Cách tìm ra ý nghĩa sống / video của nhóm Tư duy ngược
Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ và được tận hưởng rất nhiều điều tuyệt vời, cũng như tiện ích giúp mọi việc trở nên dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, hàng ngày chúng ta đã phải chịu những áp lực trong cuộc sống đến từ công việc, gia đình hoặc chuyện tình cảm khiến chúng ta vẫn thấy bế tắc và mọi thứ xung quanh trở nên rất phức tạp.
Và phải chăng khi để bị rơi vào những tình huống này là bởi vì chúng ta “vô tình” quên mất một vài chân lý trong cuộc đời để kiểm soát bản thân mình và tiếp tục đi theo những gì mình muốn.
Thật ra từ nhiều ngàn năm trước, nguyên thủy cội nguồn Phật Giáo vần là con đường sống, con đường giải thoát khỏi sự vô minh hầu giải thoát khổ đau. Đó là cái mà Đức Phật đề nghị mình sống như vậy. Điều này Đức Phật dạy rằng hành giả đừng sống bi quan, sống trong sợ hãi. Mà là phải sống trong sự tỉnh táo. Có nghĩa là khi mình ý thức được mình sửa soạn sắp ra đi vào phút cuối thì mình sẽ dễ dàng chú tâm vào cái chuyện cần làm, cần nói, cần suy nghĩ, cần bận tâm, cần thực hiện. Đức Phật đã từng nhấn mạnh rất rõ ràng rằng “Không một ai có thể cứu rỗi người khác mà chính mọi người phải tự tìm lấy con đường giải thoát cho chính mình”.
Kính mời bạn cùng chiêm nghiệm lại vài danh ngôn về cuộc sống:
1- “Cuộc sống của bạn có đi lên hay không, tất cả nằm ở Những Cuốn Sách Bạn Đọc và Những Người Bạn Gặp” – Jim Rohn ( một doanh nhân, diễn giả Mỹ rất thành công 1930-2009).
2- Khi bạn dành thời gian lo lắng về mọi thứ, bạn chỉ đơn giản là đang sử dụng trí tưởng tượng của mình để sáng tạo ra những điều mà bạn không muốn.
3- Có một số tình huống trong cuộc sống mà chúng ta không thể kiểm soát được, nhưng chúng ta luôn luôn có thể quyết định cách chúng ta phản ứng với những tình huống ấy như thế nào.
4- Việc thu nạp kiến thức không có nghĩa là bạn đang trưởng thành. Bạn chỉ trưởng thành khi những gì bạn học được giúp thay đổi cách sống của bạn.
5- Thành công không có nghĩa là bạn phải vượt trội hơn người khác; nó có nghĩa là bạn phải vượt lên được chính mình.
6- Tất cả những người bạn gặp đều tốt hơn bạn ở một mặt nào đó. Mỗi người có một thế mạnh khác nhau. Những gì người khác có có thể bạn sẽ không có.
7- Ban đầu, bạn cần phải nói “có” với rất nhiều thứ để khám phá và thiết lập mục tiêu của mình. Sau đó, bạn cần phải nói “không” với rất nhiều thứ và tập trung vào mục tiêu mà bạn đã thiết lập.
Và như vậy Chân lý không chỉ nằm trong sách vở Phật Giáo cũng như Đạo ( con đường sống ) không chỉ ở trong các tôn giáo kinh điển nhưng Đạo ở trong vạn vật, mọi sự mọi vật mọi nơi và Đạo vượt ra khỏi tầm các tên gọi, hình thức và nó vô biên, muôn hình vạn trạng.
Vì thế gần đây, nhiều bạn trẻ đã chọn lối tư duy theo Ikigai , thế thì chúng ta thử tìm hiểu đôi chút về Ikigai nhé !
Triết lý Ikigai có từ thời Heian ( khoảng năm 794 – 1185). Triết lý này được biết đến là một trong những văn hoá sống phổ biến trong các tầng lớp và thế hệ người Nhật. Trong những năm gần đây, thuật ngữ này trở nên thông dụng hơn.
Trong cuốn sách “Ikigai- Bí mật sống thọ và hạnh phúc của người Nhật” tác giả Ken Mogi nói rằng đây là một khái niệm cổ xưa của người Nhật. ‘Iki’ trong tiếng Nhật có nghĩa là “cuộc sống” và ‘gai’ là “thấy được hy vọng”.
Và Ikigai được định nghĩa chính là mục đích sống, lý tưởng sống của mỗi chúng ta.
Trong một băng video phổ biến trên YouTube cách đây vài tháng từ nhóm tư duy ngược, người viết cảm thấy mình dường như thay đổi hẳn, dù rằng cách đây vài năm đã có biết qua tên Ikigai nhưng không hiểu sao mãi đến hôm nay mới thấy cần tìm hiểu thật rõ ràng hơn, khi nghe nhiều lần hơn và đã chiêm nghiệm rằng việc xác định mục đích và lẽ sống là điều vô cùng quan trọng vì mỗi chúng ta đều có Ikigai riêng của mình.
Và theo các nhà diễn giả thì để tìm thấy nó không phải là điều dễ dàng vì hành trình xác định Ikigai đòi hỏi cần có thời gian, tư duy và sự nỗ lực để có thể tìm đúng “mục đích sống” của mỗi người.
Nào trong nhịp sống thời đại công nghệ mới, kính mời bạn “Xác định vòng tròn Ikigai của mình” qua bức tranh vẽ sau đây :
Dựa vào vòng tròn Ikigai bạn sẽ xác định được giao điểm của (1) Điều bạn thích; (2) Điều thế giới cần; (3) Điều bạn được trả tiền; (4) Điều bạn giỏi.
