Quán Cháo Trắng Của Giới Sân

Pháp duyên của mỗi người

Phong cảnh Mao Sơn nổi tiếng nhất là thác nước Tam Trùng (Tam Trùng Bộc). Nước trên núi trắng muốt từ từ đổ xuống; nước chảy, những cánh hoa theo sóng rung rinh. Ngước mắt nhìn lên trời cao, từ nơi này, sẽ thấy được sự đặc biệt thấu suốt của nó.

Một Phật tử lớn tuổi nói: Dưới cây cổ thụ, tìm hòn đá mà ngồi, nhắm mắt dưỡng thần, bên tai còn nghe tiếng nước chảy róc rách; nghe tiếng côn trùng bay trên không, hoặc con ong lấy mật về tổ. Mắt chưa mở, tựa thể vẫn thấy cánh hoa mềm mại sắc màu xuôi trôi theo thác nước cùng với những con cá trong đầm nhỏ bơi lội tung tăng… thoáng hiện trong đầu.

Ông ta còn nói: Cảnh đẹp trong tâm thường dừng lại ở đó, nếu như truy ra cánh hoa trôi dạt đến đâu, phải chăng hóa thành bùn để bón cho hoa? Như vậy thì không còn đẹp nữa!

Thác nước Tam Trùng tuy đẹp, nhưng không phải là nơi mà tiểu thích đến. Vì trong mắt tiểu, tất cả cảnh đẹp nhìn thấy, vĩnh viễn không thể bì được với tâm điềm tĩnh, an lành.

Tiểu thích mang quyển sách đến ngồi cạnh hòn đá phía bên phải chùa. Ở đó, có vài cây to, bình thường không ai đến, ngay cả đường đi cũng không có, cứ thế xuyên qua đám cây là đến hang động.

Nơi này vẫn có cây, nhưng chỉ có một cây duy nhất; cây cao to nhưng lá không nhiều, ánh sáng nhẹ nhàng xuyên qua kẽ lá chiếu xuống lổ đổ.

Tìm hòn đá, phủi bụi trần, dựa vào bên cây lật từng trang kinh; thỉnh thoảng một chiếc lá được gió đưa rơi vào kinh văn, thuận tay nhặt lấy, ép vào trong sách, làm dấu số trang đã đọc.

Nơi này không nước không hoa, chỉ có sự u tịch độc đáo, khiến người tĩnh tâm. Có thể đây là nguyên nhân khiến tiểu thích nơi này.

Tính tình của Giới Ngạo không giống với tiểu lắm, không giống người ở cửa Phật, hắn thích chạy nhảy; tiểu thường kéo sư đệ đến đó đọc kinh sách. Tiểu nghĩ, cảnh đẹp như thế biết đâu có thể khiến tâm Giới Ngạo an tĩnh mà tu hành, chỉ là Giới Ngạo chưa bao giờ chịu đến đây.

Có lần chú chó Giới Ngôn ngậm cái vớ của Giới Ngạo, từ trong chùa chạy đến tìm tiểu Giới Sân, Giới Ngạo liền đuổi theo đến đấy.

Tiểu đang xem sách dưới gốc cây, nhân cơ hội này, đưa quyển kinh cho hắn xem. Giới Ngạo đón lấy kinh, học cách tiểu, ngồi dưới cây đọc sách, nhưng chỉ kiên trì được một chút, rồi không chịu nổi, liền chạy đi đá banh.

Giới Sân không hiểu nên thỉnh giáo sư phụ: Tại sao một  nơi u tịch như thế mà cũng không thể khiến cho cái tâm hiếu động của Giới Ngạo thanh tịnh được?

Sư phụ dạy: Mỗi người đều có pháp duyên khác nhau, cái khác nhau giữa người và người không chỉ ở bề mặt. Cảnh đẹp trong tâm con, người khác chưa chắc đã cảm nhận được. Đừng dùng cái tiêu chuẩn của mình mà nhìn người khác, cũng đừng nghĩ sẽ thay đổi được người khác. Bên núi đá u tịch không phải là nơi Giới Ngạo trở về. Chúng ta đừng nên kỳ vọng mỗi người đều trở nên giống chính mình!

Có hai chữ người đời ít biết

Trong trấn Diểu có một hộ gia đình nọ, gia cảnh giàu có, rất thèm có đứa con trai, thậm chí chịu đóng tiền phạt để sanh thêm con, nhưng sanh mãi đến lần thứ ba mới được, nên rất yêu chìu. Đứa con trai ấy cứ thấy thức ăn ngon, đồ chơi đẹp thì liền đòi cho bằng được, cũng may là gia đình giàu có nên đều có thể đáp ứng. Bé trai tuy có chút bốc đồng nhưng cũng không hư hỏng gì.

