Thử tìm hiểu thêm Ngọc Xá Lợi là gì ?
Theo cuốn Phật Giáo Tổng Quát của Quốc Oai Bồ tát Thích Quảng Đức tên thật là Lâm Văn Tuất (林文戌),[1] còn gọi là Nguyễn Văn Khiết (阮文㓗) sinh vào giờ Tý, ngày Rằm tháng 9 Mậu Tuất (29-10-1898) người Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.
Bảy tuổi đã xuất gia dưới sự chỉ dạy của người cậu là Hòa thượng Thích Hoằng Tâm.. Ngài thọ đại giới năm 20 tuổi, lấy hiệu là Thích Quảng Đức. Ông tu tập theo con đường khổ hạnh, ba năm tu thiền trên một ngọn núi ở Ninh Hòa rồi hai năm đi du hóa với một bộ đồ và một bình bát.
Năm 1934, Ông làm chứng minh đạo thư cho chi nhánh Hội An Nam Phật Học ở Ninh Hòa rồi làm trụ trì cho trụ sở đầu tiên của Hội Phật Học Nam Việt tại chùa Phước Hòa (Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay).
Ông là người có nhiều công đức. Ở miền Trung, ông xây dựng, trùng tu 14 ngôi chùa. Trong hai mươi năm cuối đời, ông kiến tạo, tu sửa thêm 17 ngôi chùa nữa tại miền Nam Việt Nam và Nam Vang (Campuchia). Người miền Nam hay gọi ông là Hòa thượng Long Vĩnh. Vào năm 1963, ông 67 tuổi, trụ trì chùa Quan Âm
Cũng theo tài liệu này “Đứng trước cảnh chính quyền toàn trị Ngô Đình Diệm gây nhiều bất công xã hội, tạo ra bất bình đẳng tôn giáo, bách hại Phật tử, cấm treo cờ Phật giáo thế giới trong ngày đại lễ Phật đản, Bồ tát Thích Quảng Đức đã phát tâm đại bi, thiêu thân vì chánh pháp vào lúc 11 giờ ngày 20 tháng 4 (nhuần) Mậu Ngọ (11-6-1963) tại ngã tư Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt” Và trước khi khi tự mình tẩm xăng thiêu thì Hòa thượng Quảng Đức có viết di nguyện của mình vào ngày 30/5/1963 nói về mong muốn của ông về việc tự thiêu, trong đó có đoạn: “Tôi pháp danh Thích Quảng Đức, trụ trì chùa Quan Âm, Phú Nhuận (Gia Định). Nhận thấy Phật giáo nước nhà đương lúc ngửa nghiêng, tôi là một Tu sĩ mệnh danh là Trưởng tử của Như Lai không lẽ cứ ngồi điềm nhiên tọa thị để cho Phật pháp tiêu vong, nên tôi vui lòng phát nguyện thiêu thân giả tạm này cúng dường Chư Phật để hồi hướng công đức bảo tồn Phật giáo”.
Để tiếp sức cho cuộc tranh đấu đang vào thế khó, Ông kêu gọi Tổng Thống hãy chấp nhận năm nguyện vọng của Phật giáo miền Nam cùng lời chúc đất nước thanh bình, tăng ni bình an, phật tử an ổn, Phật giáo bất diệt.
Một số bài thơ cũng được cho là di ngôn của Ông trước khi tự thiêu, trong một bài thơ kệ dâng Thập Phương Chư Phật có đoạn trích:
“Đệ tử hôm nay nguyện đốt mình
Làm đèn soi sáng nẻo vô minh
Khói thơm cảnh tỉnh ai còn ‘ngốc’
Tro trắng phẳng san hố bất bình”
Cũng nhân đây kính xin ghi lại tất cả Kệ Thiêu Thân Cúng Dường Vì Chánh Pháp của Bồ Tát Quảng Đức
1- Kính dâng Thập Phương Chư Phật.
