Thật bất ngờ khi sang đến đất nước thứ ba, bỗng nhiên từ năm 2001 mỗi năm cứ vào mùa Phật Đản, gia đình tôi thường tổ chức hai ngày lễ vào mùng 8 tháng tư và rằm tháng 4.
Không phải vì tôi đã theo truyền thống Bắc Truyền và nay chuyển sang Nam Truyền mà vì Ba tôi rất tự hào khi kể lại cho chúng tôi nghe rằng ngày Bà Nội tôi lâm bồn hạ sanh Ba tôi lại rất là hy hữu vì khi ấy sau khi cả gia đình vừa dự lễ Phật Đản tại chùa về (mùng tám tháng tư) và lẽ dĩ nhiên Ba tôi chỉ mới được 8 tháng (thiếu tháng) nhưng rất bụ bẩm và kháu khỉnh ( cho đến khi thanh thiếu niên thì rất đẹp trai).Tôi với bổn tánh tò mò từ khi qua Úc cũng xem lại lịch vạn niên trên các trang mạng điện tử và nhận ra đúng vậy… rất chính xác ngày Tây 15 tháng 5 và ngày ta mùng tám tháng tư.
Kính trích đoạn sưu tầm : “Nam Mô Lâm Tỳ Ni Viên Vô Ưu Thọ Hạ Thị Hiện Đản Sinh Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật ”.
Vườn Lâm-tỳ-ni chính là nơi đức Bổn sưThích Ca Mâu Ni giáng sanh. Hiện nay còn một trụ đá, có khắc một hàng chữ Bramin như vầy: Đây là chỗ đức Gotama (Phật) đản sanh”. (Trụ đá nầy dựng lên trước kỷ nguyên 249 năm do Thánh Quân A Dục (Asoka-Raja) của Ấn độ, tính đến nay đã hơn 2,200 năm). Lúc bấy giờ nước Nepal trực thuộc Ấn Độ, phía Nam là thành Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavastunagara), gần lưu vực sông Hằng (Ganga Kohana), phía Đông của thành là vườn Lâm-tỳ-ni (Lumbini). Thái tử Shiddhartha giáng sanh chốn này. Năm ấy là năm thứ 565 trước kỷ nguyên, cũng chính là đời Châu Linh Vương ở Trung Quốc, nhằm ngày 08 tháng 04 năm thứ bảy.
Thái tử Siddhartha là con vua Tịnh Phạn (Suddhodana). Hoàng đế nước Ca-tỳ-la-vệ, Hoàng hậu là bà Ma-gia phu nhơn (Mayadevi), sau khi tu hành đắc đạo hiệu là Thích Ca Mâu Ni (Sakyamuni Buddha), về Phạn ngữ, Sakya là họ của Ngài, Muni là tên riêng của Ngài. Chúng ta có thể dịch là Năng-Nhơn, nghĩa là Ngài thật hành lòng nhơn từ, rộng giúp trong ba cõi (cõ dục, cõi sắc và cõi vô sắc). Chữ Siddhartha có nghĩa là Kiết Tường, lại cũng có nghĩa là Thành-Tựu. Chữ Phật-Đà (Buddha) là tiếng Phạn, có nghĩa là bậc Đại-giác-ngộ. Chúng ta thường gọi tắt là Phật. Thế Tôn (Lokajyestha) nghĩa là bậc được tôn kính bởi mọi người trong thế gian. Vì thế, nên chúng ta thường xưng “Thích Ca Mâu Ni Phật” hay là “Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn”.
Thái-tử Tất Đạt Đa (Siddhartha) giáng sanh được 7 ngày thì Hoàng Hậu Mayadevi nhờ phước báo ấy, sanh lên cung trời Đao-Lợi (Trayastrimisas). Bà Di Mẫu Ma-Ha-Ba-Xà-Ba-Đề (Mahaprajapati) thay Hoàng Hậu dưỡng nuôi Thái Tử đến lúc trưởng thành. Từ nhở Siddhartha thiên tách thông
Trong quá trình phát triển của Phật giáo, các nước theo Phật giáo Nam truyền ( còn gọi là Phật giáo Nguyên thủy hay Phật giáo tiểu thừa) giữ nguyên ngày tháng năm sinh của đức Phật. Theo lịch Ấn Độ cổ ngày trăng tròn tháng Vesak là ngày sinh của đức Phật cũng là ngày đức Phật thành đạo đồng thời là ngày đức Phật nhập niết bàn. Sự hy hữu đó được các nước theo Phật giáo Nam truyền tổ chức ba lễ trong một ngày nên gọi là Đại lễ Tam hợp (ba trong một) hay Đại lễ Vesak (chỉ tháng). Các quốc gia theo truyền thống Phật giáo Nam truyền tổ chức Đại lễ Phật Đản vào ngày trăng tròn tháng Vesak thường vào ngày trăng tròn trong tháng 5 Dương lịch.
