Đời Vui

Thưa các Ngài,

Chắc đã nhiều buổi mai khi thức dậy các Ngài rảo bước ra sân hoặc ra vườn ngắm cảnh bình-minh. Một tia nắng vàng xuyên qua rặng lá, một tiếng chim hót đầu cành, một mùi hương hoa nhẹ nhàng phảng phất làm cho các Ngài thấy trong lòng phơi-phới dễ chịu. Một cảm-giác êm dịu len vào tâm hồn các Ngài; các Ngài thấy vui, và cần vui, vui để cho tâm-hồn các Ngài hòa nhịp với tâm-hồn vạn-vật; sống trong hoàn-toàn hạnh-phúc là xu-hướng chung của chúng ta, của toàn-thể nhân-loại.

Muốn vui mà mấy ai đã được vui!… Người trẻ tuổi yêu đời xem đời như một trời mai tươi đẹp, đầy hứa hẹn. Nhưng khi bắt tay vào việc, hoàn-cảnh chuyển lay ý muốn, những hoa-mộng dần dần tan vỡ, rồi những chuyện buồn tủi xảy ra làm cho tâm hồn họ se lại. Thất vọng, họ đâm ra chán đời, trách đời đã cay nghiệt giết chết cái vui hồn nhiên của ngày xanh. Không phải tôi nói với giọng bi quan, nhưng các Ngài thử hỏi mọi người: “Ngài có sung sướng không?” thì trong mười câu trả lời vị tất đã có hai câu như ý.

Vì sao trong lúc mọi người đeo đuổi theo hạnh-phúc, chúng ta còn nghe những lời than ai oán, hay thấy những cặp mắt đầy ngấn lệ. Tôi xin thưa, chỉ vì phần đông quan niệm về cái vui sai lạc; chúng ta thường để cho những cái hào nhoáng bề ngoài ám ảnh, luôn luôn bị dục vọng lôi kéo, mê mờ nhận lầm cái vui nên không thoát khỏi được rừng khổ-ải.

*

Từ xưa đến nay, đã nhiều người đem vấn đề hạnh-phúc ra đàm luận và trong mọi quan niệm, các bậc giáo-chủ các nhà hiền-triết đều đồng ý bác thuyết của những người xây hạnh-phúc trên danh vọng tiền tài.

Lắm kẻ làm lụng vất-vả, dại khờ đem tiền dành dụm mua chút phẩm hàm, tưởng làm vẻ vang cho gia phong, sau những ngày vào lòn ra cúi. Khốn nạn! Vì chút công danh hão kia, họ đành bỏ nghề lao lực cũ đến nỗi gia-đình mất kế sinh nhai, phải chịu lắm điều cơ cực.

Chưa thoát được não chuộng danh thì dầu thông minh tài trí cũng vẫn bị chữ danh sai khiến dày vò: Đời nhà Lê có ông Trịnh-thiết-Trường học lực đáng đậu Trạng-Nguyên, khi thi, lúc xướng hồ danh, nghe mình chỉ đỗ Hoàng-giáp, mặt buồn dã dượi, vào thưa với quan trường xin trả chức, quyết đợi đến khoa sau. Như ông Trịnh-thiết-Trường bao người tài hoa đòi xã-hội dành cho một địa vị tương đương với giá trị mình; họ quên rằng chân giá trị không ở trong bằng cấp chức phận và những giả danh kia chỉ làm họ chật vật khổ sở, hơn nữa ngăn trở sự phát triển tài năng của họ.

Cũng như danh, tiền của không làm người sung sướng. Xem tiền bạc như vật dụng thì phải, đến như ham thâu lấy tiền cho nhiều để làm vui thì thật là lầm. Anh thợ khâu giày trong truyện ngụ-ngôn, vui tươi ca hát luôn ngày. Bên láng giềng người hào phú, sống bên cạnh những nén vàng không thấy mình sung sướng, ăn chẳng ngon, ngủ chẳng được. Người hào phú cho gọi người thợ giày sang nhà và lấy làm ngạc nhiên trước sự sung sướng hồn-nhiên của anh thợ khi nghe anh kể đời sống chật vật của anh. Thương tình, người hào phú cho anh thợ trăm nén vàng và dặn anh giữ lấy mà tiêu khi thiết dụng. Từ khi được trăm nén vàng người thợ giày kém vui. Giấc ngủ ngon lìa anh và thế vào đấy những nỗi lo âu, những giấc chiêm bao rùng rợn. Ngày ngày anh lo sợ, nghi ngờ hành vi tất cả mọi người, đêm đến tiếng mèo vồ chuột khiến tim anh hồi hộp, tưởng kẻ gian-phu lẻn vào lấy của. Sau cùng, nhận rằng mình đang sống trong đau khổ, trong hoài nghi, anh thợ mang trăm nén vàng trả cho chủ nó để lấy lại sự vui đã mất…