Mùa hạ năm nọ, nhà đó dẫn cậu con trai, đang học lớp ba, lên núi du ngoạn. Họ lễ Phật trong chánh điện, hai vợ chồng toàn khấn nguyện cho con, như hy vọng việc học của con trai sau này sẽ thành đạt, thân thể khỏe mạnh v.v…

Đứa con trai nhìn thấy Giới Si, Giới Trần bằng tuổi cậu đang chạy đi chạy lại trong sân chùa, không ai quản thúc, cũng không cần làm bài tập, liền sanh tâm ngưỡng mộ, nói với cha mẹ rằng cậu muốn ở chùa Thiên Minh một thời gian. Hai vợ chồng khuyên con không được, bèn tìm sư phụ để thương lượng. Quý sư phụ mới đầu không đồng ý, nhưng rồi không chịu nổi cảnh hai vợ chồng cứ năn nỉ ỉ ôi, nên đành phải đồng ý cho đứa trẻ trú lại trong chùa 10 ngày, với điều kiện: nếu muốn ở chùa, cậu bé phải tuân thủ mọi quy luật của chốn thiền môn, các giới cấm của Sa di, ngay chỉ một giới cũng không được phạm.

Đứa trẻ vì nhất định muốn ở chùa nên đồng ý. Cha mẹ cậu bé không an tâm, liền thỉnh sư phụ chiếu cố, khi xuống núi lại sai người mua nhiều đồ ăn, đồ dùng đem lên chùa.

Sư phụ Trí Duyên cho người mang trả, nói đứa bé chỉ ở chùa có 10 hôm, không có gì phải quan trọng hóa vấn đề.

Chập tối, sư phụ Trí Duyên dẫn cậu bé đến thiền đường, giảng cho hắn nghe quy củ. Hắn cứ tò mò nhìn khắp phòng, không ngừng gật đầu, mà chẳng biết có nhớ lời dạy của sư phụ hay không.

Sư phụ Trí Duyên nói xong, cậu nhỏ chuẩn bị đi vào phòng ngủ cùng mấy tiểu. Sư phụ Trí Hằng chợt nói với cậu, chùa còn một quy củ nữa, nếu như phạm hết 10 giới, thì phải dùng đến hình phạt nặng nhất.

Giới Sân lấy làm lạ, vì tiểu đã ở trong chùa lâu như vậy, cũng không biết hình phạt nào nặng nhất dùng để phạt tăng chúng

Cậu bé không quen quy củ, lúc 4 giờ khuya hôm sau vẫn cứ say ngủ, Giới Trần, Giới Si phải kéo hắn ngồi dậy, sợ hắn bị phạt.

Khi tụng kinh khuya, hắn cứ ngủ gà ngủ gật, bị sư phụ Trí Hằng đánh mấy cái. Sư phụ Trí Duyên còn kể chuyện bảo hắn rót trà, hắn lại làm bể ly của khách.

Dần dần, cậu bé phát hiện ra cuộc sống của chùa không hề dễ dàng như cậu nghĩ, không chỉ riêng lề lối sinh hoạt, mà cả chuyện ăn uống cũng khó kham, vì chùa chỉ ăn một ngày 2 bữa.

Ngày nọ, lúc gần tối, sư phụ Trí Hằng lại cản không cho gia đình cậu bé đem thức ăn vặt đến. Buổi tối, cậu bé cứ lăn qua trở lại mãi mới ngủ được. Vài ngày liên tiếp sau đó, hắn phạm hết giới này đến giới khác.

Ngày thứ năm, hắn đã phạm giới tám lần, còn những việc nhỏ nhặt khác thì khỏi phải nói. Buổi chiều, cha mẹ hắn đến thăm, hắn nhào vào lòng cha và mẹ khóc òa, nhất định đòi theo họ xuống núi. Người mẹ ôm con trai vào lòng bật khóc, người cha bên cạnh cũng không ngớt thở dài.

Khi cậu bé sắp xuống núi, cha mẹ hắn còn bảo hắn lại nói lời tạm biệt với các chú tiểu, hắn chỉ dám cầm tay mấy tiểu, sau đó ôm chặt lấy người mẹ không dám buông ra.

Nghe nói hồi trước, mỗi khi cậu ta không nghe lời, hai vợ chồng liền hù cậu, nếu không vâng lời sẽ bị ông Kẹ bắt đi, nhưng chẳng có chút hiệu quả gì. Sau này chỉ cần nói, nếu không vâng lời sẽ đưa trở lại chùa núi, hắn ta liền ngoan ngoãn vâng lời.

Nhiều lần, Giới Sân hỏi sư phụ Trí Hằng rằng hình phạt nghiêm trọng của chùa là gì? Sư phụ cười nói:Chỉ sợ thằng nhỏ không chịu về nhà, nên nói hù nó thôi, chứ thực sự cũng không có gì.

Trên núi Mao Sơn tuy có hương thơm bay phảng phất, nhưng đó không phải là nơi tịnh độ như chúng ta nghĩ; dưới núi Mao Sơn có nhiều việc phiền phức, nhưng không phải là cuộc sống tẻ nhạt.Trên đời có hai chữ mà người đời ít biết, đó chính là hai chữ Tri Túc.

This entry was posted in Tuyển Chọn. Bookmark the permalink.