Quán Cháo Trắng Của Giới Sân

Cánh hoa và thảm cỏ xanh

Mao Sơn rất đẹp. Đó không phải là cảm nhận của Giới Sân, mà là nhận xét của rất nhiều khách hành hương. Giới Sân từ nhỏ đến lớn chưa ra khỏi chốn này, nơi xung quanh toàn là cảnh núi non, mây nước điệp trùng. Đúng là con người ta thường không cảm được sự vật bên mình.

Năm đó, mùa Đông vừa hết vài ngày. Trên con đường nhỏ dẫn lên chùa không bóng người qua lại, chỉ có những mảng nắng hồng bên triền núi và cây cỏ xanh um bên đường. Những cành cây khô queo bắt đầu hé nở những mầm non; thảm cỏ nằm phục cả mùa đông dài nay bắt đầu xanh um trở lại. Nhắm mắt lắng nghe, dòng suối từ trên núi lâu nay băng đóng dày, giờ đã có tiếng nước chảy róc rách.

Chợt giật mình, xuân đến rồi sao?

Sáng sớm hôm nọ, sau khi tụng kinh khuya xong, tiểu cùng sư phụ Trí Duyên đến giếng lấy nước. Sư phụ lớn tuổi, đi giữa đường mệt liền ngồi nghỉ trên thảm cỏ phủ đầy cánh hoa.
Một con chồn sóc chạy ngang qua, đột nhiên dừng lại, nghiêng đầu nhìn trân trân hai thầy trò. Có lẽ chùa không nuôi gà nên chú ta chưa từng “ghé thăm” cửa thiền. Giới sân muốn đùa với nó nên vội chạy đuổi theo, chồn sóc sợ nên chui vào hang.

Sáng sớm, cỏ còn đọng sương đêm, nên y áo của hai thầy trò dần thấm ướt. Sắc màu xanh biếc, đỏ hồng,… làm óng ánh cả núi đồi. Những đợt gió thoảng nhẹ cũng làm cho những hạt sương rơi xuống; những lúc gió thổi mạnh lại có thêm những cánh hoa sặc sỡ rơi theo. Tiểu hứng lấy mấy cánh hoa chơi vơi vào lòng bàn tay, sờ cánh xinh nõn nà, lòng bất chợt cảm khái, mang mang…

Tiểu hỏi sư phụ Trí Duyên: Phải chăng nhân sinh cũng giống như những cánh hoa, tuy nhỏ mà diễm lệ?

Sư phụ cười đáp: Trong mắt chúng ta, cánh hoa tuy đẹp nhưng không thể để lâu được. Chỉ cần cách đêm, cánh hoa đã khô héo vì không được dưỡng nuôi. Cái đẹp này thật ngắn ngủi, không có khả năng sinh sống. Nhưng thảm cỏ bình thường kia hiếm ai để ý thì lại không ngừng sanh trưởng, dần dần phủ đầy cảnh núi.

Quả thực, ngôi sao băng lấp lánh chỉ trong thoáng chốc, nhưng ngọn đèn nhỏ lại có thể sáng thâu đêm. Nham thạch không ngừng bị sóng dữ đập vào vẫn đứng y nguyên bất động, nhưng những giọt nước nhỏ giọt vào đá từ năm này qua năm nọ lại có thể xuyên qua núi cứng. Cười to khiến người ta để ý, nhưng cười mỉm lại có thể làm ấm cả một tấm lòng.
Nhân sinh cũng như vậy, cứ theo đuổi cái huy hoàng ngắn ngủi không có ý nghĩa gì, chỉ là thay đổi quỹ đạo của chính mình, thường không đạt được gì cả; tích lũy từng chút trí tuệ, làm hành trang cho tương lai của chúng ta, mới là sự vĩnh hằng.

Giới Trần xem pháo hoa

Sư đệ Giới Trần là một chú tiểu dễ thương. Đối với người ngoài, chú hay mắc cỡ, e thẹn, chỉ cần nói vài câu với các thí chủ là mặt chú đã đỏ như gấc, nhưng chú lại được chú ý nhất chùa, các thí chủ khấn Phật xong, thế nào cũng hỏi thăm tiểu Giới Trần vài câu.

