Thuyết Bốn Ðế – Phần VI

2. Tuệ và trí:

Các từ được dùng nhiều nhất là prajna, panna mà Hán dịch đều là trí tuệ. Nhưng Huyền Trang dịch Prajna (panna) là tuệ và dịch jnana là trí.

Ý nghĩa của tuệ rất rộng. Theo văn chương A Tỳ Ðàm thì tuệ có các nghĩa từ thấp đến cao như biết thế nào là thiện là ác; tuệ hữu lậu của phàm phu (gọi là liệt tuệ) và tuệ siêu việt vô lậu của hàng Thánh… và trí tuệ Ba la Mật được hiểu như là trí tuệ toàn thiện, đầy đủ của các Ðức Phật.

Trí: jnana, nana, được dùng để chỉ trí tuệ đã khai ngộ, do đó mà có các khái niện tận trí (trí tuệ cùng cực, rốt ráo). Vô sinh trí, (trí tuệ chứng được lý vô sinh) chánh trí.

Trí ba la mật là trí tuệ tối cao của Bồ tát thập địa, tức là Bồ tát sắp thành Phật.

Sách Duy thức nói tới 5 trí của vị Bồ tát đã chứng ngộ:

(l) Thành sở tác trí

(2) Diệu quan sát trí

(3) Bình đẳng tánh trí,

(4) Ðại viên cảnh trí,

(5) Pháp giới thể tánh trí.

Có sách Phật phân biệt ba trí là:

(1) Nhất thiết trí,

(2) Ðạo chủng trí,

(3) Nhất thiết chủng trí (cũng gọi nhất thiết trí).

Tuy nhiên, cũng có sách dùng từ trí không khác gì từ tuệ nghĩa là gồm cả hữu lậu và vô lậu. Như Luận Câu Xá nói về mười trí:

1/ Thế tục trí

2/ Pháp trí,

3/ Loại trí,

4/ Khổ trí,

5/ Tập trí,

6/ Diệt trí,

7/ Ðạo trí,

8/ Tha tâm trí.

9/ Tận trí,

10/ Vô sanh trí,

Trong 10 trí nói trên, trừ thế tục trí ra, còn tất cả đều là vô lậu trí. Nếu thêm vào Như thực trí, thì chúng ta có 11 trí của pháp tướng tông Duy thức. Trong số này “như thật trí” là trí tuệ hữu lậu cao nhứt của hàng phàm phu. Có sách phân biệt bốn tuệ là:

– Hữu sanh đắc tuệ (cũng như nói trí tuệ bẩm sinh)

– văn tuệ,

– Tư tuệ,

– Tu tuệ.

Giải thích các từ đồng nghĩa với tuệ:

1. Minh vidya, Giác Budhi, Tuệ medha, Quang Bhùri, Nhãn (con mắt) quang minh, (từ minh dùng trong thành ngữ minh hạnh tức là bậc Thánh có đầy đủ trí tuệ và đức hạnh, tức Phật).

2. Kiến: Darsana, tri kiến, chánh tri kiến, (trong Bát chánh đạo).

3. Quán: Vipasjana. Dùng trong hợp từ chỉ quán. Tùy quán anupasyana (tức là trí tuệ quán sát trong bốn niệm xứ), biến tri, pari-jna, và chứng trí abhijna tức phép thần thông.

4. Liễu tri: ajna, là trí tuệ dựa vào pháp nhãn mà sơ bộ chứng ngộ.

A Nhã là liễu tri, trong số năm nguời đầu tiên dược nghe Phật thuyết pháp tại vườn Nai, gần Bénarès, ông Kiều Trần Như là người đầu tiên được Liễu tri, tức là sơ bộ chứng ngộ bằng trí tuệ. Do vậy mà ông có danh hiệu A Nhã (ajna). Chánh trí samprajàna. Nghĩa đầy đủ là nhận thức đúng đắn, chính xác.

5. Quán: mimamsa, có nghĩa “tuệ giải” trong bốn thần túc và trong phép quán nhơn duyên. Ý tứ không khác gì lắm với quán Vipasyana.

6. Trạch pháp: Dhamma-vicaya, là một giác chi trong bảy giác chi, tức là trí tuệ khéo chọn lựa, nhận biết đúng sai, phải trái.

7. Vô ngại giải: cũng gọi là Vô ngại trí, vô ngại biện, tức là trí tuệ thấy hết, biết hết của Phật, không có gì có thể gây trở ngại được Ðức Phật có trí tuệ vô ngại đối với Pháp (hết thảy mọi pháp), từ (mọi từ ngữ), nghĩa (mọi ý nghĩa), biện (có khả năng biện thuyết về mọi vấn đề với mọi người), đó là bốn biện giải vô ngại của Phật.

8. Bồ đề: S.Bodhi (giác, đạo) hay tam Bồ đề (sambodhi) Hán dịch nghĩa chánh giác, là sự thể hội trực tiếp đối với chân lý.

Tác dụng của trí tuệ: sách Phật phân biệt có hai loại trí tuệ :

“Phân biệt trí và Vô phân biệt trí”:

+ Phân biệt trí:

S. savikalpa-jnana là trí tuệ có đối tượng để phân biệt, trí tuệ “đối lập” với đối tượng.

+ Vô phân biệt trí:

S. Nirvikalpa-jnana là trí tuệ hòa nhập làm một với đối tượng. Ðó là trí tuệ chứng ngộ cao nhứt.

Với trí tuệ Vô phân biệt, bậc Thánh thấy “sắc tức là khỏng” (sắc tức thị không) thấy các pháp là vô ngã, bậc Thánh chứng ngộ đạo lý sâu sắc, vi diệu đó, cho nên đạt tới trình độ tự tại vô ngại đối với mọi pháp.

Nhưng bậc Thánh không dừng ở đấy. Ðể cứu vớt chúng sanh ra khỏi vòng sanh tử luân hồi, các Ngài mở lòng đại bi để cứu độ chúng sanh. Các Ngài dùng trí tuệ tối cao để phân biệt căn cơ hoàn cảnh của mỗi chúng sinh. Trí tuệ này lại là trí tuệ (có) phân biệt (phân biệt trí), nhưng là một phân biệt trí thành tựu được trên cơ sở vô phân biệt trí, vì vậy mà gọi là phân hiệt hậu đắc trí.

Minh Chi – Cư sĩ Mỹ Hồ sưu tầm và đánh máy

http://www.buddhismtoday

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.