Năm Dân quốc 50, nhân Tinh Vân pháp sư được mời đến Hổ Vĩ giảng kinh, chúng tôi (nữ ký giả Lý Ngọc của báo Kim Nhật Phật Giáo) cùng vài vị cư sĩ tháp tùng đến Hổ Vĩ. Khi pháp sư giảng kinh thì chúng tôi đến thăm ni sư Trí Hạo ở Mạch Liêu. Mạch Liêu là một địa phương ở ven biển, giao thông không tiện lợi, lại không có thắng cảnh nào để xem. Chúng tôi đến thăm ni sư Trí Đạo ở Tố Vân Tự rồi, định trở về Hổ Vĩ, thì vị trụ trì mời ở lại độ ngọ. Trong khi trò chuyện thì vị Hứa cư sĩ có kể cho nghe chuyện mượn xác hoàn hồn, xẩy ra vài năm trước ở Mạch Liêu. Những người trong chuyện không nói, thành ra chỉ có người ở Mạch Liêu biết mà thôi. Những người ở vùng khác có nghe cũng không tin cho là chuyện thần kỳ quái đản không thể tin được.
Nghe xong chuyện chúng tôi quyết định sau khi thọ trai sẽ đến phỏng vấn những người trong chuyện. Nhân vật trong chuyện là ông Ngô Thu Đắc, ở số nhà 95 đường Trung Sơn, chủ một tiệm bán vật liệu xây cất. Khi mới gập ông có vẻ không vui, sau vài lần hỏi han, ông mới chịu thố lộ :
-Năm Dân quốc 48, tôi có tham gia việc xây cất ở Hải Phong Đảo, khi làm việc tôi ít về nhà. Khi tôi đi thì bệnh nhà tôi đã đỡ, nhưng rồi bệnh càng ngày càng nặng, tinh thần không bình thường. Chúng tôi định đưa bả đi Dưỡng trí viện. Hai ba người định lôi bà đi, nhưng bà kháng cự lại, và còn nói:
– Tôi không điên, đừng đưa tôi đến Dưỡng trí viện. Tôi là Chu Tú Hoa, người Kim Môn, mượn thây hoàn hồn đó.
Vợ tôi chính tên là Lâm Cương Yêu mà bà lại nói cái gì là Chu Tú Hoa. Tôi không tin là thân bà đã bị một hồn khác chiếm cứ. Nhưng khẩu âm của bà thì đổi khác. Khi ở Hải Phong đảo, mỗi khi đạp xe về nhà, tôi cảm thấy trên vai như nặng hơn, nhưng tôi nghĩ có lẽ là do đường không tốt, nên không để ý. Sau này tôi mới biết là do cô gái ở Kim Môn ngồi sau xe cùng tôi về nhà.
Nói tới đây, ông kết thúc và đi pha trà mời khách. Hứa cư sĩ là người kể chuyện và dẫn chúng tôi đến đây ra ngoài tìm Chu Tú Hoa. Khi ông Ngô đi pha trà thì cháu vợ ông, một thanh niên khoảng 20 tuổi bảo:
– Khi dì ba tôi bị bệnh, tôi giúp dượng ba săn sóc dì. Có lúc dì khóc, có lúc lại lẩm bẩm nhưng chúng tôi không hiểu dì nói gì ? Có lúc dì nhỏm dậy chúng tôi cố ghì dì xuống nhưng không thể được mà còn bị dì xô ra. Một người phụ nữ không thể nào khỏe như thế, có lẽ dì có bạn giúp sức. Khi chúng tôi biết dì là người khác thì chỉ đành để dì dưỡng bệnh. Mới đầu dì dường như không quen. Khi dượng ba tôi kêu dì là A Cương thì dì bảo:
– Tôi tên Chu Tú Hoa, không phải là A Cương.
Khi bà ngoại và dì hai tới, dì cũng không nhận ra.
– Tôi không biết các người, các người là ai?
