Sống Sao Cho Xứng Đáng Kiếp Người!

Trân quý thay, hạnh phúc thay nghe từ pháp thoại

“ BỐN ĐIỀU CAO QUÝ phải học” của Thế Tôn
Được bình giảng yếu chỉ khiến nhuần ôn
Vì học kinh mà không hiểu…
Sẽ không thực hành đến nơi đến chốn !

Bài pháp thoại trên đã làm người viết suy tư thật nhiều về việc nghe pháp, thật là hạnh phúc vô biên, và chân thật khi được nghe và hiểu sâu một cách thấm thía từ đầu đến cuối không ngừng một giây phút nào với tất cả sự chú tâm lắng nghe.

Hẳn ai cũng đều được nghe trong các bài pháp thoại, quý giảng sư thường nhắc đến lợi ích của sự nghe pháp như sau: “Nghe pháp thường xuyên thì sẽ có được những niềm vui mà không thể có được từ vật chất, không thể có được từ những trò giải trí bên ngoài.” Và 5 điều lợi ích của một người nghe pháp thường xuyên được thọ hưởng ấy là:

1. Nghe được điều chưa từng nghe.
2. Bổ sung củng cố thêm cho những điều đã nghe.
3. Chấm dứt hoang mang, nghi hoặc, ngờ vực.
4. Hỗ trợ cho chánh kiến.
5. Có được niềm vui trong chánh pháp.

Nếu giới luật được ví như đôi chân của một người đi đường,thì trí tuệ chính là cặp mắt của người đi đường, và chúng ta ai cũng biết tri kiến cũng lại là một phần Trí Tuệ. Trí tuệ có được là do 3 yếu tố (do nghe, do tư duy suy nghĩ và trí do tu) hay nói khác hơn Văn, Tư, Tu chính là trí tuệ.

Do vậy quả đúng như 5 điều lợi ích trên nghe pháp làm cho huệ nhãn của mình sáng lên và có thể nói là mình sẽ hãnh diện vì được làm một điểm sáng trong thế gian này. Hơn thế nữa điều thứ 5 về niềm vui cho ta thấy những niềm vui bên ngoài và vật chất không hề giống với niềm vui của người được biết thêm về vấn đề giáo lý. đem lại cho mình.Cái niềm vui của một người hiểu rõ mình là ai, ở đâu mình tới, mình sẽ về đâu và bây giờ mình nên làm gì…Chánh pháp chính là con đường khai mở tầm nhìn của mình cho xa hơn, rộng hơn, sâu hơn, cao hơn.

Kính xin phép được chia sẻ niềm vui đó qua bài pháp thoại BỐN ĐIỀU CAO QUÝ CẦN PHẢI HỌC được HT Thích Thông Phương giảng tại Thiền Viện Chánh Giác vào cuối năm 2019 đã được Cư sĩ Chánh An upload trên YouTube và người viết rất tâm đắc nghe đi nghe lại nhiều lần để rồi cuối cùng xin tóm tắt lại và chia sẻ như một lời tri ân đến Giảng Sư và người thu âm vậy.

Kính trân trọng,

Bắt đầu bài pháp thoại, HT Giảng sư đã trích 4 câu hỏi của Quỷ Dạ Xoa Àlavaka trong một bài kinh Àlavakasutta (Khuddakanikàya, Bộ Suttanipàta, kinh Àlavakasutta) theo đó Dạ Xoa Alavaka đã đối xử với Đức Phật bằng thái độ trịch thượng và những câu vấn nạn nhưng Đức Phật đã cảm hoá được Dạ Xoa bằng sự nghiêm từ và giảng giải Diệu Pháp.

– Này Sa môn Gotama,

1- Vật sở hữu gì quý nhất của chúng sinh trong đời?
2- Pháp nào khi chúng sinh đã thực hành đúng sẽ cho quả an lạc?
3-Hương vị nào là vị ngọt nhất hơn các vị khác?
4-Chúng sinh sống như thế nào mới được gọi là sống cao thượng nhất?

Bằng giọng phạm âm ngọt ngào, với tâm từ vô lượng, tuần tự Ðức Phật trả lời:

– Này Àlavaka,

1- Niềm tin là của cải cao quý nhất của chúng sinh trong đời.
2- Giáo pháp khi chúng sinh đã thực hành đúng rồi, sẽ cho quả an lạc.
3- Pháp chân thật là hương vị ngọt nhất hơn các vị khác.
4-Sống với Trí tuệ mới được gọi là đời sống cao thượng nhất”.

