Tản Mạn Về Địa Ngục Ở Đâu

Đây là một trong 108 kệ nghi thức đảnh lễ Tam Bảo do Đức Trưởng Lão HT Thích Trí Thủ biên soạn và thọ trì được phổ biến trong các chùa miền nam khoảng 1975-1980, nhân học câu kệ đảnh lễ về Địa Tạng Vương Bồ Tát, người viết đã sưu tầm thêm nhiều bộ kinh và xin mạn phép trình bày cùng quý bạn đọc để cùng nhau tìm hiểu thêm về địa ngục, có thật hay không.

Chúng sanh độ tận
Phương chứng bồ đề
Địa ngục vị không
Thệ bất thành Phật.

HÒA: Nhất tâm đảnh lễ Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát ma ha tát (1 lạy)

Dịch:
Chúng sanh độ hết mới chứng bồ đề.
Địa ngục chưa trống thề không thành Phật.
HÒA: Một lòng kính lạy đức Đại Bồ Tát Đại Nguyện Vương Địa Tạng Vương (1 lạy).

Từ lâu tôi đã đọc qua kinh Địa Tạng chừng mươi lần nhưng chưa lần nào tôi cảm thấy được sự quan trọng của một cảnh giới U Minh mà những âm hồn có thể vẫn hiện diện chung quanh và trong chính ta như lần này…có lẽ do câu chuyện ân oán nơi làng Lăng Cô dưới chân đèo Hải Vân giữa Mệ Hoàng và O Thơ xảy ra trước 1975 mà trong một bài pháp thoại của TT Thích Nguyên Tạng về Địa Ngục ở đâu đã khiến tôi xem kỹ từng phẩm một trong Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện do HT Thích Trí Tịnh dịch.

Chuyện kể về hai gia đình ở cạnh nhà nhau. Một bên là nhà Mệ Hoàng rất giàu, chủ hãng sản xuất nước mắm. Một bên là nhà nghèo, người chồng mất vì đi lính, người vợ là O Thơ, có nuôi con gà lấy trứng bán để sinh sống. Một hôm con gà gáy to, Bà Mệ Hoàng khó chịu, sai gia nhân sang bắt con gà. O Thơ chạy sang nhà Mệ Hoàng van nài khóc lóc xin lại con gà nhưng Mệ Hoàng đã không trả lại gà mà còn dã man nắm 2 chân con gà và xé  toạt tan xác con gà và nguyền rủa tàn độc O Thơ.

O Thơ quá đau lòng ôm xác con gà khóc tức tửi không nên lời đến thăm mộ chồng (tên Hùng) ) khóc suốt đến nửa đêm và sau đó dọn đi nơi khác ở.

Một năm sau, gia đình Mệ Hoàng bị nhiều tai ương: Con trai chết khi đi chài cá;mà không hiểu sao không tìm thấy chân phải, trong lúc cả nhà làm đám tang con trai thì xưởng nước mắm bốc cháy và đứa cháu nội 2 tuổi vì còn bé ở lại nhà nên bị chết cháy nhưng lạ quá lại không thấy cánh tay trái và cứ thế tiếp theo ; Mệ Hoàng ngủ thấy hồn ma của anh Hùng (chồng O Thơ) về bóp cổ ngẹt thở, và đòi xé xác bà như con gà bị bà xé xác. Sau đó Bà nhờ người tìm O Thơ và cầu xin O Thơ nói giúp một lời khấn xin vong linh anh Hùng tha cho bà. Anh Hùng nhập vào ông anh của Mệ Hoàng cảnh báo sẽ trả thù tàn độc hơn nữa nhưng nhờ O Thơ khẩn cầu giúp và xin Anh Hùng tha thứ oan gia nên cỡi không nên buộc cuối cùng Anh Hùng khuyên bà phải tu nhơn tích đức và khuyên O Thơ vợ của anh nên lập gia đình với một người nếu có thể bảo bọc được cho O Thơ. Từ đấy mọi chuyện đều yên ổn và Mệ Hoàng đã trở thành một người biết làm bố thí tu hành chăm chỉ hiền lương

Câu chuyện nhân quả hiện tiền là một bài học rất thực tại, giúp thức tỉnh lòng người phải coi chừng hành động, lời nói, ý nghĩ để không bị quả báo là điều không sao tránh khỏi nếu đã tạo nhân xấu ác.

Trở về nguồn gốc Kinh Địa Tạng có thể nói: nếu hệ Đại thừa có Kinh Địa Tạng, bên Nguyên Thủy có bộ Vi Diệu Pháp là 2 bộ kinh đều xuất xứ qua việc Đức Phật giảng nói cúng dường mẫu hậu May Da trên Cung Trời Đao Lợi trong mùa hạ thứ 7.

