Quán Cháo Trắng Của Giới Sân

Điểm nhìn

Cô Phật tử họ Lý không giống với các Phật tử khác. Mỗi lần lên chùa thắp nhang, cô thường ở lại rất lâu, có khi ở đến một hay hai ngày.

Phòng khách của chùa được xây cách chánh điện một quãng. Lần nọ, đang lạy Phật trong chánh điện, bỗng cô Lý nhìn thấy tiểu Giới Si. Buổi chiều, cô gặp sư phụ Trí Duyên, hỏi rằng chú tiểu tội nghiệp ấy tên gì?

Sư phụ Trí Duyên lấy làm lạ, không biết làm sao mà cô này lại thấy Giới Si tội nghiệp?

Cổ nói: Thầy nhìn xem, y phục của chú tiểu đó cũ quá rồi!

Thật ra, không phải chùa nghèo đến nỗi không có tiền may y áo mới cho Giới Si, mà bởi tại Giới Si rất nghịch ngợm, ở trong chùa cứ trèo lên trèo xuống, có khi còn chạy đến núi Mao Sơn leo cây hái trái. Sư phụ Trí Huệ thuờng giúp chú vá lại mấy chỗ rách; nhưng không phải lần nào Sư phụ cũng trông thấy chú mặc chiếc áo rách toạc hết cả cánh tay chạy rong trong chùa.

Lần này có người chỉ, sư phụ Trí Duyên liền căn dặn tiểu giúp chú tìm chiếc áo mới để mặc vào. Vừa giúp Giới Si thay áo, Giới Sân vừa dặn chú không nên mặc áo rách chạy rong trong chùa nữa, Phật tử nhìn thấy không hay, họ sẽ trách sư phụ không lo cho mấy chú. Giới Sân khó khăn lắm mới thay được áo cho tiểu. Đột nhiên Giới Si hỏi: “Bà Phật tử tội nghiệp hồi sáng đó là ai vậy hả sư huynh?”

Giới Sân lấy làm lạ, liền truy hỏi, mới hay rằng người mà tiểu ta muốn nói đến chính là cô Phật tử họ Lý! Cô này rất xem trọng việc ăn mặc, quần áo lúc nào cũng láng lẩy, sợi dây chuyền trên cổ vừa sáng lại vừa nặng, xem ra rất mắc tiền. Giới Sân không biết tiểu ta thấy tội nghiệp cổ ở chỗ nào?!

Giới Si nói, trang phục bà đó tuy rất đẹp, nhưng cái áo lúc nào cũng bó chặt cái cổ, trông thiệt là tội!

Điểm nhìn của con người ta thật là kỳ lạ. Cùng đánh giá một sự việc, cùng nhìn từ một hướng, nhưng cái nhìn của ta có thể rơi vào một điểm nào đó, vì vậy mà cảm nhận của mỗi người có khác nhau. Giống như ai đó chỉ nhìn quần áo và sợi dây chuyền của cô Phật tử họ Lý thì có thể họ sẽ cảm thấy tội nghiệp cho mình, nhưng nếu ai đó chỉ quan tâm đến cái cổ của bà ta thôi thì lại cảm thấy thương cho bả hết sức, y như Giới Si vậy!

Đối với bất cứ vật gì, chúng ta đều không nên chỉ nhìn vào một điểm. Dùng ưu điểm của mình để nhìn nhược điểm của người, ta sẽ dễ dàng phát sinh lòng tự đại; nếu như lấy nhược điểm của mình để xem ưu điểm của người, ta lại phát khởi cảm giác tự ti. Chỉ khi nhìn rõ mọi góc độ, ta mới đánh giá chính xác, lòng tự đại cũng như tự ti sẽ không thể xuất hiện!

Hy vọng của ông chủ Trịnh

Ông chủ Trịnh thường hay đến viếng chùa Thiên Minh. Vài năm gần đây, công việc làm ăn trên thành phố của ông thật có chút phát đạt.

Ông Trịnh còn rất trẻ, tính tình lại sảng khoái, thích kết giao với bạn bè, thường kéo bạn đi vui chơi đây đó. Ông cũng thích học Phật, thường tìm đến chùa Thiên Minh gặp chúng tôi đàm đạo. Có khi nhìn thấy liêu phòng của chùa bị cũ, ông liền cho thợ đến sửa. Ông rất thích cảnh núi non gần trấn Diểu, bởi cho rằng núi non thanh tú là nơi thích hợp cho việc nghỉ ngơi tịnh dưỡng, nên cho xây nhiều nhà ở đây. Sau đó, ông lại đầu tư một số tiền lớn để khai trương khu du lịch gần đó.

