Tứ thiền nghĩa là bốn mức độ nhập định được chia ra Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền và Tứ thiền. Gọi là Tứ thiền định là không chính xác vì ta còn có Năm mức định.
Bốn mức thiền này đều có nhập và xuất, nghĩa là khi muốn an trú mức thiền nào, ta phải có thời gian dụng công chứ không phải đó là những trạng thái thường xuyên. Rồi khi muốn trở lại trạng thái như cũ, ta cũng phải mất công thoát ra chứ không phải tức thì được. Bình thường khi không nhập thiền, một thiền giả an trú trong nội tâm tỉnh giác vắng lặng nhưng không phải là bốn mức thiền này. Bốn mức thiền này chỉ được thực hiện trong tư thế bất động mà thôi. Tuy nhiên, cũng có khi một thiền giả vừa đi vừa nhập thiền rất sâu. Lúc đó, vị đó được xem là khởi thần thông, vì thần thông có nghĩa là vừa vào định vừa hành động. Chúng ta cần hiểu qua tính chất của Tứ thiền trước khi so sánh vơi Tứ thánh quả. Những điều được trình bày ở đây dựa vào bài kinh Sa Môn Quả trong Trường Bộ Kinh.
Chánh niệm tỉnh giác
Muốn nhập định thì phải loại bỏ vọng tưởng, sau một thời gian luyện tập Thiền, thiền giả đạt được ‘Chánh niệm tỉnh giác nghĩa là tâm không loạn động như trước, những suy nghĩ vẫn vơ vừa mới manh nha nổi lên đã bị phát hiện và loại bỏ. Lúc này hành giả đã cảm thấy một phần an lạc và sáng suốt hơn xưa rồi, tùy duyên mỗi người mà trực giác cũng phát triển một chút xíu, có khi chỉ cần nghe người ta nói nửa câu thì biết ý của họ là gì, thậm chí có khi chỉ cần nhìn mặt là biết kẻ ngay người gian, biết người đối diện đang nói thật hay nói dối..v.v.
Thiền là lĩnh vực tâm linh, nên không thể được hỗ trợ bởi bất cứ phương tiện vật chất nào, ta phải tự lực cánh sinh. Vì phải có quyết tâm cao, chịu đựng sự đau chân, mỏi lưng, chiến thắng chính tâm trí của mình, nên lâu ngày hành giả sẽ có đức tính kiên nhẫn, ý chí sắt đá, sức chịu đựng cao, trực giác tốt..v.v.
Sơ thiền
Các mức thiền này chỉ dành cho người có quyết tâm tu tập, lìa bỏ Ái Dục. Và có chuẩn bị tâm lý trước, vì nó cần một môi trường thật sự yên tĩnh, cách ly thế gian.
Để leo lên từng mức thiền, nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào căn cơ từng người,có thể là vài ngày, vài tuần, có khi khoảng vài chục năm, có khi mười mấy hai mươi năm, có khi sang cả kiếp khác. Nếu kiếp này không lập nguyện, thề ước trước Phật thì sang kiếp sau đảm bảo quên sạch và Phàm phu vẫn là Phàm phu.
Sơ thiền là mức nhập định đầu tiên, nhưng phải là đã chứng được Chánh niệm tỉnh giác (CNTG) và phá trừ xong Năm triền cái. Hành giả như lọt vào một trạng thái thanh tịnh hơn, và tự động, chứ không còn phải gắng sức giữ gìn như trong CNTG nữa. Khi chứng được Chánh niệm, hành giả thấy tâm mình cũng đã là thanh tịnh rồi, nhưng còn phải khéo léo giữ gìn nhẹ nhẹ. Nhưng từ Sơ Thiền trở đi, hành giả không còn phải giữ gìn nữa mà tâm tự động an trú trong định. Hành giả thấy thân của mình chuyển động từ trạng thái cứng (lúc phá xong triền cái Trạo cử, xem Năm triền cái, sang trạng thái mềm lỏng như một khối nước gì nhớt nhớt giống như xà bông.
Tâm hành giả dĩ nhiên là vắng lặng, nhưng thật ra vẫn còn những ý niệm về công phu của mình, về thành tựu của mình. Những ý niệm này rất thầm lặng, nên hầu như hành giả không biết là mình đang còn ý niệm, cứ tưởng rằng mình đã hoàn toàn thanh tịnh. Phật diễn tả đó là trạng thái ly dục sinh hỷ, còn tầm còn tứ (xóa bỏ Ái Dục, đạt được An vui, nhưng còn tiềm ẩn).