Mấy năm nay, tiểu Giới Trần lớn thêm vài tuổi, cũng bớt đi tánh e thẹn, song chú không quen thổ lộ quan điểm của mình. Dù vậy, chú có một sở thích mà cả chùa ai cũng biết, đó là thích xem pháo hoa.

Gặp khi lễ hội, Giới Trần thường leo lên nơi cao nhất của chùa, nhìn về hướng trấn Diểu, vui vẻ xem người dân dưới trấn bắn pháo hoa. Khi pháo hoa từ dưới đất vọt mạnh lên không trung, tủa ra những sắc màu đẹp mắt, niềm vui trên gương mặt của chú còn sáng hơn cả ánh pháo.
Nhớ lần nọ, mấy chú tiểu chùa hay tin siêu thị nhỏ dưới trấn mừng lễ tròn năm khai trương, nghe nói họ chuẩn bị một vài hoạt động, còn mua rất nhiều pháo, nhất định là sẽ có tiết mục bắn pháo hoa. Quả thật, đây là dịp tốt để Giới Trần xem cho no mắt, vì trước đó pháo hoa chỉ được bắn vào lúc giữa đêm giao thừa, không thể xuống núi xem, lần này các chú còn có thể đi dạo trấn nữa.

Đến ngày lễ mừng tròn năm của siêu thị, Giới Sân bận việc, nên chỉ có Giới Ngạo dẫn hai tiểu sư đệ xuống trấn xem pháo hoa. Mấy chú đi chơi đến gần tối mới về.

Qua mấy bữa sau, Giới Sân chợt nhớ chuyện xem bắn pháo hoa, lúc ăn cơm, bèn hỏi: Bữa xem bắn pháo hoa chắc đẹp lắm phải không, kể cho huynh nghe đi!

Giới Trần không hồ hởi như mọi khi, hắn nói: Pháo hoa không đẹp như em tưởng tượng, sau đó bận xem các trò vui khác nên không nhớ rõ lắm!

Thì ra, hôm đó là ban ngày, Giới Trần thích xem pháo hoa, chỉ là pháo hoa được bắn vào ban tối, ánh sáng rực lên giữa màn đêm, còn ban ngày thì ngoài âm thanh ra, pháo hoa chẳng có màu sắc gì đặc biệt.

Rất nhiều người hy vọng có cơ hội phóng ánh sáng của mình để thu hút sự chú ý của mọi người. Nhưng xem ra, nếu chỉ biết cách phóng không thôi chưa đủ, mà quan trọng còn phải biết cách để chiếu sáng vào lúc nào, vào nơi nào, như vậy thì ánh sáng mới tỏa ra hết sắc màu của nó.

Loài hoa quý và Tiên Nhân Chưởng

Sư phụ Trí Duyên rất thích trồng hoa. Trước chánh điện, ngài bày rất nhiều kệ hoa, xếp hoa cảnh mà chính mình trồng lên trên; lúc Phật tử đến nghe kể chuyện xong, cũng thích đến nơi này ngắm nghía.

Các loại hoa cảnh rất nhiều, có loại hoa phổ thông như nguyệt quế, hoa lan, cũng có loại hoa cảnh hiếm lạ, tiểu cũng không biết gọi là hoa gì.

Các Phật tử hình như đều biết sở thích này của sư phụ, nên khi họ lên núi nghe kể chuyện, thường thuận tay mang vài bình hoa lên cúng dường.

Thích trồng hoa cũng chưa chắc là đã trồng tốt. Trình độ trồng hoa cảnh của sư phụ Trí Duyên ở mức thường thường, thỉnh thoảng lại làm cho các loại hoa quý khô héo. Chỉ vì thường có người dâng hoa, nên giàn hoa trước Phật đường không thấy ít đi mà trái lại càng ngày càng nhiều thêm.