Với trí tuệ siêu việt bất khả tư nghị Ðức Phật đã trả lời 4 câu hỏi giống như Ðức Phật Kassapa ở quá khứ đã trả lời, truyền từ đời ông nội rồi qua đến cha mẹ của dạ xoa Àlavaka đã từng dạy y như vậy.

Dạ xoa Àlavaka lắng nghe Ðức Phật giải đáp đúng như những câu hỏi, mà thời gian trải qua quá lâu đã chìm sâu vào trong tâm thức, y không thể nào nhớ lại được. Nay y được nghe Ðức Phật trả lời đúng theo câu hỏi, nhắc cho y hồi tưởng lại được, nên y vô cùng hoan hỷ, phát sanh hỷ lạc lạ thường, phát sanh đức tin trong sạch, lòng tôn kính nơi Ðức Phật, đồng thời diệt tâm sân hận ngay, và cuối cùng xin quy y với Đức Phật.

Điều đáng nói là chúng ta sẽ tuần tự học mỗi lời đáp của Đức Phật với sự dẫn giải qua nhiều thí dụ trong các bộ kinh lớn mà HT Giảng Sư đã thấu suốt với sự kinh nghiệm hoằng pháp của Ngài.

Nào chúng ta đi vào từng chi tiết một nhé!

1-Tại sao Niềm tin là vật sở hữu quý giá nhất của con người?

Niềm tin chính là cách mà ta cảm nhận và tin tưởng vào một điều gì đó. Nó có thể đúng, có thể sai, có thể tốt nhưng cũng có thể xấu, tuy nhiên nếu ta tin tưởng và chắc chắn nó sẽ xảy ra theo hướng ta suy nghĩ.

Người sống trên đời nếu thiếu niềm tin thì đời sống sẽ suy sụp vì mất chỗ nương tựa. Vì sao vậy? Một người sống mà để mất niềm tin là hạng giống chủng tử thiện đã bị cháy. Ta thường nghe trong kinh nhắc đến hạng nhất xiển đề (bất cụ tín) là hạng người đang đọa sâu vào cảnh khổ vì diệt mất thiện căn của mình.

Tuy nhiên có niềm tin nhưng phải tích cực và trong sáng, và một khi có niềm tin mãnh liệt nó sẽ giúp cho ta có được thêm động lực để có thể hoàn thành được đến những mục tiêu, mong muốn và với những dự định của mình nó sẽ định hướng cho ta có được những quyết định và hành động đúng đắn. vì có tin mới có làm, (một người đã quyết chí học Phật phải có niềm tin mới có thể nỗ lực quyết chí tiến tới đến chỗ giác ngộ).

— Trong kinh Phạm Võng “Lòng Tin là gốc các công đức- Trong các Hạnh, phải lấy lòng tin làm đầu “.
— Trong 37 phẩm trợ đạo với NGỮ CĂN – NGỮ LỰC, Tín đã đứng đầu trong (Tín- Tấn- Niệm – Định – Tuệ)
—- Trong Kinh Mi Tiên vấn đáp có đoạn Vua hỏi thế nào là hành tướng của Tín,

Ngài Mi Tiên đã trả lời như sau:

*Một khi Tín phát sinh trong tâm rồi sẽ tạo ra một màn chắn ngăn che các bụi phiền não đến từ 5 triền cái và sẽ giúp tâm yên lặng và thanh tịnh
*Người có Tín phát sinh trong Tâm rồi sẽ tự sách tấn mình và nỗ lục để trở thành một bậc hiền trí nghĩa là Tâm luôn luôn có khuynh hướng tiến về phía trước.

—- Trong kinh Kim Cang, Ngài Tu Bồ Đề được Phật dạy “nếu ai có lòng tin thanh tịnh khi nghe kinh này thì công đức sẽ không thể nghĩ bàn vì đã thấy rõ Thật Tướng vạn pháp vậy”

2-Tại sao Giáo Pháp khi thực hành đúng rồi sẽ đưa đến hạnh phúc an lạc?

Hạnh phúc khi gặp được giáo pháp là điều hy hữu chỉ đến với những người có thiện căn đã gieo trồng nhiều đời.

