Lời nói đầu
Tại sao đạo tràng Pháp Hoa chúng ta tu gia hạnh Phổ Hiền và tu gia hạnh Phổ Hiền là gì. Các pháp môn khác có tu gia hạnh hay không.
Vào cuối mỗi năm, các Phật tử thuộc đạo tràng Pháp Hoa thành phố Hồ Chí Minh cũng như đạo tràng Pháp Hoa ở các nơi đều phải tu gia hạnh Phổ Hiền. Tu gia hạnh Phổ Hiền là các Phật tử tu tăng tốc lên, tinh tấn hơn ngày tu bình thường trong năm.
Mỗi pháp môn đều có pháp tu gia hạnh riêng. Nếu theo Tịnh độ, sẽ tu Phật thất một tuần chuyên niệm Phật, không làm gì khác. Người tu Phật thất đúng thì chuyên niệm được; nhưng có người tu đúng, mà vẫn không chuyên được, vì túc nghiệp nhiều đời, nên lòng vẫn nghĩ đến những việc khác, khiến họ muốn chuyên niệm Phật mà không được. Nếu người có nghiệp ác thì chuyên nghĩ việc ác. Vì vậy, họ nhiếp tâm niệm Phật một lúc rồi cũng nghĩ lăng xăng lộn xộn. Người này có tu, nhưng không chuyên được, nên không thấy Phật và không nhận được sự hộ niệm của Phật. Dù họ có tu nhiều kiếp, nhưng không thấy Phật, nên không vãng sanh được. Tu Tịnh độ đòi hỏi chúng ta phải nhất tâm bất loạn, chỉ thấy Phật, không thấy gì khác, mới được vãng sanh. Đối với pháp môn này, mỗi năm tu gia hạnh, người ta chọn ngày thuận tiện nhất cho việc tu hành, ví dụ người làm nghề nông chọn ngày rỗi rảnh sau khi thu hoạch.
Tu Thiền cũng chọn ngày nhập thất để chuyên tu Thiền định hay Thiền quán, thời gian nhập thất tùy theo hoàn cảnh và sự phát nguyện của từng người khác nhau.
Riêng đạo tràng Pháp Hoa tu gia hạnh Phổ Hiền phải tu suốt 21 ngày và trong 21 ngày, chúng ta phải chuyên tu, không làm gì khác. Tuy nhiên, đa số chúng ta không làm được như vậy, vì còn nhiều việc khác ràng buộc. Cho nên, trong 21 ngày, chúng ta phải dành nhiều thì giờ nhất cho pháp môn này, nhưng không chuyên được. Còn muốn chuyên thì phải nhập thất suốt 21 ngày mới đạt được việc chuyên tu. Và trong 21 ngày, chúng ta niệm Phật, lạy Phật, tụng kinh, quán tưởng Phật, lúc nào hình ảnh Phật cũng hiện trong tâm chúng ta, hiện trước mặt chúng ta, bấy giờ nhìn đâu cũng thấy Phật.
Thầy có thời gian chuyên tu như vậy. Ban đầu để tượng Phật trước mặt mình, chọn tượng Phật mình thích nhất thì dễ tập trung tâm vào tượng hơn. Tập trung tâm được, quý Phật tử sẽ thấy chuyển biến từng giai đoạn, lần lần tượng Phật trở thành sống động hơn, đẹp hơn, nghĩa là tượng Phật đã có sức sống đối với mình. Khi chúng ta nhìn Phật, thấy Phật cũng nhìn chúng ta và Ngài mỉm cười, nên chúng ta cảm thấy an lạc. Đó là sức tập trung cao mới có được sự cảm nhận như vậy, nghĩa là từ tượng Phật hiện ra Đức Phật thật. Đức Phật bấy giờ đối với chúng ta là một người sống, không còn là pho tượng nữa. Thấy Phật cười nhìn ta thân thương và gần gũi với ta, nghĩa là Phật hộ niệm cho ta. Không đạt được trạng thái tâm chứng này, phần nhiều có được Phật hộ niệm cũng rất mong manh. Vì chúng ta tu hành có được từng niệm tâm thanh tịnh thôi, ít khi kéo dài được sự thanh tịnh đó.
