Thuyết Bốn Ðế – Phần IV

6/ Niết Bàn của Ðại Thừa:

Ðối với Ðại thừa, Niết Bàn chính là Chân Như, là Thực tướng, là Pháp thân. Luận khởi tín viết : “Thể bổn giác của Chân Như toàn hiện tức là Niết Bàn. Thể bổn giác đó chính là trí tuệ sáng suốt. Theo Ðại Thừa, thể bổn giác đó chính là trí tuệ Bát nhã, hay trí tuệ Ba La Mật. Thể bổn giác đó có hai tướng :

1. là trí tịnh tướng, là tướng trí tuệ thanh tịnh.

2. Là bất tư nghì nghiệp tướng, tức là thể bổn giác đó hàm chứa vô vàn công đức không thể bàn xiết, phục vụ cho sự nghiệp độ sanh của chư Phật Bồ Tát.

Kinh Luận Ðại Thừa thường nói tới bốn loại Niết Bàn là : (trích dịch Thành Duy Thức Luận):

1. Bổn lai tự tánh thanh tịnh Niết Bàn:

Tức lý chơn như của tất cả mọi pháp tướng, tuy về khách quan có bị nhiễm ô, nhưng tự tánh của nó vẫn thanh tịnh, có đầy đủ vô lượng công đức, vi diệu, không sanh không diệt, trong suốt như hư không, là sỡ hữu bình đẳng và vốn có của tất cả mọi loài hữu tình, cùng với tất cả các pháp không phải một, không phải khác, xa lìa mọi tướng, mọi phân biệt, mọi tư duy, mọi ngôn ngữ, chỉ có bậc Thánh chơn chính mới chứng được từ nội tâm, tự tánh nó vốn vắng lặng cho nên gọi là Niết Bàn.

2. Hữu dư y Niết Bàn :

Là Chân Như đã thoát lìa phiền não, nhưng sở y còn có đôi chút khổ vi tế, tuy là mọi chuớng ngại đã đoạn tận cho nên gọi là Niết Bàn.

3. Vô dư y Niết Bàn :

Tức là Chân Như đã thoát lìa mọi nỗi khổ sanh tử, không còn phiền não nữa, mọi dư y cũng không còn, mọi khổ đau đều chấm dứt, cho nên gọi là Niết Bàn.

4. Vô trụ xứ Niết Bàn :

Tức là Chân Như đã thoát khỏi sở tri chướng, có đầy đủ lòng đại bi và trí tuệ lớn, phát huy tác dụng hóa độ chúng sanh với số lượng không kể xiết tuy phát huy tác dụng như vậy nhưng vẫn vắng lặng, cho nên gọi là Niết Bàn.

Trong bốn loại Niết Bàn nói trên, thì Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo bộ phái đã từng nói đến Hữu dư y Niết Bàn và Vô dư y Niết Bàn rồi. Nhưng tự tính Niết Bàn và Vô trụ xứ Niết Bàn thì chưa nói tới.

Một trong những điểm mới của các bộ kinh Bát Nhã, xuất hiện trong thời kỳ hưng khởi của Phật giáo Ðại Thừa là tất cả mọi chúng sinh đều có Phật tính, là cái mầm giác ngộ sẵn có trong tất cả mọi chúng sanh, là cái khả năng thành Phật của tất cả mọi loài hữu tình. Phật tính đó chính là Bổn lai tự tính Niết Bàn được nói tới trong Thành Duy Thức Luận, cũng chính là trí tuệ Bát Nhã vậy.

Nhân vật tiêu biểu của Ðại Thùa giáo là Bồ tát mà nhân cách phi thường được thể hiện trong lời nguyện của Bồ tát Ðịa Tạng “Ðịa ngục bất không, thệ bất thành Phật…”. Ý nói, nếu trong địa ngục còn có chúng sanh, thì thề không thành Phật. Hạnh Bồ tát là hạnh lợi tha triệt để. Vị Bồ tát cho rằng, còn một chúng sanh chưa được giải thoát thì bản thân mình cũng chưa được thực sự giải thoát, còn một chúng sanh còn đau khổ, chưa được an lạc thì bản thân mình cũng đau khổ chưa được thực sự an lạc. Vì có trí tuệ Bát Nhã cho nên vị Bồ Tát không trụ ở sinh tử, vì có lòng đại bi cho nên vị Bồ tát cũng không trụ ở Niết Bàn, vì vậy mà gọi là Vô trụ xứ Niết Bàn.

Chú thích:

Samyutta Nikàya – 1069 – 76, chuyển dịch từ Conze – Buddhist Thought in India. p.77 – 79.
Tam hữu : có hai nghĩa,
A. Dục giới, sắc giới và vô sắc giới.

B. Sanh hữu, tử hữu, trung hữu, sanh hữu là sự tồn tại của sự sống, tử hữu là sự tồn tại của sự chết, trung hữu là sự tồn tại giữa thời điểm chết và thời điểm tái sinh.

Minh Chi – Cư sĩ Mỹ Hồ sưu tầm và đánh máy

http://www.buddhismtoday

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.