Bát Nhã Tâm Kinh Giảng Giải Vô Thượng Niết Bàn

Buổi sáng sớm vào lúc thức dậy chúng ta thấy trên cỏ còn đọng lại những giọt sương. Nhưng khi mặt trời ló dạng, ánh nắng chiếu xuống thì sương tan, không còn nữa. Và điện chớp là hiện tượng thoáng qua, bất thường.

Do đó, khi quán theo như thế thì chúng ta sẽ thấy biển rộng trời cao và tâm lượng của chúng ta biến thành bao la rộng lớn, không còn gì ràng buộc và không có gì làm trở ngại bởi vì tất cả mọi sự vật chỉ là như mộng huyễn, như bọt bóng, như sương, như điện chóp mà thôi.

Tuy pháp hữu vi là giả nhưng con người lúc nào cũng tin là thật, là chắc chắn bền lâu cũng tại vì “cái chấp” mà ra.

Ngày xưa lúc Tổ thứ năm của Thiền Trung Hoa là Hoằng Nhẫn (602-675) vì tuổi đã già muốn tìm người để truyền Tổ vị thì có vị cư sĩ Lư Huệ Năng từ phương Nam đến yết kiến. Ngũ Tổ hỏi:

–        Ngươi muốn cầu việc gì?

Hưệ Năng thưa:

–        Đệ tử chỉ muốn cầu làm Phật.

Tổ hỏi:

–        Người phương Nam không có Phật tánh thì làm sao thành Phật được?

–        Huệ Năng thưa:

–        Người thì có Nam Bắc, Phật tánh há có Nam Bắc sao?

Trong số hơn 700 đệ tử, thì thượng tọa Thần Tú là đệ tử giỏi nhất nên sau khi nghe ý của Tổ muốn truyền vị bèn làm một bài kệ như sau:

          Thân thị Bồ-đề thọ
Tâm như minh cảnh đài
Thời thời thường phất thức
Vật sử nhạ trần ai.

Dịch là:

Thân là cội Bồ-đề (chấp có tướng)
Tâm như đài gương sáng (chấp có tướng)
Luôn luôn phải lau chùi (chấp có tu)
Chớ để dính bụi trần. (chấp có chứng)

Vì mỗi câu đều có chấp, chứng tỏ ngài Thần Tú chưa ngộ được tính không của Kim Cang Bát Nhã nên bị Tổ Hoằng Nhẫn chê là :”Còn đứng ngoài hàng rào”. Trong khi Lư Huệ Năng làm bài kệ đối như sau:

          Bồ-đề bổn vô thọ
Tâm phi minh cảnh đài
Bổn lai vô nhất vật
Hà xứ nhạ trần ai.

Dịch là:

Bồ-đề không phải cây (không chấp có tướng)
Chơn tâm không phải đài (không chấp có tướng)
Xưa nay không một vật (không chấp mình tu)
Chỗ nào dính bụi trần (không chấp mình chứng quả)

Do chỗ đã ngộ được Lý Không trong kinh Kim Cang Bát Nhã để phá trừ chấp ngã và chấp pháp mà Ngài Huệ Năng trở thành Lục Tổ và cũng là vị Tổ sau cùng của Phật giáo Trung Quốc.

Vì có chấp cho dù đó là chấp “Có” hay chấp “Không” cũng đều là vọng chấp cả nên không thể chứng được đạo Bồ-đề. Bởi thế Phật có dạy rằng:

Nhược nhơn dục thức Phật cảnh giới
Đương tịnh kỳ ý như hư không.

Dịch là:

Nếu người muốn biết cảnh giới Phật
Tâm phải thanh tịnh như hư không.

Trong thế giới hiện nay chúng ta thấy Luật nhân quả hiển hiện khắp mọi nơi. Con người gây ra ác nghiệp bây giờ không cần đợi qua đến kiếp sau mới thấy cái quả mà nó xảy ra liền trước mắt của họ trong đời nầy. Cái quả báo nhãn tiền nầy nhà Phật gọi là Hiện báo nghiệp. Thêm nữa Luật Nhân quả đối với nhân sinh vũ trụ đều thuộc về pháp hữu vi cho nên tât cả đều bị chi phối bởi thời gian, tức là thành, trụ, hoại, không của thế gian. Có nghĩa là “cái Có” rồi nó sẽ trở về với “cái Không”. Thí dụ như cung thành Ca Tỳ La Vệ ngày xưa rực rỡ bao nhiêu mà trải qua mới mấy ngàn năm bây giờ chỉ còn lại vài cục gạch bể mà thôi. Khi vua Lý Công Uẩn xây dựng thành Thăng Long, tức Hà Nội bây giờ, cách nay khoảng 1000 năm mà gần đây các nhà khảo cổ đã đào được một khu làng đã bị chôn sâu vào lòng đất. Thế thì “thành, trụ, hoại, không” nói lên được tánh vô thường của vạn pháp. Thật vậy, trên đời nầy không có gì là vĩnh viễn trường cửu cả như ngày xưa Đình Trưởng đã nói với Sở Bá Vương lần cuối cùng ở bến Ô Giang là:

“Mảnh trăng mới khuyết chưa tròn,
Tay không Hạng Võ lại hoàn tay không”.

