Giảng Giải Kinh Duy Ma Cật – Chương III – A Nan

Sau bao năm làm thị giả A Nan rất hiểu ý Đức Phật vì thế khi nghe Phật nói hơi có bệnh thì A Nan biết mình không nghe lầm. Vì biết Phật có chút bệnh nên A Nan mới đi xin sữa mà sửa thì chưa có nhưng chỉ nghe ông Duy Ma Cật đuổi về thì làm sao A Nan không khỏi tủi thân, xấu hổ. Lúc A Nan còn đang phân vân là có nghe lầm không thì ông tự nghe có tiếng trong không trung vọng đến. Đây là lối diễn tả rất tinh xảo của Kinh Duy Ma Cật vì nếu không hiểu rõ thì dễ dàng rơi vào mê tín dị đoan. Câu:”tự nghe có tiếng trong không trung vọng đến” không thể hiểu là tiếng nói của các vị Trời, các vị Bồ-tát hay ngay cả chư Phật mà hai chữ “tự nghe” nói lên sự thức tỉnh, bừng sáng từ trong tâm thức của ông A Nan. Vậy A Nan thức tỉnh cái gì?

Đối với A Nan là vị thị giả của Phật mà chưa chứng quả A La Hán thì chấp ngã, chấp pháp vẫn còn. Vì thế cái nhìn của A Nan đối với  Đức Phật Thích Ca là thật, là Ứng thân thì phải có bệnh. Khác với thế giới Hiện Tượng hữu hình, có sinh có diệt, có bệnh tật, có đau khổ bất tịnh thì bây giờ ông Duy Ma Cật mới giới thiệu cho A Nan một thế giới về Bản Thể vô vi thanh tịnh, không sanh không diệt, vô cùng vô tận là thế giới của Pháp thân. Cho nên chữ “tự nghe” ở đây chính là sự thức tỉnh, là ánh đuốc chợt bừng sáng để soi chiếu tự tâm ông A Nan và cũng là chiếc cầu nối giúp ông chuyển từ hệ thống giáo lý phương tiện Tiểu thừa chật hẹp sang tư tưởng Liễu nghĩa thượng thừa rộng lớn. Pháp thân mới chính là lý tưởng cứu cánh, là Bản Lai Diện Mục, là con người thật của mình vậy.

Tiếng vọng trong không trung” cũng có thể hiểu là “tiếng lòng” nói lên sự phản tỉnh của ông A Nan qua những giây phút tiếp nhận những dòng tư tưởng ấm cúng của ánh lửa Đại thừa mà Ông Duy Ma Cật chính là người đã khơi dậy ngọn lửa trong đống to tàn. Và cũng chính “tiếng lòng” đã nhắc nhở ông A Nan sự khác biệt giữa Ứng thân và Pháp thân. Pháp thân là Bản Thể thanh tịnh nên không bệnh. Còn Ứng thân là nhục thân thị hiện nên vẫn còn bị ảnh hưởng bởi sanh, lão, bệnh, tử như tất cả mọi chúng sinh. Tuy Ứng thân Đức Phật có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp, nhưng Ngài vẫn có bệnh như mọi người. Vì thế khi thân có bệnh cần có sữa để chửa trị thì cứ đi lấy, không e ngại chi cả.

Bạch Thế Tôn! Ông A Nan thưa. Ông Duy Ma Cật có sức trí tuệ biện tài vô ngại như thế, con không dám lãnh trách nhiệm đến thăm bệnh.

Ngoài mười vị đại đệ tử Thanh Văn nầy, còn có năm trăm vị

nữa ở trước Phật đến trình bày duyên cớ đã từng gặp ông Duy Ma cật trước kia.

Tất cả đồng xưng tán Trưởng giả Duy Ma Cật và đồng thưa lên Phật rằng không dám đi thăm bệnh.

