnh và an vui kỳ diệu trong đời sống hàng ngày đặt trên nền tảng sự hợp nhất của tôn giáo và khoa học. Như thế, Diệu Pháp Thiền Tịnh là một sự kết hợp toàn diện giữa đời sống tâm linh (Đạo Phật) và khoa học tân tiến hiện đại. Không một điều gì thực hành trong Diệu Pháp Thiền Tịnh mà không thể kiểm chứng được bằng khoa học mặc dù kết quả tu tập Diệu Pháp Thiền Tịnh trong phạm vi tâm linh về sự chứng nhập vào trong niềm an vui kỳ diệu, sự thấy biết chân thật còn ở rất xa ngoài phạm vi khảo sát được của các dụng cụ khoa học ngày nay. Sau đây chúng ta thử tìm hiểu tiến trình tu tập và ý nghĩa của sự tu tập ấy.

Ý Nghĩa Và Cách Thực Hành Diệu Pháp Thiền Tịnh

Diệu Pháp là phương pháp, là cách thức thực hành linh diệu, có kết quả kỳ lạ và Thiền Tịnh là cách tu tích cực và kỳ diệu mở rộng cánh cửa tâm linh. Nói khác đi, khi thực hành Diệu Pháp Thiền Tịnh chúng ta sẽ hưởng được nguồn an vui hạnh phúc bao la với một thân thể khỏe mạnh và một tâm hồn an vui, tích cực, lành mạnh, qua sự thực hành phương pháp tu tập mầu nhiệm.

Trong phẩm Phổ Môn của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, đức Phật Thích Ca nói rõ cho chúng ta biết về hạnh nguyện cứu độ của đức Quán Thế Âm Bồ Tát, người lắng nghe tiếng kêu, lời cầu nguyện của chúng sanh mà hiện thân đến cứu độ họ khỏi các khổ đau cùng ban cho họ được nhiều an lành sức khỏe mà chúng ta đã đề cập đến trong tập Diệu Pháp Phổ Môn. Do đó, trong phần tu tập, chúng ta niệm danh hiệu Ngài và quán thấy hình ảnh trong sáng tràn đầy hào quang của Ngài. Sau đây chúng ta nói rõ hơn về cách thức và ý nghĩa sự tu tập.

Phần thực hành gồm có Dâng Hương, Lễ Phật, Niệm Phật, Trì Chú, Ngồi Thiền, Thiền Hành, Tụng Kinh và Quán Thanh Tịnh và Quán Từ Bi. Chúng ta hãy đi sâu vào ý nghĩa của mỗi thứ nói trên:

1. Dâng Hương:

Trước khi tu tập chúng ta đưa thân và tâm mình trở về trạng thái thoải mái, an ổn, trong sáng, tỉnh thức. Khi thắp nhang (hương) thì chúng ta đưa tâm thức của mình trở về với hiện tại trong sáng và tươi mát. Mùi thơm của nhang sẽ làm cho căn phòng cùng tâm chúng ta trở nên thanh tịnh, trong sạch và mát mẻ. Sau đó chúng ta đọc những câu kệ nói về sự huyền diệu của Phật tánh để khai mở tâm chân thật.

2. Lễ Phật

Lễ Phật là lạy Phật. Chúng ta buông xả tất cả gánh nặng của cái tôi to lớn, kềnh càng bằng cách chắp tay cúi mình và để đầu hạ thấp xuống đất hầu cảm nhận một cách trực tiếp mình và Phật vốn rỗng lặng, rộng lớn mầu nhiệm như nhau :

‘Phật chúng sanh tánh thường rỗng lặng
Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn
Lưới Đế Châu ví đạo tràng
Mười phương Phật Bảo hào quang sáng ngời
Trước bảo tọa thân con ảnh hiện
Cúi đầu xin thệ nguyện quy y.’

