Niết Bàn đã là cảnh giới không thể lấy suy tư và ngôn ngữ thế tục để tư duy và bàn luận, có lẽ tốt nhứt là đừng có bàn luận. Nếu có yêu cầu thuyết pháp, yêu cầu giảng dạy mà bàn tới Niết bàn, thì cần luôn luôn tỉnh giác, nói hay viết là để giúp người nghe, người đọc hướng tới Niết Bàn bằng tu tập, hành động cụ thể, chứ không phảỉ để lôi kéo họ vào việc bàn cãi suông về Niết Bàn.
Từ xưa đã có chủ trương không dịch nghĩa Niết Bàn mà chỉ dịch âm. Chủ trương đó là đúng đắn. Khi kinh Niết Bàn nói Niết Bàn có tên gọi vô lượng là muốn ám chỉ rằng không có tên gọi nào là thích đáng cả. Trong tập bài giảng về Bốn đế, ở mục diệt đế có dẫn chứng 66 tên gọi khác nhau của Niết Bàn, rút trong cuốn “Tứ đế luận”, của Bà Ðậu Bạt Ma soạn (Vasuvarman), Chân Ðế đời Trần dịch (499- 569).
Nhà Phật học Trung Quốc Trương Mạn Ðào trong cuốn “Niết Bàn tư tưởng nghiên cứu” có dẫn chứng một bảng liệt kê các danh từ đồng nghĩa với Niết Bàn, xếp theo hai bảng : một bảng liệt kê các từ theo nghĩa tiêu cực, phủ định và một bảng liệt kê các từ ngữ theo nghĩa tích cực khẳng định. Trích trong cuốn “Nghiên cứu Phật giáo Nguyên thủy” của nhà Phật học Nhật Bản Xích Chiểu. Niết bàn là một trong ba pháp ấn của đạo Phật: Niết bàn tịch tịnh.
Niết Bàn là cảnh giới an lạc, giác ngộ và giải thoát của bậc Thánh trong đạo Phật. Còn gọi cảnh giới đó bằng ngôn từ gì, là do yêu cầu cụ thể của các bộ phái, các Luận chủ muốn triển khai mặt này hay mặt khác của cảnh giới đó mà thôi. Thế nhưng có dùng ngôn từ gì đi nữa, cũng chỉ là ngón tay chứ không phải là mặt trăng, là cái bè chứ không phải là cái bờ bên kia.
Vì phải diệt hết phiền não mới chứng Niết Bàn cho nên gọi Niết Bàn là diệt hay trạch diệt. Nếu đã diệt hết phiền não, đạt tới cảnh tối thiện và thường trú của Niết bàn, nhưng vẫn còn thân thì gọi là Niết Bàn có dư y. Khi bậc Thánh ấy (A La Hán qua đời) không còn thân nữa thì gọi Vô dư y Niết Bàn.
Chưa chứng Niết Bàn, làm sao biết được Niết Bàn là cảnh giới an lạc?
Trong kinh “Milindapanha” (Hán dịch: Ði lan Ðà vấn đạo kinh), vua Milinda thắc mắc vì sao người chưa chứng Niết Bàn lại có thể biết cảnh giới Niết Bàn là an lạc.
Vua hỏi cao Tăng Nagasena :
– Bạch đại đức, người chưa chứng Niết Bàn có biết được cảnh giới Niết Bàn là an lạc không?
– Biết được.
– Sao lại biết được nếu tự thân chưa chứng Niết Bàn ?
– Tâu Ðại vương ? Ðại Vương nghĩ thế nào ? Nguời không bị chặt cụt tay chân có biết được bị chặt cụt tay chân là đau khổ hay không?
– Tất nhiên, biết được ?
– Nhưng làm sao biết được, nếu mình không bị chặt cụt tay chân.
– Nhờ nghe tiếng kêu khổ rên la của những người bị chặt cụt tay chân.
– Ðúng vậy, tâu Ðại Vương! Chính nhờ nghe lời hoan hỷ tán thán của những người đã chứng Niết Bàn mà chúng ta biết được cảnh giới Niết Bàn là an lạc, sung sướng.
– Lành thay ! Ðúng như vậy, bạch Ðại đức.
