Cõi Phật Xuân Không Cùng

Băng qua thế giới ảo mộng phù du, từ trong một nội tâm yêu thương tràn đầy sức sống, với cái nhìn “tình trong đôi mắt trong”, bao nhiêu “cung ma trần gian đều được quản chặt”, “cõi Phật xuân không cùng hiển bày” mà Phật hoàng Trần Nhân Tông khắc họa trong bài thơ Xuân cảnh:

“Thế số nhất sách mạc,
Thời tình lưỡng hải ngân.
Ma cung hồn quản thậm,
Phật quốc bất thăng xuân”.

(Số đời mờ mịt cả,
Tình trong đôi mắt trong.
Cung ma nếu quản chặt,
Cõi Phật xuân không cùng).

Đó là thế giới hiện thực nhiệm mầu mà con người bao giờ cũng khát vọng mong chờ. Trong hai năm gần đây, mọi người trên khắp hành tinh này đang từng bước nỗ lực, vượt khó đi qua mùa đại dịch COVID-19 đầy thử thách và nguy nan. Thế nhưng trong cái nguy khó khi phải đối diện sự sinh tử, con người càng yêu thương nhau nhiều hơn, cùng chung tay kết nối hướng về thế giới hạnh phúc vững bền. Cơn gió lạnh và mây mù của mùa đông rét giá rồi phải qua đi để mùa xuân nắng ấm lại về cho nhân loại. Cả đất nước, cả dân tộc cùng chung lòng, chung tay vượt qua đại nạn dịch bệnh và nỗ lực phục hồi kinh tế, từng bước phát triển trên nhiều lĩnh vực, để hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, thịnh vượng. Đó đây, tiếng chuông chùa vang lên như tỉnh thức cùng nhau hướng về thực tại bây giờ và tại đây trước dòng đời biến chuyển. Cũng vậy, mùa xuân trở về như thông điệp hạnh phúc chuyển hóa nội tâm, đưa mọi người trở về sống với thực tại chơn như, giải thoát vĩnh hằng. Thật vậy, không phải ngẫu nhiên người ta nói mùa xuân là mùa khởi đầu một sự sống mới đầy khát vọng hạnh phúc của sự mong chờ:

“Xuân ơi, xuân hỡi!
Vắng xuân lâu ta vẫn đợi chờ mong
Trải bao nhiêu ngày tháng hạ thu đông
Ròng rã nỗi nhớ nhung, xuân có biết?”
(Tản Đà)

Cho nên, xuân đến là niềm hạnh phúc đến. Người ta sẵn lòng “tống cựu nghinh tân” để hội nhập sự vận hành mới cho hiện tại và tương lai. Bao nhiêu khó khăn vất vả, ưu phiền mộng mị được chuyển hoá bằng hương xuân kỳ diệu của sự bình an thịnh vượng:

“Chiều ba mươi nợ hỏi tít mùa, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa,
Sáng mồng một rượu say lúy tuý, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà”.
(Nguyễn Công Trứ)

Rất đẹp, rất chân tình, người ta rạo rực đón xuân, ôm xuân vào lòng qua những ngày tháng của mùa hạ nắng gắt, mùa thu vàng lá, mùa đông lạnh lẽo để rồi thở phào nhẹ nhõm, đốt nén hương trầm tâm nguyện cầu sự bình an thịnh vượng cho ngày đầu xuân của muôn nhà. Tại đây, suối nguồn hạnh phúc như bắt đầu tuôn chảy khởi đầu bằng tình người qua mái ấm gia đình, đoàn thể, xã hội. Dù ở phương trời xa xôi, người ta cũng cố gắng trở về quây quần bên ánh lửa hồng như để đón xuân sang với bao nhiêu điều tự bộc bạch cõi lòng:

“Hôm nay tạm nghỉ bước gian nan
Trong lúc gần xa pháo nổ ran
Rũ áo phong sương trên gác trọ
Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang.
Ta thấy xuân nồng thắm khắp nơi
Trên đường rộn rã tiếng đua cười
Động lòng nhớ bạn xuân năm ấy
Cùng ngắm xuân về trên khóm mai”.
(Thế Lữ)