Sở dĩ tôi kể lại hai ngày đại lễ vì từ lâu tôi vẫn xem Cha như Phật tất cả mọi hạnh phúc tôi có ngày hôm nay từ học vấn đến tâm linh đều đến từ cha tôi.
Không hiểu sao Tôi yêu cha tôi còn hơn là mẹ tôi nữa ….nhưng người đã mất sớm quá để tôi không thể trả hiếu như nguyện vọng nên cứ mỗi năm Phật Đản về nhất là ngày mùng tám tháng tư thì tôi thiết lễ Phật Đản thật long trọng tại tư gia và khi đốt hương tưởng niệm hình ảnh cha tôi lại hiện về….
Cũng theo các bản kinh thuộc 2 truyền thống Nam Tông và Bắc Tông đều ghi lại rằng, khi Hoàng hậu Ma Da đản sinh Thái tử thì từ trên không trung có 2 dòng nước của chư thiên, một dòng nước mát, một dòng nước ấm rưới xuống để tắm cho Hoàng hậu cùng Thái tử.
Sự kiện này được ghi lại trong kinh Đại bổn (Trường Bộ II), kinh Hy hữu vị tằng hữu pháp (Trung Bộ III). Theo bộ Đại sự (Mahāvastu), khi Thái tử ra đời, hai dòng nước ấm và lạnh thơm dịu, trong lành từ trên không trung rưới xuống để tắm cho Thái tử. Bên cạnh đó, tác phẩm Phật sở hành tán của ngài Mã Minh cũng ghi lại sự kiện quan trọng đó là: “khi Thái tử ra đời có bốn vị Thiên vương dùng vải quý của cõi trời nâng Thái tử, Thích Đề Hoàn Nhơn mang lọng báu cùng Đại Phạm Thiên đứng hầu hai bên. Lúc đó có hai vị Long vương là Nan-đà và Ưu-ba-nan-đà từ trên hư không phun hai dòng nước ấm và mát để tắm thân Thái tử.. Và vi diệu hơn nữa dưới chân Ngài 7 đóa hoa sen từ dưới đất vọt lên “Mỗi bước hoa sen nâng gót ngọc.”….
Tản mạn như thế để nhớ lại ngày Đức Phật đản sinh theo truyền thống lịch sử , hơn thế nữa tôi cũng biết rằng “Lễ hội Phật Đản là nơi hội tụ văn hóa dân tộc từ xa xưa để lại, mang ý nghĩa tâm linh và nhân văn sâu sắc, mang đậm giá trị đạo lý truyền thống “uống nước nhớ nguồn”.
Những ai đã nghiên cứu sâu về đạo Phật,, đều phải công nhận minh triết Phật giáo ngầm chứa rằng… con người không thể tách khỏi xã hội, nên sự tu tập phải được thực hiện song hành. Con người là chính báo (nghĩa là quả báo chính) và xã hội là y báo (tức là quả báo hoàn cảnh). Cả hai thứ chính báo và y báo đều thuộc về sự sống của con người cho nên đều phải được chuyển đổi song hành.
Sự tu dưỡng này không thể được thực hiện hoàn toàn trong một môi trường khép kín, hay trong tháp ngà tu viện mà ngay trong đời sống xã hội, trong tiếp xúc, liên quan cả bên trong và bên ngoài, thử thách độ bền vững của việc hình thành tính cách, phẩm chất. Vì chính Lục Tổ Huệ Năng cũng dạy “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác”.
Trộm nghĩ… mỗi khi được chiêm ngưỡng hình ảnh Thái Tử Tất Đạt Đa với 7 đóa sen nâng gót ngọc và khi đọc kinh Ưu Bà Di Pháp Môn Tịnh Hạnh chép: Thái tử vừa đản sinh liền bước đi bảy bước có bảy đóa sen đở gót.
Chúng ta vẫn không hiểu tại sao mỗi bước chân thái tử nhìn về một phương: Đông, Tây, Nam, Bắc, Thượng, Hạ, đến bước thứ bảy thái tử một tay chỉ lên trời một tay chỉ xuống đất rồi dõng dạt tuyên bố: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn.”
Theo đó Ngài muốn chỉ ra rằng trên trời dưới trời chỉ có ta là hơn hết.”… Và nhiều chú giải cho rằng ý nghĩa còn liên quan đến tự ngã của mình nữa….
