Đường Đến An Bình Thật Sự

Điều đặc biệt đối với Phật Giáo là Đức Phật cho chúng ta sự tự do để đặt câu hỏi đối với những ngôn từ của chính Ngài. Đức Phật đã nói một cách rõ ràng rằng tất cả những Tì kheo và người thông tuệ nên thẩm tra những ngôn từ của Ngài giống như một người thợ kim hoàn kiểm tra vàng bằng việc đánh bóng, cắt gọt, và đặt nó trong lửa. Ngài yêu cầu mọi người không được chấp nhận những giáo huấn của Ngài hoàn toàn từ niềm tin.

– Phương pháp chuyển hóa tâm thức của Đạo Phật không chỉ là một vấn đề niềm tin mà cũng là một niềm tin đạt đến được qua thiền phân tích. Vì thế, khảo sát là rất cần yếu.

– Nhằm thực hiện một sự khảo sát để chuyển hóa tâm thức, chúng ta cần một thái độ hoài nghi.  Chúng ta không chỉ chấp nhận các vấn đề trong một niềm tin mù quáng.  Chủ nghĩa hoài nghi đưa đến những câu hỏi, và câu hỏi kêu gọi một sự khảo sát.

– Sự khảo sát bằng thiền quán phân tích và qua đấy chúng ta đạt đến một sự tỉnh thức trong sáng hơn: một hình ảnh trong sáng hơn của thực tại.  Điều này phát sinh sự thuyết phục vững chắc.  Chỉ qua sự thuyết phục vững chắc mà sự chuyển hóa tinh thần có thể xãy ra.

– Cái đầu hay bộ óc chúng ta giống như một phòng thí nghiệm.  Sự thông tuệ của con người là đặc biệt và khác biệt với những chủng loại có vú khác.  Sự thông tuệ như thế là một khí cụ.  Vì thế, trong phòng thí nghiệm của não bộ, sự thông tuệ của con người hay khả năng thông thái được sử dụng như một khí cụ để thẩm tra những cảm xúc khác nhau, và rồi thì tiến hành những sự thể nghiệm trên một cấp độ cảm xúc.  Điều này có thể làm cho chúng ta chuyển hóa những cảm xúc của chúng ta.

– Theo một số nhà khoa học, cảm xúc không nhất thiết là tiêu cực.  Cảm xúc là một cảm nhận rất mạnh mẽ.  Trong khi một số cảm xúc là tàn phá,  thì những cảm xúc khác là xây dựng.  Trong một gặp gở với những nhà khoa học, chúng tôi đã kết luận rằng  có những cảm xúc ngay cả trong tâm của Đức Phật.  Có một cảm giác mạnh mẽ của việc quan tâm và từ bi và cũng là sự thân chứng tính không.

– Lúc ban đầu, chỉ có một cảm nhận mơ hồ của tính không.  Tại một trình độ, không có cảm xúc, nhưng một khi chúng ta trở nên quen thuộc hơn với tính không, rồi thì cảm nhận ấy sẽ tăng lên.  Tại một trình độ nào đó, sự thân chứng tính không cũng trở thành một loại cảm xúc.  Do vậy, trong sự thực hành phát triển tuệ trí và yêu  thương ân cần / từ bi, chúng ta sẽ làm mạnh lên những phẩm chất nội tại và rồi thì đạt đến một thể trạng nơi mà chúng ta có một đợt bộc phát của cảm giác gọi là cảm xúc.  Chúng ta có thể thấy một cách rõ ràng sự nối kết này giữa thông tuệ và cảm xúc.  Thế nên, não bộ và trái tim có thể đi bên cạnh nhau.  Tôi nghĩ đây là sự tiếp cận của Đạo Phật.

– Điều đặc biệt đối với Phật Giáo là Đức Phật cho chúng ta sự tự do để đặt câu hỏi đối với những ngôn từ của chính Ngài.  Đức Phật đã nói một cách rõ ràng rằng tất cả những Tì kheo và người thông tuệ nên thẩm tra những ngôn từ của Ngài giống như một người thợ kim hoàn kiểm tra vàng bằng việc đánh bóng, cắt gọt, và đặt nó trong lửa.  Ngài yêu cầu mọi người không được chấp nhận những giáo huấn của Ngài hoàn toàn từ niềm tin.

