Có cách nào để cân bằng chúng không ?
Hăng chúng ta ai cũng biết : trí tuệ của con người tượng trưng cho lý trí, còn tình cảm chính là đại diện cho cảm xúc. Nếu chúng ta quá lý trí thì trở nên khô cứng, còn tình cảm quá thì cũng không đem đến kết quả gì.
Lý trí và cảm xúc không thống nhất khiến chúng ta dễ đưa ra những quyết định sai lầm, đối mặt với những hiểu lầm không đáng có, dẫn đến những khủng hoảng trong cuộc sống.
Gần đây đọc trên các các truyền thông mạng, người viết bắt gặp câu nói sau:
“Bộc lộ sự nóng nảy là bản năng
Kìm nén sự nóng nảy là bản lĩnh”
Có nghĩa là :”Nếu bạn đúng, bạn không cần phải nổi nóng. Còn nếu bạn sai, bạn không có quyền nổi nóng.”
Đây mới là sự khôn ngoan thực sự, nhưng hầu hết mọi người không suy nghĩ thấu đáo về vấn đề này. Và như vậy “Ai mà kiểm soát tốt được những cảm xúc của mình thì người đó đã THẮNG ”.
Hơn thế nữa, nếu ai có dịp tham dự vào cơ chế của một doanh thương hẳn đều biết rằng họ đồng loạt áp dụng một nguyên tắc khi tuyển chọn nhân viên là “ Người ấy phải có được một khả năng quan trọng là ĐỪNG LÀM VIỆC THEO CẢM TÍNH “ ( cảm xúc chủ quan, nóng nảy )”.
Vì sao vậy? – Ở người cảm tính, trái tim mạnh hơn khối óc, dẫn đến hành xử không theo logic mà theo cảm xúc, những người này thường khó làm quản lý hoặc nên cơ nghiệp. Họ không thể làm việc nhóm và cũng không thể tính toán làm ăn. Họ suy diễn chứ không suy luận. Dù chưa có thông số dữ liệu (facts) nào, họ kết luận luôn theo chủ quan của họ. Người cảm tính luôn khổ đau vì cảm xúc chi phối suy nghĩ. Hơn thế nữa người cảm tính, có cái tôi lớn mà còn tiêu cực thì lại phức tạp muôn phần.
Và dĩ nhiên tiêu chuẩn ngược lại là “PHẢI LÀM VIỆC THEO LÝ TÍNH” (Sống theo lý trí). Chúng ta sẽ lạm bàn về lý trí tiếp theo, nhưng chắc chắn một điều là trên thế gian ai trong chúng ta cũng thường đan xen hai phạm trù cảm tính và lý trí, không ai cảm tính hết hoặc lý trí hết. Đặc biệt người lý trí lớn hơn cảm tính, họ thường sống khoẻ hơn người có cảm tính lớn hơn lý trí.
Theo tâm lý học, trẻ con, phụ nữ, người châu Á, người nông thôn, người nghèo… thường có cảm tính nhiều hơn lý trí.
Ở người cảm tính, mọi thứ ngoài “đạt lý” thì phải “thấu tình”. Còn với người lý trí, “đúng luật, minh bạch” là đủ.
Tuy nhiên, hiện nay một số người lại cho rằng: “Kể cả trong những trường hợp mà ta tin chắc rằng những quyết định của mình được đưa ra từ những lập luận logic và hợp lý thì cảm xúc vẫn là yếu tố then chốt”.
Do vậy, mà hiện nay Trí tuệ cảm xúc (EQ) hay còn được hiểu là khả năng nắm bắt và quản lý cảm xúc cho thấy chúng đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc đưa ra quyết định.
Điều ngày khiến người viết dành thì giờ để nghiên cứu về Cảm tính và Lý tính thế nào để tìm ra một sự cân bằng khả thi trong cuộc sống như hai câu danh ngôn sau :
– “Cuộc sống là một chuỗi các bài học phải sống mới có thể hiểu được” Helen Keller.
– “Cuộc sống hoặc là một cuộc phiêu lưu táo bạo hoặc không có gì cả”.
Trước hết kính mời cùng tham khảo thế nào là sống theo lý trí bạn nhé !
Lý trí giúp con người nhận định được vấn đề, giải quyết được vấn đề một cách rõ ràng nhất. Dùng tâm để nghe, ta mới có thể thấu hiểu người khác hơn, có thể đặt mình vào hoàn cảnh người khác mà suy nghĩ.
Lý trí giúp bạn phân biệt đúng sai, lợi hại, nhận định được sự việc, đi đúng hướng để đạt kết quả như mong muốn.
