Nhân Ngày Phật Đản Chút Tản Mạn Về “Buông và Nắm “, “Nhớ và Quên”.

Dù từ nhiều năm nay không biết đã có bao nhiêu bài viết, thông điệp về ngày lễ Phật Đản và đã có bao nhiêu người xem và ghi nhớ trong lòng rằng : nhờ có ngày lễ này mà chúng ta có cơ hội ôn lại lịch sử Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Riêng tôi vẫn thích nhất khi đọc Wikipedia vào mỗi mùa Phật Đản để biết thêm về ước nguyện của tiền thân Hoàng Hậu Ma -Ya như sau: “ Kính Bản Sanh (Jataka) ghi về nhân duyên làm thân mẫu Phật của bà Ma-Ya như sau: cách đây 91 đại kiếp Trái Đất có 1 vị Phật Chánh Đẳng Giác tên là Phật Tỳ Bà Thi (Vipassī) ra đời. Có một công nương (con một vị đại thần trong triều đình) đã cúng dường Phật Tỳ-bà-thi với lòng chí thành và ước nguyện rằng trong tương lai, cô sẽ được làm mẹ của 1 vị Phật. Đức Phật Tỳ-bà-thi đã thọ ký cho cô sẽ được như nguyện. Công nương đó chính là tiền kiếp của hoàng hậu Ma Ya “.

Và câu chuyện cho nhiều thế hệ kế tiếp… Trước đó mười tháng, trong khi được vua cho phép giữ 8 giới thanh tịnh nhân dịp lễ cầu mưa (Asadh Utsav), tại thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu), hoàng hậu Maya nằm mộng thấy một con voi trắng sáu ngà, vòi cuốn một hoa sen lớn màu trắng, từ trên trời bay xuống chui vào hông phải của bà, lúc đó bà cảm thấy thân tâm an lạc, sáng chói như ánh trăng rằm. Thức dậy, bà đem chuyện giấc mộng kỳ lạ kể cho nhà vua nghe. Nhà vua liền cho mời 64 nhà tiên tri Bà La Môn đến giải mộng; các vị này đoán là hoàng hậu đã mang thai và hoàng tử sắp được sinh ra sẽ là một bậc Chuyển luân Thánh vương (vua của các vị vua) hoặc một bậc Thánh giác ngộ.

Khoảng mười tháng sau giấc mơ kỳ lạ đó, ngày sinh nở của Hoàng hậu Maya ngày càng đến gần. Một ngày nọ, Hoàng hậu Maya đến bên vua và thưa: “Bệ hạ, thiếp phải trở về quê để chuẩn bị sinh con”. Theo tập quán thời đó, người vợ phải về sinh con tại nhà cha mẹ của mình. Vua đồng ý, nói rằng: “Rất tốt, ta sẽ chuẩn bị chu đáo để hoàng hậu về quê”. Nhà vua sai binh lính đi trước để dọn đường và cho người chuẩn bị kiệu cho hoàng hậu trở về quê. Hoàng hậu rời kinh đô Ca-tỳ-la-vệ bằng một đoàn rước kiệu của những người lính trở về thủ đô vương quốc Koliya nơi vua cha Anjana trị vì.

Trên đường trở về quê hương Koliya, đoàn rước kiệu đi qua một khu vườn gọi là Lâm-tỳ-ni. Khu vườn này gần vương quốc Nepal, dưới chân dãy núi Himalaya. Lâm Tỳ Ni có nhiều cây sala (Ta-la) che bóng mát tỏa hương thơm ngát, những chú chim và ong bận rộn hút mật làm hoàng hậu phải chú ý. Bởi nơi này thuận lợi cho nghỉ ngơi, hoàng hậu đã ra lệnh cho mọi người dừng chân. Khi hoàng hậu nghỉ dưới một gốc cây sala, bà chuyển dạ và sinh hạ một người con trai.

Người con trai đó sau này là Đức Phật Đó là rạng sáng ngày mồng 8 tháng Tư âm lịch theo Phật giáo Bắc Tông hoặc vào ngày trăng tròn tháng Vesak theo Phật giáo Nam Tông.

Theo các kinh điển Phật giáo ngay từ lúc sinh ra, ông đã có đầy đủ tướng tốt (Ba mươi hai tướng tốt). Tên được chọn là Sĩ Đạt-Đa (Siddhartha) có nghĩa là “người thành đạt mọi nguyện vọng”.

Hơn thế nữa tôi thường xem qua các thông điệp từ những bậc lãnh đạo tôn giáo vào dịp lễ Phật Đản mỗi năm để xem mình có thể học hỏi gì thêm từ các Ngài qua sự kiện lịch sử này …thì quý vị ấy chỉ chung một lời rằng… Sự hiện diện của Thái Tử Sĩ Đạt Ta đã mang lại ánh sáng trí tuệ bao la và suối nguồn yêu thương đến cho nhân loại và người con Phật mỗi khi lễ Vesak về chính là cơ hội để ôn nhớ, chiêm nghiệm …sống theo giáo pháp Ngài (những lời vàng ngọc từ kim khẩu Ngài) và đi theo con đường giác ngộ giải thoát cho chính mình và mang lại an vui hạnh phúc cho những người thân và bạn bè chung quanh ta….