– Có hai khía cạnh đối với tôn giáo:  một là sự rèn luyện tâm thức, và thứ đến là triết lý.  Trong dạng thức của sự rèn luyện tâm thức, tất cả những tôn giáo quan trọng là giống nhau.  Tất cả cùng có khả năng giống nhau để chuyển hóa tâm thức con người.  Một sự biểu hiện rõ ràng của điều này là tất cả những truyền thống tôn giáo quan trọng chứa đựng thông điệp của từ ái, bi mẫn, tha thứ, toại nguyện, và kỷ luật tự giác.  Thông điệp là giống nhau, nhưng trong một số trường hợp, ý nghĩa có thể hơi khác nhau do bởi triết lý của họ khác nhau.

– Có thể có những sự khác biệt quan trọng trong triết lý của những tôn giáo khác nhau nhưng chúng ta không thể nói rằng tôn giáo này tốt hơn tôn giáo kia.  Tất cả có cùng khả năng để chuyển hóa tâm thức.  Tuy thế, mỗi chúng ta có một thiên hướng tinh thần khác nhau.  Vì thế, chúng ta thấy có nhiều phương pháp khác nhau để tiếp cận.  Tuy vậy, kết quả hay tác dụng là giống nhau nhiều hơn hay ít hơn.

– Do vậy, chúng ta không thể nói rằng tôn giáo này hay tôn giáo kia là tốt hơn.  Một thái độ như vậy cho phép chúng ta phát triển sự tôn trọng đối với những truyền thống tôn giáo quan trọng khác.  Hàng triệu người đã từng được truyền linh cảm bởi những truyền thống khác nhau trong quá khứ.  Nó có thể giúp họ hướng đến một đời sống đầy đủ ý nghĩa.  Trong tương lai, hàng triệu người sẽ tiếp tục được truyền cảm hứng và, như một kết quả, đời sống của họ cũng sẽ trở nên đầy đủ ý nghĩa hơn và tràn đầy với từ bi.  Tuy thế, về phía triết lý chúng ta có thể nói rằng triết lý này là phức tạp hơn hay triết lý nọ là đơn giản hơn.

– Trong người Phật Giáo, chúng tôi nói về bốn pháp ấn hay bốn chân lý của Đạo Phật.  Đây là:

1-     Tất cả những hiện tượng do duyên sinh là vô thường (chư hành vô thường);

2-      Tất cả những hiện tượng nhiễm ô là khổ đau (nhất thiết hành khổ);

3-     Tất cả những hiện tượng là vô ngã và trống không (chư pháp vô ngã);

4-      Niết bàn là hòa bình (niết bàn tịch tĩnh).

– Trong trường hợp của những đối tượng chẳng hạn như vô thường hay vô ngã, chúng có thể được lĩnh hội và nhận thức bởi tâm thức, nhưng đồng thời, không có một sự tồn tại được làm cho có thể từ phía chính chúng, [chúng vốn là vô tự tánh].

– Tất cả những hiện tượng hiện hữu có thể được phân biệt thành hai đặc trưng:  những hiện tượng hiện hữu và những đối tượng không hiện hữu.  Khi chúng ta nói về một đối tướng hiện hữu, nó được quyết định trong ý nghĩa rằng có một ý thức thấu hiểu nó, nhận thức nó.  Trong trường hợp của một đối tượng không hiện hữu, nó là điều gì đấy không thể nhận thức hay lĩnh hội bằng bất cứ loại ý thức nào.

– Trong vũ trụ của tâm thức, cho dù đấy là một tâm thức tiêu cực hay tích cực, một cảm xúc tích cực hay tiêu cực, trong cả hai trường hợp, có hai nhân chính.  Đây là, thứ nhất, nhân bản thể đáp ứng cho sự sản sinh thực thể của chính bản chất tự nhiên của tâm thức, và thứ hai, nhân phối hợp, hay nhân phụ là một loại nhân tố gián tiếp tạo điều kiện cho một loại tâm thức có cơ hội sinh khởi.

– Một cách căn bản, có hai cấp độ của ý nghĩa vô thường:  vô thường trong cấp độ thô, và vô thường trong bản chất tự nhiên vi tế hơn của hiện hữu.  Cấp độ thô hơn của vô thường liên hệ đến những thể trạng nhất thời của một đối tượng trong ý nghĩa hoại diệt đối với sự tương tục của nó.  Khi chúng ta nói về vô thường vi tế, nó có ý nghĩa trong sự hoại diệt nhất thời hơn là trong dạng thức tương tục của nó.

– Bất cứ nguyên nhân nào mà nó là một kẻ sản sinh ra một kết quả, đến lượt nó, là một kết quả của chính nguyên nhân của nó.  Sự chu biến là ở đấy.  Chu biến có nghĩa là tất cả những nguyên nhân sản sinh luôn luôn là kết quả của chính những nguyên nhân của nó.  Do thế, mối quan hệ nguyên nhân/ hệ quả hay luật nhân quả là một vòng tương tục.