Trong Sơ thiền, hành giả lìa bỏ được các ham muốn thế gian vì niềm an vui của nội tâm vừa đầy đủ, vừa thanh khiết, không cần phải giải trí bằng vật chất bên ngoài. Toàn thân hành giả luôn ở trong trạng thái vui sướng nhè nhẹ và tràn đầy. Sau khi chết, nếu vẫn còn giữ được trình độ này thì sẽ sinh vào cõi trời Sơ Thiền.
Cái ý niệm thầm kín về công phu và sự thành tựu của mình tạo nên một loại kiến giải Phật Pháp và tâm tự hào bí mật. Hành giả sẽ dễ dàng đối đáp trôi chảy và nắm bắt các lĩnh vực khó, trừu tượng, hay say sưa diễn thuyết lưu loát nếu có cơ hội. Vì vậy, tuy Sơ thiền rất là vĩ đại nhưng cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ đối với đạo đức.
Nhị thiền
Là kết quả tiếp theo nếu hành giả đủ công đức. Hành giả sẽ thấy toàn thân mình giống như nước trong mát tuôn trào bất tận mà Phật diễn tả như hồ nước được suối phun và mưa tuôn mãi mà không bao giờ lọt nước ra khỏi hồ. Dĩ nhiên nước thì mềm hơn, lỏng hơn nước sền sệt của xà bông. Từ toàn thân cứng của Chánh niệm, tiến lên Sơ thiền thì thân sền sệt như nước xà bông, tới Nhị thiền thì thân đã mềm hoàn toàn như nước nguyên chất, và lại còn thêm cảm giác tuôn tràn mãi mãi.
Lúc này những ý niệm thầm kín cũng biến mất, nên trong đời sống hành giả không còn ham thích trình bày phô trương, và rất hiền lành. Phật gọi là hết tầm hết tứ.
Lúc này hành giả thành tựu trí tuệ rất sắc bén nhanh nhạy, kiến giải Phật pháp là bất tận vô ngại, không ai có thể hỏi vặn vẹo được, việc gì nhìn thoáng qua là biết rõ, ngồi thiền rất lâu, thường biết trước giờ chết
Nếu đừng bị tà kiến xâm nhập thì đường giải thoát của người đạt Nhị thiền là chắc chắn. Nếu bị tà kiến, lầm cho mình là viên mãn, tưởng rằng mình đã kiến tánh thành Phật, thì hành giả hưởng hết phước kiếp này qua kiếp sau sẽ bị thoái đọa lui sụt xuống mức độ thấp hơn nhiều.
Tam thiền
Được Phật diễn tả toàn thân như một bông hoa sen đang vươn lên từ trong nước, được nước bao phủ với nội tâm là xả niệm lạc trú (dứt bỏ ý niệm, thường xuyên an lạc).
Niềm vui của Tam thiền rất đằm thắm nhỏ nhiệm và đầy khắp, giống như hoa sen ngập trong nước, tẩm ướt, tràn ngập, nhưng không thấm nước, cũng vậy, niềm vui của Tam thiền rất tự tại, bình an và vượt khỏi cơ thể, giống như cả không gian đều cùng an vui vậy. Thân của hành giả lúc này giống như một khối không khí hân hoan an lạc.
Ý nghĩa của xả niệm là hành giả đã vượt qua được Vô thức (theo khoa học, Vô thức chiếm hơn 90% cuộc sống của con người, ý thức chỉ chiếm phần nhỏ). Vượt qua được nó nghĩa là tâm hồn đã thật sự ổn định. Những bản năng sinh tồn, bản năng hưởng thụ… đều bị kiềm chế.
Lúc này khi ngồi thiền nhập định, hành giả không còn nghe thấy mọi cảnh vật, tiếng động bên ngoài, hoàn toàn an trú vững chắc trong thế giới nội tâm sáng suốt vi diệu thanh tịnh của mình.
Tứ thiền
Là mức thiền cuối cùng của các bậc thiền Sắc giới. Phật diễn tả đó là trạng thái xả niệm, thanh tịnh, không lạc, không khổ. Xả niệm của Tứ thiền hơn hẳn Tam thiền vì đã hoàn toàn vượt khỏi Vô thức, kể cả Ý thức. Trong con người ta, Vô thức đảm nhận việc điều khiển hệ hô hấp, tiêu hóa, các tuyến nội tiết… những thứ mà ta không chủ động điều khiển được. Chiến thắng được Vô thức nghĩa là có thể dừng được hơi thở, dừng mọi sự sống, nhập định vài trăm năm rồi xuất định, sống bình thường, sống tiếp cái tuổi ngày xưa. Còn Ý thức thì liên quan tới các Giác quan, chiến thắng được Ý thức sẽ khai mở những khả năng của giác quan như thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông..v.v