Nhìn tượng Phật đẹp, nghĩ đến Phật thật là có Phật hộ niệm, công đức chúng ta sinh ra; nhưng vì chúng ta không giữ được sự thanh tịnh lâu, mà bị cái duyên nào đó ngăn chặn lại, Phật liền biến mất. Ví dụ chúng ta vừa nghĩ đến Phật, cảm thấy an lạc; nhưng tiếng động nào đó ở bên ngoài làm cho đời sống tâm linh chúng ta bị cắt ngang, trả chúng ta trở lại thực tế cuộc sống.
Kinh Pháp Hoa nói ở đây Phật ra đời, là ra đời ở người có tâm thanh tịnh. Trì danh hiệu Phật thì Phật ra đời trong tâm chúng ta, trong cuộc sống chúng ta, ở trước mặt chúng ta. Nếu đạt được như vậy, người khác thấy ta, hay nghĩ đến ta là họ thấy Phật. Phật ra đời trong một niệm tâm ta, nhưng niệm tâm thanh tịnh này chúng ta không giữ lâu được, gọi là Phật nhập diệt. Thực tế cuộc sống cho chúng ta nhận ra ý này, người mới tu phát tâm Bồ đề, nét mặt, lời nói, cử chỉ của họ rất dễ thương; nhưng vọng nghiệp sanh khởi, họ liền đổi khác. Có nhiều người nói lúc mới đi chùa, họ thấy Thầy này, hay Phật tử kia dễ thương; nhưng sau đó thấy không còn ai dễ thương. Chúng ta tu hành phải cân nhắc, đừng để tu một lúc rồi sanh chướng, trở thành khó tánh, kỳ khôi sinh ra trong lòng mình là Phật biến mất.
Trên bước đường tu, lúc không cần ai quý mến, vì ta có Phật trong lòng và ôm giữ hình ảnh Phật, nên ta không cần người quan tâm mà họ lại quan tâm thân thiện với mình. Nhưng đến lúc ta muốn thân thiện thì họ lại khó chịu với mình, muốn tìm lời nói tốt lành với họ, họ lại không nghe, là Phật trong ta đã nhập diệt. Thật vậy, vì Phật nhập diệt, cái muốn của mình trở thành vọng tâm, vọng trần thì nghiệp phải sanh khởi.
Vì vậy, Phật khuyên chúng ta diệt dục, nghĩa là bắt đầu tu, bỏ tất cả ham muốn để tâm chúng ta được lắng yên; vì khởi ý niệm ham muốn dù nhỏ nhất cũng không có được, muốn người nghe, họ sẽ không nghe. Nhận thức được yếu nghĩa này, Thầy thuyết pháp bằng tâm thanh tịnh; vì sống với pháp, nên tâm thanh tịnh và thuyết bằng tâm thanh tịnh, chứ không nghĩ phải nói như thế nào cho người nghe. Tìm cách nói cho người nghe theo là quả báo xấu đến liền.
Phật dạy trong kinh Pháp Hoa rằng người thực tu một lòng muốn thấy Phật, thì họ không nghĩ tới cuộc sống, thậm chí không quan tâm đến sinh mạng này, sống chết không còn quan trọng đối với họ; nhưng điều quan trọng là phải thấy Phật, tới được với Phật. Hạ quyết tâm như vậy, Phật sẽ xuất hiện cùng hàng Thánh chúng. Tu gia hạnh là phải như thế, nhưng nếu chúng ta chưa nhiếp tâm mà còn loạn tâm, thì Phật không xuất hiện được. Quý Phật tử tu hành muốn thấy Phật, cần phải ghi nhớ điều này.