3. Niệm Phật

Đọc danh hiệu các đức Phật để có sự cảm thông mầu nhiệm, để nhận sự trợ lực, sự gia trì, sự ban cho thêm các nguồn năng lực trong lành mạnh mẽ. Phật lực, nguồn năng lực mạnh mẽ, trong lành mầu nhiệm của chư Phật tràn đầy vũ trụ, chúng ta đọc danh hiệu vị Phật nào thì có sự cảm ứng mầu nhiệm với vị Phật đó. Danh hiệu vị Phật đầu tiên là đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, vị Thầy cao quý dạy cho chúng ta con đường an vui và hạnh phúc. Kế đến là đức Phật A Di Đà, vị Phật tỏa chiếu ánh sáng vô lượng vô biên đưa chúng ta về chốn Cực Lạc khi chúng ta qua đời và cuối cùng là danh hiệu đức Quán Thế Âm Bồ Tát, Ngài tỏa chiếu hào quang an lành và tinh sạch đến mọi chúng sanh và ban cho những điều lành như ý nguyện.

4. Trì Chú

Chú là lời linh thiêng của chư Phật ban cho chúng ta có sức mạnh, một nguồn năng lực kỳ diệu. Sức mạnh kỳ diệu của các câu thần chú làm cho thân thể chúng ta được an ổn, tinh thần thoải mái, cùng chuyển hóa, thay đổi tất cả sự buồn rầu, lo lắng, sợ hãi, khổ đau thành hạnh phúc. Thần chú mà chúng ta tụng đọc nơi đây là Um Ma Ni Padme Hum (đọc là Um M Ni Pat Mê Hum mà ở Việt Nam chúng ta thường đọc là Án Ma Ni Bát Di Hồng). Um là âm thanh của ba chữ đầu chỉ thân và ý từ trạng thái lo lắng, sợ hãi, buồn rầu, khổ đau được chuyển thành an vui, trong sáng và hạnh phúc.

Do đó, sự tu tập này quý báu như một viên ngọc Ma Ni. Khi thực hành sự tu tập thì đóa hoa sen tinh khiết của giác ngộ hay Pát Mê khai mở đưa chúng ta vượt qua tất cả sự hiểu biết sai lầm tạo khổ đau và khai mở một thế giới tâm thức rộng lớn bao la. Đó là ý nghĩa âm thanh Hum. (Những vị nào đã quen với chú Đại Bi thì tụng thêm chú này rất tốt.) Khi nhất tâm tụng đọc và trì chú này thì mọi vọng tưởng, mọi điều lo sợ, buồn phiền, giận dữ, khổ đau đều tan biến và tinh thần chúng ta trở nên rất thoải mái, an vui, dõng mãnh và tích cực vô cùng.

5. Ngồi Thiền và Quán Đảnh

Ngồi Thiền để trí óc mình trở nên bén nhạy, thông minh và thoải mái rồi quán thấy, thấy hình ảnh ở trên đỉnh đầu của mình, hình đức Quán Thế Âm toàn bằng ánh sáng tỏa ra tình thương yêu trong lành và sự hiểu biết chân thật cùng niềm an lạc kỳ diệu. Khi quán tưởng hình ảnh đẹp đẽ và tích cực đó, chúng ta tập trung tất cả nguồn năng lực trong sáng nhất của mình để tưởng thấy và chiêm ngưỡng hình ảnh kỳ diệu và trang nghiêm của đức Quán Thế Âm và từ đó tiếp nhận tràn đầy nguồn ánh sáng nhiệm mầu của từ bi và trí huệ của Ngài tỏa chiếu mười phương thế giới.

6. Thiền Hành

Thiền hành là thiền hoạt động, đi những bước chân thoải mái, an vui trong tỉnh thức. Thiền hành gồm hai phần : Chậm và nhanh. Thiền hành chậm để chúng ta cảm nhận được niềm an vui, thích thú tự nhiên tràn đầy nơi cơ thể. Thiền hành nhanh để nhận rõ trong mọi hoạt động hàng ngày chúng ta có thể biểu lộ, bày tỏ sự thoải mái, an vui, rỗng lặng, thông minh và hạnh phúc.