Trong trấn Diểu có một ông Phật tử già họ Nhạc; ông vốn ở thành thị, nhưng sau khi về hưu thường đến thị trấn nhỏ này. Nghe nói, lúc trước ông làm việc có liên quan đến cây cỏ nên có cùng sở thích với sư phụ Trí Duyên, chỉ là trình độ trồng hoa của ông cao hơn sư phụ nhiều, thậm chí chuyển thành hiệu ích kinh tế, ông chuyên môn trồng những loại hoa bán chạy đem xuống chợ bán.

Ngày nọ, ông Nhạc đến chùa nghe kể chuyện, đem lễ vật đến dâng lên sư phụ, là một chậu hoa nhỏ, trong trồng một cành cây nhỏ.

Tiểu không biết gọi đó là hoa gì, nhưng thấy sư phụ Trí Duyên rất đỗi vui mừng, nghĩ chắc đó là loài hoa quý hiếm.

Ông Nhạc nói với tiểu, loại hoa đó mua từ rất xa mang về, khi hoa nở khoe màu sắc sặc sỡ, nhưng loài hoa này rất khó dưỡng. Ông đặc biệt đem tới một quyển sách, chỉ cho sư phụ biết trong đó có vài trang nói về phương pháp dưỡng hoa.

Sư phụ Trí Duyên vui mừng nhận sách. Sau khi ông đó đi khỏi, sư phụ ngồi trên chiếc ghế nhỏ, cẩn thận xem, rồi theo đó đem chậu hoa đặt tại nơi có nhiều ánh sáng, cẩn thận chọn loại đất, nước và vật liệu dưỡng hoa.

Sư phụ còn ghi vài điều về thời gian tưới nước bón phân, bảo tiểu nhớ nhắc nhở, kẻo sư phụ quên.

Chậu hoa đó được dưỡng hơn tháng, chưa đến lúc hoa nở thì đã khô héo. Sư phụ rất thất vọng, chỉ còn cách bỏ đi.

Ngày kia, dọn giàn hoa, tiểu đột nhiên phát hiện bên dưới có một chậu hoa Tiên Nhân Chưởng nằm lăn lóc, mà nửa tháng trước do không thấy, tiểu cứ ngỡ là ông Nhạc đã đem đi đâu hay là hoa bị rớt dưới giàn. Tiểu liền tưới nước cho hoa. Vài ngày sau, hoa liền xanh tươi như thường lệ.

Có loài hoa được tận tâm vun bồi, chưa tới tháng đã bị khô héo; có loài hoa bị bỏ lăn lóc hơn nửa tháng vẫn cành lá xanh tươi. Tiểu hỏi sư phụ Trí Duyên, làm sao mà Tiên Nhân Chưởng không bị khô héo? Sư phụ đáp, do vì Tiên Nhân Chưởng sống trên sa mạc, quen với việc khô hạn, nên không cần nước vẫn sống.

Thì ra, khốn khó không phải là nghịch cảnh, giống như hoa Tiên Nhân Chưởng sống trên sa mạc, do vậy mà sức sống càng thêm mãnh liệt.

Chúng ta đang sống trong cảnh khốn khó, có thể nên tự nói với mình rằng, tôi có thể vì thế mà trở nên lớn mạnh hơn!

Hai “tiểu yêu” thích nghe kể chuyện

Giới Trần được bà đem đến chùa hồi còn nhỏ xíu. Sau khi cha mẹ ly dị, Giới Trần ở với mẹ. Ngày nọ, mẹ và cha kế của hắn cùng đi làm ăn xa, không về nhà nữa. Bà của Giới Trần đã già, lại hay bệnh hoạn, sợ ngày nào đó không thể chăm sóc cháu, nên đem gởi hắn vào cô nhi viện. Thế nhưng cô nhi viện lại cho là cha mẹ của Giới Trần đều còn sống, không phù hợp điều kiện để nhận, bà phải tìm đến chùa thưa chuyện cùng quý sư phụ, xem có thể gởi hắn vào chùa chăng.

Năm đó, chùa Thiên Minh còn vắng vẻ, quý sư phụ bàn bạc lâu lắm mới quyết định nhận Giới Trần. Cuộc sống của tu sĩ đơn giản, thêm một đứa bé cũng không khó khăn gì.

