Với thập nhị nhân duyên Ngài đã khám phá ra nguyên nhân chính yếu của vòng tròn sinh khởi và huỷ diệt khổ đau của sinh tử luân hồi. Theo phương pháp quán thuận nghịch, tức là cách quán lưu chuyển và hoàn diệt của thập nhị nhân duyên.
Suốt 49 ngày đêm đức Bồ-tát ngồi tư duy trên tòa kim cương dưới bóng cây Bodhivṛksa, và cuối cùng nổ lực hàng phục được ma quân trong lẫn ngoài. Ma trong thì có ma phiền não vọng tưởng; ma ngoài thì có ma thinh sắc, ma uy lực.
Sau khi hàng phục được ma quân, đến ngày cuối cùng, Ngài thấy thân tâm trở nên vắng lặng và sáng suốt, bao nhiêu cảnh mê mờ và, phiền não đều biến mất.[1] – Canh hai Ngài chứng được túc mạng minh: Thấy biết tất cả những nghiệp nhân của mình và tất cả chúng sanh nhiều đời về trước: từ việc lành, việc dữ, cha mẹ, quyến thuộc, giàu nghèo, sang hèn, tốt xấu, cho đến mỗi đời tên họ là gì đều biết một cách rành rẽ.
– Đến nửa đêm Ngài chứng được thiên nhãn minh: Thấy rõ ba cõi, sáu đường những cảnh giới hoặc an vui, hoặc khổ dơ, chúng sanh xinh đẹp xấu xa rõ ràng như nhìn thấy trong gương.
– Đến lúc sao mai vừa mới mọc Ngài chứng được lậu tận minh: Dứt sạch mọi phiền não, rõ hết mọi đầu mối duyên nghiệp. Tâm thể trở nên vắng lặng sáng suốt. Năm ấy Ngài 35 tuổi.[2]
Sự kiện giác ngộ của Ngài là một khám phá về những nguyên nhân trói buộc chúng sanh vào con đường sinh tử luân hồi, và phương pháp để diệt trừ những khổ đau mà chúng sanh phải gánh chịu. Đây là những điều mà trước kia Ngài đã từng cưu mang.
Đạo lý giải thoát của Ngài được đặt nền tảng chính yếu qua thập nhị nhân duyên và tứ đế.
Với thập nhị nhân duyên Ngài đã khám phá ra nguyên nhân chính yếu của vòng tròn sinh khởi và huỷ diệt khổ đau của sinh tử luân hồi. Theo phương pháp quán thuận nghịch, tức là cách quán lưu chuyển và hoàn diệt của thập nhị nhân duyên.
Trong 49 ngày đêm Ngài ngồi tư duy dưới bóng cây Bồ-đề không ngoài vấn đề này. Vấn đề sinh, lão, bệnh, tử được Ngài đặt ra như là một tiên quyết là làm sao biết được vấn đề con người từ đâu sinh ra? Và khi chết sẽ đi về đâu?
Theo kinh Quá khứ hiện tại nhân quả[3] Phật dạy:
«Lúc bấy giờ là canh ba, Bồ-tát Thích-ca Mâu-ni quán sát tất cả căn tánh chúng sanh, do nhân duyên gì mà có lão, tử? Bồ-tát biết lão tử do sinh mà có. Nếu dứt bỏ sự sanh thì không có lão tử. Hơn nữa sự sanh này không phải do trời sinh, không phải tự mình sinh, cũng không phải không duyên cớ gì mà sinh. Tất cả mọi sự mọi vật đều do nhân duyên sinh. Vì có nghiệp của ba cõi, nên các nghiệp trong ba cõi từ đâu sinh ra? Biết rằng nghiệp của ba cõi từ thủ sinh ra, ái từ thọ sinh ra, thọ từ xúc sinh ra, xúc từ lục nhập sinh ra, lục nhập từ danh sắc sinh ra, danh sắc từ thức sinh ra, thức từ hành sinh ra, hành từ vô minh sinh ra.
«Nếu vô minh diệt thì hành diệt, v.v… cho đến lão tử diệt.
«Quán sát thuận nghịch mười hai chi nhân duyên như thế, canh ba vừa dứt Ngài đã phá được màn vô minh khi sao mai vừa mới mọc. Như Lai chứng đặng trí tuệ sáng suốt, đoạn tất cả mọi chướng ngại thành Nhất thiết chủng trí[4].»