7. Tụng Kinh

Là nhắc nhở chân lý mầu nhiệm mình đang thực hành và cầu nguyện để được chư Phật ban cho những điều an lành và tốt đẹp trong đời sống. Có cầu thì có ứng. Khi đem lòng thành chí thiết và tâm thức trong lành mà cầu nguyện thì thấy có sự đáp ứng tức khắc : lòng mình mở rộng bao la, tâm mình an vui kỳ diệu, trí óc trở nên trong sáng lành mạnh, v.v…

8. Quán Thân Thanh Tịnh và Quán Từ Bi :

Trước hết quán thấy hình ảnh đức Quán Thế Âm tỏa chiếu ánh sáng tràn đầy thân thể của mình sau đó quán thấy hình ảnh mỗi bộ phận trong người của mình như đầu, óc, mắt, tai, tim, phổi, v.v… trong hình ảnh tươi sáng, lành mạnh và tốt đẹp nhất của chúng rồi chuyển đến chúng nguồn năng lượng trong lành, tươi mát, mạnh mẽ để tạo lập một nền tảng vững chắc cho sức khỏe, đó là phương thức của Y Đạo mà Đông Phương đã thực hành hàng ngàn năm nay và hiện được một số bác sĩ của các trường đại học Y Khoa danh tiếng như Harvard, Yale, cùng rất nhiều bác sĩ nổi danh khác đang sử dụng một phần phương pháp này. Sau đó quán thấy nguồn năng lượng từ bi tràn đầy chiếu đến mọi người, mọi loài và mọi chốn.

Tình thương yêu là nguồn năng lượng mạnh mẽ nhất mà đạo Phật gọi là lòng từ bi có khả năng chữa trị mọi bệnh tật tinh thần lẫn thể chất mà vị Phật tượng trưng cho năng lượng mầu nhiệm này là đức Quán Thế Âm. Trong kinh Pháp Hoa, đức Phật dạy cách quán tưởng đức Quán Thế Âm : « Chân quán, thanh tịnh quán, trí tuệ quán bao la, bi quán và từ quán… »

Khi đi sâu vào thực hành Diệu Pháp Thiền Tịnh, chúng ta thấy đó là một lối thực hành rất giản dị nhưng có kết quả cực kỳ tốt đẹp vì đó là sự phối hợp những gì tinh hoa nhất của Phật giáo và khoa học cùng y khoa hiện đại.

Âm Thanh, Ánh Sáng, Tỉnh Thức, An Vui và Khỏe Mạnh

Đức Phật trong kinh Đại nhật Như Lai (Vairocana Sutra) dạy rõ là khi tu tập, chúng ta đọc thần chú (mantra), như chú Đại Bi hay Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn Om Mani Padme Hum, vì thần chú có sức mạnh huyền bí kỳ diệu do : « Nhờ lời nguyện nguyên thủy của chư Phật và chư Bồ Tát, những thần chú chứa đựng sức mạnh kỳ diệu. Mỗi khi đọc lên chúng ta sẽ được công đức vô lượng. » Nói khác đi, khi chúng ta đọc những câu Thần Chú với sự chú tâm hoàn toàn thì âm thanh mầu nhiệm đó sẽ đem đến cho ta những điều rất tốt đẹp. Điều ấy, về phương diện khoa học có ý nghĩa gì ?

Âm Thanh Mầu Nhiệm

Khám phá lớn nhất về đơn vị căn bản tạo ra mọi thứ trong vũ trụ hiện nay là lượng tử. Đây là một thứ cực nhỏ từ 10,000,000 lần cho đến 100,000,000 lần nhỏ hơn các hạt nguyên tử. Lượng tử không có hình thù nhất định vì nó có thể xuất hiện dưới dạng năng lượng hay vật chất. Người ta gọi chúng là lượng tử vì chúng không có hình dáng nhất định, chỉ xuất hiện như một chùm ánh sáng rung chuyển. Từ chốn rỗng không chúng hiện ra rồi lại biến đi, liên tục như thế. Các lượng tử này chỉ là những rung động vô hình gọi là giao động lượng tử, là « bóng ma » của năng lượng. Từ những cái chợt biến chợt hiện đó mà các nguyên tử thành hình.