Đây là một đoạn kinh rất hay vì đã phản ảnh rõ ràng sự thấy biết khác nhau giữa hàng Thanh văn và Bồ-tát. Ông A Nan tuy là đệ nhất đa văn nhưng vẫn còn nằm trong hàng Thanh văn nên cái thấy biết của ông là Pháp nhãn có nghĩa là ông nhìn vạn pháp chỉ thấy được Pháp Tướng tức là Hiện Tượng sinh diệt bên ngoài. Ngược lại ông Duy Ma Cật là vị đại Bồ-tát có trí tuệ sáng suốt và biện tài vô ngại nên cái thấy biết của ông chính là Pháp Tánh tức là Bản Thể thanh tịnh bất sanh bất diệt bên trong. Thấy Pháp Tướng thì nhìn Phật cũng chỉ thấy Phật Tướng. Do đó thấy Pháp Tướng thì rõ ràng là Phật có bệnh nên cần phải đi xin sữa. Ông Duy Ma Cật không nhìn Phật bằng Pháp Nhãn như ông A Nan mà nhìn bằng Tuệ Nhãn cho nên thay vì thấy Phật Tướng sinh diệt vô thường thì ông thấy Phật bằng Pháp Thân thanh tịnh bất sanh bất diệt. Cái hay cái tuyệt của đoạn kinh nầy không những chỉ cho chúng sinh thấy rõ sự khác nhau giữa Pháp Tướng và Pháp Tánh hay Hiện Tượng và Bản Thể mà nó còn dung hòa mọi tư tưởng, quy ba thân làm một. Khi đứng về Tướng và Dụng thì Ứng thân có bệnh. Còn đứng về Thể và Tánh thì Pháp thân là Thật Tướng, bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh. Do đó tuy nói là có Tướng, Dụng, Thể, Tánh hay Tiểu thừa, Đại thừa nhưng tất cả cùng quy về một mối là Nhất Thừa Phật Đạo, Sự Lý nhất như.

Khi đã thấy rõ sự khác nhau giữa Phật Tướng và Phật Tánh thì chúng ta có thể áp dụng chân lý nầy ngay vào trong đời sống của chính mình.

Lúc mới vào đạo Phật thì chúng ta đến chùa quy y Tam Bảo và được đặt cho một pháp danh thì đây là quy y thế gian trụ trì Tam Bảo. Phật bây giờ là những hình tượng trên bàn thờ tức là Phật Tướng để nhắc nhở chúng sinh những hình ảnh sống động lúc Phật còn tại thế khiến con người có cảm tưởng như được đối diện với Đức Thế Tôn. Pháp được hiểu là tam tạng kinh điển và Tăng là Tăng đoàn. Quy y nầy chỉ là tạo duyên để học Phật mà thôi vì đây là Hiện Tượng tức là pháp hữu vi sinh diệt bên ngoài vì tượng Phật, tam tạng kinh điển ngay cả chư Tăng đều nằm trong luật vô thường sinh diệt.

Khi đã biết đạo rồi thì chúng sinh phải quay về với Nhất Thể Tam Bảo vì đây mới là Bản Thể, là pháp vô vi bất sinh bất diệt, là tính thanh tịnh bản nhiên có sẳn trong tất cả mọi người. Vì Bản Thể là Chân Không, là Pháp Tánh, là Pháp thân thì không hình không tướng, không kích thước nặng nhẹ, không sinh không diệt, không dơ không sạch, vô ngôn vô thuyết thì đâu có ngôn ngữ nào diễn tả cho được mà đặt pháp danh.

Một hôm Lục Tổ ra giữa đại chúng mà hỏi:

–  Ta có một vật không đầu, không đuôi, không tên, không họ, không lưng, không mặt. Vậy các ông biết là vật gì chăng?

Ngài Thần Hội lúc đó khoảng mười hai mười ba tuổi bèn lanh lẹ bước ra nói:

–  Dạ đó là bản nguyên của chư Phật, là Phật tánh của Thần Hội.

Tổ quở:

–  Đã nói là không tên, không họ mà ông lại kêu là bản nguyên, là Phật tánh thì cũng như lấy tranh che đầu mà thôi.

