Thuyết Bốn Ðế – Phần IV

5/ 66 từ ngữ định nghĩa Niết Bàn theo cuốn “Bàn về Bốn Đế”

Sau đây chúng tôi liệt kê có 66 tên gọi khác của Niết Bàn kèm theo giải thích gọn :

(1) Vô vi: Vì Niết Bàn là không sanh, không diệt, không phải là nhơn duyên sanh. Mọi pháp “bị làm ra”, không thể so với Niết Bàn được.

Nguyên văn : Niết Bàn là vô sanh, không lớn lên, không diệt, không do nhơn duyên làm ra, trái ngược với hữu vi, cho nên gọi là vô vi.

(2) Vô hạ:

Niết Bàn siêu việt ba giới, không có gì so sánh với Niết Bàn được, cho nên gọi là Vô hạ.

Nguyên văn : Cao vượt ba giới? xa lìa mọi thấp hèn, không có gì so sánh được cho nên gọi là vô hạ.

(3) Vô lưu:

Niết Bàn vĩnh viễn xa lìa mọi dòng sanh tử, không còn thuộc phạm vi sanh tử luân hồi, nên gọi là Vô lưu.

Nguyên văn: Vĩnh viễn xa lìa mọi dòng chảy, các dòng (sanh tử) không còn sinh ra nữa, không phải là nơi có vết tích dòng chảy, cho nên gọi là Vô lưu

(4) Chân đế:

Niết Bàn không phải là hư vọng, không phải là điên đảo, sai lầm, cũng không trái ngược chơn lý, cho nên gọi là Chơn đế.

Nguyên văn : Không hư vọng, không điên dảo, không tương vi, cho nên gọi là chân đế.

(5) Bỉ ngạn: Bờ bên kia.

Niết Bàn là cảnh giới không còn nghi hoặc và sợ hãi nữa, siêu việt 3 hữu 2, xa lìa mọi công dụng, vượt qua biển lớn sanh tử, vì vậy gọi là bỉ ngạn.

Nguyên văn : Không bị rắn độc của ba giới làm cho sợ hãi, vượt qua ba hữu, bỏ mọi công dụng, vượt biển sanh tử, cho nên gọi là bỉ ngạn.

(6) Thính tế : (nghe được cái nhỏ nhiệm)

Niết Bàn là cảnh giới chỉ có thể đạt tới với trí tuệ cao nhứt, vì vậy mà gọi là thính tế, tức là nắm bắt được cảnh giới của diệu lý, cực kỳ thâm sâu.

Nguyên văn: là chỗ hiểu biết của trí tuệ cao tột, cho nên gọi là thính tế.

(7) Khó thấy: (Nan kiến)

Niết Bàn không khác gì hoa ưu đàm, rất khó gặp.

Nguyên văn : Như hoa Ưu đàm, thế gian khó gặp vì vậy gọi Nan kiến.

(8) Vô hoại :

Nguyên văn: không già, không bị phá hoại do đó gọi là vô hoại.

(9) Hàng tại vô tranh:

Không tranh giành (với ai) thường hằng như vậy:

Nguyên văn : Vốn là không giao động, cho nên gọi là hằng tại vô tranh.

(10) Vô thất: không mất.

Niết Bàn không phải vì đối trị và đoạn trừ các phiền não, mà bản thân bị suy giảm, cho nên gọi là vô thất.

Nguyên văn : Ðối trị, đoạn trừ các pháp, mà thể không bị suy giảm, cho nên gọi là vô thất.

(11) Vô thí (dụ)

Niết Bàn vượt tất cả những gì chúng ta thấy được trên thế gian này, không có cái gì ngang bằng với nó được, không thể dùng ví dụ dể hình dung ra Niết Bàn, cho nên gọi là vô thí (dụ).

Nguyên văn : Niết Bàn vượt quá cảnh giới của mắt thấy, không có cái gì ngang bằng được, cho nên gọi là vô thí (dụ).

(12) Không có hý luận:

Niết Bàn không có các kiến giải sai lầm, nảy sinh từ tham ái, cũng không có kiêu mạn và chấp thủ, vì vậy gọi là không hý luận.

Nguyên văn: không có các kiến giải nảy sinh từ tham ái, không có kiêu mạn và chấp thủ, cho nên gọi là không có hý luận.

(13) Tịch tịnh : vắng lặng.

Nguyên văn : lửa si hoặc bị dập tắt, cho nên gọi là tịch tịnh vắng lặng.

(14) Cam lộ :

Niết Bàn là cảnh giới bất tử mà chư thiên không thể chi phối được, cho nên gọi là cam lộ.

Nguyên văn: Vượt qua cõi chết và thiên giới, cho nên gọi là cam lộ.

(15) Cực diệu :

Nguyên văn : rất là đẹp đẽ vắng lặng, đáng thích thú, cho nên gọi cực diệu.

(16) Chỉ : là ngưng chỉ.

Nguyên văn : vắng lặng, không khổ cho nên gọi là ngưng chỉ.

(17) An:

Nguyên văn: Pháp thiện chân thực cho nên gọi là An.

