( Bài viết lấy ý tưởng từ lời dạy của HT Viên Minh trong mục Hỏi Đáp của trung tâm Hộ Tông. Kính tri ân HT Viên Minh và ban biên tập trang mạng Phật giáo của Tổ Đình Bửu Long – Thành phố HCM ).
Hẵng mọi người chúng ta bước vào cuộc đời mãi cho đến tuổi đã trường thành thật sự về thân và tâm và nhất là khi vào tuổi thu đông mới chiêm nghiệm rằng… À thì ra chúng ta đến với thế gian này chỉ có 2 việc: Học được điều gì từ cuộc đời và cống hiến được chút gì cho cuộc đời, cho xã hội.
Để rồi sau đó sẽ vỡ oà một tiếng… Thì ra Đạo và đời là một, và hơn thế nữa làm người cho đúng phẩm chất chân chính là đang sống và chiêm nghiệm đời sống, và đấy là bí qyuyết thấy ra sự thật ( chân lý ).
Mà Đạo chính là chân lý trong đời sống.
Đạo là chân lý muôn đời và chung cho muôn loài không bao giờ sai.
Thấy ra và sống đúng lẽ thật trong cuộc sống thì đó chính là Đạo , không thấy ra và không sống đúng lẽ thật ấy thì đó là Đời.
Có câu:
“Đời không đạo như thuyền không lái,
Đạo không đời đạo phải về đâu”.
Như vậy giữa Đạo và Đời chỉ khác nhau ở thái độ nhận thức và hành vi mà thôi.
Làm như không làm vẫn hồn nhiên” chính là sống đạo trong đời.
Trước kia giống như nhiều người chưa hiểu Tứ Diệu Đế một cách tường tận, tôi vẫn thường ngâm bài thơ này:
Bể khổ mênh mông sóng ngập trời Khách trần chèo một chiếc thuyền chơi! Thuyền ai ngược gió, ai xuôi gió Ngoảnh lại cùng trong biển khổ thôi!
Ngoảnh lại cùng trong biển khổ thôi! Nổi chìm, chìm nổi biết bao người Kiếp người nghĩ cũng lênh đênh quá Qua cánh bèo trôi mặt nước thôi!
Nhưng nay tôi đã nghiệm biết rằng ….Đời không phải là bể khổ, vì khổ thực ra chỉ có trong tâm lý mỗi người thôi. Cái khổ đó thực ra là ảo, nó xuất phát từ khái niệm tâm lý “con ta”, “chồng ta” “tài sản ta”.
Nếu thật sự thấy được không có cái gọi là con ta, chồng ta thì đành phải khổ đến tận cùng… trong khi người trí chỉ mới khổ chút ít thôi người ta liền giác ngộ giải thoát.
Hoặc nếu ai đó thật sự thấy đời là giả tạm thì hạnh phúc đau khổ gì cũng đều giả tạm, vì sao vậy ? Nhưng nếu suy nghĩ kỹ thì khi ta cho rằng TẠM điều đó cũng đúng vì cái gì cũng vô thường sao không tạm bợ được, nhưng GIẢ thì không thể nói đúng được vì nếu giả thì sao đói lại ăn, khát lại uống, lạnh đắp chăn, nóng mở quạt ?
Do đó đứng trên thực tại hiện tiền mà nói trên đời cái gì cũng THẬT cả, chỉ có cái ta ảo tưởng tưởng tượng vẽ vời ra đủ thứ trên đời, mới tạo ra một cuộc sống GIẢ, VỌNG cho riêng nó mà thôi.
Nói đi thì cũng nói lại thực ra, cuộc sống luôn luôn có hai mặt: THẬT và GIẢ.
Thấy được cái gì thật, cái gì giả may ra mình mới hành động, nói năng, suy nghĩ đúng theo cái thật, không theo cái giả.
Nếu thấy đúng làm đúng theo cái thật thì không phải là thanh tịnh, cực lạc sao?
Còn một khi đối với các pháp vô thường tạm bợ mà mình lại có ảo tưởng chấp ta và của ta, rồi vọng cầu chúng thường, lạc, ngã theo ý mình, không thấy rõ bản chất vô thường, khổ, vô ngã của chúng… thì đó không phải là chính mình đã tạo ra cho mình một cuộc sống giả tạm hay sao ?
Và hậu quả đương nhiên là phiền não khổ đau, luân hồi sinh tử.
Thật ra không có bạn Đời với bạn Đạo mà chỉ có bạn xấu và bạn tốt khi ta quan sát, chiêm nghiệm rồi sự thật sẽ là câu trả lời phong phú và chính xác nhất. Vì sao vậy ?
– Việc đời thì tuỳ hoàn cảnh mà giải quyết sao cho đúng tốt là được.
– Còn việc đạo thì cần soi sáng thực tại thân-tâm-cảnh cho rõ ràng để thấy ra sự thật.
Hơn thế nữa con người thường tự cho mình là “tối linh ư vạn vật” và có tham vọng giải quyết vạn pháp theo ý mình với châm ngôn “nhân định thắng thiên”.