Hạnh phúc ấy muốn đạt được phải dùng tất Cả suy tư để hiểu, thực hành cho đúng thì mới thấy được Pháp và khi ấy Ta và Pháp là một thì sẽ hưởng được niềm vui an lạc như Chư Phật.

Trong khi hạnh phúc thế gian chỉ là tương đối vì nó chỉ là một màn ngụy trá mà sau lưng luôn đi kèm một khổ đau.

HT Giảng sư đã đưa thí dụ về một cung nữ trong thời Vua A Dục khi nghe pháp tại cung đình để giới thiệu sự khao khát gặp được Giáo Pháp của Đức Thế Tôn( vì đó là lẽ thật, chân lý mà bậc Giác Ngộ đã chứng bằng trí tuệ siêu việt.
Một người thực hành đúng giáo pháp sẽ trân quý giáo pháp và luôn sống trong giáo pháp (thiện pháp) và luôn được hạnh phúc lớn nhất trong đời vì bao nhiêu phiền não đều bay đi vì nếu thoảng có gặp vẫn sẽ được giải quyết tức thời không để vướng mắc.

Trong kinh Vô lượng Nghĩa “Nếu như nước sông, rạch, biển có thể rửa sạch các chất dơ bẩn thì Giáo Pháp sẽ làm cho các bợn nhơ phiền não củ chúng sinh sẽ tan mất”,

Nhưng để thực hành đúng theo giáo pháp thì phải tìm Pháp ở đâu? Dù rằng phần nhiều người học Phật tìm đến kinh điển nhưng Pháp thật (thiện pháp) lại ở ngay trong Tâm của mỗi người vì vậy ta cần phải soi sáng lại nơi tự tâm của chúng ta.

Và nên nhớ một khi Thấy Pháp là Thấy Phật vì vậy mà trong kinh Pháp Cú phẩm hiền trí kệ 79 và kệ 86 đã ghi lại:

Người thấm nhuần Chánh Pháp
Sống trong niềm hoan lạc
Tâm thanh tịnh an nhiên
Người hiền trí lòng luôn thỏa thích
Trong Chánh Pháp do bậc Thánh truyền
(Kệ 79)

Những người thực hành theo Chánh Pháp
Đã được khéo tuyên giảng rõ ràng
Sẽ đến bên bờ giác ngộ Niết Bàn
Vượt khỏi lưới sinh tử khó vượt thoát
(Kệ 86)

3- Tại sao Sự Chân thật là hương vị ngọt ngào nhất trong tất cả hương vị?

Chúng ta sẽ được nghe một thí dụ về chuyện tặng quà của Thiền Sư Bàng Khuê khi nhóm đệ tử thực hiện không được chân thật để chỉ ra rằng: một đời sống thiếu sự chân thật đối đãi nhau sẽ không còn ý vị của cuộc đời.

Và tuyệt diệu hơn hết HT Giảng Sư đã trích đọc Kinh Chánh pháp niệm xứ về thật ngữ ( diệt bỏ được vọng ngữ) mà bản chất của vọng ngữ là sự giả đối và là hành vi không đạo đức.

– “Bỏ vọng ngữ, được người đời hoặc thấy hoặc nghe thảy đều tin kính; dù phải nghèo cùng không của cải cũng được tất cả người đời cúng dường như vua. Trong tất cả loài người, người thật ngữ là ánh sáng rực rỡ; giống như ánh sáng mặt trăng rực rỡ hơn các vì sao;
Trong các thứ ngọc, ngọc thiệt ngữ là quý hơn hết;

Trong tất cả thuyền để độ qua giòng sanh tử, chiếc thuyền thiệt ngữ là hơn hết;
Muốn xa lìa các hạnh tà ác, xa lìa vọng ngữ là hơn hết;
Trong các thứ đèn, đèn thiệt ngữ là sáng hơn hết;

Những kẻ giỏi dẫn đường đi trong ác đạo, kẻ dẫn đường thiệt ngữ là giỏi hơn hết;
Tất cả vật thọ dụng trong đời, vật thiệt ngữ là hơn hết;
Hết thảy các món thuốc trị bịnh, món thuốc thiệt ngữ là hay hơn hết;
Trong tất cả các thế lực mạnh mẽ, thế lực thiệt ngữ là mạnh hơn hết;
Trong các nơi nương về, nương về thiệt ngữ là hơn hết;
Tất cả bạn tri thức, bạn thiệt ngữ là hơn hết.