(18) Ái tận: hết ái dục.

Không còn bị sự thèm khát thiêu cháy, cho nên gọỉ là ái tận.

(19) Hy hữu: Niết Bàn khiến cho nhiều người phải kinh ngạc ngợi

khen, cho nên gọi là hy hữu.

Nguyên văn : Làm cho người khác kinh lạ, cho nên gọi là hy hữu.

(20) Chưa từng được như vậy: Vị tằng đắc.

Trên con đường sanh tử, không thể đạt tới Niết Bàn, vì vậy nói chưa từng được như vậy.

Nguyên văn : trong sanh tử, chưa từng được công đức ấy, cho nên gọi là vị tằng đắc.

(21) Vô uổng :

Người (được Niết Bàn), không còn bị hại, cho nên gọi là vô uổng.

(22) Vô tai :

Không còn tai nạn, trong thì không thiếu gì, ngoài thì không bị ác chướng, cho nên gọi là vô tai.

(23) Niết Bàn :

Sau khi chứng Niết Bàn, từ nay về sau không còn bị nỗi thống khổ của sanh tử nữa, được sự an lạc cứu kính, đó là ý nghĩa chơn chính của Niết Bàn.

Nguyên văn : không còn phải tái sinh và chịu khổ nữa, được an lạc cứu kính, cho nên gọi là Niết Bàn.

(24) Nan tư :

nghĩa là khó suy nghĩ tới. Niết Bàn không thể nói là có, không thể nói là không, khó suy nghĩ tới được, cho nên gọi là nan tư.

Nguyên văn : khác với tướng có, không cho nên gọi là nan tư.

(25) Bất sanh:

Ðã có sanh thì có tử, già, lo buồn… Niết Bàn siêu việt mọi khuyết điểm liên quan đến sinh tử, và đem lại niềm vui kỳ diệu của giải thoát, cho nên gọi là bất sanh.

Nguyên văn : lìa khuyết điểm của tái sinh và hưởng niềm vui tương ứng cho nên gọi là bất sinh.

(26) Không dấu tích :

Các loại ma như phiền não ma, tử ma, ngũ ấm ma, tự tại thiên ma, bốn loại ma này đều không quấy nhiễu được cảnh giới Niết Bàn, cho nên gọi là Vô tích, Niết Bàn không có dấu vết để cho các loại ma có thể theo dõi được.

Nguyên văn: Tứ ma bất chí, cố thuyết vô tích.

Nghĩa : bốn loại ma không đến được cho nên gọi là vô tích.

(27) Phi tác:

Bản thân Niết Bàn không thể do nhơn duyên nào làm ra được cho nên gọi là phi tác.

Nguyên văn : không do nhơn nào tạo ra, cho nên gọi là phi tác.

(28) Vô ưu :

Không còn lo phiền, người chứng được Niết Bàn, không còn bị lo phiền, cho nên gọi là Vô ưu.

Nguyên văn: Không còn bị khổ, nên gọi là Vô ưu.

(29) Trú :

Người chứng Niết Bàn an trú ở cảnh giới Niết Bàn không còn thoái chuyển.

Nguyên văn : Người chứng Niết Bàn, vĩnh viễn không còn thối lui, cảnh giới chứng ngộ là kiên cố, vững chắc.

(30) Vô đẳng:

Không có pháp nào có thể so sánh được với Niết Bàn.

Nguyên văn : vô pháp năng tợ, cố thuyết vô đẳng (không có pháp nào có thể giống như Niết Bàn).

(31) Vô cầu :

Người chứng Niết Bàn không còn ham muốn cầu mong gì nữa. Nguyên văn : Vĩnh ly thủ dục, cố thuyết vô cầu.

Nghĩa là : Vĩnh viễn xa lìa mọi ham muốn về chấp thủ, cho nên gọi là vô cầu.

(32) Vô biên:

Cảnh giới Niết Bàn siêu việt thời gian, không biến động, không còn có trước và sau.

Nguyên văn: Vô tiền hậu tế, cố thuyết vô biên.

Nghĩa là : Không còn có trước và sau, cho nên gọi là vô biên.

(33) Vi tế:

Không thể dùng tri thức thế tục để tìm hiểu Niết Bàn.

Nguyên văn: Nan khả thông đạt cố thuyết vi tế.

Nghĩa là: khó chứng đạt tới cho nên gọi là vi tế.

(34) Vô tổn:

Không tổn hại.

Nguyên văn : Vô hữu bức cố thuyết vô tổn.

Nghĩa là : không còn bị bức bách cho nên gọi là vô tổn.

(35) Ly dục:

xa lìa dục vọng.

Nguyên văn : Không còn bị ô nhiễm bởi mê hoặc, cho nên gọi ly dục.

(36) Tịnh: trong sạch.

Nguyên văn : Vô chư quá thất, cố thuyết danh tịnh.

Nghĩa là: không còn có lỗi lầm khuyết điểm, cho nên gọi là tịnh.

(37) Giải thoát:

Nguyên văn : kết phước giai đoạn, cố danh giải thoát.

Nghĩa là : mọi ràng buộc đều đoạn trừ, cho nên gọi là giải thoát.