Nhưng càng tưởng là đã làm chủ được thiên nhiên thì càng tạo thêm đau khổ cho mình và người nhiều hơn.
Ngay cả khoa học cũng phải nghiên cứu học hỏi những định luật thiên nhiên để khám phá sự thật. Nhưng con người lại lợi dụng những quy luật thiên nhiên ấy cho mình, và đáng lẽ ra phải biết cảm ơn thiên nhiên thì vội cho rằng mình đã làm chủ được thiên nhiên! Thế mới là đau khổ!
Nhìn lại thực tế trong những vấn đề gia đình, xã hội cũng vậy, phần lớn đau khổ là do muốn mọi người, mọi vật, mọi sự đều phải thuận theo ý mình, nhưng vì điều đó mâu thuẫn và bất khả nên càng nhiều tham vọng càng nhiều bất mãn, khổ đau!
Mâu thuẫn vì mỗi người có mỗi ý muốn trái ngược với kẻ khác nên chỉ tạo ra xung đột, đối kháng trong mối quan hệ bất toàn.
Bất khả vì một khi đã xung đột và mỗi người bảo thủ ý riêng của mình thì rốt cuộc chẳng ai thực hiện được ý muốn của mình một cách trọn vẹn. Giống như hai người giành nhau một vật thì chẳng bên nào được yên, thắng thì sinh oán thù, bại thì sinh thất vọng, thế là cả hai cùng đau khổ!
Ý nghĩa cuộc đời chỉ có thế ( không tranh) nếu không biết đó là bài học giác ngộ thật tuyệt vời.
Hơn thế nữa… Ý nghĩa rất thú vị của cuộc sống là khám phá ra chân lý ẩn tàng trong đó. Nếu chúng ta không chịu chiêm nghiệm học hỏi để khám phá sự thật mà nhờ người khác chứng minh thì giác ngộ đâu còn thú vị gì nữa!
Lời kết:
Ranh giới đạo và đời chính là ở thái độ của chính mình chứ không ở đâu khác. Khi mình lặng lẽ trong sáng thì đời là đạo, khi mình chấp thủ giáo điều thì đạo là đời, đó là vì còn ham muốn bên ngoài thật hoàn hảo mà bên trong bất toàn,
Còn chán đời là vì còn chưa thấy vô thường, khổ, vô ngã và chân, thiện, mỹ là một; hay bất toàn và hoàn hảo không hai.
Phải chăng chỉ cần trọn vẹn sáng suốt với hiện thực như thế chứ đừng lý tưởng quá làm phân cách giữa Đạo và Đời.
Đừng học đạo bằng lý trí thu nhặt những thông tin bên ngoài.
Phật giáo không có quan điểm mà chỉ mô tả lẽ thật. Đạo là lẽ thật rốt ráo ấy.
Hãy nhìn lại chính mình để ngay nơi thân tâm có vui có buồn ấy mà thấy ra cái gì chân cái gì giả, rồi tự điều chỉnh nhận thức và hành vi mình cho đúng tốt thì đó gọi (thuận pháp). Và một khi đã thận trọng, chú tâm, quan sát lại chính mình để thấy rõ bản chât của thực tại trong ngoài, thì không cần kiếp sau đâu, kiếp hiện tại cũng chứng minh được điều đó.
Tuy nhiên vẫn nhiều người đức tin không đủ mạnh , sự tinh tấn cũng không đủ nội lực để tu tập mạnh mẽ, nên vẫn bị mâu thuẫn nội tâm, thể hiện ở sự bất mãn (với mọi thứ, với mọi người và cuộc sống), và thất vọng về bản thân mình. Mâu thuẫn ấy là vì sự chênh lệch quá lớn giữa cách sống mình vẫn đang thỏa hiệp để sống theo vì ảo tưởng.
Hơn thế nữa ngày nay do ảnh hưởng của sách vở và các quan điểm cá nhân lan tràn trên mạng, trên sách… con người ta sống ảo hơn nhiều, quan điểm và định kiến cũng nhiều (dĩ nhiên là định kiến sai lầm, phàm phu mà), nhiều quá đến mức mất cân bằng nghiêm trọng với hiểu biết thực tế. Và điều nguy hiểm là lại định hướng cuộc đời mình, định hướng sự tu tập dựa trên các định kiến ảo ấy. Lẽ ra thực tế phải là thước đo…
Hệ quả tất yếu là sự không hết lòng với hiện tại, không biết rằng chính hoàn cảnh thực tế là nơi mình đang thể hiện rõ nhất, chân thực nhất mọi góc cạnh dù là xấu xí hay tốt đẹp, và đang phải đối mặt với những lựa chọn đau đớn, khó khăn.
Thật ra nếu chúng ta hiểu đạo là chơn, đời là vọng thì Đời và Đạo không thể là một mà chỉ có “đạo ở trong đời, đời không có trong đạo”.