Qua đoạn kinh văn này cho chúng ta một cái nhìn thấu suốt từ căn để cội nguồn duyên khởi theo lưu chuyển và hoàn diệt quán của thập nhị nhân duyên. Và đây là toàn bộ đoạn kinh văn diễn tả quá trình phát kiến duyên khởi theo hệ nam truyền Pàli:
«Các tỷ-khưu! Xưa kia, khi ta còn là Bồ-tát, chưa thành chính giác, Ta tự nghĩ: Cõi đời này thật do những nỗi lo khổ (kiccha) ràng buộc; sinh, già, chết để rồi lại sinh ra, và vẫn chưa biết thoát ly cái khổ của già, chết thì làm sao biết được cái khổ già, chết để thoát ly? Lúc đó Ta tự hỏi: do đâu có già, chết? Do đâu có già, chết?
«Bấy giờ nhờ sự tư duy chính đáng (yoniso-manasikāra) mà ta phát trí hiểu biết đích thực (abhisamaya: hiện quán) như vầy: do có sinh mà có già, chết, do sinh làm duyên mà có già, chết.
«Lúc đó ta lại nghĩ do đâu mà có sinh, có hữu, có ái, có thọ, có xúc, có lục nhập, có danh sắc, cho đến do đâu mà có danh sắc?
«Bấy giờ, do sự tư duy chính đáng mà ta phát trí hiểu biết đích thực như vầy; do có thức mà có danh sắc, do có thức làm duyên mà có danh sắc.
«Rồi ta lại hỏi do đâu mà có thức, lấy gì làm duyên mà có thức?
«Bấy giờ, ta tự nghĩ, thức này là vật có thể trở lại, vượt lên trên danh sắc, chỉ do vào đó (chúng sinh) có già, sinh, chết, và tái sinh, tức lấy danh sắc làm duyên mà có thức, lấy thức làm duyên mà có danh sắc, lấy danh sắc làm duyên mà có lục nhập, lấy lục nhập làm duyên mà có xúc vân.vân … Như vậy thuần là nguyên nhân của khổ uẩn.
«Lớn thay những nguyên nhân ấy! Thế là, với Ta, chưa từng nghe pháp ấy mà sinh mắt, sinh trí, sinh tuệ, sinh sáng, sinh ánh sáng.
«Bấy giờ, Ta lại tự nghĩ, làm thế nào không có già, chết? Cái gì diệt thì già, chết diệt?
«Rồi nhờ sự tư duy chính đáng mà ta phát sinh trí hiểu biết đích thực như vầy: Không sinh thì không già, chết, sinh diệt thì già, chết diệt.
«Lúc đó ta lại tự nghĩ, làm thế nào có được không sinh, không hữu, không thủ, không ái, không thọ, không xúc, không lục nhập, không danh sắc, cho đến cái gì diệt thì danh sắc diệt?
«Rồi nhờ sự tư duy chính đáng mà ta phát trí hiểu biết đích thực như vầy: không có thức thì không có danh sắc, thức diệt thì danh sắc diệt.
«Bấy giờ, ta tự nghĩ, làm thế nào để không có thức? Cái gì diệt thì thức diệt?
«Rồi nhờ sự tư duy chính đáng mà ta phát trí hiểu biết đích thực như vầy: không có danh sắc thì không có thức, danh sắc diệt thì thức diệt.
«Lúc đó ta tự nghĩ, cái đạo mà ta vừa ngộ có thể đạt được, tức là, danh sắc diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, do danh sắc diệt mà lục nhập diệt, lục nhập diệt thì xúc diệt, cho đến… như vậy là thuần diệt những khổ uẩn.
«Lớn thay cho sự tiêu diệt ấy! thế là với ta, chưa từng nghe pháp ấy mà sinh mắt, sinh trí, sinh tuệ, sinh sáng, sinh ánh sáng. Điều này cũng giống như một người đang thơ thẩn trong cánh đồng hoang bỗng phát hiện con đường mòn của người xưa đã đi và cứ đi theo lối mòn ấy mà thấy được làng mạc và thành quách của người xưa và nhà cửa của người xưa với vườn, sân, rừng cây, ao sen và tường hoa v.v[5]…»
Qua đoạn kinh văn này, cho chúng ta thấy nhân duyên chỉ gồm có 10 chi, chứ không phải là 12 chi như kinh Quá khứ hiện tại nhân quả bên Hán tạng.