Ðúng như vậy, tuy chúng ta chưa chứng Niết Bàn nhưng được nghe Phật và các bậc Thánh đã chứng Niết Bàn tán thán, ca ngợi Níết Bàn là an lạc hạnh phúc tuyệt đối vô thượng, cho nên chúng ta tin là, biết là cảnh giới Niết Bàn thực sự an lạc hạnh phúc. Chính vì lẽ đó mà tôi khuyên quý vị nên đọc hai tập Trưởng Lão Tăng kệ (Theragatha) và Trưởng Lão Ni kệ (Theri gatha), đọc bộ “Tập kinh” (Udana), Kinh Pháp Cú (Dhammapada), trong dó có ghi nhiều lời tán thán của các bậc Thánh đối với cảnh giới an lạc và hạnh phúc tuyệt đối của Niết Bàn.
Việc giải thích Niết Bàn theo từ phủ định có thể là theo một lối suy nghĩ truyền thống của người Ấn Ðộ. Thay vì nói nhiều người, họ nói không phải một người, thay vì nói là xấu, họ nói không tốt. Do đó, Niết Bàn thường được giải thích theo từ phủ dịnh như là diệt khổ, dập tắt mọi đau khổ. Nhưng trong rất nhiều trường hơp, Niết Bàn cũng được giải thích bằng những từ khẳng định, như chúng ta có thể thấy trong bảng liệt kê 66 từ, rút trong cuốn “Tứ đế luận” của Vasurarman (bản dịch của Chân Ðế đời Trần), hay là bảng liệt kê các từ ngữ đồng nghĩa với Niết Bàn của nhà Phật học Nhật Bản Xích Chiểu, trong cuốn “Nguyên thủy Phật giáo chi nghiên cứu” (tr 138-144) xếp theo các nghĩa tiêu cực và tích cực.
Chúng ta sẽ duyệt xét một số từ ngữ trong hai bảng đó. Không phải duyệt xét tất cả vì không có thời giờ. Nhưng chỉ thông qua một số từ ngữ, có thể là nói lên cảm nghĩ của những người đã chứng Niết Bàn, cũng đủ thấy Niết Bàn là một cảnh giới thực có, nó thực có hơn cái bàn hay là cái ghế mà ta thấy được, sờ mó được, và Phật nói về cảnh giới Niết Bàn với một giọng khẳng định, không thể nào hiểu nhầm đặng.
“Này các tỷ kheo, có cái không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi. Này các tỷ kheo, nếu không có cái không sanh, không bị làm, không hữu vi, thì ở đây không thể trình bày sự xuất ly khỏi sanh, hiện hữu bị làm, hữu vi. Vì rằng, này các tỷ kheo, có cái không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi, nên có trình bày sự xuất ly khỏi sanh, hiện hữu, bị làm, hữu vi”.
Tập kinh 80
(Không sanh: unborn; không hiện hữu: an unoriginated; không bị làm: unmade; không hữu vi: uncompounded)
Như vậy, Ðức Phật đã khẳng dịnh là tiềm ẩn ở đằng sau cái sanh diệt, cái nhơn duyên sanh, cái bị làm, cái hữu vi, có cái không sanh diệt, cái không phải nhơn duyên sanh, cái không bị làm, cái không hữu vi, tức Niết Bàn
1/ Niết Bàn trong các bộ Nikaya và A Hàm :
Trong kinh điển Nguyên thủy, có nóí tới hai khái niệm cơ bản của Niết Bàn là Niết Bàn có dư y và Niết Bàn không dư y. Văn liệu có thể còn thấy trong hai bộ A Hàm và Nikaya.
Hữu dư y : tiếng Sanskrit là Sanpadisera. Vô dư y là Anupadisara, là những tư tưởng đã có trong tập Áo nghĩa thư (Upanisads). Tập Upanisads nói tới “hữu thân giải thoát” (giải thoát mà còn có thân), và vô thân giải thoát (giải thoát mà không còn có thân). Hữu thân giải thoát chính là Niết Bàn có dư y, vô thân giải thoát là Niết Bàn không dư y.
Trong các bộ A Hàm, bàn nhiều nhứt tới Niết Bàn là hai bộ Tạp A Hàm, và Tăng nhứt A Hàm. Trong kinh Nguyên thủy chữ Tạp vốn có nghĩa là Tương Ưng, không được hiểu là “pha trộn”, do dó, bộ Tạp A Hàm tương ưng với Tương ưng bộ kinh của các bộ Nikayas.