Có nhiều người hiểu lầm cho rằng Kinh Bát Nhã nói cái gì cũng không. Không Phật, không Niết Bàn vậy tu để làm gì? Kinh Kim Cang có câu:”Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” tức là Phật dạy chúng sinh dùng trí tuệ Bát nhã phá trừ tất cả là cốt cho chúng ta không có chỗ bám. Vì nếu chúng sinh còn bám vào một giả danh hay giả tướng nào là còn kẹt trong vòng sanh diệt đối đãi và sẽ không thấy cái chơn thật nơi mình.

Một hôm có quan Đại phu họ Mã đến hỏi ngài Triệu Châu, một cao Tăng đời nhà Đường:

–  Hòa thượng gần đây có tu hành gì không?

–  Nếu nói tu hành là họa.

–  Nếu ngài nói tu hành là họa, tại sao ngài dạy đại chúng tu?

Ngài cười.

Đây là đứng về mặt bất biến tức là Bản Thể mà nói. Vì Thể Tánh vốn nhất như nên không còn tu bởi vì nếu khởi tu tức là động. Mà động là còn sanh diệt tức là tai họa chớ là gì? Nhưng nếu đứng về mặt tùy duyên tức là Sự Tướng thì còn phải tu vì có tu mới có giải thoát. Phật pháp là tùy duyên cho nên nếu duyên phàm thì thành phàm còn duyên Thánh thì trở thành Thánh vì thế mà nói có tu, không tu là vậy. Do đó nếu không thông suốt sự khác biệt giữa Bản Thể và Sự Tướng mà chỉ hiểu một chiều thì vô cùng tai hại.

Nhất Thể Tam Bảo gồm có Phật tánh, Pháp tánh và Tăng tánh.

1)Phật tánh: Trong tất cả chúng ta không phân biệt là người Việt, người Tàu, người Tây hay người Mỹ đều có sẳn cái Phật tánh thanh tịnh bản nhiên. Cái Phật tánh nầy chính là Pháp thân mà ở Phật cũng không tăng và ở chúng sinh cũng không giảm. Phật tánh hay Pháp thân thì lúc nào cũng thanh tịnh, nhưng vô minh vọng chấp che lấp Phật tánh khiến con người sống trong điên đảo, khổ đau. Thí dụ như sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý thì tự nó luôn luôn thanh tịnh. Nhưng khi tiếp xúc với ngoại trần liền bị đắm nhiễm. Cũng như con mắt thì tự nó thanh tịnh, không ô nhiễm nhưng khi mắt nhìn thấy cái nhà đẹp, cành hoa xinh, chiếc xe tốt thì tâm liền phân biệt tạo thành ý niệm ham muốn. Ham muốn là tham tức là ô nhiễm. Ngay cả lục trần tức là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp tự nó cũng có bản nhiên thanh tịnh, không ô nhiễm. Thí dụ như cành hoa đâu có mê hoặc ai đâu? Mê sắc là tại người chớ đâu phải tại hoa. Ngay cả rượu có làm ai say đâu? Thế mà con người chết lên chết xuống cũng vì rượu. Do đó nếu con người biết lìa vọng chấp, sáu căn thường sáng tỏ, không dính mắc nơi sáu trần thì tâm được thanh tịnh tức là thấy được Pháp thân hay Phật tánh hiện bày.

Ngày xưa ngài Huệ Tịch tới chỗ Thiền sư Trung Ấp thưa rằng:

–   Bạch Hòa thượng! Thế nào là Phật tánh?

Ngài Trung Ấp nói:

–  Ta không nói thẳng được nhưng dùng thí dụ nầy cho ông tạm hiểu: Như có con khỉ nhốt trong lồng có sáu cánh cửa. Bên ngoài một con khỉ khác tới kêu “Chéo! Chéo” thì con khỉ trong cũng đáp lại:”Chéo! Chéo” . Cứ như vậy con khỉ bên ngoài tới cửa nào cũng kêu thì con khỉ bên trong đều đáp lại hết.