Nhưng mãi đến sau này khi được đọc trong Kinh Tăng Chi Bộ tôi mới hiểu được thêm ý nghĩa qua lời dạy của Đức Phật “Này các tỳ kheo, một người khi xuất hiện ở đời là xuất hiện một người không có hai, không có đồng bạn, không có so sánh, không có tương tự, không có đối phần, không có người ngang bằng, không có đặt ngang bằng, bậc tối thượng của loài người. Người ấy là ai? Chính là Như Lai bậc A La Hán Chính Đẳng Chính Giác.” Đức Phật đầy đủ ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp, tâm Ngài thanh tịnh vô nhiễm và nhu nhuyến, pháp thân Ngài thì bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh, cho nên ngày lễ Phật Đản là một cơ hội để cho chúng ta thực tập nếp sống chính niệm, trau dồi lòng khiêm cung, hướng tâm nhiệt thành đến Đức Phật,
Thì …dù cho mùng tám hay rằm tháng tư trăng tròn cành nhiều càng tốt vì có lần tôi đọc được từ cố Giáo sư Phạm Công Thiện rằng: ngày Phật Đản chỉ đúng nghĩa là ngày Phật Đản khi mỗi ngày trong đời chúng ta đều là ngày Phật đản sinh từ giây phút này đến giây phút khác, để “Mỗi đêm và mỗi ngày Đức Phật đều giáng sinh trong lòng chúng ta, mỗi khi lòng chúng ta là lòng Bồ-đề” (Từ Bát-nhã đến Pháp Hoa – Phạm Công Thiện).
Lời kết :
Người Phật tử trên bước đường tìm về hạnh phúc tối hậu nơi nương tựa duy nhất là Phật, Pháp, Tăng.
Nhưng Phật, Pháp, Tăng vốn chung một thể và Phật chính là cái Tâm nguyên thủy của mỗi người . Tâm mình vốn là Phật , tất cả do tâm tạo chứ không phải một đấng tối cao nào tạo, thế nên mỗi ngày hãy chăm sóc cái bản ngã của mình đừng để ảo tương khởi lên nghĩa là khi nào chúng ta giữ gìn giới luật tinh tiến thì ở tất cả nơi đó Phật đều thị hiện.
Hãy ngâm vang câu:
“Bảy đóa sen vàng ngót ngọc
Ba nghìn thế giới đón Như Lai”
Nếu đã biết Đức Phật ra đời vì hạnh nguyện cứu độ chúng sinh, giúp cho chúng sinh không còn bị nghiệp báo luân hồi chi phối. Để cứu độ chúng sinh, Đức Phật đã ứng thân thị hiện ra nhiều hình tướng khác nhau. Và cũng cần nhắc lại một lần nữa … ”Hình ảnh Đức Phật khi đản sinh bước đi trên 7 bông sen chính là một hình ảnh linh thiêng, ẩn chứa nhiều ý nghĩa. Số 7 là con số mầu nhiệm mà người Ấn Độ thường hay sử dụng bởi nó bao trùm cả nhân sinh quan, vũ trụ quan, bao trùm cả tam thiên đại thiên thế giới. Con số 7 bao trùm cả không gian (Đông, Tây, Nam, Bắc) và thời gian (quá khứ, hiện tại, vị lai)”
Ý muốn nói Pháp thân của chư Phật là chu biến khắp pháp giới. Hãy tự mình làm cho Pháp thân thanh tịnh, bằng cách tẩy rửa bụi trần, gột rửa thân tâm của chính mình, để tìm lại tự tánh thanh tịnh vốn sẵn có nơi tự tâm và Phật tánh vốn tiềm ẩn trong mỗi người, lại có bụi bặm phiền não tham sân… che lấp, nên Phật tánh không hiển lộ ra được.
Kính trân trọng chia sẻ niềm vui ngày Phật Đản,
Kính mừng đại lễ Phật Đản làn 2646
Theo lịch sử khoảng 624-544
Từ cõi Đâu Xuất ánh sáng trang nghiêm huy hoàng
Bồ Tát Hộ Minh công đức uy thần nhận rõ rằng:
Bao kẻ hữu duyên …
Có thể lĩnh hội giáo lý thanh tịnh !
Với hình thức nhập thai mẹ theo lối bên hữu thân mình
Báo tin trong mơ cởi bạch tượng giáng sinh
Và ngày đản sinh … Lâm Tỳ Ni
…. trời ĐẾ THÍCH cúng dường hoa sen …rãi
Nhạc trống chào mừng và thiết lễ tôn vinh
Không chỉ thần dân Ca Tỳ La Vệ hết lòng tôn kính
Hơn hai ngàn năm trăm năm sau… với niềm tin
Đức Phật ra đời …giúp cho chúng sinh
Thoát khổ do nghiệp báo luân hồi chi phối !
Kính mừng Đại lễ Phật Đản … tưng bừng vượt trội
Trong con nay nhuần thấm giáo lý Ngài
Nguyện trong tâm Phật đản sinh suốt đêm ngày
Gội rửa bụi trần tham, sân từ lâu bám vướng !
Kính đảnh lễ Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác tối thượng.
“Nam Mô Lâm Tỳ Ni Viên Vô Ưu Thọ Hạ Thị Hiện Đản Sinh Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật .”
Huệ Hương