Mừng Trăng Tròn Tháng Tư

Tin hoàng hậu Ma Gia đã hạ sanh con trai ở vườn Lâm Tỳ Ni bay về thành Ca Tỳ La Vệ làm cho cả hoàng tộc hớn hở vui mừng. Dân chúng trong thành cũng vui như thể đó là người của nhà mình, những đám đông đổ ra đường nhảy múa reo hò, nhũng nhóm người tụ tập ở các đền thờ để tạ ơn thần Brahma. Một đám rước tiểu vương Nikhil Vijaya Bagel đi vào thành, quan quân xa hoa rực rỡ, xiêm y lộng lẫy lụa là, ngọc ngà trang sức, những chiếc vòng tay vàng, vòng mũi, vòng eo lấp lánh. Ngay cả con voi cũng phủ mảnh thảm Ba Tư và đeo những chiếc anh lạc vàng. Tiếng hát véo von của những ca nữ, tiếng kèn rộn ràng, tiếng trống tưng tưng rộn rã những con đường trong thành. Tiếng la hét dẹp đường của quân lính lẫn tiếng roi da vụt vun vút. Bà Madhavi Tayade kéo thằng Suraj Sarvade ngồi thụp sát đất, nép mình vào góc tường nhô ra trên con đường. Giọng bà sợ sệt lo âu căn vặn thằng Suraj Sarvade:

– Con phải tránh xa những người thuộc đẳng cấp Bà La Môn và Sát Đế Lợi, đừng để cái bóng của con ngả lên bóng của họ, kẻo không bọn họ sẽ giết con đấy!

Thằng bé ngoan ngoãn, tỏ vẻ sợ nhưng thắc mắc:

– Tại sao họ giết ta chỉ vì cái bóng của ta chồng phải bóng của họ?

– Vì bọn họ là hàng Bà La Môn và Sát Đế Lợi, còn chúng ta là Chiên Đà La. Bọn họ sanh ra từ miệng thần Brahma và chúng ta thì sanh ra từ bàn chân.

– Tại sao họ sanh ra từ miệng mà chúng ta sanh ra từ bàn chân?

– Đó là số phận

– Ai đã định số phận cho bọn họ và cho chúng ta?

– Thần Brahma

– Tại sao thần Brahma cho họ số phận giàu sang quyền quý còn chúng ta thì hèn kém thế này?

Bà Madhavi Tayade lúng túng không biết làm sao trả lời. Thằng bé có cả ngàn lẻ một câu hỏi tại sao, sự hiểu biết của bà thì có chừng ấy thôi. Bà không biết nói thế nào nữa nên bảo:

– Mẹ không biết, việc này đã có từ xa xưa rồi. Bọn họ vĩnh viễn cao quý và chúng ta mãi mãi là nô lệ thấp hèn. Bọn người ấy có thể đánh đập hoặc giết chết người của hàng Thủ Đà La, Chiên Đà La mà không phải bị tội. Chúng ta thậm chí còn không được đến gần đền thờ thần Brahma của bọn họ, chúng ta muốn lễ thần thì chỉ được đến đền thờ dành riêng cho hạng Thủ Đà La thôi! Bọn họ khinh miệt và coi chúng ta như những con chuột của đường phố.

Thằng Suraj Sarvade đã mười lăm tuổi, da đen kịt, ăn mặc rách rưới tồi tàn, dơ dáy và hôi hám, mặc dù vậy, đôi mắt nó long lành và đen láy toát ra nét thông minh lanh lợi. Hai mẹ con nó sống lây lất nhờ sự bố thí của người qua đường, cả hai lê la nơi đầu đường xó chơ, quanh năm đói khát, chẳng mấy khi được no bụng. Thằng Suraj Sarvade đã nhiều lần tự so sánh bản thân với những con bò lang thang trên đường, nó thấy những con bò còn được no đủ, được an toàn, không một ai dám đụng đến. Trong khi nó, mẹ nó, những người cùng giai cấp thì đói khát và có thể bị giết chết, xem ra mạng người không bằng mạng con bò.

