2/ Niết Bàn trong thời kỳ Phật giáo bộ phái (cũng gọi là Phật giáo tiểu thừa) :
Học giả phương Tây khi nói Niết Bàn Phật giáo là hư vô, chỉ là do chưa tham khảo đầy đủ các kinh luận Phật giáo mà thôi. Luận Bà Sa, một bộ luận tiêu biểu của Nhứt Thiết Hữu bộ, viết : “Trong tất cả các pháp. chỉ có Niết Bàn là vừa thiện, vừa thường… còn các pháp khác, có pháp là thiện nhưng không thường, có pháp là thường nhưng không thiện, có pháp vừa không thiện vừa không thường. Riêng Niết Bàn có đủ hai nghĩa thiện và thường. Thường là không thay đổi, là có thực. Sao bảo là hư vô được. Không những là có thực mà cái thực đó là thiện là mỹ, không phải là thiện mỹ tương đối của thế gian mà là thiện mỹ tuyệt đối, không có một pháp thiện mỹ nào của thế gian có thể so sánh được. Ở đây, chúng ta không thể đồng ý với một vài nhà Phật học Trung Hoa nói Niết Bàn của Tiểu thừa là tiêu cực. Nếu thế thì tuyệt đối thiện mỹ là tiêu cực hay sao?
Vừa rồi, tôi có .đọc cuốn: Phật học khái luận, của Lâm Truyền Phương, một trong những nhà Phật học có tiếng tăm của Trung Quốc, ở chương “Tu quán Luận” khi bàn đến các phép quán của Tiểu thừa, tác giả khẳng định quán 12 nhơn duyên là phép quán của Tiểu Thừa. Nhưng đọc Trường bộ kinh và Trường A Hàm, chúng ta đều có thể ghi nhận không những Phật Thích Ca mà cả Phật Tỳ Bà Thi ngày xưa, cũng nhờ quán 12 nhơn duyên mà đạt lợi được quả Phật. Vậy thì sao nói quán 12 nhơn duyên là phép quán của Tiểu Thùa được?
Niết Bàn còn có nghĩa là tối thắng, tối thắng là ưu việt hơn cả. Luận Bà Sa lại giải thích nghĩa tối thắng của Niết Bàn như sau:
“Trạch diệt Niết Bàn ư chư pháp trung thị tối thắng pháp, ư chư nghĩa trung, thị tối thắng nghĩa, ư chư sự trung thị tối thắng sự, ư chư lý trung thị tối thắng lý, ư chư quả trung thì tối thắng quả, cố danh tối thắng”.
Dịch: “Trạch diệt Niết Bàn là pháp ưu việt hơn cả trong tất cả các. pháp, là nghĩa ưu việt hơn cả trong tất cả các nghĩa, là sự ưu việt hơn cả trong tất cả các sự, là lý ưu việt hơn cả trong tất cả các lý, là quả ưu việt hơn cả trong tất cả các quả vì vậy mà có tên tối thắng”.
Luận Bà Sa là bộ luận tiêu biểu của Phật giáo bộ phái sau này thường được gọi là Phật giáo Tiểu thừa. Tôi thấy định nghĩa Niết Bàn như vậy không có gì là tiêu cực và hư vô cả.
Tối đa chúng ta có thể công nhận Niết Bàn mà các bậc Thánh A na Hàm chứng là Niết Bàn tạm, vì sau khi tái sinh lên các cõi Trời Tịnh cư thiên, các vị ấy sẽ tiếp tục tu tập cho đến khi chứng quả A La Hán. Vì họ không trở lại cõi Dục giới này nữa cho nên gọi họ là Bất Lai hay Bất Hoàn. Sau khi sinh lên các cõi Trời Tịnh cư thiên ở Sắc Giới, họ sẽ chứng quả A la Hán và nhập Niết Bàn ở đấy. Vì vậy mà cảnh giới Niết Bàn mà họ chứng ở Dục giới (có sách Phật gọi là Hữu dư Niết Bàn) chỉ là Niết Bàn tạm không phải là Niết Bàn đích thực.
Nhưng chúng ta không thể nói cảnh giới Niết Bàn của A la Hán là tiêu cực được. Ngay việc các A La Hán không trở lại thế gian để độ sanh cũng là tạm thời. Tất cả các bậc Thánh trong đạo Phật đều tiếp tục sự nghiệp độ sanh hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp, ở các cõi sống khác nhau.
