Vài cảm nhận khi đọc lại Đạt Ma Huyết Mạch Luận phần thứ sáu trong “Sáu cửa vào Động Thiếu Thất”.
Gần đây khi xem THIẾU THẤT LỤC MÔN (Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải-Nhà xuất bản Tôn Giáo, Hà Nội 2009) trên mạng Phật Giáo Điện tử và xem lại “Sáu cửa vào Động Thiếu Thất của HT Thích Thanh Từ” được ấn tống vào năm 1996, không hiểu sao bổng nhiên tôi muốn tóm tắt lại chỉ một cửa thứ sáu thôi “ Đạt Ma Huyết Mạch Luận” để tiện việc ghi chú vào vào sổ tay hầu cuối tuần có dịp ôn lại và ngẫm nghĩ sâu sắc hơn.
Hơn thể nữa dường như năm cửa kia các Giảng sư về Tổ Sư Thiền và các tông môn phái khác đã giải nghĩa rất nhiều duy chỉ cửa thứ sáu còn lạ và mới đối với những người sơ cơ lắm như tôi.
Vừa vào đầu tập sách “ Sáu cửa vào Động Thiếu Thất” có hai bài thơ của Đại Trưởng Lão HT Thích Thanh Từ đã đánh thức tâm linh tôi một cách mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Kính mời quý đạo hữu cùng xem nhé
BÀI THƠ TẶNG BẠN ( mùa hạ 1992 )
Bạn biết chăng cuộc đời đầy đau khổ ?
Bởi con người mãi gieo rắc hận thù
Gây tang thương, gây tang tóc hận thù
Rốt cuộc chỉ còn là cơn ác mộng
Nào lợi danh, nào tài sắc
Từ xa nhìn chúng óng ánh lung linh
Bọn mình đưa nhau trang giành đuổi bắt
Nắm được rồi nhìn lại … chỉ tay không
Chúng vốn là những chùm bọt trên sông
Còn chi đâu chỉ tôi công nhọc sức
Trời trong mây trắng, gió mát trăng thanh
Vườn cây xanh rờn,khóm hoa cười mỉm
Nhạc dế nhẹ nhàng, giọng chim thảnh thót
Chính nơi này đã hiện rõ chân nhân
Hận ngàn năm đều tan nát trong mơ
Đâu còn nữa những khổ đau buổi trước
Muốn thấy nó bạn đừng theo vọng tưởng
Niệm lăng xăng chìm lắng … biển thanh bình
Đến đây rồi hạnh phúc khó thưa trình
Chỉ xem thấy nụ cười luôn hé nở
CUỘC ĐỜI QUA MẮT TÔI ( tháng sáu 1984 )
Chiếc thân tứ đại khói
Sinh hoạt thế gian mây
Thành công khói nước đá
Thất bại chùm bọt tan
Nhục vinh bong bóng nước
Thương ghét hạt sương mai
Khổ vui trong giấc mộng
Lành dữ bóng chim bay
Tháng ngày cái chớp mắt
Còn mất nước trăng lay
Chung cuộc cơn gió thoảng
Viên mãn bầu trời trong
Và sáu cửa đó là :
1– Cửa thứ nhất là Tâm kinh tụng
2– Cửa thứ Hai gọi là Phá Tướng Luận
3– Cửa thứ Ba gọi là Nhị Chủng Nhập
4– Cửa thứ Tư gọi là Pháp Môn An Tâm
5– Cửa thứ Năm gọi là Ngộ Tánh Luận
6– Cửa thứ Sáu gọi là Huyết Mạch luận.
Như đã nói trên vì bài viết này chỉ chú trọng vào của thứ sáu Huyết Mạch Luận nhưng cũng xin ghi chép lại tóm tắt của 5 cửa trước theo lời chú giải của HT Thích Thanh Từ như sau:
1- Cửa thứ Nhất – Tâm kinh Tụng
Đây lời tóm tắt của HT Thích Thanh Từ trong phần kết luận trang 246/ Sáu cửa vào động Thiếu Thất.
– Cửa thứ nhất là cửa Bát Nhã, mà muốn bước vào cửa Thiền là phải theo cửa Bát Nhã để vào, Bát Nhã chính là Chân Tâm chỉ cho chúng ta nhận rằng cái Tâm ấy nó gồm hết tất cả pháp thế gian và xuất thế gian. Chơn Tâm đó là chỗ miên viễn an lành. Ai không biết trở về chỗ đó thì dù có đi tìm khắp nơi rốt cuộc cũng không tìm được Đạo.
Chư Bồ Tát và Chư Phật đều nương nơi Tâm ấy thành Bồ đề và cái tâm ấy đầy đủ diệu dụng cũng như muôn ngàn thần chú của Ấn Độ, và đó cũng chính là toát yếu của bài Bát Nhã Tâm kinh.
2- Cửa thứ Hai: PHÁ TƯỚNG LUẬN
Lời kết luận của HT Thích Thanh Từ trang 247 / Sáu cửa vào Động Thiếu Thất.
Đường lối của Tổ giống hệt như một nhà cách mạng , trước tuyên dương chủ đích của mình nhắm đó là Trí Tuệ Bát Nhã sau đó phải phá cái VÔ CHẤP đó là CHẤP TƯỚNG TU HÀNH mà không thấy được cứu cánh của người tu. Vì với những hình thức đó thì làm sao thành Phật, nếu không dẹp hết các tướng hình thức đó thì làm sao trở về Tâm được.
3- Cửa thứ Ba: NHỊ CHỦNG NHẬP ( hai thứ vào )
Lời kết luận của HT Thích Thanh Từ trong Sáu cửa vào Động Thiếu Thất / trang 248 và trang 111 .
Cửa thứ ba là cửa mới bắt đầu bước vào. Vào từ hình thức Sự mới đi tới Lý.
Lý nhập là mình phải nhận ra cái lý pháp là bản tâm, sau đó phải nương nơi sự là phá tướng rồi để nhập vào.
Muốn vào Sự thì phải trừ chướng của Đạo đó là sự khổ và vui và sẽ dứt được tâm vọng cầu để sống hợp với tự tánh của mình để tự giải thoát.
Tới cửa thứ ba này là bắt đầu vào cuộc sống mà trước nhất phải tránh được 2 duyên đến với chúng ta đó là lánh khổ và cầu vui và phải nhận định chắc chắn nếu ta không làm chủ được khổ, vui này ta sẽ vướng mắc vào nó làm chướng đạo vì thế HT khuyên chúng ta để ý đến hạnh “báo oán”và hạnh” tuỳ duyên” sẽ sinh sau đó tiến tới hạnh “không cầu” và hạnh “xứng pháp “.
Nghĩa là đi từ Sự vào Lý và đó chỉ là giao thời của Sự bước qua Lý chứ chưa phải đi sâu vào trong để thấy ra bản tâm mình.
4- Cửa thứ Tư : Pháp môn An Tâm
Lời tóm tắt kết luận về cửa thứ Tư của HT Thích Thanh Từ trang 129, 248 / Sáu Cửa vào ĐỘNG Thiếu Thất.
Tới pháp môn An Tâm là Tổ Đạt Ma đã bắt đầu chỉ thẳng cho mình đừng bị kẹt vào pháp đối đãi vì đó là còn ở trong sinh diệt, mà còn ở trong sanh diệt là còn vọng tưởng. Do vậy muốn an tâm là phải dứt đối đãi, tức là không còn vướng mắc giữa Thiện-Ác, Mê-Ngộ, Ngu-Trí, Thánh-Phàm vậy.
5- Cửa thứ Năm : Ngộ Tánh Luận
Lời tóm tắt kết luận về cửa thứ Năm của HT Thích Thanh Từ trang 194, 249 / Sáu cửa vào ĐỘNG Thiếu Thất.
Đến đây Tổ chỉ cho mình thấy thẳng cái bản tánh của mình để an trụ vào đó.