Về nội dung tư tưởng ý nghĩa duyên khởi thì ngay trong nội bộ của Tiểu thừa cũng không đồng quan điểm trong nhận thức về sự thật hữu của chúng[6], và cũng chính từ đây nó là một trong những nguyên nhân đưa đến sự manh nha phân phái thành Đại thừa và Tiểu thừa sau này. Về mặt hình thức, theo Chi phẩm Tương Ưng bộ và Đại phẩm luật bộ nguyên thỉ thì Tiểu thừa cũng đủ 12 chi, tuy nhiên cũng có kinh ghi 10 chi khi nói về nhân duyên chứng ngộ của Phật Tỳ-bà-thi (Vipassa Buddha)[7]; hay Tương Ưng bộ ghi về những tư duy trước khi Bồ-tát thành đạo,[8] thì không có 2 chi vô minh và hành. Có kinh ghi 9 chi, không có 3 chi vô minh, hành và lục nhập.[9] Đó là nói về Chi phẩm Tương Ưng và Đại phẩm luật bộ của hệ Tiểu thừa. Trong khi hệ Hán tạng những kinh tương đương trên đều nhất thống ghi là 12 chi.
Theo chúng tôi ngay trong chính hệ Tiểu thừa giữa các kinh trong Kinh bộ còn không có sự thống nhất chi số trong sự kiện này, nên sự kiện này sau này đã trở thành vấn đề giáo tướng giữa các luận sư của A-tỳ-đạt-ma, đã phát sinh ra nhiều kiến giải trong luận bộ. Theo «luận Đại Tỳ-bà-sa[10] đã dùng rất nhiều hình thức như đề cập về Một duyên khởi (chỉ cho tất cả pháp hữu vi), Hai duyên khởi (nhân và quả), Ba duyên khởi (hoặc, nghiệp, sự), Bốn duyên khởi (vô minh, hành, sinh, lão tử) cho đến mười hai duyên khởi; còn Câu xá luận, Thành duy thức luận, đều lấy mười hai chi để y cứ. Theo học giả Taiken Kimura về hình thức này thì cho rằng: “Giả sử đây không phải là chủ trương ban đầu về số mục thì nó cũng có thể được thêm hoặc bớt tuỳ theo sự tiện lợi cho việc quan sát. Nếu đứng trên một lập trường nào đó mà nhận xét, thì lấy số mục ấy làm nền tảng để bao quát toàn thể cũng là một phương pháp cần thiết.[11]” Vì những lý do trên:
– Chúng tôi chọn mười hai nhân duyên để nói về sự kiện giác ngộ của đức Phật mà không sợ có gì là sai trái hay mâu thuẫn giữa hai kinh theo Đại thừa và Tiểu thừa. Vì có vô minh hay không có vô minh, có hành hay không có hành, chúng vẫn nói lên được tánh duyên khởi hiện thực của chúng ngay trong hiện tại. Và cũng từ trong hiện thực này mà đức Phật đã giác ngộ thành bậc Chánh đẳng Chánh giác. Theo như nhà học giả Taiken Kimura cho rằng điều chủ yếu ở đây: “Là lấy vấn đề làm trung tâm chứ không phải lấy giáo điều và sự chú giải giáo điều làm chủ yếu[12]”.
– Qua hai thuyết 12 chi và 10 chi giữa Pàli tạng và Hán tạng, chúng ta chưa thẩm định được thuyết nào có trước và thuyết nào có sau, nên vấn đề này chúng tôi không đặt ra. Vì có thêm hay bớt thì ý nghĩa tư tưởng của chúng vẫn không thay đổi. Do đó cho nên chúng tôi chọn mười hai nhân duyên để bàn về chúng.
Theo kinh A-hàm bên Hán tạng của Tiểu thừa thì ngoài 12 chi này ra có chỗ đề cập đến 10 chi, 9 chi, 8 chi, 7 chi v.v… Nhưng thật ra chúng cũng được hàm nhiếp vào trong 12 chi.