Tiền của danh vọng không đủ đem cho ta hạnh-phúc, mà nhiều khi lại là lợi khí nguy hiểm xô đẩy ta vào vòng trụy lạc. Trước đây hơn 2500, đức Phật Thích-Ca đã thấy sự nguy hiểm của danh lợi, nên dạy ta rằng những người sanh về Bắc-câu lô-châu, một thế giới an lành về phương diện vật chất thật đáng thương xót, vì ở đấy cuộc sinh hoạt dễ dàng, mọi điều mong ước dễ thỏa mãn, nên người dễ bị sa ngã vào hang sâu vực thẳm.

Nói đến đây tôi xin lưu ý các Ngài đến một hạng người cả đời làm nô lệ cho xác thân, nghĩ rằng đời vui ở sự cung phụng những đòi hỏi của xác thịt, tôi muốn riêng nói những người đắm say theo sắc dục. Hạng người nầy hoàn-toàn hiểu lầm chữ vui, nhận lầm cái thú làm cái vui. Nếu cái vui chân thật làm đời người thanh cao, thì lạc thú chỉ hạ người ngang hàng súc vật, tôi nói dựa theo lời hiệu-triệu của thống chế Pétain.

Người chỉ biết cái thú họ khinh họ quá vì tự cầm mình chỉ là một khối thịt tanh hôi, và chuyên dùng nó để buông lung những bản năng nhơ nhớp. Thỏa mãn, có bao giờ thỏa mãn bản năng được, từng thùng dầu đổ vào đám cháy chỉ làm tăng thêm sức phá hại của ngọn lửa. Một khi, người ta thả lòng theo những điều ham muốn nhỏ nhen, những điều ham muốn loanh quanh bản ngã của mình, người ta sẽ bị kết quả vô cùng khốc liệt của đời trụy lạc. Luật nhân quả đâu phải là không có. Thấy những người đó chúng ta chớ vội ngó qua cái bề ngoài với vẻ mặt vênh vang tự đắc, với cái cười ngượng nghịu; chúng ta hãy nhìn xa hơn thì chúng ta sẽ thấy gì nếu không phải là những ước vọng thấp hèn chưa thỏa mãn của những tấm linh hồn khô héo, cằn cỗi vì quá đắm say theo vật dục.

Hiểu lầm chữ tự do, họ đi sai đường phí bỏ cả một đời trai trẻ. Ngày lại ngày, họ sống với những cuộc vui chốc lát, nhất thời, tự mình trói buộc lấy mình, giam hãm mình trong chỗ đen tối. Rồi khi sức đã tàn, trí đã lũn, họ kết đời họ bằng một chuỗi ngày ảm-đạm đau thương, nếu không dùng liều thuốc hoặc giòng nước để quyên sinh.

*

Có kẻ cố ý xếp đặt đời mình bận rộn luôn để tránh những lúc suy nghĩ đến các vấn đề quan trọng. Sống là sống, là chuồi theo giòng đời, mặc cho hoàn cảnh chuyển lay đến đâu hay đấy. Người làm việc, họ làm việc, người tiêu-khiển, họ tiêu-khiển. Họ không tìm vui; họ cho đời là khổ, và sống là một gánh nặng. Họ muốn tránh những lúc băn-khoăn vì suy nghĩ.