Trông rất đơn giản nhưng việc xác định rõ giao lộ của bốn điều này là điều không hề dễ dàng.
Bạn nên cân nhắc kỹ càng liệu điều bạn thích làm thì mọi người có thật sự đang cần hay điều bạn muốn làm có giúp bạn nâng cao thu nhập. Sống một đời đáng sống là điều ai cũng khao khát. Tuy nhiên để tìm ra một việc làm vừa có vị trí xã hội là phù hợp với đam mê và khả năng của bản thân là điều không phải ai cũng thực hiện được.
Lời kết :
Như vậy để tỉnh táo thật sự nhất là những bạn nào luôn trong tâm thế lo sợ khi phải bắt đầu một việc mới mẻ chưa từng làm trước đây, thì cách duy nhất để khắc phục nỗi sợ chính là trải nghiệm và thực hành. Khi đã đối mặt với vấn đề, có thể bạn sẽ cảm thấy nó không đáng sợ và khó khăn như đã nghĩ, hãy nghĩ đến vòng tròn Ikigai và tìm ra mỗi lãnh vực nào mình lưu tâm nhất, bạn nhé
Cũng kính xin mượn lời diễn giả Jim Rohn một lần nữa:
1- “Nếu bạn thay đổi, tất cả mọi thứ sẽ thay đổi cho phù hợp với bạn; đừng chờ đợi mọi thứ sẽ thay đổi cho bạn vì nó sẽ không thay đổi; thay đổi chính bản thân mình…. và mọi thứ sẽ thay đổi theo bạn”.
2- “Giá trị lớn trong cuộc sống không phải là những gì bạn nhận được. Giá trị lớn trong cuộc sống là những gì bạn trở thành”.
3- Hãy dành thời gian thu thập quá khứ để có thể rút kinh nghiệm và đầu tư chúng cho tương lai.
4- Nếu bạn làm việc theo mục tiêu của mình, mục tiêu của bạn sẽ thực hiện theo bạn. Nếu bạn thực hiện theo kế hoạch của mình, kế hoạch của bạn sẽ thực hiện theo đúng kế hoạch của bạn. Bất cứ điều gì tốt đẹp chúng ta xây dựng đều cuối cùng xây dựng nên chúng ta.
5- Bốn câu hỏi quan trọng trong cuộc đời bạn?
“Tại sao bạn cần phải cố gắng?”/ “Tại sao không?”
“Tại sao không phải là Bạn?”/ “Tại sao không phải bây giờ?”
6- “ Cuộc sống được tạo ra để bạn nhận những gì bạn XỨNG ĐÁNG chứ không phải những gì bạn MUỐN ”.
Thì ra cũng giống như nhiều chú giải kinh điển từng cho rằng:
“Đức Phật không độc quyền nắm giữ chân lý mà Ngài cho rằng bất cứ ai cũng có thể tìm thấy những gì Ngài đã khám phá ra cũng như khía cạnh quan trọng nhất trong Phật Giáo là Hiện tại , Hiện tại trường cửu và Phép lạ thật sự của Phật giáo là đạt đến sự tỉnh thức trước Sự Thật và điều này được mở ngỏ cho mọi người”.
Trân trọng chúc bạn có được Triết lý Ikigai, vì đây không chỉ là lối sống của người già nơi đây mà còn trở nên phổ biến với hầu hết các thế hệ trẻ trong và ngoài nước Nhật, nhất là vào thời đại công nghệ tiện ích ngày nay.
Quả thật vậy, nếu chúng ta cùng suy ngẫm và nghiên cứu lai thì đúng là Ikigai đáng được xem trọng trong lối sống của tất cả những người quan tâm đến việc tìm ra giá trị thiết thực và sứ mệnh của mình.
Thời đại công nghệ mới …
nhiều triết lý nằm trong tư duy phản biện
Mình là ai ? Luôn thắc mắc về bản thân
Mục đích, giá trị, sứ mệnh mãi quan tâm
Câu hỏi mỗi sớm mai thức dậy,
vì sao ta hiện hữu tồn tại ?
Ikigai từ nhiều năm xưa,
… nay được trình bày lại!
Điều gì đam mê , ham thích lại sở trường
Tài năng mình có cần người hỗ trợ tựa nương
Trong quá trình thực hiện có nâng cao kiến thức
Chiêm nghiệm lời Phật dạy….
phép lạ nằm trong tỉnh thức trước Sự Thật
Cuộc sống luôn nhìn nhận sự việc đang là
Bao chướng ngại thử thách phải vượt qua
Trưởng thành khi nhận ra Vô thường, Vô Ngã.!
Sống một đời đáng sống …sứ mệnh cao cả
Hướng gió không quyết định đường chúng ta đi.
Mà mục tiêu đến phải nhờ dũng cảm, kiên trì
Căng bộ buồm vươn thẳng theo dòng chảy
Có trải nghiệm, thực hành khắc phục nỗi sợ hãi
Nếu may mắn khám phá ra kim chỉ nam (1)
Quà tăng sẽ là những gì học được và Làm (2)
Thì ra …
Ikigai căn bản giúp sống ý nghĩa, hạnh phúc !
Với Đạo Phật…
tu là thấy được hành trình của sáu xúc !!!
Huệ Hương
—————-000000——————
(1) “Ikigai là kim chỉ nam của hành động tích cực giúp ta hướng đến tương lai dù đang trải qua những việc không vui của hiện tại” – theo nhà tâm lý học Mieko Kamiya.
(2) -Chúng ta không nhận được gì từ thời gian, chúng ta nhận được những gì mà chúng ta đã LÀM trong thời gian đó