Theo kinh Tạp A-hàm 12 của Tiểu thừa[13] thì cho rằng pháp duyên khởi là chân lý vĩnh hằng thực hữu bất biến, chính đức Phật đã nhờ quán sát chân lý này mà giác ngộ, và cũng vì chúng sanh mà khai thị pháp này, theo hai cách quán lưu chuyển và hoàn diệt: về sự thành tựu khổ đau của con người bằng cách nào, và bằng cách nào để hủy diệt chúng? Đức Phật dạy:
«Thế nào là pháp nhân duyên[14]? Là cái này có nên cái kia có, như duyên vô minh nên có hành, duyên hành nên có thức, cho đến, tụ tập thuần một khối khổ lớn như vậy.
“Thế nào là pháp duyên sanh[15]? Là vô minh, hành,… Dù Phật có xuất hiện hay chưa xuất hiện ở thế gian thì pháp này vẫn thường trụ, pháp trụ, pháp giới[16]. Pháp này Như lai đã tự giác tri, thành Đẳng chánh giác, vì người diễn nói, chỉ dạy, hiển bày; rằng: Duyên vô minh có hành, cho đến, duyên sanh nên có già, bệnh, chết, ưu, bi, não, khổ.
“Dù Phật có xuất hiện hay chưa xuất hiện ở thế gian thì pháp này vẫn thường trụ, pháp trụ, pháp giới. Pháp này Như lai đã tự giác tri, thành Đẳng chánh giác, vì người diễn nói, chỉ dạy, hiển bày; rằng: duyên sanh nên có già, bệnh, chết, ưu, bi, não, khổ.
“Các pháp này pháp trụ, pháp không[17], pháp như, pháp nhĩ, pháp chẳng lìa như, pháp chẳng khác như, chân đế, chân thật, không điên đảo. tùy thuận duyên khởi như vậy, đó gọi là pháp duyên sanh[18]. Tức là: vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, não, khổ. Đó gọi là pháp duyên sanh.
“Đa văn Thánh đệ tử đối với pháp nhân duyên và pháp duyên sanh này bằng chánh tri mà thấy rõ như thật, không truy tìm về đời trước[19] mà nói rằng: ‘Tôi trong đời quá khứ hoặc có, hay không có? tôi trong quá khứ là loài gì, tôi trong quá khứ như thế nào?[20] Không truy tìm tương lai mà nói rằng: ‘Tôi ở đời vị lai hoặc có, hay [84b] không có? tôi là loài gì, tôi sẽ như thế nào?’ Bên trong chẳng do dự:[21] ‘Đây là những thứ gì? tại sao có cái này? Trước đây chúng là cái gì? Sau này chúng sẽ là cái gì? Chúng sanh này từ đâu đến? ở đây mất rồi sẽ đi về đâu?[22]
“Nếu các Sa-môn, Bà-la-môn nào khởi các kết sử kiến[23] phàm tục, tức là, kết sử của ngã kiến, kết sử của chúng sanh, kết sử của thọ mệnh, hoặc kết sử của kiến chấp cữ kiêng tốt xấu.[24] Khi tất cả những điều đó được đoạn tận, được biến tri, cắt đứt gốc rễ, như chặt ngọn cây đa-la, ở đời vị lai thành pháp bất sanh. Đó gọi là đa văn Thánh đệ tử đối với pháp nhân duyên và pháp duyên sanh bằng chánh trí mà như thật khéo thấy, khéo tỉnh giác, khéo tu tập, khéo thể nhập.”
Theo các nhà Tiểu thừa thì pháp duyên sinh này dù có Phật ra đời hay không ra đời pháp này vẫn thường trụ, pháp trụ, pháp giới. Pháp này Như Lai đã tự giác tri thành Đẳng chánh giác, vì chúng sanh mà diễn nói chỉ dạy, hiển bày, rằng:
– Chúng sanh từ vô thỉ cho đến nay, vì vô minh hoặc nghiệp các phiền não theo đó mà khởi, nên đối với thật sự, thật lý không nhận thức một cách rõ ràng minh bạch. Đó gọi là vô minh.
– Vì đối với thật sự, thật lý không biết rõ nên tạo ra các tác nghiệp. Đó gọi là hành.
– Khi nghiệp nhân quá khứ mang thần thức đi thác thai trong sát-na ban đầu. Đó gọi là thức.