Cơ thể chúng ta nếu quán sát rõ rệt thấy trong thân bao gồm các bộ phận như tim, gan, óc, phổi và những thứ này do các tế bào cấu thành. Các tế bào này do các DNA, deoxyribonucleic acid, một sinh chất do sự kết hợp của các nguyên tử như khinh khí, dưỡng khí, than, nitro cùng phosphurus kết hợp mà thành. Đơn vị căn bản tạo nên thân thể chúng ta là các hạt nguyên tử.

Nguyên tử nào cũng có một cái nhân ở giữa và một hay nhiều âm điện tử chạy quanh. Nhân gồm có dương điện tử, trung hòa tử, những hạt cự nhỏ này được gọi là vi tử, lại do những rung chuyển của một sức mạnh vô hình tạo thành. Sự rung chuyển mà chưa ai biết nguyên nhân được gọi là lượng tử (quantum) như đã nói trên. Lượng tử này là đầu mối của hai thứ đối nghịch là vi tử (một hạt cực nhỏ có vị trí và sức nặng) và năng lượng (một thứ không có thể tích và không có vị trí nhất định).

Đời sống của chúng ta là một sự kết hợp kỳ diệu ở nhiều mức độ khác nhau mà chúng ta có thể quan sát được. Ở mức độ lượng tử thì những rung chuyển biểu lộ thành những năng lượng và vi tử. Ở mức độ nguyên tử thì có các dương điện tử và trung hòa tử tạo thành một cái nhân ở giữa với những hạt âm điện tử chạy quanh với tốc độ chớp nhoáng. Ở mức độ của phân tử thì các hạt nguyên tử kết hợp với nhau thành sinh chất DNA làm nền tảng cho những yếu tố di truyền cùng tạo ra những chất cần thiết cho cuộc sống. Các phân tử rất năng động, chúng trao đổi năng lượng không ngừng theo các phản ứng kết hợp hay tách lìa.

Đơn vị tế bào vốn là đơn vị căn bản của đời sống, sự thông minh có tính cách rõ ràng hơn qua sự sản xuất các chất cần thiết cho cơ thể, tiêu thụ những chất đạm, đường, hay không khí, v.v… trong sự sản xuất này cùng loại trừ những chất cặn bã trở lại vào dòng máu. Các tế bào hợp lại thành các bộ phận như óc, tim, gan, ruột, dạ dày, thận và mỗi bộ phận có một sinh hoạt riêng biệt theo chức năng của nó. Cách phối hợp các phần trong mỗi bộ phận rất là tinh vi để làm tròn nhiệm vụ của chúng như tim thì bơm máu đi khắp cơ thể đem dưỡng khí, thực phẩm đến từng mỗi tế bào, cùng chuyên chở các chất phế thải đến phổi, thận cùng các cơ quan khác để loại trừ các chất độc hại hay biến chế thành chất hữu ích.

Toàn thể sự hoạt động phối hợp nhịp nhàng các bộ phận của cơ thể duy trì đời sống lành mạnh. Vậy đằng sau những hoạt động ấy là gì? “Ai” là kẻ chỉ huy và phối hợp mọi hoạt động để duy trì đời sống kỳ diệu cùng cảm nhận tất cả mọi sự vui buồn hằng ngày. Chúng ta thường dùng chữ “linh hồn” để nói về một cái bên trong thể xác và tách lìa với thể xác.

Ðạo Phật có một danh từ đặc biệt và rất hợp với khoa học nhất là khoa tâm lý học hiện đại là chữ TÂM thay vì chữ linh hồn thường ngụ ý một cái gì đó tách lìa thể xác và đôi khi đối nghịch với thể xác. Tâm là chủ thể nghe, thấy, biết, suy nghĩ, biết sướng hay khổ. Theo lời Phật dạy, chúng ta khi mê mờ thì luôn luôn có những ý tưởng sai lầm đưa đến những hờn, giận, khổ đau. Lúc mình an vui, thoải mái, có tình thương yêu trong sáng, có sự thông minh tươi mát thì tâm của mình trở nên rộng lớn bao la. Tâm là cái chúng ta nghe, thấy và biết mọi thứ lúc đó ở trong trạng thái chân thật nhất của nó nên được gọi là tâm chân thật, chân tâm.