Có ai ngờ đâu trước đó, công ty của ông bị thưa kiện tranh chấp về vấn đề kinh tế. Về mặt pháp luật, tuy ông Trịnh hoàn toàn có lý, nhưng điều này đã dẫn đến việc tiền đầu tư bị tồn đọng. Khu du lịch mới đầu tư một nửa cần phải đầu tư thêm, ngân khoản của ông Trịnh không cách nào xoay sở được, phải bán đất để tiếp tục hoàn thành công trình.

Tin tức xấu về việc tranh chấp của công ty ông tới tai những người hùn vốn, họ sợ ông không thể thắng kiện, nên liền đến đòi tiền lại, thậm chí chưa đến kỳ hạn cũng đòi. Bạn bè ông Trịnh không phải giàu lắm, trong việc này chỉ muốn giúp đỡ việc làm ăn thôi.

Do ngày nào cũng bị người ta đến trước cửa công ty đòi tiền, chịu không xiết, ông ta liền tìm đến chùa Thiên Minh trốn tránh một thời gian. Sư phụ biết ông tâm địa lương thiện, chỉ vì gặp phải khó khăn tạm thời nên đồng ý cho ông trú tạm. Vì không ai ngờ ông lên chùa trốn tránh, nên không ai biết để đến tìm.

Chùa Thiên Minh ngày thường người người tới lui, sư phụ sợ ông Trịnh bị người ta phát hiện đem đến phiền phức, nên sắp xếp cho ông ở cùng với tiểu và Giới Ngạo.

Do tính phóng khoáng, nên dù gặp việc khó khăn như vậy, tâm tính của ông Trịnh cũng không bị ảnh hưởng gì mấy. Ông thường nằm trên giường hát, có khi cao hứng lại nhịp tay xuống giường, xuống bàn. Giọng ông không hay, nhưng nhịp điệu lại rất vui vẻ. Tâm tình như vậy thật cũng không đến nỗi nào.

Cách vài hôm, ông Trịnh lại xuống núi một lần, lúc trở về đều trông rất hưng phấn, kể tiến triển sự việc cho chúng tôi nghe. Tiểu và Giới Ngạo không hiểu ổng nói gì, nhưng nhìn nét mặt của ông, biết là sự việc tương đối thuận lợi.

Qua hai tháng, ông Trịnh thắng kiện, đến lúc rời chùa còn thỉnh chúng tôi khi nào xuống trấn, nhớ ghé công ty ông chơi.

Vài tháng sau, khi tiểu xuống núi mua đồ, gặp ông Trịnh đang lái xe, từ xa ông đã chào tiểu, mời lên xe, vừa nói vừa cười, hỏi thăm những người trong chùa có khỏe không.

Khi tạm biệt, bỗng dưng ông bảo, bây giờ tuy rất bận, nhưng ông vẫn thường hay nhớ lại những ngày sống trong chùa Thiên Minh trên núi. Bấy giờ, dù không biết là lúc nào sẽ mất hết tài sản, nhưng đó lại chính là lúc mà ông cảm thấy hạnh phúc nhất.

Tiểu nghĩ, có thể lúc khó khăn không phải là lúc hoàn toàn tuyệt vọng, nếu như đem tâm lạc quan đối diện với nó, bạn mới phát hiện được là hãy còn rất nhiều hy vọng.

Nước giếng mùa đông

Khách hành hương lên chùa Thiên Minh rất nhiều. Người đến lạy Phật, kẻ đến nghe chuyện, có người tham quan núi Mao Sơn, có kẻ đến để bình phẩm trà.

Mấy hôm rồi tuyết ngừng rơi. Sáng sớm hôm đó thức dậy, vừa đẩy cửa ra, tiểu đã ngạc nhiên khi nhìn thấy con đường lên chùa đã được dọn sạch tuyết. Bước ra ngoài, chú còn ngạc nhiên hơn, không phải chỉ có con đường vào chùa Thiên Minh mới được dọn, mà hình như từ Mao Sơn xuống đến Trấn Diểu đều đã sạch sẽ tuyết.

Tiểu vào chùa dò hỏi quý sư phụ và sư huynh đệ, nhưng không ai biết người nào đã dọn tuyết dùm.

Vài hôm sau, người lên chùa dần dần đông lên. Tiểu hỏi những người trong trấn rằng ai đã dọn tuyết, mọi người cứ cười, không đáp.