Dĩ nhiên là hàng xóm của chúng tôi dì cũng đều không nhận ra. Nói đến đây, cậu liếc mắt vào bên trong sợ ông cậu đi ra, hạ giọng kể:
– Dượng ba là một người có trách nhiệm với gia đình, nhưng với dì ba cũ (Lâm Cương Yêu) không hợp. Tuy nhiên ông không có lăng nhăng với bà nào khác. Khi ông làm việc ở Hải Phong Đảo có nhiều công nhân nói thấy bên cạnh ông luôn có người con gái. Lúc tán gẫu thường đem chuyện này ra nói, khen ông có số đào hoa. Mỗi lần dượng nghe nói, đều phủ nhận, nhưng chẳng ai tin.
Cậu lại thêm:
– Làm công việc xây cất thường hay xẩy ra tai nạn, không lớn thì nhỏ khiến công nhân bị thương. Nhưng lần làm việc ở Hải Phong đảo này thì rất thuận lợi, như là có người phù hộ.
Lúc đó ông Ngô bưng trà ra mời khách. Cậu cháu nói:
-Nói quý vị không tin, nhưng khi dì hơi khỏe, nói có khách đến chơi, bảo chúng tôi lấy ghế và đốt thuốc. Chúng tôi chỉ thấy dì cười cười, nói nói và ghế tre có tiếng cọt kẹt như có người ngồi trên di động vậy. Ít lâu sau thì không có khách nào tới thăm nữa. Khi dì hoàn toàn khỏe mạnh rồi thì dì thay đổi hẳn. Lúc trước, thịt cá gì dì cũng ăn, nhưng giờ thì hoàn toàn ăn chay. Lúc trước, thổi cơm, làm bếp là công việc của dì nay dì không làm nữa, nói là không biết. Nhưng những việc khác thì dì làm được cả. Lúc trước dì mù chữ, nay có thể coi việc sổ sách, làm ruộng, làm những việc nặng nhọc đều được cả.
Cậu lại chỉ lên bàn thờ Phật:
– Lúc trước, dượng tôi chỉ thờ cúng ông bà, nay dì mới xin thờ Phật.
Tới đây thì Hứa cư sĩ đi tìm Chu Tú Hoa về, ông nói:
– Cô ấy không chịu về, chỉ khóc.
Tôi cùng một chị bạn bèn ra ngoài mời; khi chúng tôi tìm đến thì cô đang đứng dựa vào cột, 2 mắt nhắm lại, 2 dòng lệ chẩy dài xuống má. Tôi nghĩ cô đứng đây khóc đã lâu. Chúng tôi đến an ủi và mời cô về nhà. Có lẽ chúng tôi đến phỏng vấn khiến cô nhớ đến Kim Môn nên bị cảm xúc. Hôm đó cô chỉ cho chúng tôi biết sơ lược cô tên Chu Tú Hoa, sống ở Kim Môn, cha cô là Chu Hải Thanh, mẹ cô là Sái Diệp. Năm đó cô 18 tuổi, vì Kim Môn bị pháo kích, lúc hỗn loạn cùng nhiều người khác xuống thuyền đánh cá ra khơi lánh nạn. Về sau vì thuyền mất phương hướng, hết lương thực, nước uống, nhiều người chết đói, chết khát. Sau thuyền trôi đến Đài Tây, được lay tỉnh nhưng ngư phủ đoạt hết tiền bạc trên thuyền rồi xô cô xuống biển. Nói tới đây, cô ôm mặt khóc chạy vào trong nhà. Chúng tôi định hỏi thêm nhiều nữa nhưng không tiện, đành cáo từ ra về, hẹn lần sau sẽ đến tặng cô một chưỗi tràng hạt. Khi đưa chúng tôi ra bến xe, Hứa cư sĩ kể thêm:
– Gia đình ngư phủ cướp của giết người đó, không lâu theo nhau mà chết, chỉ còn lại một đứa con bị bệnh thần kinh. Khi Chu Tú Hoa khỏe mạnh rồi, có người dẫn đứa nhỏ bị bệnh thần kinh ấy đến gập Tú Hoa. Thực lạ, Chu Tú Hoa ngăn không cho vào nhà, lại mắng:
– Người nhà mày hại tao chưa đủ à ? Mày còn đến đây làm tao thương tâm nữa sao?
Lúc trước Lâm Cương Yêu chưa bao giờ đến Đài Tây, và đứa trẻ điên đến nhà cũng không ai biết trước, vậy mà Tú Hoa lại biết.