Sau này các nhà nghiên cứu cho rằng Kinh Địa Tạng không do Phật thuyết, mà do những vị Tổ Trung Quốc biên soạn từ các bản kinh gốc Nikaya: Trung Bộ Kinh (đọc Kinh Thiên Xứ), Trường Bộ Kinh (đọc Khởi Thế Nhân Bổn), Trường A Hàm (Đọc Kinh Thế Ký, phẩm 4 nói về địa ngục),

Như vậy chính xác cho những ai không tin có địa ngục thì nên đọc các kinh trên có ghi lại những lời Phật nói về địa ngục.

Điều thích thú nhất là gần đây Thầy Linh Như (tăng sĩ tại Mỹ) đã thi hoá toàn tập Bộ Kinh Địa Tạng từ HT Thích Trí Tịnh nhưng riêng tôi thích nhất phẩm thứ năm, quyển trung có nói về danh hiệu các địa ngục.

Kính xin trích một đoạn được mô tả trong Kinh của Ht Thích Trí Tịnh
…có một chốn địa ngục tên gọi là Vô Gián. Ngục này có chu vi mười tám nghìn dặm, có tường sắt cao một nghìn dặm, lửa cháy hừng hực suốt từ trên xuống dưới; có những loài rắn sắt, chó sắt phun lửa chạy đuổi nhau trên tường từ bên này qua bên kia; có giường rộng đến muôn dặm…”

Và sau đây vài đoạn thơ điển hình nhất của Thầy Linh Như về Danh hiệu của địa ngục:

“Thưa nhân-giả! Tôi nay giải nói,
Ở phương Đông của cõi Diêm Phù,
Có toà núi thẳm âm-u,
Thiết-vi tên gọi, ngục tù nằm trong,
.Có một ngục ở lòng núi ấy,
Cực vô-gián-ngục dậy tiếng đồn,
Đại A-Tỳ địa-ngục môn,
Địa-ngục Tứ-giác, và còn Phi-Đao,
nhiều ngục khác tên: nào Hỏa-Tiễn,
nào giáp-Sơn, Thiên-nhẫn, Thông-thương…
Thiết-Xa, bảo-Trụ, Thiết-Sàng…
Thiết-ngưu, Canh-Thiệt, Thiết-Hoàn, Thiết-Lư…
Lại còn ngục Thiết-Thù, Lưu-Hỏa….
ngục Thiết-Y, Hoả-Mã, Hỏa-ngưu…
Dương-Đồng, Tỏa-Thủ, Thủ-Thiêu… Thiêu-Cước,
Đạm-nhãn, Phẩn-niệu, Đa-Sân…
Còn lại có ngục Hỏa-Sàng, Tránh-Luận…
ngục bạt-Thiệt, Khiếu-Oán, Hỏa-Sơn…
Đồng-Tỏa, Hỏa-Tượng, Hỏa-Lang…
Hỏa-Cẩu, Hỏa-Thạch, Hỏa-Lương, bác-bì…
Cũng trong đạo A-Tỳ vô tận,
Hãy còn nhiều: Huyết-Ẩm, Cứ-nha…,
Hỏa-Ưng, Thiêu-Cước cùng là…
Hỏa-Ốc, Đảo-Thích trong toà Thiết-vi
Nhân giả! Địa-ngục thì như thế!
vẫn chỉ là lược-kể mà thôi!
Trong số ngục lớn kể rồi,
Còn trăm ngàn ngục cũng nơi A-Tỳ,
Danh-hiệu ngục cũng thì chẳng giống,
Cách khảo-tra áp-dụng khác nhau,
Địa-ngục nhiều thế do đâu?
Nhân giả! Do ác khởi đầu tạo ra!
Chúng-sinh tại Ta-bà Thế-giới,
vì ác tâm ngục mới cảm-chiêu.
nghiệp-lực lớn biết bao nhiêu,
Tu-Di lớn cũng chẳng nhiều chẳng hơn.
nghiệp lớn có thể ngăn đạo thánh,
Dầu biển sâu khó sánh nghiệp hành.
…những điều quấy nhỏ chớ khinh!
Đừng cho không tội mà thành nghiệp-nhân.
Đến khi chết có phần địa-ngục,
Quả-báo dù mẩy-mún chẳng tha.
Chí thân như thể mẹ cha,
nghiệp ai nấy chịu ai mà gánh thay!
nay tôi nhờ nương oai Phật-lực,
Khổ báo nơi địa ngục trình-phân.