Thì ra, việc này không phải một hai người có thể làm xong, mà chắc là mọi người trong trấn đã lén làm.

Ngày kia, có hai thí chủ đến chùa, người con trai còn trẻ, tuổi cỡ Giới Sân, còn bà kia đã già, tuổi hơn 70, trên mặt có nhiều nếp nhăn, đi đứng cần người dìu, bà nói nếu như đường còn tuyết chắc là không lên chùa được.

Hai vị thí chủ đều rất lạ, chắc không phải dân trấn Diểu.

Bà già lạy Phật xong, ngồi trong thiền phòng nghỉ ngơi. Hóa ra đây là hai bà cháu từ ngoài tỉnh về trấn Diểu ăn tết, người cháu đi cùng bà lên chùa lạy Phật.

Người bà ngồi trong thiền phòng, nhìn tứ phía. Bà cho biết, hai mươi mấy năm trước, bà đã từng đến nơi này.

Mọi người đều rất ngạc nhiên, quý sư phụ còn không nhớ ra bà là ai, dù gì cũng đã hơn hai mươi năm rồi.

Bà kể, còn nhớ lần đó lên núi, vào lúc tiết xuân, quý sư phụ mời bà uống tách trà Mao Sơn, tới bây giờ bà vẫn không quên vị trà độc đáo năm đó. Do vì dùng nước giếng trong núi pha trà, nên hương vị mới thơm tự nhiên như thế.

Bà lão ngồi bên song cửa, mắt mông lung, hình như đang nhớ về vị trà năm đó.

Đứa cháu nhìn bà cười mỉm, hỏi quý sư phụ có trà không, vì bà nội ở nhà thường hồi ức bát trà của quý sư phụ chùa Thiên Minh.

Giới sân nhanh nhẹn bảo trà lúc nào cũng có, dù không phải mùa thu hoạch trà. Giới Sân đi ra ngoài, đứa cháu bước theo sau. Cậu ta chợt bảo Giới Sân rằng, bà cậu nói dùng nước giếng trên núi thì nước trà mới có vị ngọt ngon.

Giới Sân cảm thấy khó, bình thường đi lấy nước không sao, chứ bây giờ mùa đông vừa dứt, tuyết vẫn còn đóng dày, lấy nước giếng trên núi về e không phải dễ.

Đứa cháu hình như đoán biết được ý tiểu nên lẹ làng nói: Sư phụ có thùng không? Chỉ đường con biết, con đi lên núi lấy nước!

Tiểu đang chần chừ, Giới Ngạo đã mau mắn: Thời tiết này, anh lại không biết đường, rất nguy hiểm, hay là dùng đỡ nước mưa đi!

Nhưng đứa cháu chỉ kiên quyết lấy cho được nước giếng trên núi. Giới Ngạo cầm chiếc thùng nhỏ, có chút không an tâm, nên đi cùng với người cháu.

Hai người đi rất lâu. Giới Sân nóng ruột đi tới đi lui ngoài sân. Đỗi lâu sau mới thấy cả hai vừa nói vừa cười xách chiếc thùng chứa đầy nước về. Thời tiết này mà tìm được nước giếng thật không dễ tí nào.

Tiểu lấy nước đi đun, chế bình trà cho bà lão. Bà vừa uống vừa khen, vui vẻ y như trẻ con.

Hai vị thí chủ ở lại chùa sáng hôm sau mới ra về. Đứa cháu khi tạm biệt còn không ngớt cảm ơn Giới Ngạo. Tiểu ta chỉ biết cười đáp trả.

Quay vào chùa, Giới Sân chợt liếc thấy cái thùng gỗ ngoài sân, nhớ lại chính là cái thùng gỗ hôm qua Giới Ngạo lấy nước đem về còn thừa. Giới Sân đến bên thùng nước, định xách vào nhà bếp, mới phát hiện nước giếng còn thừa nửa thùng hôm qua, giờ đã đóng băng hết.

Nước giếng mà Giới Ngạo lấy từ trên núi về, một nửa để trong nhà bếp thành nước trà thơm tho, nửa để ngoài sân đã đóng thành băng giá lạnh.

Môi trường có ảnh hưởng nhiều đến con người chúng ta, chỉ cách bức tường mà đã liền thành hai vật khác nhau.

Nhưng chúng ta muốn để nước trong nhà hay để nước ngoài sân, đều là do chúng ta quyết định hết!

This entry was posted in Tuyển Chọn. Bookmark the permalink.