Một tử tù biệt giam, bị xích chân, còng tay chờ ngày thi hành án vẫn ngày ngày tụng kinh niệm Phật. Sức mạnh của niềm tin và niềm hi vọng vào sự khoan hồng của pháp luật đã mang đến một phép màu.
Cuốn kinh Phật trong phòng biệt giam
Phạm Xuân Cường (SN 1985, HKTT tại thị trấn Trới, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh) là tử tù mang tội giết người, phải nằm biệt giam ở Trại Tạm giam Công an tỉnh Quảng Ninh từ năm 2009.
Đại đức Thích Trúc Thái thỉnh chuông trên chùa Ba Vàng
Bên cạnh phạm nhân đặc biệt này lúc nào cũng đặt một cuốn kinh Phật đã được đọc đi đọc lại đến thuộc làu. Trong buồng giam lạnh lẽo, Cường vẫn không nguôi hi vọng lá đơn xin tha tội chết của mình sẽ nhận được sự khoan hồng của Chủ tịch nước và cầu mong vào sự màu nhiệm.
Tháng 1/2011, sau phán quyết của tòa phúc thẩm, tử tù Phạm Xuân Cường đã hơn một năm biệt giam. Dịp giáp Tết âm lịch, Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng (thuộc phường Quang Trung, Tp Uông Bí) đến nói chuyện, thăm và tặng quà Tết cho một số phạm nhân tại Trại Tạm giam Công an tỉnh Quảng Ninh. Đại đức đặc biệt chú ý đến một phạm nhân còn rất trẻ, khuôn mặt khá sáng sủa nhưng lại bị còng cả hai chân và khóa cả hai tay.
Khi thấy Đại đức, phạm nhân đã với tay lấy từ chỗ nằm ra một cuốn kinh Phật và xin được nhà sư chỉ dạy cách tụng niệm. Phạm nhân nói đây là cuốn kinh do em gái mang vào dặn dò ngày ngày tụng kinh niệm Phật và anh ta đã làm theo, nhưng nhiều chỗ đọc vẫn không hiểu nên xin Đại đức chỉ dạy. Phạm nhân đó chính là tử tù Phạm Xuân Cường. Ngay hôm đó Cường đã được Đại đức cảm kích cho quy y tam bảo và chỉ dẫn cách tụng niệm kinh Phật.
Khi nhà sư chuẩn bị rời đi, bất giác, Phạm Xuân Cường òa khóc, phạm nhân còn hỏi với theo xin biết danh tính, nơi nhà sư trụ trì rồi nói: “Thầy ơi! Hoàn cảnh gia đình con tan nát hết rồi. Con ân hận lắm! Con còn một đứa em gái. Nó bơ vơ giữa đời. Thầy làm ơn, làm phúc cứu giúp em con…”, và nhà sư nhận lời.
Một tuần sau, trong số rất đông du khách và Phật tử đến chùa đầu xuân, Đại đức Thích Trúc Thái Minh nhận thấy có một cô gái chừng ngoài 20 tuổi cứ nem nép như muốn nói điều gì. Nhà sư ôn tồn hỏi mới hay cô gái đó chính là em gái của tử tù đặc biệt lần trước. Từ đây gia cảnh tội nghiệp của hai anh em mới được giãi bày.
Gia đình phạm nhân vốn khá giả nhờ người cha làm nghề sửa chữa xe ô tô vào loại giỏi ở thị trấn Trới. Trong cơ chế thị trường, gia đình làm ăn phát đạt, xây nhà cao, mua đất, mở rộng cơ sơ kinh doanh. Người mẹ làm nội trợ gia đình và giúp bố quản lý. Năm 2004, do mâu thuẫn lớn xảy ra, người cha không kìm được nóng giận đã đâm chết vợ rồi nhảy lầu toan tự vẫn. Nhưng cú nhảy từ lầu ba của ngôi nhà xuống đất chỉ làm ông sụm toàn bộ xương sống và chấn thương.
Sau 8 tháng chữa trị, ra viện, người cha lĩnh án tù 14 năm; hai anh em Phạm Xuân Cường bỗng chốc trở thành côi cút, mẹ chết, cha đi tù. Cường tiếp tục công việc thay dầu rửa xe, nuôi mình và nuôi em ăn học, hết cấp 3 và Cao đẳng Sư phạm. Cô em gái ra trường xin dạy hợp đồng ở một trường tiểu học ở một xã vùng khó khăn nhất của huyện miền núi Hoành Bồ. Tháng 7/2009, Phạm Xuân Cường gây án mạng bị bắt giam. Cô em gái cũng không được dạy học nữa, hàng ngày phải quảy gánh hàng nước bán rong kiếm tiền tự nuôi mình và thỉnh thoảng đi thăm nuôi bố và anh.