Nhận ra bản tánh đó là pháp môn an tâm và cũng là kiến thiết nó.
Người ngộ được Tánh rồi thì không nghĩ tới việc trước sau, quên hết việc trước, việc sau không thèm bàn tới, hiện tại cũng không đổi dời nữa, chỉ luôn niệm suốt năm canh lúc nào cũng hướng về chân như tam muội .Đó tức là trở về với Đạo .
Tổ có 5 bài kệ từ canh một đến canh năm ( kính mời xem sách ).
Lời nói đầu trước khi vào của thứ sáu Huyết Mạch Luận ( Luận thẳng vào mạch máu người Tu ).
Cũng xin thưa rằng vì đã có thời gian hai năm dài trong mùa đại dịch nên đã được chú tâm nghiền ngẫm về Tổ sư Thiền với 33 Tổ Sư từ Ấn Độ sang Trung Hoa và tiếp theo lại được nghe Ngài Đạt Ma có kệ truyền lại:
“Pháp ta truyền đến xứ này,
Độ người mê muội, cứu người ngu si.
Một hoa năm cánh đúng kỳ,
Tự nhiên hưng thịnh Thiền quy rộng truyền.
Đuốc hồng rộng mở khóa vàng,
Rẽ con sóng ngọc bè sang sông rồi.
Năm nhà chỉ một pháp thôi,
Lời cùng ý tận không người không ta”
Nên tôi rất chuyên chú về “Đạt Ma Huyết mạch luận” của Ngài vì HT Thích Thanh Từ cho rằng “ Nếu chúng ta đi vào được sáu cửa này thì sẽ vào được nhà Thiếu Thất, và Nhà Thiếu Thất đó chính là cái nhà mà Tổ Đạt Ma đã diện bích” ( ngồi xây mặt vào tường ) suốt chín năm. Tuy nhiên HT Thanh Từ cũng nói rằng sáu cửa chỉ là phương tiện thứ lớp cho chúng ta tuần tự tiến, nhưng nếu chỉ cần ở trong bất cứ cửa nào thì có thể nói mình cũng vào được nhà Thiếu Thất rồi.
Vì căn cơ quá sơ cơ mà tuổi thu đông rồi, tôi mạn phép đi tới các cửa từ thứ nhất tới cửa thứ sáu mà chỉ đứng bên ngoài ngắm nhìn trong nỗi ước mong ngày nào đó có thể vào bên trong được sờ mó từng món vật bên trong …
Ước vọng chỉ là ước vọng thôi còn chừng nào vào lọt được cửa nào thì lúc ấy hẳn chấp tay kính cẩn tạ ơn Tổ và khấu đầu xin nhập môn hạ Ngài vậy …
Nào mời nghe lý luận rất đanh thép và ngôn từ rõ ràng cô đọng trong bài thuyết pháp đầu tiên của Tổ Bồ Đề Đạt Ma ngay tại triều đình của Vua Lương Võ Đế với sự hiện diện của nhà vua và toàn thể bá quan trong triều gồm toàn những thành phần trí thức ưu tú trong nước nhưng không một ai lãnh hội được …
Vậy mà mấy ngàn năm sau chúng ta đã được các giảng sư diễn giải có phải là đại phước duyên không nhỉ các bạn ?
Đó cũng là lý do khi tôi nhận được thông điệp từ các bậc tôn túc rằng “ Cứ gieo hạt giống Phật vào tâm trí mỗi người để tạo điều kiện nhân quả tốt hình thành mối liên hệ và tình bạn với mỗi người “ nên đã gắng công ghi chú lại những điều tóm tắt dưới cái nhìn theo bản dịch và chú giải của Nguyễn Minh Tiến ( xem trọn bộ đính kèm sau bài viết ) và lời kết luận của HT Thích Thanh Từ trong Sáu Cửa và Động Thiếu Thất.
Kính mong có điều chi sơ sót và khiếm khuyết, kính xin dược chỉ bảo thêm để cùng nhau vào nhà Thiếu Thất vậy …
Kính trân trọng,
Hãy tạm chia bài dịch ra làm nhiều phần để hiểu rõ thâm ý hơn và kính xin tóm tắt:
1- Phần thứ nhất : Bản Chất của Tâm :
– Cả thế giới hiện hữu đều được nghĩ trong Tâm.
– Tất cả Chư Phật quá khứ hiện tại vị lai đã đang và sẽ được tạo thành trong Tâm.
– Sự hiểu biết được truyền từ Tâm sang Tâm qua ngôn ngữ.
– Tâm của mỗi người đồng điệu và tương ưng với thực tại muôn đời và thực tại muôn nơi.
– Tâm là Phật, không có Phật ngoài Tâm ( nếu những ai tự cho Giác Ngộ và Niết Bàn là những sự vật ở ngoài Tâm là một sai lầm).
– Không có giác ngộ ở ngoài Tâm linh động.
– Không có một chỗ nào gọi là nơi chốn của người đến Niết Bàn.
– Ngoài thực tại của Tâm tất cả đều là huyễn tưởng.
– Chẳng có nhân, chẳng có duyên , chẳng có lý do, chẳng có kết quả chỉ có THỰC TẠI DUY NHẤT. Đó là tư tưởng của Tâm, và sự an nghỉ của Tâm chính là Niết Bàn.
– Đi tìm sự vật ngoài Tâm là đi tìm bắt Hư Không -Tâm là Phật và Phật chính là Tâm, nếu còn tưởng tượng Phật ở bên ngoài Tâm và hình dung Phật ở ngoài Tâm là mê sản.
2-Phần thứ Hai: PHƯƠNG PHÁP ĐỂ THẤY TÂM
– Phải nhìn vào bên trong của mình chứ không phải nhìn ra bên ngoài.
– Phải tự lắng nghe chính mình để thấy được Phật Tánh của chính mình.
– Tất cả chúng sinh đều là Phật như mình, nên mình chẳng cứu ai được cả.
– Không có một vị Phật nào hơn mình nên mình không phải van xin cầu nguyện ai cả.
– Không có một vị Phật nào hiểu mình bằng chính mình, nên thật ra ta chỉ nên dựa vào kinh nghiệm của các Tổ Sư để học hỏi ra những điều khiếm khuyết mà mình đang vướng mắc.
– Không có luật pháp nào có thể kiềm hãm một vị Phật ( vì họ không thể sa ngã ) nên ta không sợ phạm tội.
– Không có Thiện, không có ác, chỉ có những động tác của Tâm do đó chúng ta phải luôn luôn kiểm soát hành vi và ý tưởng của chúng ta.
– Cúng kiến, hoằng pháp, nhiệt thành, giữ giới, bố thí,trì tụng, đọc kinh đều không có lợi ích gì duy CHỈ CẦN MỘT ĐIỀU DUY NHẤT là NHÌN THẤY ĐƯỢC PHẬT NƠI MÌNH chính nhờ vào sự thấy được Phật nơi mình sẽ đưa đến Giải Thoát Niết Bàn.
3- Phần thứ thứ Ba: PHẬT TÁNH
– Không có một cuốn kinh nào , không có một sự tu khổ hạnh nào mà có thể đưa ta ra khỏi luân hồi, chỉ khi nào ta nhận được một ấn tượng sâu sắc và tuyệt vời của một loại kinh sách nào đó đã kết nối mạnh mẽ với ta thì đấy mới cho phép ta đọc thêm nhiều lần vì đó là phương pháp mình đã có túc duyên thực hành từ trước.
– Trong sự an tĩnh hoàn toàn kiến tánh ở nơi mình, nơi chính tâm mình. Đó mới chính là Phật tánh, và lúc đó chỉ học khi nhìn thấy Phật tánh thôi vì đó là điều duy nhất để học.