3/ Khái niệm Niết Bàn của học phái Trung luận (Madhyamika)
Bồ tát Long Thọ, người khai sáng ra tư trào Trung Luận (cũng gọi là Ðại thừa Không tông), cho rằng Niết Bàn là cảnh giới siêu việt mọi ngôn ngữ, tư duy, cho nên dùng toàn những từ phủ định để nói về Niết Bàn :
Vô đắc diệc vô chí,
Bất đoạn diệc bất thường,
Bất sanh diệc bất diệt,
Thị thuyết danh Niết Bàn
(Trung Luận)
Nghĩa :
Không được gì, không đến đâu,
Bất đoạn cũng bất thường.
Bất sanh cũng bất diệt,
Ðó gọi là Niết Bàn.
Vô đắc là không nắm bắt được. Vô chí là không đến đâu cả. Bởi lẽ Niết Bàn là cảnh giới nội tâm. Chỉ cần tâm ta đoạn trừ hết phiền não, thoát khỏi mọi phân biệt đối đãi, mọi vọng tưởng thì cảnh giới Niết Bàn sẽ có ngay hiện tiền, không cần đi đâu đến đâu, tìm đâu.
Phái Trung quán nhìn thấy tất cả các pháp đều không có tự tánh vì chúng biến đổi trong giây phút một, vì chúng là nhơn duyên sanh, do nhơn duyên hòa hợp tương tác mà thành. Không tự tánh tức là không, Long Thọ gọi là tất cánh không hay là đệ nhất nghĩa không. Và Long Thọ đồng nhứt Niết Bàn với Tất cánh không hay đệ nhất nghĩa không.
Chính vì vậy mà Long Thọ khẳng định Niết Bàn với sanh tử, sanh diệt là một, không khác. Sanh tử tức Niết Bàn:
Cuốn Trung Luận viết :
Niết Bàn dữ thế gian,
Vô hữu thiếu phân biệt
Thế gian dữ Niết Bàn,
Diệc vô hữu phân biệt.
Nghĩa :
Niết Bàn và thế gian,
Không có chút phân biệt nào.
Thế gian và Niết Bàn,
Cũng không có chút phân biệt nào.
Ðấy là một chơn lý trái thường, khó hiểu, và nếu hiểu sai, thì có thể nhầm híểu là Niết Bàn cũng là pháp sanh diệt. Cho nên Long Thọ tiếp tục viết :
Thế Tôn tri thị pháp.
Thậm thân vi diệu tướng,
Phi độn căn sở cập,
Thị cố bất dục thuyết.
Nghĩa :
Thế Tôn biết pháp này,
Có tướng rất sâu xa vi diệu,
Kẻ độn căn không hiểu được.
Cho nên không muốn nói.
Và Ngài Long Thọ cảnh cáo thêm :
Bất năng chánh quán không,
Ðộn căn tác tự hại,
Như bất thiện chú thuật,
Bất thiện tróc độc xà.
Dịch :
Không “quán không” được một cách chân chánh.
Kẻ độn căn sẽ tự hại mình,
Cũng như người không giỏi chú thuật,
Không khéo bắt được rắn độc.
Cái Không mà Long Thọ nói không phải là Hư Không, không phải là không có gì hết. Cái Không mà Long Thọ nói là đương thể không, là cái không tức sắc, không khác gì với sắc, chứ không phải là cái không ở ngoài cái có, ở ngoài sắc, không phải là cái không sau khi sắc tướng diệt. Cái không của Long Tbọ là không có tự tánh, vô ngã, và chính nhờ có cái không đó, các pháp mới có thể biến đổi sanh diệt. Hãy tưởng tượng nếu các pháp là có tự tánh, là thực có, thì chúng ta sẽ trơ trơ ra đó, làm sao mà thay đổi, biến diệt. Vì vậy mà Long Thọ viết :
Dĩ hữu không nghĩa cố,
Nhất thiết pháp đắc thành,
Nhược vô không nghĩa cố,
Nhất thiết pháp bất thành
Dịch :
Do có nghĩa không
Mà mọi pháp được thành tựu
Nếu không có nghĩa không
Thì tất cá các pháp sẽ không thành tựu.
Nói sanh diệt tức Niết Bàn là nói theo cái nghĩa đó. Bởi lẽ các pháp vì không có tự tánh, vì là đương thể không, cho nên mới sanh diệt vô thưòng được. Mà đương thể không là gì, chính là bất sanh bất diệt, là Niết Bàn.