Ngài Huệ Tịch liền hỏi lại:

–  Bạch Hòa thượng! Nếu con khỉ bên trong ngủ thì sao?

Thiền sư Trung Ấp từ trên tòa bước xuống nắm lấy vai Huệ Tịch mà nói:

–  Chúng ta thấy nhau rồi.

Khi lục căn tiếp xúc với lúc trần thì sanh vọng thức mê lầm. Còn lục căn yên lặng không bị lục trần quyến rủ thì có tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh là chơn tâm, là Phật tánh vậy.

Trong Kinh A Di Đà, Phật dạy rằng:

–  Hoặc một ngày cho đến bảy ngày niệm mà không niệm đến chỗ nhất tâm bất loạn thì Phật hiện tiền. Cũng như đi, đứng, nằm, ngồi mà tâm hằng thanh tịnh, không một chút vọng niệm khởi thì Phật tánh hiện tiền.

Phật tánh tức là tự tánh A Di Đà. Bởi vì Phật A Di Đà là Phật có vô lượng thọ và vô lượng quang. Mà tuổi thọ vô lượng là chỉ cho cái bất sinh bất diệt và vô lượng quang là ánh sáng trùm khắp vô cùng vô tận mà Kinh Lăng Nghiêm gọi là Chơn Tâm, Kinh Pháp Hoa gọi là Tri Kiến Phật, Kinh Niết Bàn gọi là Phật Tánh, Kinh Hoa Nghiêm gọi là Trí Huệ Phật, Kinh Viên Giác gọi là Như Lai Viên Giác Diệu Tâm. Đây chính là tự tánh thanh tịnh sẳn có nơi mỗi chúng ta mà lâu nay con người cứ lầm lẫn cho nó ở ngoài mình nên mãi rong ruỗi tìm cầu. Tu Thiền hay tu Tịnh độ thì cứu cánh không khác chỉ vì chúng sinh mắc kẹt trên hình thức nên thấy có sự sai khác. Ở Ấn Độ tuy cũng có nhiều tông phái khác nhau mà các Luận sư tuy nói khác nhau nhưng bản ý là cùng nhau hướng về giải thoát giác ngộ. Trong khi ở Trung Hoa, Việt Nam thì môn đồ của hai tông bài xích nhau chẳng khác cừu thù. Học Phật, tu Phật như thế không thể chứng ngộ vì con người còn mắc phải quá nhiều bệnh cố chấp.

Thật vậy con người có sự phân biệt tông nầy, phái nọ nhưng chân lý Phật pháp vốn không sai biệt. Phải biết rằng một câu niệm Phật hay câu trì chú chỉ là phương tiện chớ không phải là cứu cánh. Người mới học Phật pháp lại phát sinh ra nhiều ý kiến, phân chia tông nầy phái nọ, rồi khen mình chê người làm tổn hại giá trị giáo hóa vi diệu của Phật pháp.

Có người hỏi rằng Thiền chú trọng về tự lực trong khi tịnh độ thì chú trọng vào tha lực. Mà tự lực và tha lực thì làm sao giống nhau?

Thật ra tâm Phật và tâm của chúng sinh không hề khác nhau. Tâm Phật là Phật tánh thì từ vô thủy đến nay vốn không sinh diệt, không hình tướng, không thuộc Có Không. Cái linh tri ấy có đủ bốn đức là Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Bởi vì cái linh tri nầy không sanh không diệt nên nói là Thường, lúc nào cũng an nhiên tự tại nên gọi là Lạc, là chủ sinh ra muôn pháp nên gọi là Ngã và không bị cấu nhiễm nên gọi là Tịnh. Chỉ vì chúng sinh cứ chấp vào tướng nên đi tìm tâm ở bên ngoài nên Phật và chúng sinh mới xa cách muôn trùng vì ta và tha nhân là hai thực thể khác nhau.