– Sau khi nhập thai, thì cá thể kia có đầy đủ hai yếu tố là sắc (chỉ cho thân xác), và phi sắc (chỉ cho thọ, tưởng, hành, thức); nhưng lúc này sáu giác quan chưa hoàn thành. Đó gọi là danh sắc. Danh (thọ, tưởng, hành, thức) sắc (chỉ cho xác thịt).
– Sau khi nhập thai xong, sáu giác quan của thai nhi bắt đầu dần dần tăng trưởng hình thành. Đó gọi là lục nhập.
– Sau khi thai nhi ra đời, thời gian từ 1 tuổi cho đến 3 tuổi là thời gian đứa trẻ bắt đầu dùng sáu giác quan (lục căn) của mình tiếp xúc với hoàn cảnh chung quanh (lục trần) của mình để phát sinh biết (lục thức). Trong thời gian này, tuy có sự tiếp xúc, có phát sinh ra biết, nhưng những cảm giác đối với việc khổ việc vui chưa nhận ra rõ ràng minh bạch được. Đó gọi là xúc.
– Khi đứa bé lên 4 tuổi và cho đến 15 tuổi, đây là thời gian đối với những việc khổ, vui đứa bé bắt đầu có cảm giác phân biệt rõ ràng, từ đó sinh ra tri giác; nhưng thời gian này chưa khởi lên tham dục. Đó gọi là thọ.
– Con người theo thời gian càng lớn, ham muốn dục vọng càng tăng trưởng. Lòng dục thúc đẩy (Ý) được thể hiện ra ngoài hành động (thân, khẩu), nhưng vẫn chưa tìm cầu sâu rộng lắm. Đó gọi là ái.
– Khi tuổi hoàn toàn trưởng thành, con người muốn đạt được tất cả mọi thứ mong cầu, nên đi khắp nơi tìm kiếm đem về cho mình. Đó gọi là thủ.
– Vì có sự tìm cầu, chứa nhóm cho mình, nên các hoặc nghiệp cũng từ đó phát sinh. Đó gọi là hữu.
– Do nghiệp lực hiện tại, nên sau khi từ bỏ xác thân này, lại phải tiếp tục dẫn khởi thần thức ở trong sát-na đầu thai vào trong tương lai. Đó gọi là sanh.
– Mỗi sát-na, từ khi sinh cho đến khi từ bỏ thân mạng, giai đoạn thời gian này gọi là lão tử.
Đó là cách quán lưu chuyển hay còn gọi là quán thuận qua mười hai nhân duyên, ngược cách quán này gọi là quán hoàn diệt hay còn gọi là quán nghịch bắt đầu từ vô minh khát ái diệt bằng không tạo ra tác nhân thì thọ quả hành cũng không, … cho đến sanh, lão tử cũng không hiện hữu, và như vậy vòng xích mười hai nhân duyên không còn nữa. Đó là cách giải thích thông thường quán thuận nghịch theo kinh nguyên thỉ của các nhà Tiểu thừa.
Cũng qua mười hai nhân duyên này theo các bộ phái sau này được giải thích thành bốn cách như luận[25] Câu-xá 9 đã giải thích mười hai duyên khởi thành:
1. Sát-na duyên khởi, là một sát-na trong tâm cùng lúc đầy đủ mười hai chi, vì ‹cái này có, cái kia có; cái này sinh, cái kia sinh. Cái này không, cái kia không; cái này diệt thì cái kia diệt.[26] Ở đây theo dạng nhân qủa đồng thời, có nhân là có quả, theo lưu chuyển và, nhân diệt là qủa diệt cùng lúc theo nghĩa hoàn diệt. Do đó sát-na duyên khởi ở đây không lệ thuộc vào thời gian.
2. Liên phược duyên khởi, là trong mười hai chi này duyên khởi không gián đoạn theo quan hệ nhân trước quả sau. Tuy chúng quan hệ liên tục không gián đoạn nhân trước quả sau, nhưng chúng phải tùy thuộc vào thời gian tác nhân đã qua, và thọ qủa sau đó ngay trong hiện tại gần nhất.
3. Phân vị duyên khởi, là căn cứ vào thọ quả hiện tại để tìm cái nhân sinh ra nó, và cũng từ đó căn cứ vào tác nhân hiện tại mà biết quả vị tương lai, như các nhà Hữu bộ đã giải thích về tam thế lưỡng trùng nhân quả của mười hai nhân duyên. Hữu bộ đã dùng 12 chi nhân duyên phân ra quá trình cùng trạng thái lưu chuyển sinh tử của chúng sanh hữu tình biểu thị ngay trong hiện tại để phân chia thành ba đời hai lớp.