– Tất cả hình tượng khác đều là sương mù ảo ảnh. Hãy nhìn Phật nơi mình, đó mới là cái nhìn trung thực nhất.
– Phật tánh ở trong mỗi người và trong tất cả mọi người. Phật tánh đều giống nhau.
– Khi quên tất cả mọi sự và chỉ giữ lại thực tại duy nhất, đó là thoát khỏi vòng luân hồi và đến Niết Bàn.- Tất cả những thuyết lý đều là trợ thủ của Ma và đưa con người đến chỗ huyễn tướng .
– Mọi hệ thống triết học đều hoàn toàn sai lầm và có tính cách khuyến dụ.
– Nói đến tẩy uế, thiện nghiệp, chuyên tâm, tiến bộ là phỉnh lừa thiển hạ. Chúng ta chỉ có một tội duy nhất là tội Vô Minh ( Tội không nhận ra Phật Tánh ở chính nơi mình và tội này rất nặng vì nó giam ta trong cõi vô thường ).
– Điều ta phải làm cho tới cùng là nhận thức rằng thực tại và chân lý duy nhất ấy tiềm tàng trong mỗi người chúng ta vì Thân xác là phù du, cuộc đời thì trôi nhanh như giấc mộng , do đó trong thời gian ngắn ngủi của cuộc đời, ta phải tự giải thoát bằng cách tự khám phá chính hình bóng của chính mình.
– Trong giấc mộng đời ta có thể thấy được Thực chất của mình và trong giấc mộng đời ấy một pháp thân được hé mở trong bản thể gọi là Thực Thể!
4- Phần thứ Tư : Pháp thân
Pháp thân này vĩnh cửu vì trải qua vô số vô số vòng luân hồi, thăng trầm qua vô lượng kiếp pháp thân vẫn không sanh, không diệt không thêm không bớt ( Bát nhã tâm kinh ).
Pháp thân không một cũng không nhiều, không thánh cũng không phàm, rất ung dung trong nhiều kiếp luân hồi sanh tử vì có thể đi vào tất cả các nơi mà không bị trở ngại và không gì ngăn cản được.
Như vậy Tổ chỉ cho thấy chúng sinh và vận mạng của chúng sanh đều quy vào Pháp thân, Ngài cũng chỉ cho ta thấy được pháp thân ngay trong chính ta.
Vì sao vậy ?
Pháp thân bao trùm tất cả chúng sanh như sông Hằng giữ nước nó trong các phân tử phù sa. Không thể diễn tả pháp thân được .Ta phải di động và hành động theo ánh sáng của Tâm, mỗi người hãy chiêm ngưỡng và lãnh hội pháp thân cho chính mình, một khi lãnh hội được thì gọi là Giải thoát và Giác ngộ thì tự nhiên ra khỏi những đạo động cuồng loạn của một sự phóng dật từ tâm viên ý mã.
Giác ngộ được là tâm trí ta luôn ở trong tỉnh lặng hoàn toàn. Mà một người muốn giác ngộ được thì phải khám phá chính bản thân mình, khám phá Phật Tánh ở mức độ ngoài khả năng diễn đạt của ngôn từ và tư tưởng.
Chẳng có Phật nào khác ngoài pháp thân cả vì pháp thân này ở trong Chư Phật và ở trong tất cả mọi người. Pháp thân này vô hình bất biến và không thể bị hủy diệt.
5- Phần thứ 5: Tĩnh Tâm
Tổ Đạt Mà giới thiệu cho ta thấy “ Tất cả sự vật bên ngoài đều là hư ảo, ta chẳng tìm được cái gì ở bên ngoài bởi lẽ trong mình ta đã có sẵn và CHẲNG CÓ GÌ THẬT NGOÀI PHÁP THÂN “.
Đừng cầu nguyện sùng bái những hình tượng, biểu tượng vật chất , điều cốt yếu là làm sao yên lặng và tĩnh tâm để giúp ta thấy được Pháp thân ở chính ta tức là THẤY PHẬT.
Những ảo ảnh về các Chư Phật từ những ý tưởng phát ra đều sai lầm và chính ảo tưởng này sẽ đưa ta vào luân hồi tái sinh.
6- Phần thứ sáu: Thiền Luận
Phật không phải tên người mà lại có nghĩa là Linh Giác, Giác Ngộ mà mọi người có thể đạt tới, không có gì quý hơn những ý tưởng vô hình của Tâm được phát ra từ Phật Tánh, và quan trọng nhất là TA THẤY ĐƯỢC THẬT SỰ NHẤT CHÍNH LÀ PHÁP THÂN Ở NƠI TA.
Thiền không có nghĩa là tham thiền suy tưởng mà Thiền chính là sự Giác ngộ.
Ta chỉ đạt đến Thiền khi ta thấy được Phật Tánh ở nơi ta.
Người đọc vô số kinh luận mà không kiến tánh thì chỉ là một phàm phu bình thường vì ngôn từ không thể có đủ khả năng diễn tả được Đạo cho nên đạo lý rất khó hiểu , chỉ có kẻ nào ĐẠT thì mới hiểu.
Và lạ thay , chỉ khi nào ta đạt đến Phật Tánh nơi ta, thấy được pháp thân của ta thì mới có thể diễn tả được Đạo còn kinh luận chỉ là những câu chuyện phù phiếm đi quanh một vấn đề.
Cũng cần biết thêm, qua Huyết Mạch Luận Tổ Đạt Ma đã cho thấy rằng :
– Kiến tánh thật ra chỉ là một hành động thật giản dị, cũng như khi ta nuốt một thức ăn, nhưng khác là ta chỉ biết nuốt hay không biết nuốt.
– Kiến tánh không thể chia thành từng phần cho nên không thể TRI và HÀNH từng phần một được.
– Giáo lý chỉ giúp người ta chuẩn bị chứ giáo lý không tạo ra giác ngộ, và cái giây phút giác ngộ, giây phút giải thoát này mỗi người hãy tự mình đi đến —Mộng không thể học được, Chết không thể học được, và lãnh hội Phật Tánh nơi mình cũng không thể học được.
– Pháp thân rất giản dị, ta không thể tạo ra được mà chỉ có thể lãnh hội nhưng việc lãnh hội pháp thân này lại là việc làm của một ĐỨC TIN TUYỆT ĐỐI, không một mảy may pha lẫn bóng tối ngờ vực.
– Người nào may mắn lãnh hội được pháp thân sẽ không cần thiên đàng, địa ngục vì trong mộng có bao giờ ai nghỉ ngờ gì về thực tánh cũng như khi thức không phải tin chắc những ảo tưởng của giác quan,thì những sai lầm của trí tưởng tượng đã biến mất.
7- Phần thứ Bảy: Vô Minh
Phải biết rằng người nào đã lãnh hội được Phật tánh thì không tạo nghiệp nữa, vì họ đã khám phá được bóng hình của mình và không còn bị bất cứ hệ lụy nào ràng buộc cũng như những hành động nào của thể xác vật chất cũng không thể ảnh hưởng đến pháp thân ( tức là ta đã giác ngộ ).
– Nghiệp chỉ đeo đuổi những người chưa giác ngộ vì những người đó còn trong vòng u tối vô minh và tất cả nợ tinh thần sẽ chấm dứt ngay khi giác ngộ phá hủy vô minh ( lúc ấy bậc giác ngộ không làm nên tội lỗi và cũng không phạm tội nữa ).
8- Phần thứ Tám : GIÁC NGỘ
Có người đã chuẩn bị và có thành tâm đúng đắn như giảm dần những ảo tưởng, bớt dần tham vọng, bớt dần tập trung và an trú nhưng đôi khi vẫn không kiến tánh được là do đâu?