Như tự hát khúc nhạc lòng, mọi người thanh thản đón nhận sự nhiệm mầu của mùa xuân diệu kỳ đầy hoa lá, sum suê hương thơm quả ngọt tràn đầy. Với khí trời ấm áp, êm dịu nắng nhẹ trời trong, bất chợt lòng ta mỉm cười với thực tại trong niềm hạnh phúc vô biên giữa cõi đời trần thế ô trược:

“Đứng im ngoài hàng dậu
Em mỉm nụ nhiệm mầu
Lặng nhìn em kinh ngạc
Vừa thoáng nghe em hát
Lời em ca thiên thu
Ta sụp lạy cúi đầu”.
(Quách Thoại)

Từ trong thực tánh duyên khởi bước ra, cõi xuân thường tái hiện về trong tâm tưởng mọi người. Như thế, hạnh phúc là những niềm an lạc hiện hữu quanh ta được soi rọi bằng đôi mắt trí tuệ, cái nhìn chánh niệm mặc cho dòng đời trôi chảy, vạn vật biến hoá không ngừng. Đức Khổng Tử ngày xưa cũng thế, nhìn bốn mùa qua lại, muôn vật sinh hoá diệu kỳ đã cất lên tự tánh nhiệm mầu của vạn pháp: “Thiên hà ngôn tai. Tứ thời hành yên. Bách vật sinh yên” (Trời có nói gì đâu. Bốn mùa đổi thay. Vạn vật vẫn sinh yên.). Héraclite – triết gia Hy Lạp – nhìn dòng đời trôi chảy nhận ra: “Tout change, tout coule!” (Tất cả đổi thay, tất cả trôi chảy). Xem ra, bạn thấy được nụ cười của đoá hoa hàng dậu, nghe được tiếng ca trong nắng xuân nồng thật là hạnh phúc biết chừng nào. Đây chính là thực tại tối hậu, chơn như nhiệm mầu mà bạn đang sống giữa dòng đời trôi chảy vô thường mà Mãn Giác Thiền sư cất lên tiếng xuân vĩnh cửu:

“Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tùng đầu thượng lai.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”.
(Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đi rồi
Chớ bảo xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai).

Đến nay, cõi lòng tràn khắp cõi lòng đi về muôn nơi của không gian vô tận, thời gian vô cùng. Những con đường vọng niệm từ sa mạc hoang vu tâm tưởng hay những bức tường vọng kiến ngăn che từ trong sa mạc hoang vu tâm tưởng hay những bức tường vọng kiến ngăn che tự tánh của mình hầu như bị huỷ diệt hoàn toàn. Xuân đi, xuân đến, hoa rụng, hoa cười vẫn thế thôi. Bởi hơn ai hết, các Thiền sư hiểu và thấy sự vận hành các pháp là: “như thị tướng, như thị tánh, như thị thể, như thị lực, như thị tác, như thị nhơn, như thị duyên, như thị quả, như thị báo, như thị bản mạt cứu cánh.” (Kinh Pháp Hoa). Cho nên nhà sư an nhiên tự tại sống trong hạnh phúc với thực tại chân như quanh năm suốt tháng, chứ không phải của mùa xuân ba tháng một thời. Đây chính là mùa xuân Phật giáo khác hẳn mùa xuân của trần thế luôn vội vã và hối tiếc khi xuân qua như Xuân Diệu từng thốt lên:

“Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua,
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già
Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất”.
(Bài thơ Vội vàng)

Nhà sư không sống như thế mà sống trong chánh niệm tỉnh giác từng giờ từng phút trước thực tại nhiệm mầu: “Nực thì đổ mồ hôi, lạnh thì run rẩy”. Trong sự vây hãm của sáu trần, nhà sư vẫn tự do ra vào tự tại trước sự chuyển xoay vạn hữu vô thường. Do đó tất cả hình ảnh vui buồn, những âm thanh, màu sắc đường nét biểu lộ tâm lý hân hoan hay chán chường của một “tâm hồn bé nhỏ, mang mang thiên cổ sầu” hầu như chẳng có giá trị gì trước những người đang sống trong chánh pháp của đức Từ Phụ. Thậm chí ngay cả trước bến bờ sanh tử vô tận, thuyền Bát nhã vẫn lướt nhẹ trên biển khơi:

“Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu, già đi rồi”.