4. Viễn tục duyên khởi, sự duyên khởi liên tục 12 chi nhân duyên này không những chỉ một đời, hai đời, ba đời mà còn nhiều đời.
Thật ra trong bốn cách giải thích này, đứng về mặt thời gian tương đối mà chúng ta có những phân tích về chúng như vậy, đó là chúng ta căn cứ vào phân đoạn sinh tử để phân tích và giải thích; nhưng đứng về mặt biến dịch sinh tử thì vấn đề thời gian không được quan niệm và đặt ra, thì khó mà chúng ta những hữu tình chúng sanh có thể nhận ra được. Do đó ở đây chúng tôi chú trọng hơn về mặt thời gian tác động trong hiện tại mà chúng ta có thể chấp nhận được qua sự tác động nhân quả của thập nhị nhân duyên như của Hữu bộ đã chủ trương.
Một đàng qua tác nhân nhận thức mê lầm do vô minh hoặc nghiệp trong quá khứ dẫn khởi đến thọ quả hiện tại, cọng với tác nhân đang tạo ra di hại đến khổ đau tương lai trong ba cõi sáu đường, trong chiều nhân quả hiện khởi hỗ tương lưu chuyển của định luật duyên khởi. Đó chính là nghĩa sinh khởi quán của mười hai chi nhân duyên, hay còn gọi là quán thuận. Một đàng khác, qua tác nhân chánh kiến nhận thức thật sự, thật lý một cách rõ ràng có trí tuệ, nên không tạo ra mê lầm trong tác nhân tạo nghiệp hoặc phiền não trong quá khứ hay trong hiện tại, thì trong hiện tại hay trong tương lai sẽ không nhận thọ quả hoặc nghiệp phiền não khổ đau, và như vậy vòng tròn mắc xích mười hai chi nhân duyên tự diệt. Đó chính là nghĩa hoàn diệt quán của mười hai chi nhân duyên, hay còn gọi là quán nghịch. Đây chính là hai cách quán thuận và nghịch của thập nhị nhân duyên.
Từ hai cách quán này chúng hiện rõ ra nhân quả hai lớp ba đời của thập nhị nhân duyên theo sự phân chia của Câu xá luận 9 dưới đây :
Theo thuyết hai lớp ba đời nhân quả phân vị của Hữu bộ chủ trương thì: Vô minh và hành là chỉ cho phiền não đã tạo nghiệp từ đời quá khứ của chúng sanh hữu tình chỉ cho chánh nghiệp của thân và tâm.
Y vào nhân quá khứ này tâm thức thác sinh vào thai mẹ trong sát-na ban đầu, lúc này phân vị hữu tình là thức. Sang sát-na thứ hai trở về sau là phân vị của danh sắc, tuy lúc này lục căn chưa hoàn bị. Nhưng khi thai nhi ở trong thai mẹ lục căn đã hoàn bị rồi thì lúc này gọi là lục xứ (lục nhập). Sau khi thai nhi ra đời từ một đến ba năm, đứa trẻ có cảm giác tiếp xúc, đó gọi là thời gian phân vị của xúc. Từ 4, 5 tuổi cho đến 14, 15 tuổi là thời gian tánh cảm thọ rất mạnh, đó gọi là phân vị thọ. Từ thức cho đến thọ là năm quả của thời hiện tại.
Sau đó từ 16, 17 tuổi trở về sau cho đến 29 tuổi là thời gian ái dục mãnh liệt, nên gọi là phân vị của ái. Từ 30 tuổi trở về sau tâm tham trước mạnh hơn, nên gọi là phân vị của thủ. Và từ đây, mà tạo nghiệp nên gọi là phân vị hữu. Ba chi này gọi là ba chi nhân của đời hiện tại.
Do nhân này chiêu cảm sanh đời vị lai, nên gọi là phân vị sinh. Và cho đến khi chết đi gọi là phân vị lão tử. Hai chi này là hai quả của đời vị lai.