Thằng Suraj Sarvade nhìn đám rước tiểu vương Nikhil Vijaya Bagel đi qua, nó thấy mọi người vui vẻ nên muốn gia nhập nhưng nó không dám bước ra. Nó nhớ lời mẹ và cũng đã từng thấy những người Ba La Môn đánh đập dã man người Chiên Đà La rồi. Nó ao ước có một tấm áo đẹp như những người trong đoàn rước, chân nó ngứa ngáy muốn nhảy nhót hát những bài dân ca mà nó thuộc lòng. Nó dằn lòng ngồi yên, nó thừa biết hễ đến gần đám rước ấy thì những chiếc roi da kia sẽ vụt lên mình nó, thậm chí những mũi giáo nhọn kia sẽ đâm thủng nó.

Dưới cái nắng như nung, bàn chân Suraj Sarvade chai sạn xù xì, đời nó còn đen hơn cả làn da của nó. Nó thầm trách thần Brahma sao nỡ tàn nhẫn với mẹ con nó, với những người Thủ Đà La, những thằng bạn đường phố của nó như thằng Rajendra Kake, thằng Mohanlal Agrawal, thằng Bajrang Agrawal… số phận cũng không khác gì nó! Nó thố lộ với bà Madhavi Tayade:

– Thần Brahma quá nhẫn tâm với mẹ, con và những người Thủ Đà La, chiên Đà La. Tại sao chúng ta còn phải thờ phụng?

Bà mẹ hoảng hốt vội bịt miệng nó:

– Con không được nói lời bất kính như thế, thần nổi giận sẽ gíang họa, người Ba La Môn hay sát Đế Lợi nghe được họ sẽ giết con!

Thằng bé vùng vẫy ra khỏi bàn tay khô đét ốm yếu của bà Madha Tayade, nó bất bình:

– Chúng ta như những con chuột của đường phố, đói khổ và bất hạnh hơn cả những con bò, vậy thì còn có tai họa nào khổ hơn nữa mà sợ?

Bà mẹ ôm lấy nó, rền rĩ năn nỉ:

– Dù có đói khát khổ sở nhưng chúng ta vẫn muốn sống, chúng ta không muốn chết, chẳng có ai muốn chết cả!

Đám rước qua đi để lại bao nhiêu rác rến, thằng Suraj Sarvade và mẹ nó bước ra vùng sáng, bấy giờ không biết từ những ngóc ngách nào mà rất nhiều người Thủ Đà La, chiên Đà La cùng xuất hiện như mẹ con nó. Đám rước đã để lại rất nhiều bánh trái bên vệ đường, có lẽ vị tiểu vương muốn bố thí thức ăn cho bọn người hạ tiện nhân ngày vui thái tử hạ sanh. Mọi người ùa ra tranh nhau lấy thức ăn. Thằng Sarvade ăn ngấu nghiến những cái bánh curd chutney quệt sabzi, chưa bao giờ nó được ăn no nê như hôm nay, cả bà Madhavi Tayade cũng thế, những thằng Pradymna Kumar, Shahab Uddin… cũng vui quá vì được ăn thỏa thích. Thằng Sarvade còn nhặt được mấy đồng Ru pi lẫn lộn trong cái giỏ bánh curd chutneys, lại còn có cả món dal, khichidi, sabzi. Chưa bao giờ thành Ca Tỳ La Vệ vui như hôm nay, có lẽ vì thế mà bọn Thủ Đà La, Chiên Đà La trong thành cũng được vui theo và còn được ăn no. Cuộc đời của bọn Thủ Đà La, Chiên Đà La toàn tủi nhục, đói khát, bất công, họ sanh ra với nhân dáng con người nhưng không được xem bằng con người, vì cái định kiến bọn họ sanh được sanh từ bàn chân thần Brahma, đã bao nhiêu đời rồi và sẽ vĩnh viễn như thế!