Bất chợt, nhớ đến Chân Không Thiền sư ở thời Lý (946 -1001) đã hoá giải cho một thiền khách về một vấn đề đại sự này:

– “Bạch Hòa thượng khi sắc bại hoại thì thế nào?”

– Ngài đáp:

“Xuân đến, xuân đi ngỡ là hết
Xuân nở, hoa tàn chỉ là xuân”.

(Xuân lai, xuân khứ nghi xuân tận
Hoa lạc, hoa khai chỉ thị xuân).

Thế thì Mãn Giác hay Chân Không Thiền sư đều thế cả. Một thứ ngôn ngữ thực chứng diễn đạt cõi xuân vĩnh hằng sinh động “đi, đến, rụng, nở” (khứ, đáo, lạc, khai) đi thẳng vào tâm thức con người. Mỗi sinh thể hiện hữu trên cõi đời này cần phải tiếp cận sự thật như thế để lòng được bình an. Xem ra trong cánh hoa nở, rồi hoa tàn vẫn nảy sinh cái mầm sự sống của mùa xuân bất tận, của sự trường tồn vĩnh hằng. Long Thọ luận sư thật có lý, có tình khi nhận chân sự thật các pháp trên lập trường Trung Quán:

“Bất nhất, bất nhị
Bất sanh, bất diệt
Bất khứ, bất lai
Bất thường, bất đoạn”.

Tại đây, bức màn thực tại được vén lên băng qua những khái niệm phân biệt, sự dị biệt phân chiết vốn thường hay bóp méo thực tại. Vấn đề sanh tử, xuân đến, xuân đi, hoa nở, hoa tàn chỉ là sự vận hành của các pháp theo lý duyên khởi. Còn tâm lý thường tình của người đời hiểu vận mạng của thực thể đi qua trong nhận thức được giới hạn ở hai đầu sanh và diệt, đoạn và thường của không gian và thời gian; được quy nạp trong các phạm trù đi và đến, một và nhiều của tự thể và tha thể là lẽ thường tình.

“Xuân ơi, xuân hỡi!
Vắng xuân lâu ta vẫn đợi chờ mong
Trải bao nhiêu ngày tháng hạ thu đông
Ròng rã nỗi nhớ nhung, xuân có biết?”.
(Tản Đà)

Còn các nhà sư liễu đạo, chứng đạo thì khác, các Ngài vượt lên tất cả để nhìn thấy tất cả. Nếu Krishnamurti trong Tự do đầu tiên và cuối cùng từng nói: “Không có vấn đề, không có vấn đề, có vấn đề thì giải quyết vấn đề” thì các nhà sư tự tại vô cùng trước cảnh vật chuyển hoá không ngừng để vận hành các pháp: “Cứ để xuân đến, xuân đi, cứ để hoa nở, hoa tàn” để rồi “đêm qua sân trước một cành mai” thật tuyệt đẹp làm sao! Đây thật sự là mùa xuân hạnh phúc giữa đất trời ấm áp. Chỉ một cành mai đêm qua và qua đêm nay vẫn còn nguyên vẹn đó, một đoá hoa thược dược của Quách Thoại đang mỉm cười bên hàng dậu, một hạt sương long lanh trên đầu ngọn cỏ của Vạn Hạnh Thiền sư… Tất cả là chân như, là thể tánh thường hằng của vạn pháp, của mùa xuân miên viễn Phật giáo. Cũng ý niệm đó là cảnh xuân trong bài thơ “Xuân nhật tức thị” của Huyền Quang Thiền sư rất sinh động, nay hương xuân dạt dào:

“Nhị bát giai nhân thích tú trì
Tử kinh hoa hà chuyển hoàng ly
Khả lân vô hạn thường xuân ý
Tận tại đình châm bất ngự thì”.

(Huyền Quang Thiền sư)

(Lõng tay thêu gấm, gái yêu kiều
Hoa rợp hoàng oanh lảnh hót kêu
Bao nỗi thương xuân, thương biết mấy
Là khi không nói, chợt dừng thêu).