Lý trí còn có khả năng giúp con người khống chế được hành vi của bản thân. Người có lý trí chính là người biết kiềm chế, giữ gìn được sự cân bằng, không vượt quá giới hạn cho phép. Họ biết điều gì nên làm và điều gì không nên làm. Họ suy nghĩ rất chín chắn trước khi làm, biết kiểm soát những việc mình sẽ làm, kiểm soát được những gì đang diễn ra trong cuộc sống.
Người lý trí sống bao dung vì họ hiểu được nỗi khổ và tâm tư của người khác. Gặp hoàn cảnh thuận lợi họ vẫn không chủ quan, khi khó khăn vẫn giữ được bình tĩnh, suy nghĩ thấu đáo rồi tìm cách giải quyết.
Người lý trí sống và hành xử theo logic, theo các sự kiện, quy tắc, quy định. Người lớn tuổi, đàn ông, người phương Tây, người sinh sống ở đô thị lớn nhiều đời, người giàu, nhà khoa học, nhà kinh doanh… thường có lý trí lớn hơn cảm xúc. Họ suy luận chứ không suy diễn. Tức khi đánh giá một người, một sự vật, hiện tượng… họ thu thập dữ kiện rồi suy ra như toán học vậy. Đặc điểm của người vĩ đại, doanh nhân lớn, nhà giàu, nhà khoa học… là họ khách quan đến vô cùng.
Trong khi đó cảm xúc lại có thể đóng vai trò quan trọng trong cách chúng ta suy nghĩ và hành xử. Những cảm xúc mà ta cảm nhận hằng ngày có thể buộc chúng ta hành động và ảnh hưởng lên những quyết định từ lớn đến nhỏ của ta trong cuộc sống. Để thực sự hiểu được cảm xúc, quan trọng là phải hiểu được ba thành phần quan trọng của cảm xúc.
Cảm xúc có ba phần:
1. Thành phần chủ quan (cách bạn trải nghiệm cảm xúc)
2. Thành phần sinh lý (cách cơ thể bạn phản ứng với cảm xúc)
3. Thành phần biểu cảm (cách bạn hành xử để đáp lại cảm xúc)
Những nhân tố khác biệt này có thể đóng vai trò trong chức năng và mục đích của những phản ứng cảm xúc của bạn.
Khi bạn trải nghiệm một cảm xúc đặc biệt, bạn sẽ có động lực để hành động hơn và bắt tay vào làm việc gì đó tích cực để tăng cơ hội đạt được thành tích tốt. Và ngoài ra chúng ta thường có xu hướng làm một số hành động trong phạm vi nhất định để có được cảm xúc tích cực và giảm thiểu khả năng phải trải nghiệm những cảm xúc tiêu cực. Giả dụ như, bạn có thể sẽ tìm đến những hoạt động xã hội hay những sở thích có thể cho bạn sự hạnh phúc, sự thỏa mãn và sự phấn chấn. Mặt khác, bạn chắc chắn sẽ né tránh những tình huống có thể sẽ mang đến sự chán nản, buồn rầu hoặc thậm chí là lo lắng.
Hơn thế nữa, cảm xúc của chúng ta có ảnh hưởng lớn tới những quyết định mà ta đưa ra, từ việc chúng ta chọn ăn gì cho bữa sáng đến những ứng cử viên mà ta bầu trong cuộc bầu cử chính trị.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những người bị một số loại tổn thương não ảnh hưởng lên khả năng trải nghiệm cảm xúc, thì khả năng đưa ra những quyết định tốt của họ cũng bị giảm sút.
Charles Darwin tin rằng cảm xúc chính là sự thích nghi cho phép con người và động vật tồn tại và sinh sôi. Khi ta tức giận ta thường có xu hướng đối mặt với thứ là nguồn cơn của sự giận dữ. Khi ta trải nghiệm nỗi sợ, ta thường chạy trốn khỏi mối nguy hiểm. Như vậy cảm xúc phục vụ vai trò giúp ta thích nghi với cuộc sống bằng cách thúc đẩy ta phải hành động nhanh chóng và thực hiện các hành động giúp tối đa hóa cơ hội sống.
Ngoài ra… Nhận thức cảm tính là quá trình nhận thức gián tiếp chủ yếu bao gồm 3 hình thức điển hình là cảm giác, tri giác và biểu tượng.
Đây là giai đoạn đầu của nhận thức thông qua việc sử dụng các giác quan nhằm đưa ra những phản ánh trực tiếp đến đối tượng một cách tổng quát.