Đó là quan điểm nhân quả hai lớp ba đời của Hữu bộ giải thích như trên. Trong nhân luôn luôn bao hàm chiêu cảm nghiệp, và quả là khổ, cho nên mười hai duyên khởi câu nhiếp nghiệp cảm khổ ba đường mà nhân quả không bao giờ dừng nghỉ, và không bao giờ có đầu có cuối. Dưới đây là nhân quả hai lớp được chi tiết hóa:
Nhân quả của lớp thứ nhất:
Gồm có bảy chi, và được phân chia theo tác nhân và thọ quả:
– Chi thứ nhất (vô minh, P. avijjā), và chi thứ hai (hành, P. saṃkhārā): Hai chi này thuộc về tác nhân quá khứ.
– Chi thứ ba (thức, P. viññānam) thứ tư (danh sắc, P. nāmarūpam) thứ năm (lục nhập, P. saḷāyatanam) thứ sáu (xúc, P. phasso) thứ bảy (thọ, P. vedāna): Năm chi này thuộc về thọ quả hiện tại.
Nhân quả lớp thứ hai:
Gồm có năm chi, và cũng được phân chia theo tác nhân và thọ quả:
– Chi thứ tám (ái, P. tanhā) thứ chín (thủ, P. upādānam) thứ mười (hữu, P. bhavo): Ba chi này thuộc tác nhân hiện tại.
– Chi thứ mười một (sanh, P. jāti) thứ mười hai (lão tử, P. jarāmaraṇam): hai chi này thuộc thọ quả tương lai.
Theo những phân tích về thập nhị nhân duyên căn cứ theo thời gian phân đoạn, nên có quá khứ, hiện tại, và tương lai qua ba đời và hai lớp nhân quả theo hai cách quán thuận nghịch.
Cũng trong cách quán thuận nghịch này, thì: «theo A-tỳ-đạt-ma tạp tập luận 4, trong truyện Thế tôn thành đạo chứng quả giải thích, Ngài cũng nhờ hai cách quán này mà khai ngộ. Đã y cứ vào vô minh, theo thứ tự thuận quán về sự sinh khởi của mê, gọi là tạp nhiễm thuận quán; và ngược lại từ lão tử, theo thứ tự nghịch quán thiết lập khổ, tập, diệt, đạo của tứ đế mà nói về sự sinh khởi của mê, gọi là tạp nhiễm nghịch quán, để thiết lập hai cách quán thuận nghịch dành cho lưu chuyển quán. Và hoàn diệt quán thì lập ra hai cách quán thuận nghịch cho mười hai nhân duyên. Từ vô minh diệt thì hành diệt thuận xuống đến lão tử, gọi là thanh tịnh thuận quán; và từ lão tử diệt thì sinh diệt và ngược lên đến vô minh diệt, gọi là thanh tịnh nghịch quán.[27]» Có lẽ trong A-tỳ-đạt-ma tạp tập luận giải thích về hai cách quán thuận nghịch như trên, là căn cứ vào sự kiện từ thập nhị nhân duyên đức Phật giác ngộ và, sau đó Ngài triển khai ra giáo lý tứ đế để nhờ đó, không những giải thoát được khổ đau mà còn đạt được an vui Niết-bàn qua tu tập bát chánh đạo. Thật ra giữa thập nhị nhân duyên và tứ đế chúng không phải là một, nhưng chúng cũng không phải khác. Do đó tuỳ theo pháp vị của chính chúng mà chúng ta đánh giá về tác dụng của chúng. Theo đức Phật thì Thập nhị nhân duyên là pháp tu dành cho các hàng Duyên Giác, còn tứ đế dành cho các hàng Thinh văn. Ở đây đức Phật cũng tuỳ theo căn cơ của hành giả mà có pháp vị để hoàn thành khế cơ khế lý cho mỗi chúng sanh trong việc trao truyền chánh pháp của Ngài.