Thế nhưng, năm nay sau khi đọc hết đến đoạn cuối Tâm thư Phật Đản Phật lịch 2566 từ Viện Tăng Thống… Phật đản năm nay, những gì an lạc trong quá khứ xa xôi đã đi qua như giấc mộng an lành, rồi những ngày tháng đau thương khổ nhục cũng đã đi qua như ảo ảnh trong sa mạc, chúng đệ tử Phật, bằng tâm tư hỷ và xả, bằng hành và nguyện thường tùy Phật học, hằng thuận chúng sinh, tự mình nâng cao phẩm chất đạo đức, tu giới, tu định, tu huệ, tăng trưởng chánh tín, dâng lên Đức Đại Giác Chí Tôn trong Ba Cõi, hồi hướng công đức đến mọi chúng hữu tình, cho tất cả được tăng ích sống an lạc trong chánh tín bất hoại, vì cứu cánh của mình và của nhiều người, trong đời này và trong vô tận đời sau. ( Thích Tuệ Sỹ )

Lạ thay khi đọc đoạn cuối bức tâm thư này thì bao nhiêu vọng tưởng chán nản về tình người tình đời trong tôi bổng tiêu tan mất vì tôi đã ngộ ra hai chữ Nhớ và Quên trong cuộc sống một đời người mà Nhớ và Quên là hai phạm trù trái ngược nhau.

Thật ra cũng nên nhớ những cái gì cần phải nhớ và hãy quên đi những thứ đáng phải quên. Chỉ khi quên đi những thứ gọi là “áp lực” trong tâm hồn mình, sẽ cảm thấy thật thanh thản vì sao vậy… đôi khi trên đường đời ta sẽ gặp những người “họ quên những lần ta giúp đỡ họ và sẽ nhớ mãi một lần ta từ chối họ” .

Tôi lại trở về cái con người thật của tôi, một người với bản tính âm thầm nhẫn nhịn với mọi đau khổ trong đời từ lâu luôn im lặng, nhưng cố gắng tiếp tục con đường đã định hướng của mình và chờ đến một ngày tâm thần ổn định hơn, thoải mái hơn trong hy vọng mọi việc sẽ khá hơn vì tôi vẫn còn xem đấy là số mệnh đã xếp đặt sẵn (dù biết rằng đó chỉ là quả của nghiệp nhân ngày trước) và nhất là khi lời nói mình không thể diễn tả cho người hiểu được ( when words are not enough ).

Dù cho Sư Phụ tôi thường dạy “Toàn bộ giáo lý Phật nằm trong chữ BUÔNG” nhưng tôi đã thấy chung quanh tôi không ngoại lệ bất cứ một ai… ”thích nắm hơn buông, mặc dù trên nguyên tắc buông dễ hơn nắm “.

Lại có một danh ngôn khác “ Khi trong tay anh nắm chặt một vật gì mà không buông xuống, thì anh chỉ có mỗi thứ này, nếu anh chịu buông xuống, thì anh mới có cơ hội chọn lựa những thứ khác. Nếu một người luôn khư khư với quan niệm của mình, không chịu buông xuống thì trí huệ chỉ có thể đạt đến ở một mức độ nào đó mà thôi ”.

Trộm nghĩ… Tâm lý ta khi ấy sẽ trở nên cân bằng hơn vì “ Trong cuộc sống phải biết thứ gì cần nhặt lên và thứ gì cần bỏ xuống ” !

Và có lẽ nếu ai biết buông – hoặc biết cách nắm như thế nào cho đúng cách – sẽ không phải chìm trong đau khổ…

Nắm đúng cách chính là sự tinh tấn trong chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh niệm, chánh định. Buông như thế, nắm như thế mới có thể có được sự quân bình, an lạc. Nói thì dễ, nhưng thực hành mới khó làm sao. Mà khó nhất chính là làm sao buông được để rảnh tay mà nắm!

Hơn thế nữa thế giới vốn không thuộc về chúng ta , vì thế chúng ta không cần vứt bỏ, cái cần vứt bỏ chính là những tánh cố chấp. Vạn vật đều cung ứng cho ta, nhưng không thuộc về ta.

Đức Phật đã từ bỏ ngai vàng, điện ngọc, vợ đẹp, con thơ vì Ngài biết rằng nếu mãi mê truy cầu theo dục vọng sẽ tự hại bản thân và sinh mệnh mình chẳng được lâu dài.