Ngài đã trả lời vì Nghiệp của họ chống đối lại ( Họ chưa trả hết nợ, họ chưa đủ trong sạch, vì sự hôn mê mù quáng của họ, sự sai lầm chai cứng của họ, sự bất lực của họ v,v…) đó là những hình phạt về những tội lỗi của họ trong quá khứ và đây là NỢ TINH THẦN và những nỗ lực cá nhân chứ không phải địa vị xã hội ( dù cho đó là Hoà thượng hay Thượng tọa ).
9- Phần thứ Chín : PHẬT LÀ GÌ
Bồ Đề Đạt Ma (Ta) đến đây để truyền bá tâm ấn, 1 đạo lý mới lạ ở đây chưa ai biết. PHẬT Ở TRONG TÂM MỖI NGƯỜI.
Mục đích duy nhất là phải đạt cho được Giác Ngộ.
Giữ giới luật, tu khổ hạnh, cầu kinh, nghiên cứu nghĩa lý, tất cả những thứ này chẳng dùng được gì cả. Vì chỉ khi nào giác ngộ là THÀNH PHẬT, một vị Phật như tất cả Chư Phật dù cho kẻ ấy không đọc được một chữ nào cả.
THÀNH PHẬT LÀ THẤY PHẬT TÁNH NƠI MÌNH, NƠI TÂM CỦA TÂM MÌNH.
Phật Tánh vô hình, không thể rờ mó được, bản thể của nó mong manh như hư không, Tâm ấy, mọi người đều mang trong mình.
Tâm hỡi, tâm ơi
Mi lớn đến nỗi bao trùm vũ trụ
Mi nhỏ đến nỗi mũi kim cũng không thể xuyên qua
Hỡi Tâm của Ta
Mi là Phật
Chính vì mi mà Ta phải giảng truyền đạo lý !!
Lời kết:
Kính xin mượn toàn bộ lời kết của HT Thích Thanh Từ trang 249 / Sáu cửa vào Động Thiếu Thất để tóm tắt lại những gì đã học và kính xin được tha thứ cho những điều khiếm khuyết tất nhiên của một kẻ sơ cơ . Rất mong được sự chỉ bảo của chư Thiện hữu tri thức !
Huyết Mạch Luận là luận thẳng vào mạch máu của người tu, có nghĩa là phải làm sao sống được với cái bản tánh mà mình đã ngộ được để rồi từ đó khởi dụng công tu hành thì không có lệch, có sai . Không nhận được bản tánh đó thì tu các pháp môn nào cũng là sai . Như vậy đó là giản Trạch Tà, Chánh và đó là huyết mạch để mình không bị lầm .
Như vậy toàn bộ kiến thiết ngôi nhà Thiếu Thất của Tổ Đạt Ma là như vậy, đi từ An Tâm rồi Ngộ Tánh và giữ gìn đừng cho ngoại xâm quấy nhiễu và luôn luôn kiên cố giữ vững niềm tin.
Và tôi đã tự mình cảm nhận
Ngày trước….
Đạt Ma Huyết Mạch Luận,..Ôi khó quá !
Là cửa cuối cùng phải tuần tự theo 5 cửa kia
Một đạo lý mới lạ, Tổ Đạt Ma mang đến sẻ chia
Chưa từng ai biết vì nó vô hình nhưng đầy đủ!
Chợt bừng vỡ …
Chánh pháp luôn mới, chưa từng cũ
Liễu thông giáo lý chưa ai dám tự hào
Nhưng nguyện giữ vững lòng tin dù có thế nào
“Phật ở trong Tâm” điều duy nhất phải Thấy !
Phật là tánh giác, là đạo , là cửa thiền nơi ấy
Ngôn từ làm sao diễn tả cái pháp thân
Khi dứt u mê, diệt sạch nợ tinh thần
Sẽ tuần tự vượt qua sáu cửa vào động Thiếu Thất!
Niềm hoan hỷ lạ như khi sương đêm thấm ướt
Độ sâu tâm linh không một ai giống ai
Và túc duyên,tiền nghiệp ảnh hưởng kiếp nay
Trí tuệ nhân tạo không làm sao đọc được !
(Thơ Huệ Hương) – Melbourne 15/4/2023
Kính xin đính kèm bản dịch Phần Huyết Mạch Luận của Nguyễn Văn Tiến
Đạt Ma Huyết Mạch Luận
Nơi lên ba cõi, thảy gồm về một tâm. Chư Phật trước sau cùng lấy tâm truyền tâm, chẳng tạo ra văn tự.
Hỏi: Nếu chẳng tạo ra văn tự, lấy gì là tâm?
Đáp: Nay người hỏi ta, đó chính là tâm của người. Ta đáp lời người, đó chính là tâm của ta. Nếu ta không có tâm, nhân đâu hiểu được việc đáp người? Nếu người không có tâm, nhân đâu hiểu được việc hỏi ta? Nên hỏi ta đó chính là tâm của người.
Từ vô số kiếp đến nay, hết thảy mọi hành vi, vận động, mọi lúc, mọi nơi, đều chính là gốc tâm của người, đều chính là gốc Phật của người.
Tâm chính là Phật, cũng là như thế. Trừ tâm ấy ra, rốt cùng không Phật nào khác có thể được. Lìa tâm ấy ra, không có lý nào tìm được Bồ-đề Niết-bàn.
Tự tánh vốn chân thật, không phải nhân, không phải quả.
Pháp tức là nghĩa của tâm, tự tâm là Bồ-đề, tự tâm là Niết-bàn. Nếu nói rằng ngoài tâm có Phật với Bồ-đề có thể được, thật không có lý như vậy.
Phật với Bồ-đề cùng ở nơi nào? Như có người dùng tay nắm bắt hư không, được chăng? Hư không vốn chỉ có tên gọi, không có tướng mạo, không thể nắm giữ, không thể buông bỏ. Vậy nên nắm bắt cái không chẳng thể được. Ngoài tâm mà tìm Phật, rốt cùng chẳng thể được. Phật chính là tự tâm mà thành, do đâu lại lìa tâm mà tìm Phật bên ngoài? Chư Phật trước sau cũng chỉ nói một tâm này.
Tâm chính là Phật, Phật chính là tâm. Ngoài tâm không có Phật. Ngoài Phật không có tâm. Nếu nói rằng ngoài tâm có Phật, Phật ở nơi nào? Ngoài tâm đã không có Phật, sao khởi lên việc thấy Phật? Trước sau tuần tự dối nhau, không hiểu rõ được tâm mình, liền bị cảnh vật vô tình bên ngoài sai sử, không chút tự do. Nếu vẫn không có lòng tin, chỉ tự dối mình vô ích, Phật không có lỗi gì.
Chúng sanh điên đảo, không rõ biết rằng tâm mình chính là Phật. Nếu biết tâm mình là Phật, chẳng nên tìm Phật ở ngoài tâm.
Phật không cứu độ Phật. Dùng tâm để tìm Phật, ấy là không rõ biết Phật, nhưng ngoài tâm mà tìm Phật đều là những người không rõ biết tâm mình là Phật.
Cũng không thể đem Phật ra lạy Phật, không thể đem tâm niệm Phật.
Phật không tụng kinh, Phật không giữ giới, Phật không phạm giới. Phật không giữ không phạm, cũng không tạo các việc lành dữ.
Như muốn tìm Phật, cần thấy được tánh. Tánh chính là Phật. Nếu không thấy tánh, niệm Phật, tụng kinh, ăn chay, giữ giới thảy đều vô ích. Niệm Phật được nhân quả, tụng kinh được thông minh, giữ giới được sinh lên cõi trời, bố thí được phước báo, nhưng tìm Phật thì rốt cùng chẳng thể được.
Nếu tự mình không sáng tỏ, nên học hỏi nơi các bậc thiện tri thức đã thấu rõ nguồn gốc sanh tử. Nếu không thấy tánh thì chẳng gọi là thiện tri thức. Nếu chẳng như vậy thì dù có giảng nói được mười hai bộ kinh cũng không khỏi vòng luân hồi sinh tử, chịu khổ trong ba cõi, không lúc nào ra khỏi.