*

Thời gian thấm thoát qua mau, thằng Suraj Sarvade giờ đã là người đàn ông trung niên với năm đứa con. Bà Madhavi Tayade đã chết từ lâu, ngày bà chết, Sarvade vừa có đứa con đầu lòng. Cuộc sống của ông cũng nghèo khổ như bà Tayade, thậm chí còn khốn khó vì những đứa con nheo nhóc. Xác bà Tayade chỉ được đốt sơ sài qua loa rồi người ta ném xuống dòng sông, cái xác phập phều lẫn lộn với xác sình trương của những con bò, dòng nước đầy rác rến nên uể oải chảy như không muốn trôi. Sarvade đứng nhìn mãi cho đến khi không còn nhìn thấy xác bà Tayade nữa mới chịu quay về. Cả nhà ông Sarvade sống trong một cái hang ở ngoài thành, ngày ngày kéo đi ăn xin, hoặc ai có kêu làm gì thì làm, tiền công cũng tùy lòng thương hại của họ, ông không dám hỏi bao giờ.

*

Một buổi sáng ngày trăng tròn tháng tư, thành Ca Tỳ La Vệ lại rần rật vì cái tin sa môn Cù Đàm sẽ vào thành khất thực. Bọn người thuộc hàng Bà La Môn, Sát Đế Lợi và cả triều thần ra ngoài nghinh đón để cúng dường sa môn Cù Đàm và tăng đoàn. Ông Suraj Sarvade nhớ lại ngày này ba mươi lăm năm trước, khi ấy cả thành rộn rã hoan ca vì thái tử ra đời, hôm nay thái tử đã là sa môn. Sa môn Cù Đàm cũng là hàng Ba La môn sao lại đi khất thực như một người Thủ Đà La? Ông Sarvade đã nghe nhiều điều về sa môn Cù Đàm, lòng ông rất hoan hỷ và ao ước được gặp sa môn Cù Đàm. Sáng hôm ngày trăng tròn, ông Sarvade và cả vợ con vào thành rất sớm, tìm môt chỗ ẩn an toàn để ngắm nhìn sa môn Cù Đàm.

Sa môn Cù Đàm đầu trần chân đất, mặc y phấn tảo, tay ôm bình bát, khoan thai từng bước chân, ánh mắt nhìn xuống và hướng về phía trước cỡ tầm vài bước chân. Sa môn Cù Đàm đi trong sự lặng yên tịch tĩnh, những đệ tử đi phía sau cũng giống y hệt. Dân trong thành cứ ngỡ như từ một sa môn Cù Đàm mà hóa ra bao nhiêu người như thế. Nhiều người cung kính đặt thức ăn vào bình bát của sa môn Cù Đàm và những đệ tử phía sau của ông ấy. Ông Sarvade thấy có cả những người Thủ Đà La và Chiên Đà La cũng dám đến gần và đặt thức ăn vào bình bát. Ông còn đang ngạc nhiên thì nghe có nhiều tiếng nói giận dữ từ những người Bà La Môn và Sát Đế Lợi:

“Sao sa môn Cù Đàm cao quý lại nhận đồ ăn từ bọn thấp kém kia?”

Thậm chí có tiếng quát:

“Tên Chiên Đà La kia dám để cái bóng ô uế của nó ngã lên bóng của sa môn Cù Đàm, hãy giết nó đi!”

Lại có người Sát Đế Lợi hét:

“Tên nô lệ xấu xa dám lại gần bậc tôn quý, giết chết con chuột thối tha kia!”

Những người Thủ Đà La dâng thức ăn sợ sệt lui ra. Sa môn Cù Đàm giơ tay an ủi và đọc kinh chúc phúc cho những người khốn khổ ấy. Đoạn quay sang bảo những người Bà La Môn:

– Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh như nhau, không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn.

Bọn bà La Môn ấy có kẻ thốt lên:

– Sa môn Cù Đàm, nhưng bọn nô lệ thấp kém sanh ra từ bàn chân của Brahma, làm sao có thể bằng người tôn quý được?

– Thân thể người của Bà La Môn, Sát Đế Lợi hay Thủ Đà La cũng đều từ bốn đại, hoàn toàn không có gì khác nhau, tất cả chỉ là những cái duyên hợp lại mà sanh ra, mai kết hết duyên thì trở lại với đất nước gió lửa. Liệu các ông có phân biệt được đâu là tro cao quý hay tro thấp hèn?

Bọn chúng vẫn ngoan cố:

– Nhưng sa môn Cù Đàm là người cao quý, chúng tôi dư sức cúng dường, người không cần phải nhận thức ăn của bọn họ.