Đệ tử hôm nay nguyện đốt mình
Làm đèn soi sáng nẻo vô minh
Khói thơm cảnh tỉnh ai còn ngốc
Tro trắng phẳng san hố bất bình
Thân cháy nát tan ra tro trắng
Thần thức nương về giúp sinh linh
Hỡi ai mộng ảo còn đang mộng
Hãy gấp tỉnh đi kẻo giật mình,
2— Kính dâng Chư Hiền Thánh Tăng
Phật giáo sử vàng máu thay son
Than ôi! Quỷ kế họ vẫn còn
Quyết diệt suy tàn nền Chánh Pháp
Làm cho Tăng, Tín phải chết mòn
Vì sự bất công tôi thiêu xác
Khói hồn nguyện độ kẻ hàm oan
Kính chúc Tăng, Ni tâm dũng tiến
Chánh pháp ngày mai phải trường tồn
3— Cùng toàn thể tín đồ Phật Giáo:
Cùng hàng Phật Tử tại gia
Hãy quên bản ngã bỏ cái Ta,
Gấp sửa thân tâm vì đại cuộc
Ngàn năm sử Việt vẫn Phật gia
Thân tôi dù cháy linh thiêng máu
Thần thức tôi luôn giúp đạo nhà
Đã mang đoàn thể cùng nòi giống
Bi, Trí, Hùng sao chẳng đem ra.
4— Cùng hàng Phật tử quy y, thế độ và xuất gia:
Thầy đã đến lúc biệt các con
Ba mươi năm hạnh nguyện đã tròn
Những gì đáng độ Thầy đã độ
Thầy tranh Chánh pháp lúc mất còn
Gia Định Saigon hỡi các con,
Hà Tiên, Cai Lậy thầy vẫn còn
Nam Vang, Núi Lớn Thầy ghi dấu,
Khánh Hòa đệ tử vẫn ân son
5— Xuất kệ vân:
Nền Phật dò lần kiếp tẩy sang
Phủi tay rửa sạch nợ trần gian
Tránh dòng danh lợi tìm nơi tỉnh
Niệm chữ Từ Bi tránh cửa quan
Chuỗi một lần tay khuya với sớm
Kệ kinh tụng niệm vái rồi van
Một lòng thành kính lòng mình nguyện
Tịnh độ từ đây rất ở an.
“Trái tim bất diệt” của Bồ tát Quảng Đức:
Những ai được chứng kiến cảnh tượng bi tráng độc nhất vô nhị này, đều biết khi Bồ Tát Thích Quang Đức tự thiêu tại ngã tư Phan Đình Phùng (nay là ngã tư đường Nguyễn Đình Chiểu) toàn thân Ngài không tỏ vẻ đau đớn gì mà Ngài vẫn điềm nhiên trong tư thế ngồi Thiền, sau khi thân xác Ngài đã cháy rụi hết, duy chỉ còn quả tim là không cháy, người ta lấy quả tim đó đem vô lò thiêu lại, dưới sức nóng 4000 oC, cái lò thiêu muốn nứt nẻ ra, vậy mà trái tim của Bồ Tát Thích Quảng Đức vẫn còn.
Nhắc lại sự kiện HT Thích Quảng Đức phát nguyện hy sinh nhục thân đã tẩm xăng tự thiêu tại ngã tư đường Lê Văn Duyệt và Phan Đình Phùng, Sài Gòn (nay là ngã tư đường Cách Mạng Tháng Tám và Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3 , Thành phố Hồ Chí Mình) vào ngày 11 tháng 6 năm 1963 nhằm phản đối sự đàn áp Phật Giáo của chính quyền Việt Nam Cộng Hoà của chính phủ Ngô Đình Diệm và để cúng dường Tam Bảo, thức tỉnh nhà cầm quyền.