Xưa có tỳ-kheo Thiện Tinh tụng được mười hai bộ kinh nhưng vẫn không tự thoát khỏi luân hồi, vì không thấy được tánh. Tỳ-kheo Thiện Tinh còn như vậy, người đời nay giảng được năm ba bộ kinh đã xem đó là hết thảy pháp Phật, thật là ngu si.
Nếu không rõ được tự tâm, tụng đọc những thơ văn nhàn rỗi đều chẳng dùng vào đâu được. Nếu quyết lòng tìm Phật, phải thẳng hướng đến chỗ thấy tánh. Tánh ấy chính là Phật.
Phật là người tự tại, là người vô sự, không tạo tác.
Nếu không thấy tánh, suốt ngày mê muội, hướng ra bên ngoài nhọc sức cầu Phật, rốt cũng chẳng được.
Tuy rằng chẳng gì có thể được, nhưng nếu cầu được hiểu biết cũng nên học hỏi nơi bậc thiện tri thức, phải khẩn thiết khổ cầu, khiến cho tâm hiểu rõ được việc lớn sinh tử, chớ để năm tháng luống qua, tự dối mình vô ích.
Như có của báu chất bằng núi cao, có quyến thuộc nhiều như cát sông Hằng, mở mắt nhìn thấy đó, nhắm mắt còn thấy được sao? Nên biết rằng các pháp hữu vi đều là ảo mộng. Nếu không gấp rút tìm thầy học đạo, một đời luống qua vô ích. Cho dù tánh Phật vốn tự có, nếu không nhờ nơi thầy, rốt lại cũng không rõ được. Không nhờ nơi thầy mà hiểu được, việc ấy rất hiếm có.
Như tự mình sẵn có duyên lành nắm hiểu được ý thánh thì chẳng cần phải học hỏi nơi bậc thiện tri thức. Đó là những người sinh ra đã sẵn biết, sở học vượt trội hơn người.
Nếu chưa rõ biết, phải chuyên cần khó nhọc mà học hỏi, nhờ nơi kinh điển để được rõ biết.
Như tự mình rõ biết, không học cũng biết, chẳng giống như những người mê lầm không thể phân biệt trắng đen, dối xưng lời Phật dạy, nói pháp sai dối, bêu xấu chư Phật. Những hạng si mê ấy thuyết pháp như mưa tuôn, hết thảy đều là ma thuyết, chẳng phải Phật thuyết. Thầy là vua ma, đệ tử là dân ma.
Ai ngu mê chịu theo sự sai sử theo cảnh ngoài, chẳng biết phải rơi vào biển khổ sanh tử, nhưng những kẻ không thấy tánh mình lại dối xưng là Phật. Những hạng chúng sinh ấy đều là những kẻ mắc tội lớn, dối gạt hết thảy những chúng sinh khác, làm cho phải rơi vào cảnh giới của ma.
Nếu không thấy tánh thì dù thuyết giảng được mười hai bộ kinh, thảy đều là ma thuyết. Ấy là quyến thuộc của ma, chẳng phải hàng đệ tử Phật. Đã không phân được trắng đen, dựa vào đâu mà thoát khỏi được sanh tử?
Nếu thấy tánh tức là Phật, không thấy tánh tức là chúng sanh. Nếu như lìa bỏ tánh chúng sinh mà riêng có tánh Phật có thể được, thì hiện nay Phật tại nơi nào? Tánh chúng sanh chính là tánh Phật, ngoài tánh ra không có Phật. Phật chính là tánh. Ngoài tánh mình ra, không Phật nào có thể được. Ngoài Phật ra, không tánh nào có thể được.
Hỏi: Nếu không thấy tánh thì những việc như niệm Phật, tụng kinh, bố thí, giữ giới, tinh tấn, làm nhiều việc phước, có thành Phật được chăng?
Đáp: Không thể được.
Lại hỏi: Do đâu mà không thể được?
Đáp: Bất cứ pháp nào có thể được đều là pháp hữu vi. Đó là nhân quả, là thọ báo, chính là pháp luân hồi. Không thoát khỏi được sinh tử, bao giờ mới thành đạo Phật?
Thành Phật ấy là thấy tánh. Nếu không thấy tánh, có nói về nhân quả cũng là pháp ngoại đạo. Nếu là Phật, chẳng học theo pháp ngoại đạo. Phật là người không có nghiệp, không có nhân quả.
Chỉ cần tồn tại bất cứ pháp nào có thể được, thảy đều là bêu xấu Phật, dựa vào đâu mà thành tựu? Chỉ cần có sự vướng mắc nơi một tâm, một khả năng, một chỗ hiểu biết, một quan điểm, đều không thể thành Phật.
Phật không có giữ, không có phạm. Tánh của tâm vốn là không, cũng chẳng dơ chẳng sạch. Các pháp không có chỗ tu, không có chỗ chứng, không nhân, không quả. Phật không giữ giới, Phật không tu việc thiện, Phật không làm việc ác, Phật không tinh tấn, Phật không lười nhác. Phật là người không tạo tác.
Chỉ cần có tâm vướng mắc, không thể thấy Phật. Phật không phải là Phật, chớ nên tìm cách hiểu về Phật.
Như không rõ được ý nghĩa ấy thì mọi lúc mọi nơi đều là không thấu rõ được tâm mình. Nếu không thấy tánh mà lúc nào cũng nuôi cái tư tưởng không tạo tác, đó là người mang tội lớn, là người ngu si lạc vào trong chỗ vô ký không, mê mẩn như người say rượu, chẳng phân biệt được tốt xấu.
Nếu muốn tu pháp không tạo tác, trước cần phải thấy tánh, sau đó mới dứt hết các mối lo nghĩ, duyên tưởng. Nếu không thấy tánh mà thành Phật đạo, thật không thể có.
Có người bác bỏ nhân quả, hung hăng tạo nghiệp dữ, nói bậy rằng nghiệp dữ vốn là không, làm việc ác không có tội. Người như vậy phải đọa vào địa ngục Vô gián đen tối, vĩnh viễn không có ngày ra. Nếu là người có trí, chẳng nên có kiến giải như thế.
Hỏi: Nếu như hết thảy hành vi vận động lúc nào cũng chính là bản tâm, vì sao thân xác trong lúc vô thường không thấy được bản tâm?
Đáp: Bản tâm thường hiện hữu ngay trước mắt, chỉ tại người không nhìn thấy.
Tâm ấy từ vô số kiếp cho đến nay, so với hiện giờ vẫn không khác biệt, chưa từng chịu sinh tử, không sinh ra không diệt mất, không thêm không bớt, không sạch không dơ, không tốt không xấu, không đến không đi. Chẳng có đúng sai, cũng không có hình tướng nam nữ, không tăng không tục, không già không trẻ, không thánh không phàm, cũng không Phật không chúng sanh, không có tu chứng, không có nhân quả, cũng không gân cốt sức lực, cũng không có tướng mạo, đồng như hư không, không thể nắm giữ, không thể buông bỏ, núi sông tường đá không thể ngăn ngại, ra vào qua lại thần thông tự tại, qua núi năm uẩn, vượt sông sinh tử, hết thảy các nghiệp đều không thể trói buộc được pháp thân ấy.
Tâm ấy mầu nhiệm tinh tế khó thấy. Tâm ấy chẳng đồng với hình tướng. Tâm ấy là chỗ người người đều nhìn thấy giữa rõ ràng sáng tỏ diễn ra vô số hành vi động tác đưa tay nhấc chân, nhưng chợt khi hỏi đến lại chẳng ai nói được gì, khác nào như người máy gỗ. Thảy đều là tự mình nhận dùng tâm ấy, vì sao lại không rõ biết?