Nghe xong câu chuyện, Đại đức Thích Trúc Thái Minh se lòng, nhà sư phát tâm chở che cứu giúp cho hai anh em tử tù. Câu chuyện được nhà sư chia sẻ với một luật gia, vị luật gia đã nhận lời tìm cách nghiên cứu lại hồ sơ vụ án. Cùng thời gian đó, đơn xin ân giảm án tử hình cho Phạm Xuân Cường (khi ấy vẫn đang bị tạm giam) được đưa đến Văn phòng Chủ tịch nước, thời gian chưa thi hành bản án được kéo dài thêm. Mỗi một ngày tiếp nối là một ngày tử tù sống trong hi vọng và cũng là cơ hội để những người muốn cứu sống Phạm Xuân Cường tiếp tục hành trình “cứu sống tử tù”.
Hành trình “cứu tử tù”
Chưa đầy một năm tiếp theo nhưng là cả một chặng đường đằng đẵng đối với tử tù Phạm Xuân Cường. Chuỗi ngày chờ đợi phán quyết cuối cùng cho sự sống của mình dường như ngày càng nặng nề, phạm nhân đặc biệt vẫn không ngừng tụng kinh niệm Phật và hi vọng… Lại thêm một cái Tết, nhiều phạm nhân trong Trại Tạm giam đã được ân giảm án, không có tên Phạm Xuân Cường.
Lần gặp người nhà trong chiều 30 Tết, Cường đã nghẹn ngào dặn sau khi thi hành án xin đưa cậu về nằm bên cạnh mộ của mẹ. Nhưng ở bên ngoài phòng giam, hành trình cứu sống tử tù vẫn không ngừng nghỉ. Những người trước đó hoàn toàn xa lạ với Cường nhưng nay đều dồn hết tâm huyết để giúp đỡ phạm nhân đặc biệt này. Toàn bộ hồ sơ vụ án được nghiên cứu lại, sự sống của phạm nhân vẫn đang chờ một sự định đoạt.
Đúng ngày lễ khai hội xuân Yên Tử, một vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước đã có mặt trong ngày hội. Luật gia nọ đã cố gắng để tận tay gửi lá đơn đề nghị xem xét lại bản án của Phạm Xuân Cường kèm một số chứng cứ cốt yếu đến tay vị lãnh đạo. Lá đơn được xem ngay trước giờ khai hội ở giữa kinh đô Phật giáo. Và hành trình tiếp đó là sự đẩy đưa của những duyên do tưởng như rất tình cờ. Đại đức Thích Trúc Thái Minh cũng có lời thỉnh cầu và may mắn có dịp trình bày kỹ lưỡng vụ án và gia cảnh kẻ phạm tội với những người có trách nhiệm cao để xin xem xét lại trường hợp này.
Trong phòng biệt giam, sự ăn năn hối cải của tử tù có lẽ đã được chiếu rọi, thử thách với niềm tin vào công lý đã được soi thấu. Sau hơn hai năm tính từ ngày bản án phúc thẩm tuyên, cuối năm 2012, Phạm Xuân Cường được nhận Quyết định giảm án từ mức tử hình xuống chung thân. Cường không khỏi bàng hoàng khi nghe cán bộ Trại tạm giam đọc Quyết định dù trước đó là bao ngày tháng chỉ sống trong chờ đợi.
Cô em gái của Cường cũng được gặp nhiều người tốt giúp đỡ tạo công ăn việc làm để tiếp tục sống, thăm nuôi bố và anh trong tù. Khi người anh được giảm án cứu được sự sống, người em gái cũng gặp được chàng trai yêu thương mình và xây dựng gia đình.
Đám cưới đơn sơ của cô gái đã được chính Đại đức Thích Trúc Thái Minh và những người có tấm lòng Phật tử làm lễ chúc phúc. Trong ngôi nhà đã từng xảy ra bao nhiêu chuyện đau lòng dẫn đến gia đình ly tán, một tổ ấm mới lại hình thành và sẽ là nơi chờ đợi những con người lầm lạc trở về sau thời gian trả án.