Nếu nói Luật Nhân quả dựa trên yếu tố thời gian thì Đức Phật đưa ra Lý Nhân Duyên dựa trên yếu tố không gian để khai thị cho con người thấu hiểu rằng tất cả mọi cấu tạo hình thành của vạn pháp là do nhân duyên hòa hợp mà có. Không có một vật gì trên trái đất nầy hay trong vũ trụ mà tự nó phát triển hay tạo thành mà không có giúp đỡ của những nhân khác. Một chén cơm chúng ta ăn là do sự kết tập từ hạt lúa, đến phân bón, nước, ánh sáng mặt trời và tay vun trồng của người nông phu…chớ hạt lúa không thể tự nó biến thành lúa được. Chiếc áo chúng ta đang mặc là do bàn tay khéo của người thợ may, mà muốn có vải để may thì cần có tơ lụa để dệt và tơ lụa thì cần phải có người nông phu trồng bông vải…

Vì thế một nhân mà không có trợ duyên thì sẽ vĩnh viễn không bao giờ thành quả. Nói tóm lại, không có một hiện tượng vật chất hoặc tinh thần nào trên thế gian nầy có thể tự nó sinh tồn mà không tùy thuộc đến những trợ duyên khác. Vì cần đến những duyên chung quanh nên nhân mới có cơ hội sinh khởi hay hủy diệt mà từ đó thuyết Duyên Khởi được ra đời. Hãy quan sát lại cái thân tứ đại của chúng ta. Chúng ta còn sống là bởi tim, gan, phèo, phổi hoạt động tương trợ cho nhau. Khi ăn uống vào thì chúng ta cung cấp năng lượng cho các tế bào để hoạt động. Khi hít thở chúng ta đem dưỡng khí vào phổi để dòng máu được lưu truyền mà nuôi toàn thân. Thận thì thanh lọc và sa thải chất dơ để thân thể đủ sức đề kháng chống lại bệnh tật. Máu phải chuyển dưỡng khí lên óc làm cho hệ thống não tủy họat động để chi phối mọi cơ năng của con người.

Nói thế thì con người của chúng ta chẳng qua là do sự kết hợp của trùng trùng duyên khởi mà thôi. Bây giờ chúng ta nhìn xa một chút thì chung quanh chúng ta từ đơn vị nhỏ là gia đình cho đến xã hội và thế giới vũ trụ cũng thế. Sự sinh tồn và hủy diệt của vạn pháp trên thế gian nầy chẳng qua chỉ là sự kết hợp hay phân ly của những duyên khởi mà ra. Cái nhà chúng ta đang ở, cái xe chúng đang dùng hoặc thức ăn, áo quần hay vật dụng đều là những duyên khởi cả. Không có gạch, ngói, đá, xi măng và công thợ thì làm gì có cái nhà? Không có sắt, thép, chất cao su và máy móc tân kỳ thì tìm đâu ra chiếc xe hơi? Không có ruộng đồng, phân bón và công người nông phu thì làm gì có cơm hay thức ăn thức uống cho chúng ta? Không có bông vải và hảng dệt cũng như bàn tay khéo léo của người thợ may thì làm gì chúng ta có những bộ áo quần tốt? Không có những bộ óc khoa học kỷ thuật thì làm gì có được những chiếc máy bay khổng lồ để chở chúng ta vượt qua Thái Bình Dương về thăm quê hương? Nhưng tất cả cũng đều nằm trong quy luật:” Duyên kết thì thành còn duyên tan thì hoại”. Do đó luật nhân quả mà không có lý nhân duyên hợp lại thì không bao giờ thành tựu. Vì thế không gian vô tận và thời gian vô biên là dựa theo Luật nhân quả và Lý nhân duyên mà tạo thành thế giới vũ trụ nầy.

Vũ trụ thì như thế còn sự sinh tồn của con người như thế nào?

Con người cũng như vạn vật có được là nhờ nhân duyên hòa hợp tạo thành và khi nhân duyên tan rã là chết. Sự hạnh phúc hay khổ đau của con người cũng như vạn vật đã được gọi ghém rõ ràng trong Bát Nhã Tâm Kinh.

Tham một thứ thì nhiều thêm một thứ. Ít đi một vọng niệm thì bớt đi một chút nghiệp và sẽ tăng thêm một phần giải thoát.”
Nghe Audio: Giọng Đọc Nguyên Hà bài này 

Lê Sỹ Minh Tùng

http://thuvienhoasen.org

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.