Khi chúng ta tiếp xúc với người khác, sẽ dễ dàng hơn nếu chúng ta đưa cho họ những manh mối để giúp họ hiểu được cảm giác của ta. Những dấu hiệu đó thể liên quan đến biểu hiện cảm xúc qua ngôn ngữ cơ thể, chẳng hạn như các biểu cảm khuôn mặt khác nhau có liên hệ với những cảm xúc cụ thể mà chúng ta đang trải nghiệm.
Trong một vài trường hợp khác, có thể nó sẽ bao gồm trực tiếp nói rõ những gì chúng ta đang cảm nhận. Khi ta nói cho bạn bè hoặc người thân rằng ta đang cảm thấy vui vẻ, buồn bã, phấn khích hay hoảng sợ, thì chúng ta đã cung cấp cho họ những thông tin quan trọng để họ có thể sử dụng để đưa ra hành động phản ứng.
Nhận thức cảm tính của con người được phân thành sự nhận thức ở mức độ thấp thông qua việc sử dụng những giác quan để có thể nắm bắt được sự vật. Không riêng gì con người, các loại động vật cũng có những giai đoạn cảm tính khác nhau.
Ban đầu, cảm giác sẽ được tổng hợp thông qua tri giác và trở thành những biểu tượng giúp chúng ta có thể hình dung ra sự vật mà không cần có sự tác động của những giác quan. Có thể nói, nhận thức cảm tính có mối liên hệ chặt chẽ với nhận thức lý tính, chúng tồn tại song song vừa bổ sung, vừa chi phối nhau để đưa ra sự thống nhất trong hành động của mỗi người.
Tuy nhiên, nhận thức cảm tính chính vì quá tổng quát nên chưa thể biểu thị rõ mối liên hệ bề mặt bản chất bên trong của sự vật và giai đoạn này chỉ xảy ra ở giai đoạn cao hơn là giai đoạn nhận thức lý tính.
Tuy nhiên, nói đi thì phải nói lại, cả hai quá trình trên không thể chỉ tồn tại độc lập với nhau. Phải có nhận thức cảm tính mới có nhận thức lý tính, chúng có quan hệ mật thiết, bổ sung cho nhau để cho ra sự kết quả sự nhận thức đúng đắn về bản chất chính xác của sự vật.
Có lẽ suy cho cùng, chúng ta cần phải biết cân bằng giữa tình và lý cho hợp lẽ. Sự kết hợp giữa lý trí và cảm xúc, sẽ tạo nên lời nói, cách ứng xử, tác động vào cuộc sống mà ta đang sống.
Vì thật ra khi cần quyết định một vấn đề mà chúng ta chỉ dựa trên lý trí bạn sẽ trở thành người vô tình, còn nếu chỉ dựa trên tình cảm thì khi đó bạn không thể đưa ra quyết định chính xác nhất.
Do vậy người khôn ngoan, có bản lĩnh đều biết kết hợp cả hai lý trí và cảm xúc thì mọi việc mới được giải quyết tốt đẹp.
Lời kết:
Lý trí hay trái tim, đều có những lý lẽ riêng để chúng ta nghe theo. Nhưng điều quan trọng là chúng ta phải biết dung hòa giữa cảm xúc và lý trí để luôn có những chọn lựa đúng đắn trên con đường đi đến thành công.
Khi đứng trước một vấn đề cần phải quyết định, ta không nên đắn đo giữa tình cảm và lý trí, mà hãy xem tính chất quan trọng của vấn đề đó để đưa ra một quyết định cho phù hợp.
Sống lý tính giúp bạn phân biệt được đúng sai, lợi hại cũng như nhận định vấn đề, sự việc theo đúng hướng. Nó còn giúp con người dễ dàng khống chế được hành vi của mình, giữ gìn sự cân bằng trong mọi mối quan hệ.
Còn cảm tính lại đem đến cho bạn một cuộc đời hạnh phúc hơn vì được là mình, dạt dào cảm xúc. Đôi khi, việc bộc lộ bản thân không phải là quá tiêu cực, chỉ cần bạn biết dừng đúng lúc là được. Chỉ cần giảm xung đột cảm xúc và thảo luận nhẹ nhàng về việc cần làm gì tiếp theo sẽ cải thiện hiệu quả giao tiếp và giảm tranh cãi có thể nảy sinh. Cho dù đó là công việc hay nói chuyện giữa các cá nhân, điều này đặc biệt thiết thực.
Phần đông theo thống kê đều cho rằng nhận thức lý tính là nhận thức cao giúp chúng ta nhận xét, đánh giá hay đưa ra phán xét những vấn đề dựa trên lẽ phải, chân lý. Nói cách khác, chân lý không phải những điều vô căn cứ mà nó thuộc về thành tựu tư duy khoa học. Hoặc có được thông qua sự trải nghiệm của tinh thần, tâm linh để soi dẫn cho hành vi của con người theo hướng đúng đắn, hợp lý.