Ta đi đâu? Ta làm việc để làm gì? Họ không muốn biết; đúng hơn họ không dám biết. Họ xét lý-trí kém cỏi, bất lực, không đủ soi thấu huyền cơ của vũ-trụ. Quên, quên là mục đích của họ; quên địa-vị buồn tủi của mình, quên những nỗi thống khổ xung quanh mình, để mua lấy sự yên ổn rất mong manh. Đời họ phẳng lì, không một tia sáng, không một hy-vọng. Họ là những kẻ bị đày đọa làm người cốt kéo bê-tha ngày tháng để giờ chết đến lúc nào không hay cứu họ ra khỏi chốn ngục-tù. Cái khổ-tâm của họ là người biết nghĩ, vì biết nghĩ họ mới nhận thấy nỗi thống khổ ở đời, vì biết nghĩ, họ mới có ý-tưởng kỳ-dị tránh những lúc dùng đến lý-trí. Muốn tránh tức là đã băn-khoăn đau khổ nhiều lần. Rồi họ thơ-thẩn ao-ước đời những người chất phác, đời mà người ta thường ca-tụng là đời vô-tư. Các thi-sĩ sẵn lòng phác họa cái cảnh hoa-mộng của đứa mục-đồng bên bờ suối, hòa giọng hát trong trẻo cùng muông chim ca ngợi cảnh trời tà rực rỡ, hay một bác nông phu lực lưỡng hân hoan nhìn ruộng lúa chín thơm. Sự thật nếu ta gần họ, bao cảnh thương tâm não nuột sẽ diễn ra ngao ngán buồn thảm. Khi chúng ta đã là hạng người được nhiều may mắn trong xã-hội, chịu rất nhiều ân huệ của xã-hội, còn gì mỉa mai bằng ước mong đời những người thèm muốn được ở vào địa vị ta.

Hay là ta gác bỏ chuyện đời, im lặng sống cuộc đời nhàn-nhã, mặc cho ai xô-đẩy nhau trong vòng danh lợi… Quan niệm yếu hèn ấy không thể cám dỗ ta được. Sống an nhàn tức là từ chối nhiệm vụ, từ chối giá-trị của mình, khi tất cả lòng ta, tất cả hoàn cảnh xung quanh ta gọi ta đến công việc, sự an nhàn gắng gượng chỉ là sự an nhàn hão. Sự rỗi rảnh sẽ đem lại cho ta chán nản và hối quá. Sống an nhàn vô-sự ta tưởng được yên-ổn sung-sướng. Ta mặc cho cuộc đời không bận bịu đến. Khốn nỗi, giọng rền-rĩ từ cả nhân loại đau khổ vang đến, nhắc ta bao cảnh lầm than nheo nhóc, kết tội lối sống bịt mắt bưng tai của ta, lối sống ích-kỷ nhu-nhược.

*

Ta không biết đi ngả nào để tìm ra hạnh-phúc, ra đời sống chân-thật hay ta nên thí nghiệm tất cả cho biết rồi sẽ lựa. Chúng ta hãy dừng chân lại, nguy hiểm đến nơi rồi. Chúng ta sắp bị dục vọng lôi kéo; Có ai đưa tay vào bếp xem lửa nóng hay lạnh không? Buông lung dục vọng tức là làm hại đời ta, tức là phạm đến quyền lợi kẻ khác. Khi ta muốn được đầy đủ về mọi phương diện, ta coi thường sự thiếu thốn của họ. Một ý tưởng công bình đủ cho ta thấy rằng hạnh-phúc của ta không được phạm đến hạnh-phúc của kẻ khác. Đã thế hay ta dung hòa hạnh-phúc ta và hạnh-phúc người, tìm hạnh-phúc ta trong hạnh-phúc người. Thoạt tiên, ta không khỏi ngần ngại. Ta phân vân không biết theo con đường ấy ta tìm được cái vui chân thật hay chỉ tìm thấy sự thiệt thòi. Bước theo đường ấy ta phải cho nhiều, cho nhiều lắm, cho không đếm kể. Ta tự hỏi: “phân phát cho người, còn gì cho hạnh-phúc ta”.

Nhưng bình tâm suy nghĩ, ta sẽ nhận thấy rằng: những nỗi băn khoăn e sợ của ta chỉ chứng rằng ta vốn làm nô lệ cho xác thân, cho dục vọng.