– Khi chúng ta nói tất cả mọi thứ nhiễm ô là khổ đau, chúng ta muốn nói những đối tượng đó hoặc là được sản sinh bởi những cảm xúc phiền não hay lệ thuộc trên chúng.

– Để thấu hiểu tất cả những hiện tượng nhiễm ô là khổ đau trong bản chất, chúng ta phải thấu hiểu ba trình độ của khổ đau.  Thứ nhất là khổ đau của khổ đau (khổ khổ), rồi thì khổ đau của thay đổi (hoại khổ), và cuối cùng đó là khổ đau điều kiện hóa cùng khắp (hành khổ).  Khi chúng ta nói về tất cả những hiện tượng như khổ đau, chúng ta liên hệ đến trình độ thứ ba của khổ đau: khổ đau điều kiện hóa cùng khắp.  Điều này hoạt động như nền tảng cho hai trình độ khổ đau kia.

– Sự kiện đơn thuần của việc lệ thuộc trên nguyên nhân và điều kiện để phát sinh ra những cảm xúc phiền não.  Theo định nghĩa, những thứ đó ở trong bản chất của khổ đau.

– Chúng tôi muốn nêu ra gì khi nói rằng tất cả những hiện tượng là trống rỗng và vô ngã?  Có những quan điểm bất đồng về điều này trong bốn trường phái tư tưởng của Đạo Phật.  Ý nghĩa của vô ngã được chấp nhận chung trong tất cả những trường phái tư tưởng Phật Giáo (ngoại trừ một ít nhóm trong những phân phái của Tỳ Bà Sa Luận Bộ) là sự vắng bóng của một con người độc lập và tồn tại một cách thực chất.

– Những trường phái chấp nhận con người như tồn tại độc lập về thực chất cũng thừa nhận rằng có một loại linh hồn hiện hữu riêng biệt với những tập hợp uẩn và tinh thần (thân và tâm).  Họ thêm rằng loại linh hồn này hay con người đến từ kiếp trước vào kiếp này và rồi sẽ tiếp tục đi đến kiếp sau.  Tất cả những trường phái  Phật Giáo phủ nhận sự tồn tại của một tự ngã như vậy.

– Trong đời sống hàng ngày của chúng ta, nhiều tư tưởng phóng túng, quấy rầy, tiêu cực sinh khởi bởi vì bốn loại nhận thức sai lầm.  Thứ nhất, chúng ta có khuynh hướng thấy những gì vô thường là thường; thứ hai, chúng ta có khuynh hướng nhận thức những gì bất tịnh như thanh tịnh và như điều gì đấy có một bản chất hay quan trọng;  thứ ba, chúng ta có thiên hướng thấy những con người vô ngã như có sự tự tồn tại; và thứ tư, chúng ta rất có thể xem những gì trong bản chất khổ đau như một cội nguồn của hạnh phúc và hòa bình.

– Những người muốn nữa và thêm nữa, bất hạnh thay, luôn luôn tiếp tục cố gắng để có thêm tài sản nhằm để sử dụng tài vật.  Xa hơn nữa, họ không bao giờ nghĩ về cái chết hay sự giới hạn của thân thể và đời sống của chúng ta.  Vì thế lối sống này, tích lũy tài sản một cách liên tục, làm cho chúng ta cảm thấy giống như chúng ta chất chứa và tích lũy tài sản, như  sự sống của chúng ta sẽ không ngừng tiếp diễn mà không chạm trán với cái chết và chúng ta sẽ có thể thụ hưởng sự giàu sang ấy mãi mãi.

– Khi chúng ta tiếp tục tích lũy sự giàu sang và những thứ giành được mà không có sự toại nguyện, kết quả sẽ là gì?  Chúng ta không thời gian để thư giản thân thể vật lý hay sự hòa bình của tâm hồn.  Tôi nghĩ rằng nguyên nhân chính của việc chúng ta mong cầu sự giàu sang và quyền lực hơn là để có một loại thõa mãn nào đấy.  Ngoại trừ chúng ta có một thái độ tinh thần thích đáng, không thì chúng ta chỉ đang tìm cầu cho một loại mãn nguyện nào đấy.

– Một khi chúng ta nhận ra rằng khổ đau chính là bản chất của hiện hữu, nó sẽ giúp chúng ta giảm thiểu khao khát vô lý của chúng ta đối với mọi thứ.