Hơn 30 năm trước, vì đất nước mới thống nhất, nhiều việc xảy ra mà không ai lường trước được sống chết như thế nào. Đối trước hoàn cảnh khắc nghiệt đó, Thầy chuyên tu gia hạnh Phổ Hiền, thường nhập thất, ít tiếp xúc với mọi người, nên dễ thấy Phật hơn. Thầy xuống phòng phát hành kinh sách, thấy tượng Phật nhìn mình như người sống và Phật mỉm cười với Thầy. Thầy liền thỉnh tượng Phật đó về phòng, thắp hương, lạy Phật. Trong mùa gia hạnh đó, Thầy nhận thấy có nhiều điều kỳ diệu xảy ra.
Điều kỳ kiệu thứ nhất là mỗi ngày lạy Hồng danh Pháp Hoa, thấy hảo tướng của pho tượng hiện ra rõ rệt, mà ai vào phòng cũng nhận thấy tượng đẹp hẳn ra. Điều kỳ diệu thứ hai là sức sống trong phòng Thầy dường như có chư Thiên, chư Thần hiện hữu; cho nên trong đêm khuya thanh vắng mà Thầy nghe âm thanh lạ. Thầy liên tưởng đến kinh Di Đà nói rằng thường nghe nhạc Trời từ trên hư không cùng với hoa Trời ngày đêm rơi xuống. Đêm khuya không có âm thanh mà nghe được âm thanh. Ý này Thiền sư Nhật diễn tả là tiếng vỗ của một bàn tay. Trong cảnh thanh vắng mà nghe nhạc Trời và thấy hoa Trời; đó là nghe và thấy bằng tâm thanh tịnh, không thấy nghe bằng mắt tai bình thường, cho nên chỉ một mình Thầy nghe và thấy như vậy. 50 năm trước, Hòa thượng Thiện Hoa dạy ý này là lục căn hỗ dụng, nghĩa là không nghe bằng tai mà nghe bằng mắt, không thấy bằng mắt nhưng thấy bằng thân.
Những điều mầu nhiệm trong đạo phải thực tập hết lòng mới cảm nhận được; còn tu bình thường không thể có. Như trong kệ Phổ Hiền hạnh nguyện, Phật dạy trong một lỗ chân lông có ba đời chư Phật hiện hữu, thì đương nhiên người tu thanh tịnh mới đạt được sự thấy biết này. Trong cực vi đầu sợi lông có ba đời chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai, mỗi Phật lại có vô số Bồ tát vây quanh thuyết pháp; như vậy toàn Pháp giới đều biến thành Phật pháp. Trên tinh thần này, kinh Hoa Nghiêm dạy chúng ta nhìn đâu cũng thấy Phật là khi tâm chúng ta hoàn toàn thanh tịnh rồi đi vào thế giới Phật, thì tất cả đều thanh tịnh, đều là Phật.
Chúng ta không đạt được trình độ này, vì chúng ta gia hạnh chưa đúng; cho nên chúng ta đang ở giai đoạn tập sự thôi. Tuy mới tu gia hạnh lần đầu chưa đạt được gì, nhưng gia hạnh lần thứ hai, lần thứ ba, chúng ta phải thăng tiến trên đường đạo; còn đứng tại chỗ là thoái lui. Hòa thượng Trí Tịnh hay tu gia hạnh, Ngài nói rằng “Một câu, một kệ tăng tiến đạo Bồ đề. Một sắc, một hương đều không thoái chuyển”, nghĩa là phải đi tới; đứng lại sẽ tụt hậu, tu khó lắm. Thầy có cảm giác, nếu tiến tu thì cùng đi được với Phật, với Bồ tát, với bạn đồng hạnh; nhưng mình đứng lại sẽ cảm thấy bị lạc lõng bơ vơ. Nếu đi không được là thoái chuyển, hay bị đọa, phải chờ cơ hội khác, không phải thời nào cũng tu được.
Chúng ta bắt được cơ hội để thâm nhập vô tướng đạo tràng, mà không biết giữ gìn, để rớt lại, sau chúng ta có tu cũng chỉ là tu hình thức. Thực tế cho thấy trong đạo tràng có nhiều người đi chùa, tu hành, nhưng tâm tu không còn là nghĩa này.