Vâng, chúng ta tất cả chúng ta đang bị giam hãm trói buộc. Mỗi mỗi hành vi của ta chỉ tuân theo mệnh lệnh của ham muốn không bao giờ vơi. Những tia sáng vụt hiện trong đời ta chỉ là những tia sáng nhất thời và yếu ớt của chân tướng ta vốn mỹ-lệ vô cùng. Những phút rung động trước cái hay, cái đẹp, những tình cảm thâm thúy, những tư-tưởng bác-ái, vị tha trong giây lát đã bị tánh ích kỷ che lấp. Bị lôi kéo giữa hai năng lực tương phản ấy, ta chỉ là miếng ván bập bềnh giữa giòng. Ta là người vất vưởng không chút tự do; đã biết theo dục vọng tức là chôn mình trong chỗ nhơ nhớp, sao ta không mau mau trừ bỏ dục vọng, bồi đắp những đức tính cao quí của ta.

Chúng ta muốn tìm hạnh-phúc ư. Trước hết ta hãy trả lại cho ta sự tự do đã mất. Chúng ta hãy trau dồi đức hạnh, công việc bấy lâu ta xao lãng, bây giờ ta hãy để tâm trí vào. Công việc không phải dễ dàng, nhưng với lòng hăng hái chí quả quyết, ta sẽ thành công. Ta nên biết rằng ngoài xác thân ta còn một năng lực vô giá mà ta cần phải trau dồi cho ngày thêm trong sáng là chơn tâm của ta. Ta đừng để cho bụi nhơ đóng vào bức gương tâm tánh của ta, mà bụi dơ ấy là chi nếu không phải lòng tham, sân, si, mạn, theo lời Phật dạy. Nơi người ẩn núp nhiều đức tính cao qúy chỉ chờ ta đánh thức là phát triển mạnh mẽ. Trên đường tu thân chúng ta không cần phải hấp tấp quá. Không phải trong một lúc ta có thể đoạn trừ được tất cả nết xấu bám víu vào ta từ vô-thỉ. Nóng nảy quá ta sẽ bị sức phản động mãnh liệt của lòng mơ tiếc tội lỗi. Người khôn, biết lượng sức mình bao giờ cũng dè dặt tuần tự mà tiến. Họ chỉ cần biết là họ đang đi lên, đi lên mãi… và có dừng chân chăng nữa cũng chỉ trong giây lát để mỉm cười sung sướng ngắm lại những sự thành công nho nhỏ để tăng thêm lòng hăng hái, chí quả quyết mà thẳng tiến, tiến đến chỗ cao quý – Sự tu thân luôn luôn đem lại cho ta những phút sung sướng mãi cho đến ngày ta ly-dị với tất cả tập quán xấu xa. Con đường hạnh-phúc xán lạn hiện ra một khi ta đã tự cởi những dây ràng buộc, một khi bức gương tâm tánh hiện ra trong suốt, một khi ta sống với cái ta chân thật. Những người nông nổi họ nghi ngờ cái vui của người ly-dục; đang hụp lặn trong ham muốn nhỏ nhen, họ hiểu sao được những nỗi sung sướng đê mê của người tự chủ. Họ là những người lòa, làm sao biết được cái vẻ đẹp tinh-túy của những bức tranh mầu-nhiệm mà trời đất riêng hiến cho người sáng mắt.

Nhưng chúng ta, chúng ta biết lắm, biết ngay từ lúc ban đầu quyết định mở rộng đời ta bằng đức-dục. Chúng ta còn nghi ngờ gì khi mỗi bước đem lại cho chúng ta cái cảm giác say sưa của người bị giam trong ngục tối, lần đầu tiên được thấy ánh sáng mặt trời.

Tự cởi những dây ràng buộc, hoàn toàn tự do, biết được cái “ta” chân thật, chúng ta thấy đâu là vui sướng. Một khi đã thảnh thơi, trong sạch, ta hiểu rằng từ trước ta vẫn lầm lạc. Ta sẽ hiểu cái “ta” vốn rộng lớn vô cùng, bao trùm tất cả, không riêng tây, không sai khác. Rồi ta thương hại cho những ai cột mình vào những điều nhỏ nhen, chật vật vì những ước mong ti tiện, sống lẩn-quẩn với cái ta ích kỷ xấu xa. Khốn khổ, họ chỉ chạy vòng trong bóng tối mỗi lúc một dày đặc khi khổ nghiệp càng nhiều. Nhà văn hào Nga Tolstoi kể chuyện một tên cướp hung ác bị đau đớn khổ sở ở địa ngục. Tên cướp hối quá khẩn cầu đức Phật cứu độ, tức thì có một con nhện to sa trước mặt nó, bảo nó bám vào sợi tơ mà leo lên, tên cướp vâng lời, nắm lấy sợi tơ mong manh nhưng bền chắc.

