Thuyết giảng tại Phật Quang Sơn, mùa hè năm 1997.
Kính thưa các vị quan khách, các vị pháp sư, các vị phụ đạo viên cùng tất cả học viên.
Hôm nay tại Phật Quang Sơn khóa trại hè lần thứ năm, dành cho lớp chuyên khoa Phật học được bắt đầu khai diễn, có hơn 250 vị học viên thuộc 50 học viện, trường học đã vân tập về đây nghiên cứu Phật học, tôi thay lời toàn chúng trong viện tán dương, hoan nghênh chúc mừng các vị.
Các vị học viên! Khi các vị đến Phật Quang Sơn nghiên cứu Phật học, trong lòng đã khởi lên những suy nghĩ gì? Tôi xin hỏi, các vị nên ứng dụng tâm niệm gì để nghiên cứu Phật học?
Khi đến với Phật Quang Sơn, chắc hẳn quý vị đối với Phật pháp đã có đủ lòng tin, bây giờ tôi sẽ trình bày cho các vị phương pháp nghiên cứu Phật học.
1. Dùng lòng tin thâm nhập Phật pháp
Dùng tín tâm nghiên cứu Phật học, học Phật chuyển hóa thân tâm chúng ta thanh tịnh, nhân cách được trau dồi , thân mạng được an ổn. Phật pháp là kim chỉ nam dẫn lối đời sống của chúng ta trên thế gian này. Đến với Phật pháp chúng ta có thể tìm được người chủ tâm linh của chính mình. Bởi vì, các vị đối với Phật pháp đã có lòng tin nên không quản khí trời oai bức, đường xa cách trở để đến Phật Quang Sơn nghiên cứu Phật học. Lòng tin rất quan trọng, Luận Đại Trí Độ ghi: ‘Phật pháp như biển lớn, chỉ lòng tin có thể vào.’ Kinh Hoa Nghiêm ghi: ‘Lòng tin là nguồn gốc của đại đạo, là mẹ sinh ra các công đức.’ Lòng tin nuôi lớn tất cả căn lành, thành tựu tất cả công hạnh. Sự quan trọng của lòng tin cũng giống như gốc rễ của cây cối. Ví dụ: Khi chúng ta làm việc gì nếu có đủ lòng tin thì không việc nào làm chẳng thành. Nếu không có đủ lòng tin thì dù một việc nhỏ làm cũng không xong. Lòng tin sinh ra sức mạnh.
Có một câu chuyện:
Anh chàng nọ bất cẩn sẩy chân rơi xuống giếng. Cái giếng cũ ấy ít người qua lại, lỡ lọt vào trong đó rồi làm sao trèo lên đây? Khi ấy anh chàng nhìn lên miệng giếng không một ý niệm nào khác, chỉ duy nhất một suy nghĩ: ‘Ước gì ta có khả năng khinh công hay phi thân thì may ra thoát khỏi hang giếng này.’ Anh chàng mải miết suy nghĩ như thế, do tinh thần tập trung cao độ, quả nhiên một nguồn sức mạnh vô hình giúp anh ta phóng một cái bay ra khỏi miệng giếng.
Lòng tin có thể sinh ra sức mạnh. Trong Phật giáo có một câu chuyện vui:
Ở một thôn làng kia, xưa nay chưa hề có một vị đại đức pháp sư nào đến thuyết pháp giảng kinh. Có một bà lão rất ham tu học Phật pháp nhưng không có ai truyền dạy cho bà. Về sau có một cư sĩ không thông hiểu Phật pháp lắm, thấy bà lão quá thành kính muốn tu học, vì thế nói với bà:
‘Tốt lắm! Tôi có biết một câu thần chú Phật giáo, nay xin truyền lại cho bà. Đó là sáu chữ chân ngôn ‘Úm ma ni bát di hồng’.
Nhưng vị cư sĩ đọc sai chữ ‘hồng’ thành chữ ‘ngưu’. Bà lão không hề hay biết, cứ đọc ‘Úm ma ni bát di ngưu’. Bà lão quy định mỗi ngày phải niệm đầy một lon hạt đậu. Tức là khi đọc một câu ‘Úm ma ni bát di ngưu’ liền bỏ một hạt đậu vào lon. Hành trì như thế xuyên suốt một thời gian, lúc này khi bà lão niệm câu chú ấy thì không cần lấy tay bỏ hạt đầu vào lon nữa. Mỗi lần đọc ‘Úm ma ni bát di ngưu’ thì hạt đậu tự nhảy vào lon.