Phật dạy rằng, hết thảy chúng sinh đều là người mê, do đó mà tạo nghiệp, rơi vào dòng sông sinh tử, muốn thoát ra lại bị chìm xuống, chỉ vì không thấy được tánh mình.
Nếu như chúng sinh không mê muội, tại sao khi hỏi những chuyện đang xảy ra như vậy lại chẳng có lấy một người hiểu được? Tự mình nhấc tay động chân, vì sao lại không rõ biết?
Cho nên biết rằng lời của bậc thánh vốn chẳng sai, do người mê tự mình không hiểu rõ được. Cho nên biết rằng pháp này thật khó hiểu thấu, duy chỉ có Phật mới hiểu thấu pháp này, còn hàng trời, người cùng với hết thảy chúng sinh đều không hiểu thấu được.
Như trí huệ sáng suốt hiểu thấu được tâm này mới gọi là tánh của pháp, cũng gọi là giải thoát, không bị sinh tử trói buộc. Hết thảy các pháp đều không trói buộc được người ấy, nên gọi là Đại Tự Tại Vương Như Lai, cũng gọi là Không thể nghĩ bàn, cũng gọi là Thánh thể, cũng gọi là Trường sinh bất tử, cũng gọi là Đại tiên. Danh xưng tuy khác nhau nhưng vẫn là cùng một bản thể.
Bậc thánh nhân phân biệt khắp thảy mọi việc, đều chẳng lìa tự tâm. Tâm lượng rộng lớn, ứng dụng không cùng. Khi ở nơi mắt thì thấy được hình sắc, khi ở nơi tai thì nghe được âm thanh, khi ở nơi mũi thì ngửi được mùi hương, khi ở nơi lưỡi thì biết được mùi vị, cho đến hết thảy mọi hành vi vận động đều là tự tâm. Chỉ cần dứt hết ngôn ngữ nói năng thì bất cứ lúc nào cũng là tự tâm.
Cho nên nói rằng, hình sắc của đấng Như Lai không cùng tận, trí huệ của ngài cũng vậy. Hình sắc không cùng tận, đó chính là tự tâm. Chỗ nhận biết của tâm có thể khéo phân biệt hết thảy, cho đến mọi hành vi, mọi chỗ ứng dụng, thảy đều là trí huệ. Tâm không có hình tướng, trí huệ cũng không cùng tận.
Cho nên nói rằng, hình sắc của đấng Như Lai không cùng tận, trí huệ của ngài cũng vậy. Cái thân hình sắc do bốn đại hợp thành chính là phiền não. Cái thân hình sắc tất phải có sinh diệt. Pháp thân thì thường trụ mà không trụ ở bất cứ đâu. Pháp thân của Như Lai thường không biến đổi.
Cho nên trong kinh dạy: “Chúng sinh nên biết rằng mỗi người đều tự có tánh Phật.”
Ngài Ca-diếp chỉ là nhận hiểu được tánh mình. Tánh mình tức là tâm. Tâm tức là tánh. Đó tức là đồng với tâm chư Phật. Chư Phật trước sau chỉ truyền tâm này. Trừ tâm này ra, không Phật nào có thể chứng đắc.
Chúng sanh điên đảo không biết chính tâm mình là Phật, suốt ngày hối hả chạy tìm bên ngoài, niệm Phật, lạy Phật, biết Phật ở nơi nào? Chẳng nên có chỗ thấy biết như vậy. Chỉ cần biết được tâm mình, ngoài tâm thật không có Phật nào khác.
Kinh dạy rằng: “Hết thảy hình tướng đều là hư vọng. Lại dạy rằng: “ Dù ở nơi đâu cũng có Phật”.
Chính tâm mình là Phật, đừng nên đem Phật ra lạy Phật. Cho dù có những tướng mạo chư Phật, Bồ Tát bất chợt hiện ra trước mắt, nhất định cũng không lễ kính. Tâm ta vắng lặng rỗng không, vốn không có những tướng mạo ấy. Nếu chấp giữ hình tướng tức là ma, thảy đều rơi vào tà đạo. Nếu là không thật, chỉ từ tâm mà khởi, tức không cần lạy. Người lạy là không biết, người biết thì không lạy.
Lạy tức bị ma thâu nhiếp. Vì sợ người học không biết được nên phải phân biệt nói rõ như thế.
Trên thể tánh của chư Phật Như Lai hoàn toàn không có những tướng mạo như vậy. Phải luôn nhớ trong lòng, chỉ cần thấy những cảnh giới khác lạ thì nhất định không nhận giữ, cũng không sinh ra sợ hãi, không nên nghi hoặc. Tâm ta xưa nay thanh tịnh, đâu lại có những tướng mạo như thế? Cho đến các hình tướng như trời, rồng, dạ-xoa, quỉ thần, Đế-thích, Phạm vương… cũng không sinh lòng kính trọng, cũng không sợ sệt.
Tâm ta xưa nay vắng lặng rỗng không. Hết thảy tướng mạo đều là tướng giả dối, chỉ cần đừng chấp giữ nơi hình tướng. Nếu đã đạt được đến chỗ hiểu Phật, hiểu pháp, chợt thấy những tướng mạo của Phật, Bồ Tát… mà sinh lòng kính trọng, liền tự rơi xuống địa vị chúng sanh.
Như muốn nhận hiểu ngay, chỉ cần đừng chấp giữ hết thảy hình tướng là được, ngoài ra không còn lời nào khác, thảy đều không chắc thật. Huyễn ảo không tướng nhất định, chính là pháp vô thường. Chỉ cần không chấp giữ hình tướng, hợp với ý của bậc thánh. Cho nên kinh dạy rằng: “Lìa hết thảy các tướng, liền gọi là chư Phật”.
Hỏi: Do đâu mà không được lễ lạy chư Phật, Bồ Tát?
Đáp: Thiên ma Ba-tuần, a-tu-la cũng hiện thần thông, có thể tạo ra tướng mạo Bồ Tát. Mọi cách biến hóa đều là ngoại đạo, thảy đều không phải là Phật. Phật chính là tâm mình, chớ sai lầm bái lạy.
Phật là tiếng phiên âm theo Phạn ngữ, dịch nghĩa là tánh giác.
Giác, đó là chỗ linh diệu rõ biết, ứng tiếp tùy thời luôn phù hợp với sự vật, sự việc. Nhíu mày chớp mắt, đưa tay nhấc chân, thảy đều là chỗ linh diệu rõ biết của chính mình.
Tánh chính là tâm, tâm chính là Phật, Phật chính là đạo, đạo chính là thiền.
Chỉ một chữ thiền, không phải chỗ kẻ phàm bậc thánh có thể suy lường được.
Thấy ngay được tánh mình gọi là thiền. Nếu chẳng thấy tánh mình, không phải là thiền. Cho dù có giảng nói được ngàn kinh muôn luận, nếu không thấy được tánh mình thì chỉ là phàm phu, chẳng phải pháp Phật.
Đạo lớn sâu thẳm, không thể do lời nói mà nhận hiểu, kinh điển dựa vào đâu mà đạt tới? Chỉ cần thấy được tánh mình thì dù không biết một chữ cũng được đạo. Thấy được tánh chính là Phật.
Thể sáng suốt xưa nay vốn thanh tịnh, không có nhớp nhơ lẫn lộn. Hết thảy lời lẽ giảng thuyết đều là bậc thánh nhân từ nơi tâm mà khởi thành chỗ dùng. Chỗ dùng đó vốn xưa nay không có tên gọi, lời nói còn không đạt tới được, mười hai bộ kinh dựa vào đâu mà đạt tới?
Đạo vốn tự thành tựu trọn vẹn, chẳng do nơi tu chứng. Đạo không phải là âm thanh, hình sắc, mầu nhiệm tinh tế khó thấy. Như người uống nước, nóng lạnh tự biết, không thể nói cho người khác biết.