Dần dần nó thấy ánh sáng…, nó sắp thoát khỏi ngục tù, thì bỗng sợi giây lung chuyển; tên cướp lo sợ cho tánh mệnh của nó, cúi đầu nhìn xuống; đầu mút giây, lúc nhúc một đám người đua nhau leo lên. Tên cướp hoảng hốt la lên: “Thả ngay, sợi tơ nầy của tôi”. Sợi tơ bền bĩ đứt liền và tên cướp lại rơi xuống, để chịu những cực hình xưa. Sợi tơ, kết bằng lòng ăn năn thành thực không đủ sức giúp nó thoát nạn khi nó còn bám víu vào cái “ta”, riêng khác, ích kỷ của nó.

Hiểu lầm cái ta, vốn là nguyên nhân của mọi sự thống khổ. Nhờ đức-dục chúng ta đã phát minh cái ta chân thật. Đã dẹp được lòng vị-kỷ rồi, thì bấy giờ con đường của chúng ta rõ ràng lắm. Ta sẵn sàng mở rộng lòng ra để hiến những điều sở đắc cho nhân loại, đem lại cho đời của hạng khốn cùng một ít ánh sáng. Gây hạnh-phúc cho người đối với ta khi ấy không còn là một sự hy-sinh mà là một điều hiển nhiên. Hạnh-phúc của người và của ta chỉ là một, vâng, chỉ là một. Điên rồ những ai đi tìm hạnh-phúc cho cá nhân. Hạnh-phúc chỉ chân thật khi ta quên mình, hoàn toàn quên mình. Đừng hòng tìm những cảm giác say sưa, cao quí khi ta cứ mang theo cái bản ngã tầm thường. Những phút sung sướng nhất trong đời ta đâu phải là những lúc thâu nhập nhận lãnh? Hạnh-phúc đâu phải là một món mua bán đổi chác, sẽ hao mòn khi ta không giữ lại. Hạnh-phúc cũng như mọi điều cao quí khác, ví như chiếc đuốc, hàng ngàn người đem đuốc đến thắp nhờ ta, đều được ánh sáng, mà ánh sáng đuốc ta không hề giảm, lại rực rỡ thêm lên. Hạnh-phúc ta sẽ dồi dào nếu ta biết gây hạnh-phúc cho người. Ta sung sướng bao nhiêu khi ta làm người khác sung sướng. Càng cho bao nhiêu, ta càng giàu bấy nhiêu. Những chân trời mới lạ chỉ dành riêng cho ai biết quên mình, biết coi thường sự no ấm yên ổn.

Thường ngày ta vẫn có dịp thí nghiệm sự thật thông thường ấy. Đi ngang qua kẻ đói khó tật nguyền, ít ai đành tâm dấn bước. Chiếc áo rách tả tơi không đủ che tấm thân gầy ốm kia như thầm trách sự sung túc của ta. Ta dừng chân lại, móc xu ra bố-thí. Công việc tuy nhỏ-nhặt, nhưng cũng cho ta một cảm giác thư-thới. Vài xu đối với ta không có là bao, nhưng gặp lúc có thể cứu sanh mạng của những tấm linh hồn mệt lử sắp tàn tạ vì đói cơm khát nước.

Cho đi, rồi chúng ta sẽ hiểu nghĩa thâm thúy của chữ cho.

Hạnh-phúc người và hạnh-phúc ta đã là một, ta không nên bỏ qua một thống khổ nào ở đời; chúng ta phải quên mình để làm việc, quên mình để giúp ích, để mà cho.