Nên biết rằng Tịnh độ không những chú trọng đến tha lực mà đòi hỏi cả công phu về tự lực nữa. Nguyên tắc căn bản của Tịnh độ là phải biết nghiêm trì sáu căn: mắt, tai, mũi. lưỡi, thân, ý và ba nghiệp tức là thân, khẩu, ý cho thật thanh tịnh để lúc niệm Phật được nhất tâm. Đó là phần tự lực. Do đó khi niệm hồng danh chư Phật thì tâm không hề có vọng tưởng thì con người sẽ cảm thông được với chơn tâm hay Phật tánh của chư Phật trong mười phương pháp giới. Thật ra tâm Phật và chúng sinh vốn nào có khác đều cùng một Bản Thể nhưng vì chúng sinh bị vô minh che lấp nên chưa ý thức được điều nầy vì thế mới có sự phân biệt, xa cách. Chúng sinh từ vô thỉ đến nay đã gây ra biết bao tội nghiệp. Cho dù công phu tu tập đến đâu cũng khó trong một đời mà giải trừ được hết nghiệp chướng nên phải nương nhờ oai lực ở câu niệm Phật để tiêu trừ bớt nghiệp ngỏ hầu giúp cho tín căn và tín lực gia tăng mà được vãng sanh. Đó là phần tha lực.

Tóm lại, Tịnh độ bao gồm cả tha lực và tự lực, tuy giản dị nhưng công năng vô cùng huyền diệu. Chúng sinh phải nắm vững những quy tắc căn bản của Tịnh độ vì nếu không ý thức việc nghiêm trì sáu căn và ba nghiệp mà chỉ trông nhờ vào tha lực tiếp dẫn mà thôi là một thiếu sót rất lớn. Thiếu tự lực thì không có nhất tâm mà không nhất tâm thì làm sao thông cảm được với chơn tâm của chư Phật. Có một số người niệm Phật để cầu phước hay để xin xỏ việc nầy việc nọ thì cũng là đi ngược lại vời tông chỉ của Tịnh độ. Khi thiếu tâm thành mà chỉ mong cầu nầy nọ là tham lam mà đã là tham lam thì làm sao có kết quả được. Đối với người tu Tịnh độ thì không cần xin gì ngoài việc vãng sanh về cõi Tây phương với Phật A Di Đà.

Chúng ta bây giờ tự hỏi Tổ Bồ-đề Đạt Ma ngồi quay mặt vô tường suốt chín năm để suy gẫm điều gì?

Phải chăng ngài gẫm thấy tâm tức là Phật, Phật tức là chúng sinh. Khi mê thì có chúng sinh, có Phật nhưng khi ngộ thì Phật và chúng sinh vốn nào có khác. Phật tánh, chơn tâm thì không nhơ, không sạch, không sinh không diệt. Ở chúng sinh nó không tăng mà ở Phật nó cũng không giảm cho nên Ngài vượt thoát ra khỏi mọi phiền não khổ đau, ra khỏi sinh tử luân hồi mà đạt đến Niết bàn giải thoát.

Có người lại thắc mắc rằng Tổ Bồ-đề không hề nói đến Phật A Di Đà hay cõi Tây phương Cực lạc?