Nói chung, trong các bộ A Hàm và Nikaya có ba cách thức giải thích khác nhau về Hữu dư Niết Bàn và Vô dư Niết Bàn.
1) Hữu dư Niết Bàn là cảnh giới giải thoát của bậc Thánh khi đang còn sống. Vô dư Niết Bàn là cảnh giới của Bậc Thánh sau khi chết.
2) Hữu dư Niết Bàn là cảnh giới chứng ngộ của bậc Bất Hoàn (tức AnaHàm), cũng gọi Bất Lai là quả Thánh thứ ba. Vô dư Niết Bàn là cảnh giới giác ngộ của A la Hán.
Quả Bất Hoàn có phải là Hữu dư Niết Bàn hay không, có thuyết nói là đồng nhứt, có thuyết nói là sai biệt.
3) Quả A la Hán vẫn là Hữu dư Niết Bàn, dù là A la Hán đã qua dời không còn có sắc thân nữa. Chỉ có Niết Bàn của Phật mới là Niết Bàn vô dư y.
Ngoài ra, còn các vấn dề cảnh giới Niết Bàn của Phật sau khi nhập diệt, Phật tồn tại hay không tồn tại …
Về sự phân biệt giữa hữu dư và vô dư, kinh Bổn Sự viết: “Lậu tận tâm giải thoát, nhậm trì tối hậu thân, danh hữu dư Niết Bàn; chư hạnh do tương tục, chư sở thọ giai diệt, tịch tịnh vĩnh thanh lương, danh vô dư Niết Bàn. Chúng hý luận giai diệt, thử nhị Niết Bàn giới, tối thượng vô đẳng luân, vị hiện tại đương lai, tịch tịnh thường an lạc” (Ðại Chính 17. 765).
Nghĩa : “Tâm giải thoát không còn lậu hoặc (phiền não) còn giữ lại thân cuối cùng này, gọi là hữu dư Niết Bàn. Các hành còn nối tiếp (tương tục), mọi cảm thọ đều diệt, (cảnh giới) cảnh giới vắng lặng và mát mẻ vĩnh cửu đó, gọi là Vô dư Niết Bàn.
Bỏ hết mọi bàn cãi suông, hai cảnh giới Niết Bàn đó là cao tột cùng không gì bằng, tức là hiện nay và về sau đều là vắng lặng, an lạc mãi mãi. Như vậy có nghĩa là Hữu dư hay Vô dư, cảnh giới Niết Bàn của bậc Thánh vần là tối thượng, vắng lặng an lạc thưòng trú.
Cần chú ý là, theo kinh Bổn Sự, dù là có dư y hay không có dư y, thì bậc Thánh A la Hán cũng đã đoạn sạch mọi lậu hoặc, và cả hai cảnh giới Hữu dư y và Vô dư y Niết Bàn đó đều là cảnh giới vô thượng, hiện nay hay về sau, cũng vẫn là vắng lặng, thường an lạc…
Ðối với bậc Thánh đã chứng Niết Bàn, thì dù là còn có thân hay không còn có thân, cũng đều diệt hết mọi cảm thọ thế tục vui hay khổ, buồn hay sướng, khoái lạc hay không khoái lạc, mặc dù là (nếu bậc Thánh còn sống) năm căn tức là căn thân vẫn tồn tại như người bình thường vậy.
Ðoạn trích sau đây của kinh Itivutaka (Phật thuyết như vậy); càng nói rõ điều đó:
Trong kinh tạng Pàli cũng có đoạn văn tương đương ở kinh Itivutaka (Phật thuyết như vậy: “Này các tỷ kheo, có hai cảnh giới Niết Bàn các người nên biết. Hai cảnh giới Niết Bàn đó là Hữu dư Niết Bàn và Vô dư Niết Bàn. Thế nào là Hữu dư Niết Bàn? Vị tỳ kheo chứng quả A la Hán, các lậu hoặc đều đoạn trừ hết, có đức hạnh trong sạch, mọi việc đã làm xong, gánh nặng đã bỏ xuống, mục đích đã đạt tới, mọi kiết sử không còn, có chánh trí tuệ và được giải thoát, nhưng năm căn vẫn còn, mà cảm giác khoái lạc, và không khoái lạc, kinh nghiệm khổ vui, tham sân si đều diệt, này các tỷ kheo, đó là Hữu dư y Niết Bàn.