Đích thực đây là tiếng nói tri âm và sự vật trong cảnh xuân tuyệt vời. Có lẽ chỉ sống trong thực tại đó mới biết thẩm thấu sự tưới mát, ngọt ngào của thi ca được hoá hiện từ những tâm hồn chứng đạo. Vượt lên những cảm nhận bình thường của ngữ cảnh, âm thanh, màu sắc, đường nét của thế giới Biến kế sở chấp, được tung hoành của thế giới Y tha khởi để bay vào thế giới “Viên thành thật” thì mới liễu tri cảnh xuân nhiệm mầu của Thiền sư Huyền Quang đã thi hoạ trong bài thơ trác tuyệt ấy. Nói như trong Tiểu bộ kinh, Đức Phật từng dạy cho Bàhiya: “Trong cái thấy sẽ chỉ là cái thấy; trong cái nghe sẽ chỉ là cái nghe; trong cái thọ, tưởng sẽ chỉ là cái thọ, tưởng; trong cái thức tri sẽ chỉ là cái thức tri. Đây là khổ diệt” thì Thiền sư ghi nhận cảnh xuân đầm ấm ấy với cái nhìn “như thị”. Vẫn cô gái đương xuân ngồi đó, bàn tay nõn nà nâng niu và nhẹ lướt trên khung gấm, nghe tiếng chim hoàng oanh hót lanh lảnh… Tất cả như khúc nhạc không lời vang vọng lên từ sâu thẳm của đáy lòng, từ một trái tim đến muôn vàn trái tim trong mùa xuân an lạc hạnh phúc.

Dĩ nhiên, trước thời ngài Huyền Quang, Trúc Lâm Đầu Đà Thiền sư vẫn có cái nhìn cảnh xuân đồng điệu này rồi. Vẫn đôi mắt vô biên nhìn đời trong tuệ giác, tâm hồn Thiền sư vẫn vút lên cao để bay vào chân trời vô tận của tánh không diệu hữu.

“春景

楊柳花深鳥語遲,
畫堂簷影暮雲飛。
客來不問人間事,
共倚欄杆看翠微。”.

Xuân cảnh

Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì,
Hoạ đường thiềm ảnh mộ vân phi.
Khách lai bất vấn nhân gian sự,
Cộng ỷ lan can khán thuý vi.

Có gì để nói trước thực tại đang trôi chảy trong giờ phút hiện tiền khi hoa liễu nở rộ bên nhà, tiếng chim hót líu lo trong từng khoảnh khắc, mây vẫn bay trên bầu trời nắng xuân gió thổi nhè nhẹ. Dù nhà vẽ hay bóng trúc quét thềm có chăng đi nữa trong cõi sắc không này, chủ khách, khách chủ chỉ nhìn núi ngắm trời. Trong tự tánh uyên nguyên của cảnh vật hữu tình, con người sống trong cảnh xuân thường trụ, hát bài ca hạnh phúc cuộc đời.

Xuân như thế mới gọi là xuân. Trong ý niệm này, Cõi Phật xuân không cùng hiện hữu đầu tiên là mùa xuân Thành Đạo mà Phật Thích Ca Mâu Ni từng thiết lập cách đây hơn hai mươi lăm thế kỷ. Không mong đợi mùa xuân đến, không lo âu khi mùa xuân đi theo thời gian theo năm tháng, an trú trong Chánh pháp, Chánh niệm, trong sự tỉnh thức từng phút từng giây hiện tiền, mùa xuân có mặt khắp nơi, bất cứ nơi nào của người Phật tử. Và như thế, ngày xưa trong hội Linh Sơn, Đức Phật Thích Ca đưa cành hoa sen lên giữa hội chúng, ngài Ca Diếp mỉm cười, còn bây giờ chắc rằng đức Phật Di Lặc an nhiên nhìn chúng con hành trì pháp trong cõi xuân an lành và hạnh phúc thật sự.

TT.TS Thích Phước Đạt – theo thuvienhoasen.org

* TT.TS. Thích Phước Đạt – Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
(Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo Số 382 ngày 15-01-2022)

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.