Chân tâm hay Phật tánh đó rộng lớn vô cùng lại vừa tĩnh lặng, thoải mái, an ổn nhưng bén nhạy, linh động và hiểu biết chân thật mọi thứ. Trên thực tế, không có sự phân biệt thân và tâm tách lìa như thế. Ðó là một cái toàn thể, thân tâm nhất như, mà đức Phật dạy cho chúng ta cách kinh nghiệm rõ ràng điều ấy qua sự thực hành mười sáu hơi thở trong kinh Quán Niệm Hơi Thở. Khi thực hành các thở trong tỉnh thức đó, chúng ta thấy biết rõ ràng sự hợp nhất của thân tâm cùng với sự có mặt của niềm an vui sâu thẳm. Thực hành như thế, cơ thể chúng ta sẽ lành mạnh và tâm hồn chúng ta sẽ an vui vô cùng. Do đó, chúng ta không thể tàn phá cơ thể của mình qua rượu chè, thuốc lá, cần sa, ma túy hay sử dụng các chất độc hại khác để tìm niềm an vui tinh thần. Ngược lại, chúng ta cũng không thể tàn phá tinh thần bằng những sự thù hận, giận dữ, mà có được sự khỏe mạnh thể chất.

Trên đây, chúng ta nói về sự kết hợp của các vi tử thành nguyên tử, nguyên tử thành phân tử, phân tử thành tế bào, tế bào thành các mô, các mô thành các bộ phận, các bộ phận thành cơ thể. Cơ thể của chúng ta, phần thể chất, tự nó có sự thông minh, tự nó hoạt động điều hòa nhịp nhàng để duy trì và phát triển tốt đẹp. Tuy nhiên, trong đời sống hàng ngày, chúng ta thường có nhiều sự lo lắng, sợ hãi, giận hờn, tức tối dấy khởi từ tham, sân, si nên tạo ra những xáo trộn trong thân thể, làm suy yếu hệ thống miễn nhiễm cùng các bộ phận trong cơ thể. Do đó, làm thế nào để trở về trạng thái thoải mái, an vui và hòa hợp ban đầu là cần thiết cho sức khỏe tinh thần và thể chất của chúng ta.

Ðiều khó khăn là trong trí óc chúng ta luôn có các ý tưởng nối tiếp không ngừng làm dấy động những tâm tư buồn phiền đó nên tâm ta không thể nào trở về trạng thái tĩnh lặng cần thiết để cảm nhận trực tiếp đời sống của thân thể và giúp cho thân thể tự nó lấy lại được sự quân bình để tự chữa trị bệnh tật cùng gia tăng sức khỏe. Chư Phật dạy chúng ta tụng đọc thần chú làm cho các ý tưởng dừng lại và tâm ta đi vào trạng thái an định và cảm nhận được những tín hiệu tốt đẹp, những cảm giác an vui kỳ diệu. Về phương diện vật lý, thì sự rung chuyển của lượng tử tạo ra năng lượng và vật chất, về phương diện tâm linh thì sự rung chuyển do âm thanh của những câu thần chú tác động vào toàn thể con người chúng ta, gồm 50 ngàn tỷ tế bào, tạo ra một trạng thái an lành.

Khi tụng đọc thần chú với sự chú tâm hoàn toàn – thân, khẩu và ý tụng đọc thần chú – thì thân, khẩu và ý (ba nghiệp) từ trạng thái bất an, vọng động, phiền não và khổ đau chuyển thành trạng thái yên ổn, thoải mái, trong lành dõng mãnh và an lạc. Nguồn năng lượng vật chất và tinh thần (mà theo khoa học hiện nay thì ở mức độ nguyên thủy không có sự phân biệt giữa vật chất và năng lượng cũng như Phật giáo nói rõ tính cách không tách lìa (bất nhị) của mọi sự vật trong đó có vật chất và năng lượng cũng như thể chất và tinh thần) không còn bị sử dụng trong các cuộc xung đột nội tâm giờ đây tràn đầy nơi thân thể và tâm chúng ta để chúng ta sử dụng vào trong những công việc tốt đẹp nhất cho đời sống.