Tấm ảnh chụp Ông tự thiêu đã được truyền đi khắp thế giới và gây nên sự chú ý đặc biệt tới chính sách của chế độ Ngô Đình Diệm. Phóng viên Malcolm Browne đã giành Giải thưởng Báo Chí thế giới năm 1963 nhờ một bức hình chụp cảnh HT Thích Quảng Đức tự thiêu, và nhà báo David Halberstam một người sau được trao giải Pulitzer cũng đã có bản tường thuật sự kiện. Sau khi chết, thi hài của Ông đã được hỏa táng, nhưng trái tim của Ông thì vẫn còn nguyên. Đây được coi là Xá Lợi biểu tượng của lòng từ bi, dẫn đến việc giới Phật tử suy tôn Hoà Thượng thành một vị Bồ Tát.
Lời kết:
Nhân kỷ niệm ngày 11/6/1963 lần thứ 59, ngày Bồ Tát Quảng Đức vị Pháp vong thân, đốt xác thân cúng dường cúng dường Chư Phật để hồi hướng công đức bảo tồn Phật giáo và Ngài đã để lại Trái tim bất diệt và được tôn vinh là Trái tim Xá Lợi của Bồ Tát Thích Quảng Đức. Cho đến nay hiện tương Xá Lợi đối với khoa học vẫn còn huyền bí. Vậy chúng ta cùng tìm hiểu thêm vì sao có Ngọc Xá Lợi?
Xá lợi là từ ngữ phiên âm tiếng Phạn “Sarira” có nghĩa đen là những hạt cứng. Theo ghi chép trong lịch sử Phật giáo khi Đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni viên tịch, các tín đồ đã đem xác của Ngài đi hỏa táng, sau khi lửa tàn, họ phát hiện thấy trong thành phần tro còn lại có lẫn rất nhiều tinh thể trong suốt, hình dạng và kích thước khác nhau cứng như thép. Hơn nữa chúng còn lóng lánh và tỏa ra những tia sáng giống như những viên ngọc. Họ đếm được cả thảy 84.000 viên đứng đựng đầy trong 8 học và 4 đấu nó được đặt tên là Xá Lợi.
Phật dạy khi tẩn táng “Chất các thứ vải dày, hương thơm lên trên mà trà-tỳ. Trà-tỳ xong lượm lấy xá-lợi, dựng tháp treo phan thờ tại ngã tư đường để dân chúng đi ngang trông thấy tháp của Phật mà tưởng nhớ lại đạo hóa của Pháp vương Như Lai, sống thì được phước lợi, chết thì sanh Thiên”. (Tuệ Sỹ, 2007, 107tt).
Do lượng xá-lợi có hạn, những nơi muốn dựng tháp mà không có xá-lợi, người ta dùng các bài kệ tụng như một loại xá-lợi pháp thân thay cho xá-lợi sinh thân để tôn trí trong tháp.
Đọc thêm từ tin tức địa phương tại quê nhà được biết: “Trong quá trình khai quật di chỉ Tháp Nhạn (xã Hồng Long, huyện Nam Đàn), các nhà khảo cổ học phát hiện được Xá Lợi Đức Phật Thích ca. Vật báu này hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Nghệ An.”
Toàn bộ hộp đựng Xá Lợi Đức Phật Thích ca làm bằng vàng nguyên chất, được chạm chổ tinh xảo. Nắp hộp có gờ mái trùm ngoài thân hộp; Trên đỉnh nắp có trang trí hình hoa 6 cánh, có nhụy nhỏ tròn ở chính giữa, xếp liên tiếp tạo thành một khung trang trí chữ nhật..
Thân hộp chứa Xá Lợi Đức Phật Thích ca được nắp hộp chụp kín, 4 mặt được trang trí bông hoa 3 cánh, chụm lại dưới một cái cuống có 2 cánh lá như hoa sen cách điệu. Những bông hoa sen cách điệu này, được trang trí theo dải băng tạo thành một khung hoa văn chữ nhật.