Riêng về Tội báo trong Địa-Ngục, chúng ta cũng sẽ xuýt xoa khi đọc tới,

Ngài Địa-Tạng tâm thành bát-ngát,
Hướng Phổ-Hiền Bồ-Tát trình bầy:
“Khổ báo địa ngục như vầy,
Tuân lời nhân-giả, tôi nay tỏ bày:
Có địa-ngục trâu cày trên lưỡi,
Hoặc địa-ngục moi bới tim ra,
Làm đồ ăn quỷ Dạ-Xoa.
Hoặc ngục luộc nấu người ta trong dầu
Sôi sùng sục thân hầu chín nát…
ngục bắt người ôm sát cột đồng,
Rồi đem cột đốt rực hồng
ngục phun từng bựng lửa nung cháy người.
ngục băng hàn đời đời giá lạnh,
ngục dìm người ao rãnh tiểu phân, nực-nồng hôi-thối toàn thân…
ngục lao gai cắm chông trần mũi lên…
Hoặc địa-ngục loạn tên giáo lửa…
Hoặc địa-ngục đập búa vai lưng…,
Hoặc ngục lửa đốt tay chân…
Hoặc ngục rắn sắt quấn càn xiết dây…
Hoặc địa-ngục xua bầy chó sắt…
Hoặc địa-ngục đóng chặt ách lừa…
nhân-giả! Tôi đã trình thưa,
Quả báo như thế cũng chưa hoàn-toàn!
Mỗi ngục còn trăm ngàn khí-cụ,
Do Sắt, đồng, đá, lửa tạo thành,
Các loại trang-bị hành hình,
Tùy theo ác-nghiệp chúng sinh cảm-vời.
Cảnh khổ báo một nơi địa ngục,
Đã trăm ngàn cùng-cực bi-ai,
nói chi địa-ngục khắp nơi!
Đến cùng kiếp chẳng đủ thời trình phân
……

Lời kết:

Trộm nghĩ chỉ cần thông điệp mà kinh Địa Tạng muốn gửi lại hậu thế chúng ta đây, đã là bài học cho những ai không biết giữ thanh tịnh nơi ba nghiệp (Thân, Khẩu, Ý) sẽ mãi mãi không thể giải quyết được những nỗi khổ đau trong cuộc đời rất ngắn của kiếp người.

Với Phật Tử Đại thừa…
Quan Âm và Địa Tạng Bồ Tát gần gũi nhất!
Nhiều mẫu chuyện linh ứng về U Minh giáo chủ gần đây,
Được sưu tầm, phiên dịch nhất là tại Nhật Bản…sau này.
Người thật, việc thật… minh chứng cho ai biết hối cải.

Nếu không tin, sanh hoài nghi … thật là tai hại!
Chỉ cần làm lành, lánh ác,
…. tu nhân tích đức ngày ngày
Không hưởng đời này… sẽ thọ nhận ngày mai,
Tuyệt vời ý nghĩa tên mười tám tầng địa ngục.

Kính tán thán Thầy Linh Như,
…. soạn văn vần theo bản kinh gốc,
Chỉ cần vài câu trong phẩm thuộc quyến Trung,
Suy ngẫm theo đó Sự, Lý sẽ viên dung
Giúp đại chúng hiểu sâu… chí tâm quy mạng lễ !
Nam mô Đại Bi, Đại Nguyện, Đại Thánh, Đại Từ Bổn Tôn Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát!
(Thơ HH )

Cũng cần nhắc lại vài câu mở đầu trong Phẩm Tựa đã nói lên hình tượng của Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát và ý nghĩa viên minh châu và gậy tích trượng với 12 khoen như sau:

Lạy Đức Từ Bi U Minh Giáo Chủ
Địa là dày chắc, “Tạng” chứa đủ
Cõi nước phương Nam nổi mây thơm,
Rưới hương, rưới hoa, hoa vần vũ,
Mây xinh, mưa báu số khôn lường
Lành tốt, trang nghiêm cảnh dị thường
Người,Trời bạch Phật: Nhân gì thế?
Phật rằng: Địa Tạng đến Thiên Đường!
Chư Phật ba đời đồng khen chuộng
Mười phương Bồ tát chung tin tưởng
Nay con sãn có thiện nhơn duyên
Ngợi khen Địa Tạng đức vô lượng,
Lòng Từ do chứa hạnh lành
Trải bao số kiếp độ sanh khỏi nàn
Trong tay đã sẵn gậy vàng
Dộng tan của ngục cứu toàn chúng sanh
Tay cầm châu sáng tròn vìn
Hào quang soi khắp ba nghìn đại thiên

Như vậy tích trượng với 12 khoen chỉ cho vòng thập nhị nhân duyên khởi đầu từ vô minh đến hành, thức, ….để đi đến sinh, lão, bịnh, tử. Và viên ngọc minh châu chỉ cho trí tuệ khởi phát sẽ cắt đứt mọi vòng trên thì sẽ không còn tái sinh nữa.

Và cuối cùng người đọc hết bộ kinh này sẽ dâng lời tán thán Kinh và người viết thật lòng tán đồng với những gì mình đã học và đã đọc…

Kính trân trọng,

Nói về nhân-quả đành rành chẳng xa.
Điếc, đui, câm, ngọng sanh ra
Cũng do nhân ác hằng-hà kiếp xưa.
Đời này học tụng Đại-Thừa,
Tòa sen Chánh-giác có chừa ai đâu!
Nam Mô Thường-Trụ Thập Phương Tăng (3 lần)
Nam Mô Đại Bi, Đại-nguyện, Đại thánh, Đại từ Địa tạng vương Bồ Tát Ma ha Tát

Huệ Hương
.

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.