Chỉ riêng Như Lai có thể biết được, ngoài ra các hàng trời, người… thảy đều không rõ biết. Kẻ phàm phu trí tuệ không đạt đến, cho nên mới có việc chấp giữ hình tướng, không biết rằng tâm mình xưa nay vốn vắng lặng rỗng không. Mê lầm chấp giữ hình tướng cùng với hết thảy các pháp, liền rơi vào ngoại đạo.
Nếu hiểu biết các pháp đều từ nơi tâm sinh, không nên có sự chấp giữ. Chấp giữ tức là không hiểu biết. Nếu thấy được tánh mình rồi, mười hai bộ kinh thảy đều chỉ là những chữ nghĩa suông. Ngàn kinh muôn luận chỉ là để làm cho rõ được tâm. Vừa nghe đã nhận hiểu được thì cần chi dùng đến kinh luận?
Chân lý rốt ráo dứt sạch ngôn từ. Kinh luận là ngôn từ, thật chẳng phải đạo. Đạo vốn không lời, lời lẽ giảng nói là hư vọng.
Nếu đêm nằm mộng thấy những hình tướng như lầu gác, cung điện, các loài voi ngựa, cho đến cây cối, rừng già… không được sinh lòng ưa muốn vướng mắc. Hết thảy đều là những chỗ thác sinh. Phải luôn ghi nhớ trong lòng, khi lâm chung không được chấp giữ hình tướng, liền trừ bỏ được chướng ngại. Tâm nghi vừa thoáng khởi lên liền bị ma thâu nhiếp.
Pháp thân xưa nay vốn thanh tịnh, không nhận chịu. Chỉ vì mê lầm nên không rõ, không biết, nhân nơi đó mà vọng sinh nhận chịu nghiệp báo. Vì thế sinh ra mê đắm vướng mắc, chẳng được tự tại. Chỉ cần rõ biết được thân tâm xưa nay liền không còn bị đắm nhiễm. Nếu từ cõi thánh mà vào cõi phàm, thị hiện đủ muôn loài, đó là tự mình chúng sinh.
Cho nên, bậc thánh nhân dù thuận dù nghịch cũng đều được tự tại, hết thảy các nghiệp đều không thể trói buộc, vốn thành bậc thánh đã lâu rồi. Vị ấy có oai đức lớn, hết thảy các loại nghiệp báo đều bị bậc thánh ấy chuyển hóa, thiên đường địa ngục chẳng làm gì được vị ấy.
Kẻ phàm phu thần thức mê muội, không bằng như bậc thánh nhân trong ngoài đều sáng suốt thấu rõ. Nếu có lòng nghi liền chẳng làm. Nếu làm tức rơi vào trôi lăn trong sinh tử, về sau hối hận cũng không còn chỗ cứu vớt. Nghèo hèn khốn khổ thảy đều do nơi vọng tưởng sinh ra. Nếu thấu hiểu được tâm này, lần lượt khuyên bảo nhau, chỉ cần lấy chỗ không làm mà làm, liền vào được chỗ thấy biết của Như Lai.
Người mới phát tâm, thần thức thảy đều không an định. Nếu như trong giấc mộng nhiều lần thấy cảnh lạ cũng không nên khởi lòng nghi. Thảy đều do nơi tâm mình khởi nên, chẳng phải từ ngoài đến.
Nếu như trong mộng thấy có vầng ánh sáng hiện ra rõ ràng lớn hơn cả mặt trời, đó là mọi tập khí còn sót lại đã dứt sạch, thấy được tánh cõi pháp. Nếu có việc ấy tức là đã thành đạo, nhưng chỉ được tự biết, không được nói cùng người khác.
Hoặc ở giữa vườn cây vắng lặng, trong khi đi đứng nằm ngồi mắt nhìn thấy vầng ánh sáng, dù lớn dù nhỏ, không được nói cùng người khác, cũng không được sinh lòng chấp giữ, đó cũng là ánh sáng của tánh mình.
Hoặc ở trong nhà tối, trong khi đi đứng nằm ngồi mắt nhìn thấy ánh sáng chẳng khác gì ban ngày, không được lấy làm quái lạ, thảy đều là do tâm mình sắp hiển lộ.
Hoặc đêm nằm mộng thấy trăng sao rõ ràng, cũng là do các duyên trong tâm mình sắp dứt hết, không được nói cùng người khác.
Khi nằm mộng nếu thấy mình mê mẩn như đi giữa vùng đen tối, đó là do tâm mình có nhiều phiền não nặng nề ngăn che, có thể tự biết.
Nếu thấy được tánh mình, chẳng cần đọc kinh niệm Phật. Học rộng biết nhiều vô ích, thần thức càng thêm mê tối. Tạo ra kinh điển vốn chỉ là để nêu rõ tâm, nếu rõ biết tâm thì cần gì xem kinh điển?
Nếu từ cõi phàm nhập vào cõi thánh, nên dứt sạch các nghiệp, nuôi dưỡng tinh thần, sống an phận qua ngày. Nếu vẫn còn nhiều nóng giận, phải chuyển hóa tâm tính. Nếu trái ngược với đạo, tự dối mình vô ích.
Bậc thánh nhân tự tại giữa sanh tử, ra vào ẩn hiện không nhất định, hết thảy các nghiệp đều không thể trói buộc.
Bậc thánh phá dẹp tà ma. Hết thảy chúng sinh chỉ cần thấy được tánh mình, tức thời dứt sạch mọi tập khí còn lại, thần thức không mê muội, khi đó liền nhận hiểu được ngay.
Chỉ ngay trong lúc này muốn thật hiểu đạo, đừng chấp giữ hết thảy các pháp, dứt hết các nghiệp, nuôi dưỡng tinh thần, tập khí còn lại rồi cũng sẽ dứt, tự nhiên sáng rõ, chẳng cần giả dối dụng công.
Ngoại đạo không nhận hiểu được ý Phật, hết sức dụng công, trái với ý thánh. Suốt ngày bó buộc trong việc niệm Phật, theo kinh, thần tánh mê mờ, chẳng thoát khỏi luân hồi.
Phật là người nhàn rỗi, cần gì phải bó buộc trong việc rộng cầu danh lợi, sau này có ích gì?
Chỉ những người không thấy tánh mới tụng kinh niệm Phật, miệt mài học tập, ngày đêm thực hành theo đạo, ngồi hoài chẳng nằm, học rộng nghe nhiều, cho những việc ấy là pháp Phật. Những chúng sinh như vậy thảy đều là bêu xấu pháp Phật.
Chư Phật trước sau chỉ nói một việc thấy tánh. Mọi việc vô thường, nếu không thấy tánh lại dối xưng là chứng đắc quả Vô thượng Bồ-đề, đó là người phạm tội lớn.
Trong mười vị đệ tử lớn của Phật, ngài A-nan là nghe nhiều đệ nhất, đối với nghĩa Phật lại không rõ biết, chỉ học được chỗ nghe nhiều.
Hàng đệ tử Thanh văn, Duyên giác và ngoại đạo đều không hiểu được nghĩa Phật, chỉ hiểu các việc tu chứng, rơi vào vòng nhân quả. Ấy là nghiệp báo chúng sanh, không ra khỏi vòng sanh tử. Trái ngược ý Phật, đó là hạng chúng sinh bêu xấu Phật, dẹp phá không có tội.
Kinh dạy rằng: “Hạng nhất-xiển-đề không sinh lòng tin, dẹp phá không có tội”.
Như có tín tâm, ấy là Phật ở địa vị người. Nếu không thấy tánh, chẳng thể đạt được địa vị gì. Chê bai sự hiền lương tốt đẹp của người khác, tự dối mình vô ích.
Trải qua những sự lành dữ, đều có nhân quả rõ ràng. Thiên đường, địa ngục chỉ ngay trước mắt. Kẻ ngu không có lòng tin, dù đang sống giữa địa ngục tối tăm cũng không hay không biết. Đó chỉ vì nhân duyên nghiệp báo nặng nề, cho nên không có lòng tin.