(38) Phi trú :

cảnh giới Niết Bàn không còn nương tựa vào một pháp nào hết.

Nguyên văn: Ly y chỉ cố thuyết phi trú.

(39) Phi đối :

Niết Bàn là cảnh giới chơn thực duy nhứt, thoát khỏi vòng đối đãi. Nguyên văn: Vô hữu nhị pháp, cố thuyết phi đối.

(40) Ðẳng :

Niết Bàn ngang bằng với cái tuyệt đối vô thượng.

Nguyên văn : Vô đẳng đẳng cố thuyết vi đẳng.

Nghĩa là: vì là ngang bằng với cái vô đẳng cho nên gọi là đẳng.

(41) Vô hại :

Niết Bàn siêu việt mọi cảm quan và tri giác.

Nguyên văn : Chư nhập một xứ, cố thuyết vô hại.

Nghĩa là : vì các cảm quan (chư nhập) không còn nữa cho nên gọi là vô hại.

(42) Thậm thâm : rất sâu sắc.

Nguyên văn: Ngoại nhân bất đắc, cố danh thậm thâm, người ở bên ngoài không thể có được, cho nên gọi rất sâu sẩc.

(43) Nan giải: khó lý giải.

Nguyên văn: tách khỏi chánh giáo của Phật thì khó hiểu biết được cho nên gọi là nan giải.

(44) Năng độ :

Nguyên văn: nhờ quán công đức (của Niết Bàn) mà khiến cho có thể vượt qua sanh tử, cho nên gọi là năng độ.

(45) Vô thượng :

Nguyên văn : là vô thưọng pháp không có gì ở trên nữa cho nên gọi là vô thượng.

Nghĩa câu này không được rõ. Có thể có nghĩa: Niết Bàn đứng đầu hết thảy các pháp thù thắng, cho nên gọi là vô thượng.

(46) Thắng :

Nguyên văn: tìm trong biển pháp, nắm bắt được cái chân thực nhứt, là sở đắc của thưọng nhân cho nên gọi là vô thắng.

(47) Thánh quả :

Nguyên văn : nhờ tu vạn hạnh mới có được, là cái tối thượng vô giá cho nên gọi là thánh quả.

(48) Vô úy : không sợ hãi.

Nguyên văn : lìa các nhân làm cho sợ hãi cho nên gọi là vô úy.

(49) Bất xá :

Nguyên văn : sự yêu chuộng đối với quả thánh kiên cố, cho nên gọi là bất xả.

(50) Biến mãn : khắp cả.

Nguyên văn : Phàm Thánh đều vốn có (khả năng đạt Niết Bàn) như nhau.

(51) Vô lượng :

Nguyên văn . Công đức của Niết Bàn không thể tán thán hết được.

(52) Vô số :

Nguyên văn : không thuộc về sáu cõi, cho nên gọi là vô số.

(53) Bất phá:

Nguyên văn : Thể của Niết Bàn hết sức kiên cố cho nên gọi là bất phá.

(54) Tôn :

Nguyên văn: không có pháp nào tôn quý hơn.

(55) Ứng thán :

Xứng đáng được tán thán.

Nguyên văn : Trong sạch hết sức, xứng đáng nhứt được ca ngợi.

(55) Xá : nơi ở.

Nguyên văn : là nơi ở của các bậc Thánh.

(56) Quy y:

Nguvên văn : có thể cứu mọi khổ nạn, cho nên gọi là quy y.

(57) Vô tranh :

Nguyên văn : gọi là vô tranh vì mọi đấu tranh mâu thuẫn đều ngưng chỉ.

(58) Vô cấu : không cấu bẩn.

Nguyên văn : xa lìa tham, sân, si cho nên gọi là vô cấu.

(59) Vô giả :

Nguyên văn : vốn có, không bị làm ra cho nên gọi là vô giả.

(60) Ðăng : đèn.

Nguyên văn : trừ bóng tối vô minh, cho nên gọi là đèn.

(62) Lạc : Các cảm thọ đều vắng lặng, cho nên gọi là lạc

(63) Vô đọa : không đọa.

Nguyên văn : không đọa vào các cảnh sắc…

(64) Châu : hòn đảo.

Nguyên văn : bốn dòng chảy (sinh, lão, bịnh, tử) không nhận chìm được.

(65) Bất động : Không thể chứng đạt Niết Bàn với tâm tán loạn được.

Nguyên văn : tán tâm bất chứng, cố thuyết bất động.

(66) Vô sở hữu : không có gì riêng tây.

Qua 66 tên gọi khác nhau của Niết Bàn, chúng ta thấy rõ, ngay trong kinh sách Phật giáo Nguyên thủy, Niết Bàn không phải là cảnh giới hư vô, mà là một cảnh giới thực tại, bao hàm vô lượng công đức. Ðến kinh sách Phật giáo Ðại thừa, tính tích cực của Niết Bàn càng được bộc lộ rõ hơn nữa. (66 thuộc tính Niết Bàn rút trong Ðại Chính 1647- P. 390, 391 “Tứ Ðế Luận”).

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.