Thật vậy. Nhưng nghĩ lại là nếu có người dân quê hiền lành chất phác đến nghe pháp mà Tổ lại giảng về lý Không, pháp Tánh, pháp Tướng hay nguyên lý Bất nhị thì những điều nầy đâu có ý nghĩa gì đối với họ. Phải chăng đó là những danh từ trừu tượng trống rỗng, không thể hiểu và không có lợi ích gì? Nhưng nếu giảng cho họ về Đức Phật A Di Đà và những hạnh nguyện tiếp dẫn của Ngài để được về cõi Tây phương Cực lạc thì họ sẽ hiểu, sẽ tin và phát tâm muốn được sanh về cõi đó. Nếu suốt ngày họ trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà, biết chú tâm vào hồng danh nầy khi làm ruộng, lúc nghĩ ngơi, khi gặt lúa cho đến lúc nhất tâm bất loạn thì cái ảo ảnh nhị nguyên của vô minh, cái tâm phân biệt, có chúng sinh có Phật sẽ chấm dứt và họ sẽ chứng ngộ được thực tại mầu nhiệm ngay. Dù chúng ta gọi nó là tha lực tiếp dẫn của Đức A Di Đà, gọi là thiền, gọi là mật, gọi là giáo thì đâu có khác biệt gì đâu? Cái khả năng giải thoát mà con người cho rằng vốn ở bên ngoài tức là tha lực thật ra vẫn ở bên trong tức là tự lực thì lúc nào vẫn sẳn có trong ta. Đó chính là cái tự tánh thanh tịnh bản nhiên vĩnh hằng trong tất cả mọi chúng sinh. Như thế khi hiểu rõ những chân lý nầy thì tùy theo ý thích của mỗi người mà bàn về thiền hay tịnh độ. Thiền cũng tốt mà Tịnh cũng hay. Người học Phật nếu đọc qua cuốn “Tông Cảnh Lục” và “Muôn Thiện đồng quy” của Tổ Vĩnh Minh hay trong”Bồ-tát Đại Thế Chí niệm Phật viên thông” thì Tịnh độ cũng phát xuất từ tự tánh, xả bỏ vọng tưởng, quay về nguồn chân nên chớ hướng ngoại tìm cầu. Nếu chúng sinh niệm danh hiệu Phật A Di Đà để dẹp trừ vọng tưởng, chấp trước thì mỗi câu niệm sẽ quét sạch vọng tưởng làm tâm thanh tịnh. Vì thế kinh mới có câu:”Duy tâm tịnh độ, tự tánh Di Đà” là vậy. Như thế thì cái mà Tổ Bồ-đề Đạt Ma chứng trong lúc ngồi thiền và người nông phu chất phác chứng ngộ trong khi niệm hồng danh Phật A Di Đà có khác gì nhau. Thiền gọi nó là Minh Tâm Kiến Tánh trong khi Tịnh gọi là Nhất Tâm Bất Loạn thì cùng một ý nghĩa tức là họ đã thấy được Phật tánh, chơn tâm hay tự tánh thanh tịnh bản nhiên của mình vậy thôi.

Phải biết rằng Thiền, Tịnh, Mật đều là những con đường khác nhau, phương tiện khác nhau nhưng đều dẫn đến một mục đích là giải thoát giác ngộ. Cũng như nếu nhìn từ đỉnh núi xuống thì có vô số con đường dẫn lên núi nhưng nếu từ chân núi nhìn lên thì chỉ có một đỉnh núi cao mà thôi. Tịnh độ tông hay niệm Phật A Di Đà là phương pháp tập trung tư tưởng để trì niệm hồng danh chư Phật cho đến chỗ nhất tâm bất loạn. Khi tâm không còn loạn động, không còn phiền não và không còn điên đảo thì sẽ có trí tuệ sáng suốt. Mật tông thì cũng thế, thay vì niệm hồng danh chư Phật thì người tu trì thần chú, mật ngữ của chư Phật để đạt đến nhất tâm. Khi biết phối hợp âm thanh (chú) với cử chỉ (ấn quyết) và tâm ý (Tam Ma Địa) thì đạt được tam mật tương ưng tức Thân, Khẩu, Ý được thanh tịnh.

Khi không còn vọng niệm, đạt đến trạng thái như như bất động thì làm gì còn phiền não. Sau cùng Thiền là phương pháp sử dụng trí tuệ bằng cách nhìn thẳng vào thực tánh của vạn pháp. Vì vạn pháp giai không duyên sanh như huyễn nên trên đời nầy đâu có cái gì thật đâu mà phải quan tâm, bận lòng. Khi tâm không loạn động thì sẽ có Định. Mà có Định thì phiền não không còn, khổ đau tan biến. Tóm lại về mặt hình thức tuy có khác nhưng tựu trung ba phương pháp cũng đều quay về để diệt trừ vọng niệm, dứt sạch mọi phiền não để chấm dứt khổ đau và giải thoát ra khỏi sinh tử luân hồi. Đây chính là một là tất cả và tất cả là một vậy.