Ví như người mù không tin có ánh sáng, dù có nghe giảng giải vẫn không tin. Chỉ vì mù mắt nên chẳng dựa vào đâu mà nhận biết được ánh sáng mặt trời. Kẻ ngu cũng như thế. Hiện nay phải đọa vào các loài súc sinh, sinh vào chỗ nghèo hèn, hạ tiện, sống dở chết dở. Tuy chịu khổ như thế mà hỏi đến lại nói rằng: Tôi nay vui sướng lắm, chẳng khác nơi thiên đường. Cho nên biết rằng, hết thảy chúng sinh dù sinh ra ở chỗ vui sướng cũng không hay không biết.
Những người xấu ác chỉ là do nhân duyên nghiệp báo nặng nề che lấp nên không thể phát lòng tin, chẳng phải do nơi người khác.
Nếu thấy được rằng tâm mình là Phật, chẳng cần phải cạo bỏ râu tóc, dù là cư sĩ tại gia cũng vẫn là Phật. Nếu không thấy tánh, cạo bỏ râu tóc vẫn là ngoại đạo.
Hỏi: Hàng cư sĩ tại gia có vợ con, chẳng dứt trừ dâm dục, dựa vào đâu mà được thành Phật?
Đáp: Chỉ nói việc thấy tánh, không nói việc dâm dục. Do nơi không thấy tánh, chỉ cần thấy tánh thì việc dâm dục xưa nay vắng lặng rỗng không, chẳng giả dối đoạn trừ cũng chẳng tham đắm vướng mắc. Vì sao vậy? Tánh mình vốn là thanh tịnh, tuy ở trong thân xác do năm uẩn tạo thành nhưng xưa nay vẫn thanh tịnh, không thể nhiễm ô.
Pháp thân xưa nay vốn không nhận chịu, không đói không khát, không lạnh không nóng, không bệnh, không ân ái, không quyến thuộc, không khổ vui, không tốt xấu, không ngắn dài, không mạnh yếu. Xưa nay vốn không một vật có thể được, chỉ nhân nơi việc chấp giữ cái thân hình sắc này là có, liền có các tướng như đói khát, lạnh nóng, bệnh chướng… Nếu không chấp giữ mọi việc làm đều tùy ý, giữa vòng sinh tử được đại tự tại, chuyển hóa hết thảy các pháp, ngang với bậc thánh nhân thần thông tự tại không ngăn ngại, dù ở đâu cũng được an ổn. Nếu tâm còn có chỗ nghi, nhất định không vượt qua được bất cứ cảnh giới nào, không làm được việc quan trọng nhất, không thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử. Nếu thấy được tánh, hàng chiên-đà-la cũng có thể thành Phật.
Hỏi: Chiên-đà-la giết hại tạo nghiệp, vì sao có thể thành Phật?
Đáp: Chỉ nói việc thấy tánh, không nói việc tạo nghiệp. Mặc tình tạo các nghiệp khác nhau, hết thảy các nghiệp cũng không thể trói buộc. Từ vô số kiếp đến nay, chỉ do nơi không thấy tánh mà phải đọa vào địa ngục, do đó mà tạo nghiệp sinh tử luân hồi. Kể từ khi thấy biết được tánh mình thì không còn tạo nghiệp. Nếu không thấy tánh, niệm Phật không tránh được mọi nghiệp báo, đừng nói là việc giết hại mạng sống. Nếu thấy tánh, tâm nghi ngờ tức thời dứt sạch, nghiệp giết hại cũng chẳng làm gì được.
Hai mươi bảy vị tổ sư ở Ấn Độ chỉ lần lượt truyền tâm ấn. Nay ta đến xứ này cũng chỉ truyền một tâm, không nói đến giữ giới, bố thí, tinh tấn, khổ hạnh, cho đến những việc như vào nước lửa, lên vòng gươm, ngày ăn một lần, ngồi hoài chẳng nằm, hết thảy đều là pháp hữu vi của ngoại đạo.
Nếu nhận hiểu được thì tánh linh diệu rõ biết mọi hành vi, vận động chính là tâm của chư Phật. Chư Phật trước sau chỉ nói việc truyền tâm, ngoài ra không pháp nào khác. Nếu nhận hiểu được pháp này thì kẻ phàm phu không biết một chữ cũng vẫn là Phật. Nếu không nhận hiểu được tánh linh diệu rõ biết của chính mình, ví như có xả thân vô số lần để mong tìm Phật cũng không thể được.
Phật, cũng gọi là pháp thân, cũng gọi là bản tâm. Tâm ấy không có hình tướng, không nhân quả, không gân cốt, tựa như hư không, không thể nắm giữ, chẳng đồng như vật chất ngăn ngại, chẳng đồng như ngoại đạo. Tâm ấy chỉ riêng Như Lai có thể nhận hiểu được, ngoài ra hết thảy chúng sinh mê muội không nhận hiểu được. Tâm ấy không lìa ngoài cái thân hình sắc do bốn đại hợp thành. Nếu lìa tâm ấy, tức không thể vận động, chỉ là cái thân vô tri như cây cỏ, như gạch vụn.
Thân này là vô tình, do đâu mà vận động? Nếu tự tâm mình động, cho đến ngôn ngữ, hành vi, vận động, thấy nghe nhận biết, thảy đều là tâm động.
Khi tâm động thì chỗ dùng cũng động. Động tức là chỗ dùng của tâm. Ngoài động không có tâm, ngoài tâm không có động. Động chẳng phải là tâm, tâm chẳng phải là động.
Động vốn không có tâm, tâm vốn không có động.
Động chẳng lìa tâm, tâm chẳng lìa động. Động không phải chỗ tâm lìa, tâm không phải chỗ động lìa.
Động là công dụng của tâm, công dụng là chỗ động của tâm. Động tức là dụng, dụng tức là động, không động thì không có dụng.
Thể của dụng vốn là không, tánh không vốn chẳng có động. Động và dụng đồng với tâm, tâm vốn không động.
Cho nên kinh dạy rằng: “Động mà không có chỗ nào động.”
Vì thế, suốt ngày thấy mà chưa từng thấy, suốt ngày nghe mà chưa từng nghe, suốt ngày cảm nhận mà chưa từng cảm nhận, suốt ngày biết mà chưa từng biết, suốt ngày đi, ngồi mà chưa từng đi, ngồi, suốt ngày giận, vui mà chưa từng giận, vui.
Cho nên kinh dạy rằng: “Dứt sạch mọi ngôn ngữ, diệt hết mọi tâm tưởng”.
Những công năng thấy, nghe, nhận, biết vốn tự vắng lặng hoàn toàn. Cho đến mọi cảm xúc như giận, vui… mọi cảm giác như đau đớn, ngứa ngáy… nào khác chi người gỗ, chỉ theo suy tìm những cảm giác, cảm xúc ấy liền không thể được.
Cho nên kinh dạy rằng: “Nghiệp ác liền có quả báo khổ, nghiệp thiện liền có quả báo lành, đâu chỉ là nóng giận đọa vào địa ngục, vui vẻ được lên cõi trời”.
Nếu biết bản tánh của những cảm xúc như giận, vui… vốn thật là không, chỉ cần không chấp giữ liền thoát khỏi các nghiệp. Nếu không thấy tánh mà tụng kinh, quyết không dựa vào đâu mà được thoát nghiệp.
Giảng giải không cùng, lược nêu những lẽ chánh tà như thế, cũng chỉ là sơ sài thôi vậy.
Có bài tụng rằng:
Pháp ta truyền đến xứ này,
Độ người mê muội, cứu người ngu si.
Một hoa năm cánh đúng kỳ,
Tự nhiên hưng thịnh Thiền quy rộng truyền.
Huệ Hương