Dựa vào đó, chắc chắn những quyết định thiên về lý trí luôn đúng đắn và logic hơn so với những quyết định do cảm tính đưa ra.
Dù cho sự chọn lựa của bạn là lý trí hay tình cảm thì bạn cũng đã chiến thắng bản thân khi quyết định chọn một trong hai. Dựa vào cảm xúc nhất thời để hành động, đó là cách hành xử của người thiếu lý trí.
Khi thất bại họ dễ dàng đánh mất niềm tin, mất cả phương hướng. Họ không đủ kinh nghiệm để đối phó với mọi tình huống, vì vậy rất dễ bị kích động, dẫn dụ.
Nhưng theo thực tế lại cho thấy rằng, nhận thức cảm tính cũng rất quan trọng và là một phần không thể bỏ qua. Trên hết, đa phần những quyết định của con người chỉ dừng ở mức cảm tính thay vì lý trí và những lập luận, lý lẽ liên quan cũng dựa theo cảm tính mà có được. Tuy nhiên, vấn đề cần giải quyết ở đây không phải nên làm thế nào có thể hướng con người theo nhận thức lý tính thay vì cảm tính. Mà điều cần thiết chính là cần có sự cân bằng, cái nhìn tổng thể để mọi việc được giải quyết theo chiều hướng vừa thấu tình vừa đạt lý.
Phải chăng dung hoà cảm xúc và lý tính mới là lựa chọn đúng đắn nhất trên con đường đưa bạn đến với đích đến thành công. Và điều mà bất cứ ai trong chúng ta cần phải làm là cố gắng rèn luyện, trau dồi để trở thành một con người sống dung hòa với hoàn cảnh.
Để trở thành một người làm việc khoa học, cẩn trọng, tỉ mỉ, kiểm soát cảm xúc, thái độ, hành vi và từng đường đi nước bước đúng đắn, thật ra không hề đơn giản.
Hơn thế nữa con người về bản chất, ai cũng có đủ khả năng, suy nghĩ và nhận thức, nhưng người khôn ngoan khi gặp thử thách, thất bại họ sẽ âm thầm nghiên cứu vấn đề tự tìm ra khuyết điểm của mình, cố gắng thay đổi cái nhìn, tập kiên nhẫn kiềm chế và xử lý một cách khéo léo hơn vì họ luôn nhủ thầm “Tôi kiên nhẫn, không phải vì tôi không có khí chất, mà là tôi đang chờ đợi thời cơ để chuyển mình và lên cao hơn.”
Nói tóm lại “Những người có thể kiểm soát tốt cảm xúc của bản thân thường giải quyết vấn đề hiệu quả nhất và thành công cũng sẽ tìm đến họ nhanh nhất”. Và theo thiển ý của người viết, chúng ta cần phải biết cân bằng giữa cảm tính và lý tính, sống cho sao hợp lẽ với đạo lý trong xã hội.
Lý trí hay con tim đều có những lý lẽ riêng, những cái hay riêng của nó. Bạn đừng vội đưa ra quyết định dù trong hoàn cảnh nào.
Kính chúc các bạn luôn có một cuộc sống thực sự ý nghĩa nếu mỗi ngày chúng ta đều cố gắng trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.
Kính trân trọng,
Cảm tính, Lý tính …
điều nào phải lựa chọn đúng đắn ?
Lý trí hay con tim đều có những lý lẽ riêng,
Vũ trụ bao la, sơn hà đại địa …
tất cả đều do nhân duyên
Sống sao hợp lẽ với đạo lý trong xã hội!
Dung hoà cảm xúc, lý tính chính là đường lối (1)
Mọi việc giải quyết tốt đẹp cần đến cả hai
Thấu tình, đạt lý khi phán đoán đúng sai
Chỉ cần nhận định vấn đề thật tinh tế !
Giúp khống chế hành vi mình….
giữ cân bằng trong mọi quan hệ!
Luôn nhủ thầm làm sao:
“Kiểm soát cảm xúc của bản thân”
Kiên nhẫn tìm ra khuyết điểm âm thầm
Cố gắng trở thành phiên bản tốt nhất !
Trái tim, khối óc bất cứ …
điều gì thỏa mãn tâm hồn là sự thật!
Huỳnh Phương- Huệ Hương
—————————————————000000——————————————————-
(1) -Nếu bạn muốn biết trái tim của bạn ở đâu, hãy nhìn xem tâm trí bạn đi đâu khi bạn bước đi.-Walt Whitman (1819-1892).