2)Pháp tánh: là cái nhận biết cho phù hợp với chân lý, đúng với chân lý tức là có chánh tri chánh kiến để đưa con người đến chỗ thanh tịnh, an vui và tự tại.

3)Tăng tánh: Phật tánh là tánh thanh tịnh bản nhiên ở trong ta và Pháp tánh là cái trí tuệ của ta như thế Tăng tánh là tánh hòa hợp của tánh thanh tịnh bản nhiên và trí tuệ sáng tỏ trong ta để tránh xa mọi ô nhiễm bên ngoài.

Quy y Nhất Thể Tam Bảo mới chính thật là quay về để sống với con người chân thật mà bấy lâu đã bị vô minh che lấp làm cho chúng ta sống trong điên đảo khổ đau. Con người chân thật nầy không ai khác hơn là Bản Lai Diện Mục, là Chơn tâm, là Như Lai Viên Giác Diệu Tâm, là Phật tánh có sẳn trong tất cả mọi người.

Phần Tóm lược Phẩm Đệ Tử

Trong phẩm đệ tử nầy chúng ta có cơ hội học hỏi sự trao đổi kiến thức của mười vị đại đệ tử của Phật với ông Duy Ma Cật, một vị đại Bồ tát có trí tuệ vô song và biện tài vô ngại. Tuy hoàn cảnh có khác, nhưng tựu trung cũng nhắm vào một đối tượng duy nhất là viên thành Phật đạo. Mà con đường để đạt đến cứu cánh tột đỉnh nầy là phải thấu suốt thật tướng của vạn pháp. Mà thật tướng chính là Bản Thể, là Chơn Như, là Phật tánh, là tính thanh tịnh bản nhiên có sẳn trong tất cả mọi người. Vì thế Kinh Kim Cang mới có câu:”Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai” nghĩa là tất cả những gì trong thế gian vủ trụ nầy mà có hình tướng thì là giả huyễn, không thật. Còn nếu thấy được thật tướng của vạn pháp thì thấy được Chân Lý.

Tuy mười vị đại đệ tử của Phật đã phá được chấp ngã nên họ lìa xa được phiền não khổ đau, nhưng chấp pháp vẫn còn. Đó là họ thấy con người là thật, thế gian vủ trụ là thật nên muốn xa lánh cuộc đời để không còn bị ô nhiễm và tinh tấn tu hành để được an vui tịch diệt Niết bàn. Trưởng giả Duy Ma Cật là người đại diện cho Phật giới thiệu cho họ con đường Đại thừa rộng lớn để phá luôn chấp tướng thì mới viên thành Phật quả. Khi nói “vạn pháp giai Không” thì ông Duy Ma Cật đã đưa họ vào một thế giới vô cùng vô tận. Thế giới của Chân Không Diệu Tánh, không hình không tướng, không phiền não khổ đau, không cầu không đắc, hoàn toàn thanh tịnh. Chính ông Duy Ma Cật đã nắm tay đưa họ từ thế giới vật chất hữu hình hữu hoại sang một thế giới vô vi thanh tịnh. Khi đã biết và sống trong thế giới của Thường, Lạc, Ngã, Tịnh thì con người sẽ không còn lo sợ, mộng tưởng điên đảo mà lúc nào cũng an vui tự tại. Tâm Kinh dạy rằng:”Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc” thì con người sẽ không còn phân biệt Tiểu thừa hay Đại thừa, hữu vi hay vô vi mà tất cả đều quy về Nhất thừa Phật đạo, lìa bỏ hai bên để nhập vào pháp môn Bất Nhị. Vì sự huyền diệu của kinh nên chúng ta cần phải phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, diệt trừ lòng mê mờ chấp ngã chấp pháp ngỏ hầu phát huy trí tuệ sẳn có trong chúng ta mà trực nhận Chân lý để được tự giác rồi giác tha và đạt đến cứu cánh giải thoát hoàn toàn.

Tác Giả: Lê Sỹ Minh Tùng

Trang Chủ

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.