Năm Giới Trần vào chùa, hắn đã được bốn tuổi, thường không nói chuyện, không hay cười, cũng không có vẻ “dị ứng” với cuộc sống mới. Có lẽ do bị chuyển tới chuyển lui nhiều lần, lúc đầu ở cùng cha, sau đó được đưa đến ở với mẹ, rồi ở với bà, cuối cùng được đưa đến chùa, riết nên hắn thành quen.

Giới Si bẩm tính hiếu động, nhưng có việc gì cũng nhường cho Giới Trần; Giới Trần dần dần trở nên hoạt bát cũng phần nào nhờ Giới Si.

Giới Trần lúc nhỏ hay lén hỏi Giới Sân, có khi nào chùa lại gởi hắn đi nữa không? Giới Sân trả lời chắc chắn là không thể, từ đó hắn mới an tâm.

Sau vài tháng, Giới Trần dần quen với cuộc sống ở chùa, nên hắn không hỏi gì nữa. Có thể thấy, khả năng hàn gắn vết thương của trẻ thật nhanh chóng.

Lúc đó, Giới Trần và Giới Si còn nhỏ, sư phụ để hai chú nằm cùng giường. Tối nào hai chú cũng quậy quọ không chịu ngoan ngoãn ngủ, cứ vật tới vật lui hoài hoài.

Khi gần ngủ, hai chú liền đề nghị Giới Sân: Sư huynh kể chuyện cho hai em nghe đi. Nếu không kể, hai “tiểu yêu” không chịu nằm yên chỗ, Giới Sân chịu không xiết, đành đồng ý.
Lúc đó, Giới Sân khoảng 17 tuổi, vào chùa được 5 năm, không có nhiều chuyện để kể, lâu lâu lại đem những câu chuyện mà sư phụ Trí Duyên đã kể để biên soạn lại, chuyện kể càng hay, hai chú càng không chịu buông tha cho Giới Sân. Bị hai “tiểu yêu” “bức bách” đến không còn biện pháp nào, Giới Sân chỉ còn cách đem chuyện nhà ra kể, những mẩu chuyện đó không phải dùng giáo hóa người, mà chỉ dùng để hù dọa trẻ con, như trẻ con không nghe lời mẹ, không chịu ngoan ngoãn ngủ, cuối cùng bị ông kẹ hay bọn lưu manh, bọn yêu quái bắt đi.
Nhưng những chuyện này lại có hiệu quả hơn những câu chuyện của sư phụ. Những lúc kể đến khâu quan trọng, Giới Sân nhìn thấy hai chú đang tự bức bách chính mình, nhắm mắt lại để ngủ, rõ ràng là hai hắn đang sợ.

Có lẽ thời gian đó do Giới Sân kể nhiều về những người xấu, nên trong đầu hai chú thường nghi ngờ bậy bạ.

Có lần, mấy chú đi công việc dưới trấn, khi về chùa trời đã tối; đang tiết mùa đông, trời tối rất nhanh, màu đen bao trùm hết không gian đường núi, không có người đi đường, hai chú tiểu có vẻ sợ hãi, nắm chặt hai tay của Giới Sân.

Bỗng có một người đi sớt qua, Giới Si hỏi nhỏ Giới Sân: Có phải là người xấu không? Đó có phải là tiểu yêu mà sư huynh hay kể không?

Lại có một người già khoảng chừng bảy, tám mươi tuổi đi ngang qua nữa. Giới Trần lại hỏi: Có phải là ông kẹ, hay ông lưu manh mà sư huynh đã kể không?

Giới Si cướp lời: Đừng nghi tùm lum, biết đâu người khác lại cho rằng tụi mình gồm một yêu quái lớn dẫn hai tiểu yêu thì sao!

Cúi đầu nhìn hai tiểu yêu, Giới Sân nói to: Có mặt sư huynh, nếu như yêu quái đến cũng không sợ!

Giới Sân nắm chặt tay hai “tiểu yêu”, ưỡn ngực trước cái tối của hoàng hôn mùa đông, bước về phía trước.

This entry was posted in Tuyển Chọn. Bookmark the permalink.