– Đức Phật đã thuyết giảng về Bốn Chân Lý Cao Quý.  Nếu quý vị thiền tập trên hai chân lý khổ đau và nguyên nhân của nó, sự băn khoăn và rầu buồn của quý vị gia tăng.  Nhưng quý vị thấy đấy, Đức Phật không dừng lại ở đấy.  Có hai chân lý nữa: sự chấm dứt khổ đau và con đường hay phương pháp để đạt đến sự chấm dứt ấy.  Đức Phật đã bắt đầu bằng giải thích rằng chính bản chất của sự tồn tại là khổ đau, nhưng cùng lúc, Ngài cũng đã chỉ rằng có một sự thay đổi.

– Vậy thì mục tiêu chính của việc thiền quán trên khổ đau là để trau dồi một lòng quyết tâm để đạt đến niết bàn.  Nếu quả không có khả năng để đạt đến niết bàn, thì tốt hơn là đừng nghĩ về khổ đau và thay vì thế chỉ thoải mãi rượu chè, hay bất cứ thứ gì quý vị thích.  Thế đó sẽ khá hơn nhiều.  Tuy nhiên, nếu có một sự thay đổi, một khẩ năng để loại trừ những tình trạng rắc rối này của tâm thức và cảm xúc, thì thật sự đáng để thực hiện một nổ lực.  Đó là việc rèn luyện tâm thức như thế nào.

– Sự thực tập về từ bi, có ý thức về người khác, lợi lạc vô biên cho chính chúng ta.  Dĩ nhiên, cuối cùng, những chúng sinh khác cũng được lợi ích.  Do thế, Đại Sư Tông Khách Ba nói một cách đúng đắn rằng, khi chúng ta phát triển từ bi và vị tha, sự tập trung chính yếu của chúng ta là làm lợi ích và giúp đở người khác, nhưng đấy là quý vị, người thực hành, sẽ nhận được những lợi lạc lớn lao nhất.

– Việc thực hành và thiền quán về từ ái và bi mẫn hoàn thành mục tiêu cho đời sống của chúng ta và cho những chúng sinh khác.  Sự thực hành và thiền quán như vậy, những điều làm cho tâm thức chúng ta quen thuộc với việc việc trau dồi từ ái và bi mẫn, không phải là điều gì đấy nên giới hạn chỉ trong những người tín ngưỡng.  Ngay cả những người không tín ngưỡng, thật cực kỳ quan trọng để phát triển một thói quen và những phẩm chất tích cực như vậy của tâm thức.  Nó mang đến hạnh phúc cho chúng ta và hạnh phúc hay hòa bình cho những chúng sinh khác.  Nó liên hệ tương quan và phụ thuộc hoàn toàn trên việc phát triển từ ái và bi mẫn.

– Thực hành từ bi, quan tâm đến người khác và chia sẻ những rắc rối của họ, là đặt nền tảng cho một đời sống hạnh phúc không chỉ ở trình độ cá nhân, hay cộng đồng mà cũng là cho toàn thể nhân loại.  Vì thế, thúc đẩy những giá trị căn bản này của nhân loại là rất quan trọng.  Cũng thế, đấy là trách nhiệm cho mỗi  người bởi vì tương lai của nhân loại là hoàn toàn nằm trong tay chúng ta.

– Như những người Phật tử, chúng ta tin tưởng trong cầu nguyện, thiền tập, và sự gia hộ của các bậc cao siêu.  Có những bậc cao siêu có khả năng để gia hộ nhưng tác động giới hạn.  Có vô số Chư Phật và Bồ Tát luôn luôn cầu nguyện cho chúng ta, nhưng, tuy thế, điều kiện của chúng ta vẫn hoàn toàn khó khăn.  Chúng ta vẫn ở trong cõi luân hồi sinh tử.  Vì thế tôi luôn luôn nói với những người anh chị em của tôi rằng hành động là quan trọng hơn cầu nguyện.  Chúng ta  phải thực hiện một nổ lực.

– Đôi  khi, tôi nghĩ rằng nói về từ bi chỉ đơn thuần là phụng sự bằng đôi môi.  Tôi thật sự cảm phục những cá nhân hay đoàn thể nào liên hệ trong việc giúp đở những người bần cùng và hoạt động trong lãnh vực giáo dục, v.v…  Những người này đang áp dụng từ bi trên một trình độ thực tiển.  Tôi chỉ ngồi đây trên một bảo tòa thoãi mái và nói về từ bi!  Có lẽ đây là đạo đức giả.