– Lành thay, lành thay, nhưng phước đức ban rải cho mọi người, ta không có lòng thiên vị! Một bữa ăn đối với các ông rất là nhỏ nhưng với người Thủ Đa La là cả chuyện sống còn. Bọn họ vẫn sẵn sàng cúng dường thì mới biết tâm thành của họ lớn biết dường nào và cái phước báo của họ cũng sẽ rất lớn.

Những người Bà La môn và Sát Đế Lợi nghe thế thì cũng không còn cản trở những người Thủ Đà La cúng dường nữa, tuy nhiên trong lòng vẫn ngấm ngầm không chấp nhận bọn nô lệ lại được sa môn Cù Đàm đối xử bình đẳng với bọn họ.

Ông Sarvade ban đầu sợ lắm, nét mặt lo lắng nhưng khi nghe và thấy như thế thì ông ta bớt sợ và càng thêm kính ngưỡng nên nhìn sa môn Cù Đàm đăm đăm. Sa môn Cù Đàm trông thấy ông, ngài bước lại gần hơn nữa thương xót vỗ về ông Sarvade.

– Đừng sợ, đừng sợ! Sẽ không có chuyện gì xảy ra với ông đâu.

Ngài đọc kinh và chúc phúc cho ông như đã làm với những người Thủ Đa La kia, đoạn sa môn Cù Đàm bảo với những người Ba La Môn:

– Các ngươi hãy mở lòng tư bi đối đãi với người anh em, tất cả chúng ta đều như nhau, cái làm cho chúng ta khác biệt chính là cái nghiệp của chúng ta. Chúng ta là những kẻ thừa tự nghiệp, chính cái nghiệp đã phân chia ra sự dị biệt cao thấp trong đời, chính cái nghiệp đã làm cho ta thanh tịnh hay uế trược, không có ai có thể làm cho ta thanh tịnh hay uế trược!

Một người Sát Đế Lợi nói:

– Sa môn Cù Đàm, ngài cũng là một người thuộc hàng sát Đế Lợi, sao lại hạ mình xuống thấp như vậy? Tôi nghe ngài đã giác ngộ, cớ sao làm cái việc ngộ như thế?

– Chính cái ý nghĩ và lời nói của ông mới ngộ, tất cả chúng sanh đều tham sống sợ chết, tất cả đều biết cảm thọ đau đớn như nhau, cớ sao lại phân biệt đối xử nhẫn tâm với đồng loại? Nước mắt chúng sanh từ vô thủy đến giờ còn nhiều hơn bốn biển, lẽ nào chưa đủ đau khổ hay sao còn cố gây thêm khổ đau?

– Sa môn Cù Đàm, nếu đối xử bình đẳng với bọn Thủ Đà La thì e thần Brahma nổi giận giáng tai họa!

Sa môn Cù Đàm điềm nhiên từ tốn bảo y:

– Ta là người đã giác ngộ, các ông cũng có thể giác ngộ, người Thủ Đà La cũng thế! Ai ai cũng có sẵn tánh giác, chỉ vì vọng tưởng vô minh che lấp nên tánh giác không sáng được. Các ông bị thân kiến, biên kiến, giới kiến thủ và bao nhiêu cái định kiến trói buộc nên mới mê muội như thế! Thần Brahma hay phạm thiên thọ đến tám vạn đại kiếp nhưng khi hết phước vẫn đọa như thường.

Vị tư tế Tharindu Nandara ở đền thờ Namchi bước ra hỏi:

– Này ông Cù Đàm, ông nói sao? Bọn Thủ Đà La và Chiên Đà La cũng có thể thành Phật được ư? Làm sao ta có thể tin được!

– Đúng như thế! Như Lai nói lời thật, đã vô số kiếp Như Lai chưa từng vọng ngữ nên lưỡi Như Lai có thể che phủ cả tam thiên đại thiên này! Như Lai là Phật đã thành, các ông là Phật sẽ thành, không cứ là Bà La Môn, Sát Đế Lợi hay Thủ Đà La. Chỉ cần các ông y theo chánh pháp mà hành!

– Chánh pháp của ông có những gì mà khiến người ta thành Phật? Chánh pháp của ông có bằng kinh Vệ Đà chăng? Có phải do Phạm Thiên ban chăng?