Lại nữa, thế nào là vô dư y Niết Bàn ? Này các Tỷ kheo, Vị tỷ kheo đã chứng quả A la Hán, mọi lậu hoặc đã đoạn trừ hết, đã thành tựu tịnh hạnh, việc làm đã xong, gánh nặng đã bỏ xuống, mục đích đã đạt, đoạn trừ hết phiền não, có chánh trí tuệ và được giải thoát, các cảm thọ đều diệt, chỉ còn lại sự mát mẻ, này các Tỷ kheo, đó là cảnh giới Vô dư y Niết Bàn”.
Tuy nhiên, nói chung, dựa vào các kinh điển Nguyên thủy thì sự phân biệt giữa Hữu dư và Vô dư là: Niết Bàn hữu dư là cảnh giới bậc Thánh chứng ngộ khi đang còn sống, khi còn có sanh thân. Niết Bàn vô dư là cảnh giới của bậc Thánh khi không còn có thân nữa.
Tuy vậy, trong kinh A Hàm Hán dịch, có đoạn nói : Hữu dư Niết Bàn là cảnh giới của hàng Bất Lai (A Na Hàm), Vô dư Niết Bàn là cảnh giới của A la Hán. Tạp A Hàm trang 734 (Ðại chính 2.196) viết : Tỳ kheo tu tập 7 giác chi như vậy, sẽ được hai quả: Một là đoạn hết phiền não, trong hiện tại mà chứng Vô dư Niết Bàn. Hai là quả A na Hàm.
Kinh Trung A Hàm cũng có đoạn viết: hoặc hiện tại, chứng trí tuệ cứu cánh, hoặc chứng quả Hữu dư A Na Hàm (Trung A Hàm 25. Ðại chính 584).
Trí tuệ cứu kính trong kinh Nguyên thủy, chỉ cho trí tuệ của A La Hán.
Tạp A Hàm quyển 7 cũng viết : “Lúc bấy giờ, Phật dạy các Tỷ kheo : Có hai cảnh giới Niết Bàn: cảnh giới Hữu dư Niết Bàn và cảnh giới Vô dư Niết Bàn, Thế nào là Hữu dư Niết Bàn? Vị tỷ kheo diệt 5 kiết sử hạ phần, và nhập Niết Bàn, không trở lại đời này nữa, đó gọi là cảnh giới Hữu dư Niết Bàn. Và thế nào là cảnh giới Vô dư Niết Bàn? Tỷ kheo, đoạn tận phiền não, trở thành vô lậu cuối cùng được giải thoát, trí tuệ được giải thoát, tự thân chứng ngộ, tự do tự tại, sanh tử đã tận, phạm hạnh đã thành, không còn thọ sanh nữa, biết thực như vậy, đó là Vô dư Niết Bàn.” (Ðại chính 11.579)
Ðoạn văn trên có ý tứ rõ rệt, không đợi chết rồi mới chứng vô dư Niết Bàn. Chỉ cần tự thân chứng ngộ, rằng sanh tử đã tận, phạm hạnh đã thành, không còn thọ sanh nữa, biết rõ như vậy, tức là chứng Vô dư Niết Bàn rồi.
Nói cách khác, cảnh giới A La Hán là Vô dư Niết Bàn. Cảnh giới A na Hàm là cảnh giới Hữu dư Niết Bàn.
Như vậy rõ ràng có khác với thuyết: Hữu dư Niết Bàn là cảnh giới chứng ngộ của vị A La Hán, khi còn sống, còn có sanh thân. Vô dư Niết Bàn là cảnh giới của vị A la Hán khi đã chết, không còn có sanh thân nữa.
Nhưng trong Tạp A Hàm cũng có một đoạn giải thích khác: “Vô dư Niết Bàn là cảnh giới của A la Hán, cảnh giới của Bậc Thánh không còn ngã và ngã sở. Tương lai cũng không còn ngã và ngã sở”. (Trung A Hàm – Ðại chính l.427). Như vậy, dấu hiệu chủ yếu của Vô dư Niết Bàn là không còn ngã và ngã sở, là siêu việt mọi đối lập, không những trong hiện tại mà là trong vị lai nữa; đó là cảnh giới viên mãn hoàn thiện, không có thừa gì mà cũng không thiếu.
Vô dư có nghĩa như vậy chứ không phải chỉ có nghĩa là không có sanh thân. Vô dư là hoàn thiện, viên mãn, không thiếu, không dư.