Là những người tin Phật như chúng ta, con đường hạnh-phúc đức Bổn-Sư đã vạch sẵn rõ ràng xán lạn. Muốn đến chỗ hạnh-phúc viên mãn, chúng ta chỉ việc noi theo gương tự-giác giác-tha của chư Phật: sửa mình cho nên người hoàn toàn rồi lấy lượng từ bi mà gieo ảnh hưởng tốt vào tâm hồn nhân loại. Nhờ ánh nắng vừng thái-dương những hạt giống gieo xuống đất một ngày kia đâm chồi nẩy lá, nhờ ảnh hưởng tốt đẹp của ta, những tâm hồn xung quanh ta sẽ hưởng ứng để làm việc hay việc ích cho người, cho mình.

Đời ta sẽ huy hoàng bao nhiêu khi chung quanh ta tiếng kêu than dần dần im, nhường chỗ cho sự vui tươi hứa hẹn, đời ta sẽ huy hoàng bao nhiêu nếu ta có thể đem lại cho người đời ít lời an ủi mà họ khao khát; Đời ta sẽ huy hoàng bao nhiêu khi nhờ Đức-dục liên tiếp của ta, ta có thể gây dựng trong tương lai một xã-hội hòa nhã tươi đẹp, ở đấy mọi người lòng tham không còn nữa, biết nhường nhịn nhau, giúp đỡ nhau, sống trong làn không khí đầy hương vị của tình thương.

Nhiều người chê đạo Phật, chê theo sự ức-đạc của họ, là đạo bi-quan, tiêu-cực, yếm-thế, cho đời là bể khổ khiến người sanh ra chán nản buồn rầu. Ta hãy dẫn họ lên Chùa xem nét mặt trẻ trung rạng rỡ của Đức Phật.

Ta hãy cho họ nhìn cái mỉm cười huyền diệu sau làn hương trầm mơ tỏa, cái mỉm cười đầy ý nghĩa, cái mỉm cười biểu hiện của hạnh-phúc tuyệt đối, viên mãn…

Cái mỉm cười ấy, cặp mắt hiền từ ấy, nét mặt từ bi rạng rỡ ấy, chứng rằng đạo Phật không phải là một đạo bi-quan, tiêu-cực, mà là một đạo giải-thoát, đưa người đến cái vui chân thật.

Đạo Phật là đạo vui và những ai đi tìm cái vui chân chính, cái vui không để lại một dư-vị đắng cay, thì dầu không đến Chùa tụng kinh, lạy Phật cũng ở trong vòng chánh-pháp rồi.

Đạo Phật là một đạo vui, vì đạo Phật dạy ta trừ bỏ mọi điều phiền não, tự cởi những dây ràng buộc để sống đời tự do yên tĩnh của tâm hồn.

Đạo Phật là đạo vui, vì đạo Phật dạy ta biết cách yêu đời; yêu đời với cái hay cái dở của nó. Cái hay đến ta vui lòng đón tiếp, cái dở đến ta không than van, chán-nản, vì Phật đã chỉ ta phép tự-tại. Ở trường hợp nào ta cũng giữ được vẻ mặt bình tĩnh vui tươi, vì với ta “vui là tạo vật của tâm hồn, không phải ảnh hưởng của ngoại cảnh”.

Đã thành thật yêu đời, lẽ nào ta thản nhiên trước những vết dơ của đời. Ta quan tâm đến để xét rõ nguồn gốc và tìm phương bổ cứu; là học trò Phật, ta thiệt hành những chữ bác-ái, vị-tha, gieo rắc thiện nhơn xung quanh ta khiến đời sống của nhân loại ngày thêm tươi đẹp. Luôn luôn phụng thờ một lý tưởng chân chính, ta hăng hái dấn bước trên đường có đuốc hào quang của chư Phật soi sáng.

Thưa các Ngài, muốn được cái vui chắc-chắn vĩnh-viễn, ta chỉ việc tuân theo lời giáo-huấn của Phật, thực hành bổn phận một Phật-tử, chúng ta sẽ trả lời một cách đích đáng cho những ai bài bác đạo Phật; chúng ta sẽ cho họ thấy rằng đạo Phật là đạo của tuổi trẻ, của chân hạnh-phúc, của “đời vui” đầy đủ.

Giảng giả: Ngô-Thừa (TRONG BAN PHẬT-HỌC ĐỨC-DỤC)

Bài giảng hôm mồng tám tháng tư tại Hội-quán (Huế)

http://buddhahome.net/phatphap/tongquat/doivui.htm

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.