– Chánh pháp chẳng phải của riêng ta, chẳng phải do Phạm Thiên, chánh pháp của cả ba đời mười phương chư Phật, ba đời mười phương chư Phật nhờ chánh pháp mà thành chánh đẳng chánh giác. Khi Như Lai chuyển pháp luân ở vườn Nai, Như Lai đã nói bốn đế cho năm anh em Kiều Trần Như, trong ấy có đạo đế, đạo đế chính là trung đạo! Nếu y cứ vào trung đạo mà tu hành thì ai cũng có thể giác ngộ thành đẳng chánh giác!

– Sa môn Cù Đàm, ông đã là Phật, vậy quyền năng của ông có hơn thần Brahma chăng?

– Ta không phải thượng đế hay thánh thần, ta là người đã giác ngộ, là người chỉ đường. Việc cần làm ta đã làm, việc cần nói ta đã nói. Khi sao mai mọc trên bầu trời, ta đã giác ngộ dưới cội bồ đề và đã tuyên bố: “Này kẻ làm nhà kia, ta đã nhận biết ngươi, từ đây rui mè cột kèo đã gãy tan…” Ta đã không còn sanh tử luân hồi nữa. Ngày hôm nay và mãi mãi mai sau, nếu các ông nương theo chánh pháp mà tu hành thì cũng sẽ chứng đắc và giác ngộ như ta!

Bấy giờ toàn bộ các người Bà La môn, sát Đế Lợi đều im lặng. Ông Suraj Sarvade vẫn quỳ mọp ở đấy hai bàn tay ôm lấy chân sa môn Cù Đàm, giây lát sau thì ông ngẩng lên đảnh lễ rồi từ từ lui đi. Bấy giờ sa môn Cù Đàm nói:

– Khi các ông giết chết một người tức là giết mất một cơ hội giác ngộ của một chúng sanh, vì thế các ông không được giết, không bảo người khác giết, không vui với việc giết! Phật tánh ẩn tàng trong xác thân tứ đại, Phật tánh không can hệ gì đến chủng tộc, màu da, giới tính, địa vị… các ông có biết ông Ưu Ba Ly chăng? Một người mê muội u tối, là thợ hớt tóc, bị khinh miệt nhưng khi hốt nhiên chứng đắc nhập vào hàng thánh. Các ông có biết nàng Ma Đăng Già chăng? Dù là nữ giới xuất thân hạ tiện nhưng đã chứng đắc nhập vào Dự Lưu. Các ông vì cái định kiến đẳng cấp sai xử đã lâu nên mới hành động mù quáng như thế! Ta nói cho các ông biết, không có giai cấp khi mà dòng máu cùng đỏ nước mắt cùng mặn.

Một số người trong bọn người Bà La Môn, sát Đế Lợi quỳ xuống đảnh lễ Thế Tôn, nhiều kẻ không dám ngước nhìn lên. Sa môn Cù Đàm khoan thai bước đi, những kẻ còn lại dạt ra hai bên cung kính chắp tay bái vọng theo.

Đêm ấy trăng tròn vành vạnh, ánh sáng bàng bạc khắp sơn hà, thành Ca Tỳ La Vệ rực rỡ trong muôn vạn ánh đèn, cờ mắc hoa giăng, hương khói thơm xông ngào ngạt, hương bột tung khắp nơi, hương xoa, hương gỗ… và những nhúm hoa vạn thọ xé tơi ra để khắp các đền đài thờ tự, những tràng hoa Champa treo trên tháp và được người mang trên cổ… trên không Càn Thát bà tấu nhạc cúng dường, chư thiên hoa hỷ tung hoa mạn đà la, mạn thù sa cung kính cúng dường. Ánh sáng vi diệu từ Phạm Thiên giới, ma vương giới, vô sắc giới… chiếu soi tịnh xá Hỳ Hoàn. Chư thiên và người Ca Tỳ La Vệ mừng trăng tròn tháng tư, mừng ngày đức từ phụ hạ sanh ở cõi trần.

Tiểu Lục Thần Phong – Ất Lăng thành, 04/22

Theo thuvienphatviet.com

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.