– Hành động là rất quan trọng.  Nhằm để có thể áp dụng một hành động không mệt mõi, chúng ta cần một lòng quyết tâm kiên cố.  Chúng ta phải nên có một cái nhìn rõ ràng về mục tiêu của chúng ta.  Điều này sẽ cho phép chúng ta thực hiện một nổ lực tự nhiên và không mệt mõi.  Nếu những mục tiêu không rõ ràng, hay có một sự mờ mịt nào đấy, rồi thì những phương pháp chướng ngại sẽ được sử dụng và điều này thậm chí sẽ tạo nên rối rắm hơn!

– Qua học hỏi những nhận thức triết lý Phật Giáo, chúng ta có thể phát triển một lối mòn sáng tỏ trên bản đồ.  Rồi thì chúng ta sẽ biết cất bước như thế nào để đến nơi.

– Chỉ phấn đấu cho sự sống còn của chính mình là không đủ.  Những con voi có khả năng để sống còn.  Tương tự thế, thú vật và côn trùng có một loại bản năng cho sự tồn tại của chúng.  Như là con người chúng ta có sự thông minh kỳ diệu này.  Sử dụng điều này cho sự tồn tại của một người là lãng phí.  Thay vì thế, đây là tặng phẩm của thông minh nên được dùng cho chủ nghĩa vị tha.  Rồi thì đời sống của chúng ta sẽ thật sự trở nên đầy đủ ý nghĩa.

– Theo quan điềm của Đạo Phật, đời sống của chúng ta trên hành tinh này kéo dài tối đa là một trăm năm.  Nó giống như một chuyến nghĩ hè du lịch.  Từ những chiều sâu của không gian huyền bí, chúng ta đến đây để ở lại chỉ một trăm năm thôi.  Khi chúng ta so sánh với hàng tỉ và hàng tỉ năm của ánh sáng, chúng ta tồn tại một trăm năm là quá tầm thường!

– Sử dụng đời sống con người ngắn ngủi này để tạo thêm rắc rối và khổ đau là vô lý và vô nghĩa.  Nếu một khách du lịch người Âu hay Mỹ đến Ấn Độ trong chỉ một tuần và trong thời gian ấy tạo nên rắc rối bất cứ nơi nào họ đến, điều đó sẽ là vô vị và ngớ ngẫn.  Tương tự thế, chúng ta đã đến hành tinh này trong một cuộc viếng thăm ngắn ngủi, vì vậy lần này phải nên được sử dụng một cách đầy đủ ý nghĩa.  Điều này có nghĩa là giúp đở người khác bất cứ nơi nào có thể.  Nếu quý vị không thể hổ trợ người khác, thì đừng nên tạo đớn đau hay khổ sở cho kẻ khác.

– Để phát sinh tâm giác ngộ, tôi muốn chúng ta đọc ba bài kệ này ba lần cùng với nhau:

Với nguyện ước giải thoát tất cả chúng sinh
Con luôn luôn tiếp nhận quy y
Trong Phật, Pháp, và Tăng
Cho đến khi đạt được sự giác ngộ hoàn toàn

Được làm cho nhiệt tình bởi tuệ trí và từ bi
Hôm nay trong sự hiện diện của Chư Phật
Con phát sinh tâm vì sự tỉnh thức hoàn toàn
Vì lợi ích của tất cả chúng sinh

Cho đến khi không gian còn hiện hữu
Cho đến khi chúng sinh còn tồn tại
Cho đến lúc ấy, con nguyện cũng sẽ hiện diện
Và xua tan những khổ đau của thế gian.

Những người muốn thực hành lòng vị tha (và, dĩ nhiên là những Phật tử) phải nên đọc những điều này như một phần trong sự cầu nguyện hàng ngày của họ.  Chúng ta phải thiền quán trên những điều này, đặc biệt là bài kệ cuối.  Tất cả ba bài kệ này là một phần trong sự cầu nguyện và thiền quán hàng ngày của tôi.  Mỗi ngày, tôi  lập lại và thiền quán trên những dòng này.  Bài kệ chót rất năng lực.  Khi tôi gặp phải những tình cảnh không vui hay có những cảm xúc phiền não tiêu cực, tôi nhớ lại điều này.  Tôi lập lại và rồi quán chiếu.  Điều này lập tức khôi phục sự hòa bình trong tâm thức tôi.  Rất hữu dụng.  Ngay cả những người không Phật tử có thể nghĩ về câu cuối cùng.
Trích từ bài The Four Seals in Buddhism của quyển Many Ways to Nirvana

Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma, Trích dịch: Tuệ Uyển

http://www.daophatngaynay.com/vn/phat-phap/giao-phap/niet-ban/12621-Duong-Den-An-Binh-That-Su-1-.html

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.