Trong Phẩm Phổ Môn của kinh Diệu Pháp Liên Hoa, đức Phật Thích Ca có nói về sự niệm danh hiệu của đức Quán Thế Âm như sau:

Diệu Âm, Quán Thế Âm
Phạm Âm, Hải Triều Âm
Thắng hết thế gian âm
Vậy phải thường kính niệm.

Diệu âm là âm thanh linh diệu, Quán Thế Âm là âm thanh bao trùm tất cả, Phạm âm là âm thanh của vũ trụ. Âm thanh kỳ diệu này xóa tan tất cả mọi thứ tiêu cực của thế gian. Ðối với người tu tập Diệu Pháp Thiền Tịnh thì thấy rõ nguồn năng lượng kỳ diệu ấy luôn luôn có mặt và biểu lộ thành trạng thái an vui, khỏe mạnh của thân thể và tinh thần. Từ kinh nghiệm tâm linh rõ ràng ấy, chúng ta biết một cách cụ thể Phật tánh, còn được gọi là Chân Tâm, Tâm Giác Ngộ, Tự Tánh A Di Ðà luôn luôn có mặt nơi mỗi chúng ta và biểu lộ thành tình thương yêu trong sáng bao la, thành sự thông minh tươi mát, sự thấy biết chân thật, thành nguồn an vui hạnh phúc sâu thẳm.

Ðó chính là ý nghĩa chân thật của câu thần chú nhiệm mầu Om Mani Padme Hum: Thân, Khẩu và Ý của chúng ta từ trạng thái mê mờ chuyển thành niềm an vui, trong sáng khi tu tập. Do đó, thực hành tu tập là một phương pháp quý báu như một viên ngọc Mani, quý giá không cùng vì khi thực hành điều ấy đóa hoa sen tinh khiết của giác ngộ hay Padme sẽ mọc lên và đưa chúng ta vào một trạng thái an vui, lành mạnh và tích cực vô cùng. Âm thanh của thần chú Om Mani Padme Hum rất linh diệu vì những âm thanh đó làm cho thân tâm chúng ta được trong sáng, tinh sạch, an ổn và thoải mái vô cùng khi tụng đọc. Câu thần chú đó do đức Quán Thế Âm ban tặng cho mọi người.

Ánh Sáng

Sau khi tụng thần chú, chúng ta ngồi thiền để thân tâm thật yên ổn, thoải mái, tiếp xúc trực tiếp với nguồn sống kỳ diệu của thân thể mình. Ðời sống của chúng ta biểu lộ một cách toàn diện qua thân và tâm. Sau đó chúng ta quán thấy đức Quán Thế Âm thân toàn bằng ánh sáng phía trước mặt và phía trên đầu của mình tỏa chiếu ánh sáng từ bi và trí huệ đến muôn phương. Thân ngài tan thành một khối ánh sáng rực rỡ tràn ngập thân thể chúng ta và thân thể chúng ta chuyển thành thân ánh sáng như thân Ngài. Ðây là lối quán tưởng mầu nhiệm của Mật Tông.

Chúng ta quán tưởng thân tướng đẹp đẽ, trang nghiêm của đức Quán Thế Âm tràn đầy ánh sáng trong lành rực rỡ để nương tựa vào thần lực của Ngài, vào Phật lực của Ngài, vào sức mạnh của nguyện lực cứu độ mọi chúng sanh, mà chuyển hóa tất cả những nghiệp xấu nơi chúng ta thành nghiệp tốt cùng phá tan những nghi ngờ, lo lắng, sợ hãi và mặc cảm yếu đuối hèn kém nơi mình, để rõ được thân mình bản chất của nó vốn là thanh tịnh, trong sạch, lành mạnh, tâm mình bản chất thật sự của nó là tràn đầy ánh sáng của tình thương yêu trong lành bao la, của sự hiểu biết chân thật, của nguồn hạnh phúc kỳ diệu như lời đức Phật đã dạy chúng ta trong các bộ kinh Lăng Nghiêm, Niết Bàn, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, v.v…