Do đó, bây giờ việc sinh tử của chúng ta không còn là một bí mật không còn là bất khả tri nữa, mà việc từ đâu sinh ra? chết sẽ đi về đâu? Nó rõ ràng minh bạch hiện thực như bóng hiện trong gương. Ngay trong hiện tại, trong sắc thân này, trong gia đình này, trong xã hội này, trong châu lục này, trong cõi ta-bà này, trong hệ hành tinh này. Nếu chúng ta muốn biết sự hiện hữu của ta và mọi người ở nơi đâu, qua liên hệ nhân quả duyên khởi trong thọ quả hiện tại, thì chúng ta cũng có thể biết được kiếp trước chúng ta đã làm gì? đã ở đâu? đã tạo những nghiệp nhân nào trong quá khứ? qua sự thể hiện thọ quả trong hiện tại này. Và cũng từ đây, trong hiện tại chúng ta cũng có thể biết mình sau khi chết sẽ đi về đâu qua tác nhân hiện tại, mà chúng ta đã tạo ra, chúng sẽ quyết định. Vì vậy cho nên, nếu chúng ta muốn biết nhân đời trước của chúng ta ra sao thì cứ nhìn vào thọ quả trong hiện tại, và muốn biết quả báo trong tương lai như thế nào thì cứ nhìn vào việc làm hiện tại của chúng ta, thì chúng ta sẽ rõ. Việc sống và chết của chúng ta, vì chúng liên hệ nhân quả duyên khởi đến nghiệp nhân và nghiệp quả của biệt nghiệp cá nhân và cộng nghiệp xã hội, nên qua sự thể hiện sống chết này chúng ta có thể đánh giá được tác nhân xấu tốt của cá nhân đó, trong xã hội đó, mà không sợ sai lầm trong nhận thức phân biệt. Do đó việc tạo nhân trong hiện tại chúng sẽ quyết định cho thọ quả khổ đau hay an vui trong tương lai, chúng tuỳ thuộc vào tác nhân hiện tại của chúng ta tốt hay xấu. Chính vì tác nhân hiện tại chúng sẽ chuyển biệt nghiệp và cộng nghiệp theo nghiệp nhân thiện ác sinh khởi và hoàn diệt theo nghĩa nhân quả, nên việc làm chủ tác nhân cho mọi hành động của chính mình, chúng ta có thể kiểm soát được qua sự tu tập. Đó là việc chúng ta nên làm qua việc lựa chọn lánh ác làm lành trong hành động của mình. Vì tác nhân hiện tại của chúng ta, chúng sẽ trở thành thứ chủng tử di truyền làm nhân quá khứ cho thọ quả trong tương lai, và chúng sẽ di hại đến thọ quả trong tương lai, nếu tác nhân đó là bất thiện, nên chúng ta phải cẩn thận trong hành động trong việc lựa chọn thiện và bất thiện. Và nếu chúng ta muốn tiến xa hơn nữa trong việc muốn giải thoát khỏi khổ đau trong sống chết thì chúng ta không nên làm, tức là không tạo ra bất cứ tác nhân nào dù là tác nhân thiện đi nữa, thì chúng ta sẽ không chịu thọ quả. Đó chính là con đường vượt qua khỏi khổ đau trong sống chết của pháp hoàn diệt quán. Những quan điểm giải thích về thập nhị nhân duyên của các bộ phái Tát-bà-đa (Hữu bộ), Tuyết Sơn, Đa Văn, Hoá Địa thuộc Tiểu thừa về sự thực hữu của các pháp qua thập nhị nhân duyên, và dựa vào tam pháp ấn vô thường, khổ, vô ngã mà chủ trương nhơn không (S. pudgalaśūnyatā) pháp hữu (tam thế thật hữu, pháp thể hằng hữu) của họ, nên sự kiện giác ngộ qua thập nhị nhân duyên được họ giải thích theo những thủ đắc của họ có được qua những lời dạy của đức Phật như những giải thích ở trên.
Nhưng đối với các nhà Kinh bộ cũng thuộc Tiểu thừa, thì họ không tán đồng thuyết của Hữu bộ về sự thật hữu của các pháp qua nhân quả hai lớp ba đời của thập nhị nhân duyên. Kinh bộ đã phủ nhận quan điểm này, và chỉ chấp nhận có tâm cùng tứ đại là thật tại, và chỉ có hiện tại mới là thật hữu, còn quá khứ thì đã đi qua, và tương lai thì chưa đến, và ngay đến hiện tại cũng chưa chắc đã tồn tại, mà ít nhất chỉ có sự tồn tại của một thứ chủng tử mà thôi. Và cũng từ đây chính là khởi nguyên của thuyết chủng tử của Duy thức, và cũng là cơ sở phát triển Trung quán và các nhà Đại thừa sau này, bằng cách phủ định tất cả mọi sự hiện hữu các pháp được gọi thực hữu của các phái Tiểu thừa nói trên.