Phật từng nói kệ của Đức Phật Ca Diếp truyền lại trong Kinh 42 chương

Dục sanh từ ý Ông
Ý do tư tưởng sanh
Cả hai tâm vắng lặng
Phi sắc cũng phi hành

Thế thì đâu phải đợi đến khi bạn bước vào “thất thập cổ lai hy” rồi, còn sức khỏe tốt không bịnh tật nguy hiểm đến tính mạng mới thấy đó là một điều kỳ diệu,m à phải nghĩ rằng bất cứ độ tuổi nào nếu bạn có được khả năng sáng tạo đều đặn, đọc kinh sách đều đặn và không ngừng tư duy, chiêm nghiệm trước một bài chú giải hay lời giảng trong một pháp thoại, có thể đoán trước một sự việc gì xảy ra trong đời quả là một đại phước duyên rồi.

Một khi đã thấy sự may mắn của mình và tự biết sức khỏe mình rồi chỉ cần nhớ mỗi điều này thôi. “ Tất cả đều là ảo mộng, là bong bóng sẽ vỡ tan một khi ta nhắm mắt xuôi tay và học cách buông bỏ chính là tận hưởng cuộc đời một cách trọn vẹn nhất “.

Thời đại chúng ta đang sống đang được xem là thời hoàng kim của công nghệ số. Dường như chưa bao giờ trong lịch sử văn minh nhân loại, con người lại thông minh, mạnh mẽ và đầy đủ tri thức như lúc này .Vì thời bây giờ khi cần thông tin, chỉ cần gõ từ khóa vào Yahoo seach, Google… là có thể truy tận đến từng sợi tóc của thế giới cũng không thoát….nhưng trái lại chúng ta đang mất dần đi những nét đẹp văn hoá của một nền nếp cũ và một niềm tin tịnh tín của thời đại 2600 năm về trước.

Hãy trở lại sống trong nếp sống đạo dức, một lối sống như Thái Tử Sĩ Đạt Ta đã trải qua mọi gian khổ để tầm cầu… vượt thoát cái khổ do chính ái dục mình tạo ra và từ đấy Đạo Phật phát triển và xây dựng nền tảng, con đường của Từ Bi Hỷ Xả.

Lời kết:

Đức Phật xuất hiện trên cuộc đời tiêu biểu cho sự trong sạch hoàn toàn như hoa sen mà không một bậc Thánh nhân nào có thể sánh bằng và đức Phật tinh khiết như gương sen nhờ cốt lõi tâm trọn lành của Phật.

Tất cả người con Phật với lòng tôn kính Tam Bảo, với một tâm niệm, nương theo Phật không sinh diệt để tu, để phát huy trí tuệ hiểu biết và đạo hạnh của mình; nguyện quay về nương tựa với giác tánh nơi tự tâm, trang nghiêm cho chính mình bằng hương thơm đức hạnh, bằng cành hoa trí tuệ và bằng nước từ bi nhẫn nhục, để có khả năng tùy thuận thích ứng với mọi duyên thuận, nghịch, chuyển hóa tự thân, trang nghiêm tịnh độ.

Kính mừng Đại Lễ Phật Đản 2646 Phật lịch 2566.

Vừa đản sinh, huyền sử Thái Tử đi bảy bước
Bảy đóa sen hồng nâng đỡ gót ngọc Ngài
Ba ngàn thế giới chào đón bậc siêu việt anh tài
“Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”… tuyên bố !

Phải chăng từ Đâu Xuất, Bồ Tát Hộ Minh…
nhận ra đây là lúc đúng thời cứu độ ?
Cho những ai hữu duyên…
có thể lãnh hội pháp mầu
Với thiện căn thuần thục,
… phát nguyện sơ tâm sâu
Sẽ buông bỏ được…
cái chấp ngã bám víu từ bao kiếp !

Phật tử khắp năm châu tán dương…
… tính trong sạch thuần khiết
Đã qua 2600 năm…
… chưa ai khác xuất hiện trên đời!
Không một thánh nhân…
đạt mức tối thượng cao vời
Bậc ALa Hán chứng quả…
… Chánh Biến Tri do tự ngộ!

Chư Tổ đời sau theo gương
… chỉ dạy thế nào là Tịnh độ (1)
Nhận bản tâm mình là Phật… học Thường bất Khinh
Vọng tâm điều phục phiền não không sinh
Chánh kiến đối diện hiện thực…
… Tánh Không vạn pháp !

Kính mừng đại lễ Phật Đản… ánh hào quang rực sáng
Nam Mô Lâm Tỳ Ni viên Vô Ưu thọ hạ thị hiện đản sinh
THÍCH CA MÂU NI PHẬT

Huệ Hương
———————————————————
(1)
“Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương:
Di Đà là tính sáng soi, mựa phải nhọc tìm về Cực lạc”,
( Cư trần lạc đạo phú – Trần Nhân Tông)

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.