Các đức Phật thân toàn là ánh sáng với hào quang rực rỡ. Thân chúng ta cũng toàn là ánh sáng nếu chúng ta nhìn thân thể mình với con mắt trí tuệ hay với con mắt của nhà khoa học vật lý nguyên tử hiện nay. Ðơn vị cấu tạo thành các tế bào là các nguyên tử do những thứ nhỏ hơn kết hợp mà thành gọi là các vi tử (particle). Và các vi tử này xuất hiện trong trạng thái vật chất (matter) có khối lượng nhưng nó cũng đồng thời xuất hiện trong trạng thái năng lượng như những chùm ánh sáng gọi là lượng tử như chúng ta đã nói đến trong phần ở trên. Chính sự rung chuyển hay ba động từ chốn trống không làm xuất hiện hay biểu lộ thành hai thứ vi tử và năng lượng đó.

Do đó, quán thấy thân thể chúng ta là một khối ánh sáng là cái thấy chân thật nhất về con người thể chất và tinh thần của mình. Tất cả mọi bộ phận con người, mọi ý tưởng, mọi cảm giác sướng khổ, mọi sự suy tư, mọi ham muốn, mọi nhận biết đều có khởi nguồn từ các sự kết hợp không ngừng của các vi tử cùng năng lượng phát ra từ những rung động lượng tử này. Và khi chúng ta quán thấy hình ảnh của thân và tâm mình trong dạng thức ánh sáng đó thì chúng ta đã vượt qua các chướng ngại sai lầm mình có trước đây và sự bám chặt lấy các hình tướng bên ngoài cùng những giận hờn, buồn bã, thù hận, lo lắng, sợ hãi bên trong để kinh nghiệm một trạng thái thân tâm nhẹ nhàng, thoải mái, trong lành, tinh sạch và an vui sâu thẳm.

Tỉnh Thức

Lúc đó, thân thể và tinh thần của chúng ta tự chúng quay về với sự tỉnh thức, sự thấy biết rõ ràng, sự thông minh tươi mát, và sự hiểu biết chân thật. Thân thể chúng ta có sự thông minh và sự sống kỳ diệu của nó. Chúng ta bước những bước chân thoải mái và cảm nhận sự sống mầu nhiệm nơi thân thể chúng ta. Một niềm an lạc tràn đầy cùng với những cảm giác vui sướng tự nhiên của thân thể biểu lộ qua sự hít thở không khí, qua những cử động thoải mái trong tỉnh thức.

Tỉnh thức là một trạng th ái tự nhiên của thân và tâm. Khi thân thể chúng ta bào tỏ rõ ràng sự sống của nó, thân thể chúng ta rõ ràng có sự thông minh, hiểu biết và an vui kỳ diệu. Thân như thế nào thì tâm như thế ấy. Tâm như thế nào thì thân như thế ấy đó là điều mà chúng ta nhận biết rõ ràng thường ngày khi sống đời tỉnh thức. Khi tâm và thân chúng ta ở trong trạng thái an vui, thoải mái, bén nhạy, thông minh hay sống tỉnh thức thì toàn diện cơ thể chúng ta nhận được những “tin tức”, những tín hiệu, những thông điệp tốt đẹp và lành mạnh qua những chất hóa học luân chuyển đến khắp cả tế bào cùng những dòng điện từ tế bào thân kinh báo hiệu sự lành mạnh an vui đó. Do đó, các bác sĩ ngày nay xác nhận là tình thương yêu, sự thông minh, sự hiểu biết chân thật và nguồn hạnh phúc có khả năng chữa trị bệnh tật, phòng ngừa bệnh tật và làm cho thân thể chúng ta lành mạnh, khỏe khoắn.

Những người thực hành Diệu Pháp Thiền Tịnh thấy rõ sống tỉnh thức, với tâm bén nhạy và rộng mở thì chúng ta không còn dính mắc vào những ám ảnh của quá khứ. Lòng mình do đó trở thành rộng lớn bao la. Trong vũ trụ rộng lớn của tâm đó, tình thương yêu trong sáng bừng dậy tràn đầy. Từ đó sự thông minh tươi mát, bén nhạy và sự hiểu biết chân thật đồng thời xuất hiện làm cho thân tâm chúng ta tràn đầy nguồn hạnh phúc bao la.