Theo các tài liệu có ở Bảo tàng Nghệ An, niên đại của Tháp Nhạn được xây dựng vào thời Đường, nửa đầu thế kỷ VII. Và việc khai quật được Xá Lợi Đức Phật Thích Ca tại đây đã cho thấy lịch sử Phật giáo có mặt ở Nghệ An khá sớm.
Cũng theo nhiều nguồn thông tin rằng những viên xá lợi có thể tự tăng kích cỡ. Có những viên lại có khả năng tự phân đôi liên tục, tự sản sinh (đẻ thêm ra), có những viên phát hào quang… Chính vị sư cả trụ trì Thane Daung Tail Thit Monasery khẳng định thêm một lần nữa: nếu tu tập tốt, xá lợi tự nhân lên. Nếu tu tập kém, thiếu đức hạnh, xá lợi có thể sẽ biến mất!
Cũng cần tìm hiểu thêm với cuốn sách “Những bàn tay ánh sáng”, Tiến sĩ Barbara Ann Brenna cho rằng: “Vật chất chỉ đơn giản là năng lượng chuyển động chậm lại hoặc kết tinh lại. Thân thể con người là năng lượng”.
Ở đây bài viết đưa ra một ví dụ ấy là con người có thể hấp thụ năng lượng từ vũ trụ, những ai có thể làm được việc này chính là những vị tăng, những người tu hành chân chính tu luyện thực sự phải là trở về với bản tính chân thật, đồng hóa với đặc tính của vũ trụ. Khi đó năng lượng của vũ trụ có thể kết tinh trong cơ thể của người tu luyện. Khi năng lượng tích tụ nhiều rồi thì nó có thể thay thế tế bào của cơ thể và biến nó thành vật chất cao năng lượng và vật chất cao năng lượng này chính là Xá Lợi.
Như vậy chúng ta có thể xem đây là một cách giải thích về sự hình thành của Xá Lợi. Mặc dù khoa học đã đạt được rất nhiều thành tựu tuy nhiên có rất nhiều điều bí ẩn trong vũ trụ và ngay trên thân thể người mà các chuyên gia chưa thể giải thích được.Nếu chiểu theo quan niệm hiện đại, những gì liên quan đến tâm linh và tu hành thì còn huyền bí hơn nữa. Nhưng xác thực là chúng hiện hữu và đã được ghi chép trong nhiều sử sách.
Ngọc Xá Lợi chắc chắn là thành quả tu hành, giữ gìn giới luật và công năng tu tập thiền quán cao thâm của Đức phật và các vị cao tăng như Bồ Tát Thích Quảng Đức.
Với lòng từ bi vô lượng, Đức Phật đã để lưu lại Xá-Lợi ở thế gian này sau khi viên tịch Niết Bàn để cho chúng sanh đời sau còn có duyên may chiêm bái và cúng dường. Vì thế, Xá-Lợi Phật là bằng chứng hùng hồn nhất về sự hiện diện của Ngài và ý nghĩa của sự xuất hiện ấy không ngoài mục đích giúp cho chúng sanh đoạn tận mọi khổ đau, thành tựu cứu cánh giải thoát Niết Bàn, không còn luân hồi sanh tử.
Riêng trái tim Xá Lợi của Bồ Tát Quảng Đức lưu lại lại có một ý nghĩa khác về tấm lòng từ bi và hạnh nguyện cao cả sẽ soi sáng nẻo vô minh cho những ai còn mê mờ và cảnh tỉnh những ai không biết bảo tồn Phật Pháp mà cứ điềm nhiên tọa thị mặc cho nước trôi nước 2 câu thơ của Vua Trần Nhân Tôn
“Vạn sự nước trôi nước
Trăm năm lòng nhủ lòng”
Kính trân trọng.
Huệ Hương ( sưu tầm trên mạng và tổng hợp – Melbourne 11/6/2022 )