Dù Thấy là Đạo, không thấy là Đời nhưng đối tượng hiện thực (thực kiện) vẫn không hai. Nếu không “như thế” thì khó mà thấy được vô thường, khổ, vô ngã. Và chính ta cũng nên tự nhủ rằng: khổ không do bài học nghịch cảnh mà do không chịu khó học cho đến nơi đến chốn.
Người viết được Thầy dạy rằng “hiện tại không phải là tình trạng hoàn hảo như nhiều người thường nghĩ, mà hiện tại chỉ “như nó đang là.”
Mình đang như thế nào thì chỉ thấy như thế thôi.
Đừng nghĩ quá xa, chỉ cần trọn vẹn nhiệt tình với hiện tại , chúng ta sẽ thấy đời sống thật nhẹ nhàng và hiệu quả, vì hiện tại mới thực còn quá khứ, tương lai và bên ngoài vẫn chỉ còn trong nghĩ tưởng, chưa phải là hiện thực.
Trong kinh sách thường nhắc chúng ta rằng: “ Các chúng sinh cảnh giới khác không có quyền lựa chọn này, nghiệp hoặc phước của họ không cho phép họ làm điều đó. Ước nguyện lớn nhất của chư thiên khi đến giờ hết phước phải đi tái sinh nơi khác là được tái sinh đến cõi người. Tất cả chư Phật đều lựa chọn cõi người làm nơi tu tập và đắc đạo là vì lý do ấy “.
Vậy mà nhiều người tu tập lại đang cố biến cuộc sống may mắn ấy của mình thành một nơi như cõi chư thiên, ở một nơi toàn thiện, toàn tu, toàn bậc Thánh…
Hơn thế nữa, một số người đã biến cuộc đời thành ra nửa đời nửa đạo, có những nơi sống mơ màng, ảo tưởng trong sự nhàn hạ, an toàn của một cộng đồng thực chất là “tu tiên” chứ không phải tu thoát khổ. Như vậy vẫn còn mang dấu ấn của tâm tham và bản ngã.
Sống luôn chánh niệm tỉnh giác ngay nơi hiện tại, như vậy gọi là sống tùy duyên thuận pháp
Thế mới biết tuỳ duyên
Không chủ quan tạo tác
Trong tự tánh bổn nguyên
Muôn đời không đổi khác ( HT Viên Minh )
Người chánh niệm tỉnh giác hay định tĩnh sáng suốt sẽ tự biết điều hòa không để thiên lệch trong ngoài.
Và Phải chăng những sự đau khổ sẽ giúp chúng ta thấy ra rằng hạnh phúc không lệ thuộc vào những thỏa hiệp có được từ điều kiện bên ngoài.
Hạnh phúc chỉ thực sự có mặt khi nội tâm mình thật độc lập, tĩnh tại và trong sáng, lúc đó chỉ tồn tại sự tương giao tự nhiên với mọi người mọi vật chứ không còn sự ràng buộc của những mối quan hệ đã được thiết lập.
Do đó Đời và Đạo sẽ là một khi chúng ta trở về sống trọn vẹn trong sáng với chính mình để qua đó học ra những hoạt động của thân, của cảm giác, cảm xúc và của những phản ứng nội tâm v.v… mà bấy lâu chúng ta đã bỏ quên để đi tìm sự đáp ứng từ những điều kiện bên ngoài.
Đức Phật là bậc đã giác ngộ chính mình và thấy rõ bản chất thật của cuộc sống, do đó toàn bộ giáo lý của Ngài chỉ nhằm mục đích giúp con người biết trở về giác ngộ lại chính mình để có đủ tĩnh lặng trong sáng mà thấy ra bản chất thật của đời sống.
Kính mong những lời ghi chép và góp nhặt lại của người viết có thể giúp được các đạo hữu dễ tư duy hơn và có một chánh kiến cho tự riêng mình, kính mong với trình độ căn cơ của người viết chỉ có thể cảm nhận những lời dạy của HT Viên Minh qua tâm hồn và tư duy của mình và sống theo cách mình đã hiểu.
Kính chúc các đạo hữu thân khỏe tâm an luôn sống Đạo thuận Đời trong tịnh lạc.
Kính trân trọng,
Đạo là chân lý muôn đời …
chung cho mọi loài không sai khác !
Đời Đạo khi sống hiểu biết thương yêu
Đạo Đời quan niệm hẹp hòi, cố chấp đủ điều
Đời, Đạo sẽ là một… khi trọn vẹn trong sáng
Hạnh phúc chỉ đích thực với nội tâm thư thản
Còn tham, bản ngã… sao thấy được Chơn
Vọng tưởng tương lai…tính toán tư lợi thiệt hơn
Hãy suy ngẫm
… hoàn cảnh thực tế đang thể hiện rõ nhất !
Ranh giới Đạo, Đời xoá tan khi thấy ra Sự Thật !
Khắc ghi… Quy luật Thập Như Thị về vạn vật (1)
Huệ Hương
____________________
(1) Thập như thị : như thị tướng, như thị tính, như thị thể, như thị lực, như thị tác, như thị nhân, như thị duyên, như thị quả, như thị báo, như thị bổn mạt cứu cánh đẳng