Tất cả những điều trên là sự chân thật xuất hiện hàng ngày khi chúng ta thực hành Diệu Pháp Thiền Tịnh và ứng dụng vào mọi sinh hoạt của đời sống. Ðó là sự mầu nhiệm của Phật Ðạo và chính đó cũng là sự mầu nhiệm của đời sống con người. Và khi chín mùi trong cái thấy biết chân thật đó, chúng ta biết rõ đạo và chúng ta không có sự tách biệt giữa thân và tâm, giữa bên trong và bên ngoài, giữa ta và vũ trụ. Tất cả đều ở trong một cái toàn thể kỳ diệu mà ta vẫn có đời sống, sự hiểu biết, sự hoạt động riêng biệt nhưng không chút tách biệt.

An Vui Và Khỏe Mạnh

Như chúng ta đã nói trước đây, an vui và khỏe mạnh chính là một. Có thể, khi chúng ta bắt đầu tu tập một thời gian đã thấy có sự an vui thật sự nhưng chưa có sức khỏe bền vững vì từ lâu chúng ta không chú ý săn sóc đời sống tinh thần và thể chất của mình. Diệu Pháp Thiền Tịnh rút từ những tinh hoa từ Thiền, Tịnh và Mật Tông cùng của nền khoa học tân tiến hiện đại nên cũng chú trọng đến xây dựng một nền tảng vững chắc cho sức khỏe tinh thần lẫn thể chất qua ba giai đoạn: chữa trị, phòng ngừa và thực hành đời sống an vui và khỏe mạnh lâu dài. Ðó là điều đức Phật thực hành trong đời sống hàng ngày như Ngài đã dạy trong kinh Trung A Hàm:

“Chính ta cũng mắc phải bịnh tật, nhưng xét thấy có bệnh tật thì có khổ nên ta hướng đến cảnh an tịnh vô thượng của Niết Bàn vốn không bịnh tật, cảnh an tịnh vô thượng ấy ta đã chứng đến, và cả Niết Bàn không bịnh tật nữa.”

Ðể cho sự thực hành có nền tảng vững chắc và kết quả lâu dài, chương trình tu học gồm ba giai đoạn: sơ đẳng, trung đẳng và cao đẳng. Sơ đẳng hướng về việc thực hành tạo niềm an vui tinh thần và khỏe mạnh thể chất qua sự hiểu biết vững chãi về đạo Phật để áp dụng tốt đẹp trong đời sống hàng ngày. Trung đẳng gồm có sự phát triển khả năng sống lành mạnh và tích cực cùng phòng ngừa bệnh tật. Cao đẳng phát triển thêm khả năng sống đời an vui, lành mạnh, hạnh phúc, tích cực, ngăn ngừa bệnh tật cùng giúp người khác hiểu rõ sự cao quý và lợi ích của đạo Phật để họ thực hành tu tập. Khi thấy sự thực hành ấy liên hệ đến ba giai đoạn: Chữa trị bệnh tật, phòng ngừa bệnh tật, và tạo dựng một nền tảng vững chắc cho sức khỏe thể chất và tinh thần, sức khỏe toàn diện vững bền. Ngoài ra, những người Phật tử tu hạnh Bồ Tát mong muốn đem lại an vui sức khỏe cho nhiều người khác, có thể thực hành Diệu Pháp Thiền Tịnh để biết rõ kết quả mầu nhiệm của phương pháp sống đời an vui này để giúp đỡ những người đang bị buồn phiền, khổ đau và bệnh tật.

Khi thực hành Diệu Pháp Thiền Tịnh với tấm lòng hướng đến tha nhân như thế thì chúng ta làm cho đời sống của chính mình được an vui kỳ diệu và đời sống của người khác cũng được hưởng nhiều điều an vui và tốt đẹp. Ðó chính là chốn Niết Bàn, chốn Cực Lạc, chốn thiên đàng ở nơi đời sống hàng ngày vậy.

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.