Nếu mọi người biết thu lấy của thiệt ngữ thì trong thế gian không ai đọa vào cảnh nghèo nàn và tàn ác, được sanh ngang với các bậc trời.”
Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ

Đâu đó trong các kinh Phật thường dạy rằng: “Ðối với người phải thành thật, đó chẳng những là điều tối yếu nhập đạo mà làm người chính đáng ở đời cũng phải thành thật”.

Cho nên học đến điều cao quý thứ ba này tự nhiên người viết cảm thấy một điều gì hoan lạc trong tâm khó tả.

4- Tại sao Sống với Trí Tuệ mới được gọi là đời sống cao thượng nhất?

Người viết rất tâm đắc khi HT Giảng Sư khẳng quyết rằng chỉ có Trí Tuệ mới nhổ sạch được gốc rễ của khổ đau dù rằng có nơi dạy cũng phải cần thiền định nữa nhưng thiền định không nhổ được những căn bản phiền não.
Ngài đã dẫn dụ câu pháp cú số 81 trong phẩm Hiền trí để chỉ sự không dao đông, phá được đêm tối vô minh che lấp.

Như tảng đá thật kiên cố
Chẳng lay động trước bão tố
Người hiền trí vẫn điềm nhiên
Khi được khen hay bị mắng mỏ
(pháp cú 81)

Người viết càng bàng hoàng nhưng rất tâm đắc khi nghe Ngài kết luận một câu thật chí lý “ Nên nhớ kẻ thù lớn nhất của ta là THIẾU TRÍ TUỆ ” vì từ lâu đã học rằng: “Càng có trí tuệ ta sẽ có cái nhìn rộng hơn về thế giới này từ đó mới mở rộng được thế giới quan của chúng ta, khiến cho cách nhìn nhận và đánh giá trở nên đa chiều, sâu sắc và không thiển cận”.

Và đạc biệt và độc đáo nhất khi Ngài nhắc đến lời phát biểu của HT Tinh Vân như sau “ TRÍ TUỆ, TRÍ TUỆ! Chúng ta phải hô thật to lên TRÍ TUỆ BÁT NHÃ mới thật là Thế Gian Chi Bảo”

Lời kết:

Kính thưa quý đạo hữu, thật là một bài pháp thoại đã đánh động đến sự tu dưỡng học tập từ bấy lâu nay của người viết vì lời kết thức bài pháp thoại từ HT Giảng Sư đã dạy rõ như sau: “ Một người thực biết sống phải là người đã sống một cách thực sự có ý nghĩa vì đã tỏa sáng trên thế gian này với niềm tin vào Chánh Pháp, biết thực hành đúng theo giáo pháp và giữ gìn sự chân thật của mình với Trí Tuệ đã nhổ được tận gốc phiền não khổ đau”.

Có như thế mới hãnh diện cất cao đầu và tự hào MÌNH ĐÃ CÓ MẶT TRÊN THẾ GIAN NÀY.

Và người viết đã thực sự hiểu rằng để có được kiếp sống con người thật ý nghĩa phải làm mọi việc đúng với lương tâm mình, không dối lòng, không làm điều xấu hại người và một con người sống đúng trong giáo pháp thì phải mang cái Đức đi khắp thiên hạ để có thể khoan dung, độ lượng gánh vác mọi trọng trách . Vì thế ta cần làm người tốt và có trí tuệ để mọi việc trên đời đều trở nên đơn giản cho tinh thần và thể xác.

Nghe pháp thoại cách nào hiệu quả nhất
Nếu hoàn toàn tỉnh thức… hạnh phúc trào dâng
Sống thực sự ý nghĩa… kính tri ân
Khi nghe… “Bốn điều cao quý cần phải học”!

Đã có và sẽ gìn giữ trân châu bảo ngọc!
Từng ngày trôi qua không uổng phí chút nào
Rèn luyện bản thân, hướng thượng thanh cao
Được cơ hội làm người, có niềm vui Chư Phật

Với kinh nghiệm hoằng pháp, phong phú nhất
Kính đa tạ… lời bình giảng thật thâm sâu
Gặp giáo pháp, hiểu thực hành đúng… nhiệm mầu
Vì Giáo pháp không bỏ người… chỉ có người bỏ Pháp!
Tiếp nhận Pháp chân thành… hương vị ngào ngạt!

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Huệ Hương

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.