Trải qua thời gian khá lâu, có vị pháp sư đến thôn làng này hoằng hóa. Bởi vì tin kính Phật pháp, bà lão thỉnh vị pháp sư về nhà, thiết lễ cúng dường rất thành kính và lưu ở lại nhà. Vào mỗi tối nghe bà lão miệng đọc câu ‘Úm ma ni bát di ngưu’, vị pháp sư vô cùng kinh ngạc, vì sao ‘Úm ma ni bát di hồng’ lại đọc thành ‘Úm ma ni bát di ngưu’ cho nên liền nói: ‘Bà ơi, bà đọc sai rồi. Đúng ra là ‘Úm ma ni bát di hồng chẳng phải ‘Úm ma ni bát di ngưu’.’ Bà lão nghe xong nói: ‘A, hỏng bét ! Tôi đã đọc sai bấy lâu nay.’ Sau đó sửa lại đọc ‘Úm ma ni bát di hồng’. Nhưng từ đó khi đọc câu chú, hạt đậu không tự nhảy vào lon nữa.
Qua câu chuyện, thật ra ‘hồng’ cũng tốt, ‘ngưu’ cũng tốt miễn là có lòng tin. Có lòng tin sẽ sinh ra sức mạnh. Thế nên các vị hãy ứng dụng lòng tin thành kính tha thiết nghiên cứu Phật học thì nhất định nguyện vọng của các vị sẽ được thỏa mãn.
2. Dùng tâm nghi thâm nhập Phật pháp
Tất cả các vị đến Phật Quang Sơn dùng tâm gì nghiên cứu Phật học? Khi chưa đến đây không ít người đã ôm cái tâm nghi lên núi: ‘Chẳng biết Phật Quang Sơn tầm vóc thế nào? Người xuất gia nơi đó tốt hay không? Phật pháp ở đó thâm sâu hay nông cạn. Dễ học hay khó học?’ Đây chỉ là những điều nghi thông thường. Điều tôi muốn nói đến, chính là tất cả các vị cần phải ứng dụng tâm nghi để nghiên cứu Phật học, dùng tâm nghi để thâm nhập Phật pháp.
Phật giáo và các tôn giáo khác không đồng. Phật giáo cũng nhấn mạnh đến tín ngưỡng, nhưng với một góc độ khác, đồng thời cũng chủ trương hoài nghi. Nhà thiền bảo chúng ta cần đề khởi nghi tình cái tâm ý của chính mình. Chủ trương này khiến cho các thanh niên học sinh cần phải nêu ra vấn đề. Có thể nói: ‘Tiểu nghi tiểu ngộ. Đại nghi đại ngộ.’ Phật pháp giống như cái chuông lớn, nếu các vị đánh nhẹ một cái thì tiếng ngân nho nhỏ. Nếu các vị đánh mạnh tay thì tiếng ngân rất lớn. Nếu các không đánh thì nó không ngân. Cũng vậy, nếu vấn đề có nêu ra thì chúng ta mới có thể đạt được đáp án. Trong Phật pháp không sợ nêu ra vấn đề. Kinh điển Phật pháp rất nhiều. 3 tạng 12 bộ kinh hơn 5000 quyển, do chúng đệ tử thưa hỏi đức Phật giải đáp, tất cả có nêu ra vấn đề mới có nói. Không nêu ra vấn đề mà tự nói, chỉ có một số ít kinh điển như kinh A Di Đà v.v… bởi kinh A Di Đà vi diệu khó tin. Mọi người không thể biết được nên đức Phật tự nói.
Các vị đã đến Phật Quang Sơn không phải băn khoăn lo ngại điều gì, trong lòng các vị có vấn đề chi? Hãy phá dẹp trừ bỏ để thưa hỏi đến cùng. Trong thiền đường Phật giáo suốt từ sáng đến tối riêng dạy mọi người cần phải tham, chính là đề khởi thoại đầu. Những vấn đề được nêu ra có thể nói là sâu xa không lường, không thể dùng lời giải đáp, cũng không thể đem kiến thức thông thường hiểu được. Những vấn đề cần phải tham trong thiền đường như: ‘Nói một câu trước khi cha mẹ chưa sinh?’ ‘Thế nào là bản lại diện mục?’ ‘Cái gì là ý Tổ sư Đạt Ma Tây sang?’ ‘ Niệm Phật là ai?’ Đó là những tâm nghi các vì cần đề khởi mới có thể thấu đạt lẽ thật.