Tìm Hiểu Về Hiện Tượng Lâm Tỳ Ni

Sự ra đời của Đức Phật nghiễm nhiên đã trở thành sự kiện quan trọng nhất trong suốt mấy ngàn năm tư tưởng Đông phương. Hiện tượng Lâm-tỳ-ni, chính vì thế, đã trở thành một hiện tượng đặc sắc đáng để mọi người nghiên cứu Phật học quan tâm. Trải qua hơn 2500 năm phát triển của Phật giáo, lịch sử và huyền thoại cứ quyện chặt và bao trùm bầu không khí Kapilavastu. Sự ra đời của đấng Giáo chủ có giao hòa một ít sương mờ của bình minh tư tưởng Vệ-đà, một ít cây lá của nền trời nghệ thuật Trung Hoa, cùng với hương hoa bất tuyệt của niềm tin tín đồ, đệ tử đối với bậc Vô thượng Pháp vương.

Hình ảnh Thái tử Tất-đạt-đa, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất, kiễng gót trên bảy đóa hoa sen; hình ảnh một Hoàng hậu Ma-da đưa tay nâng đóa Vô-ưu giữa sự vi nhiễu của chư thiên Phạm Đế; hình ảnh một vị tiên A-tư-đà phủ phục chiêm ngưỡng 32 tướng trượng phu …, tất cả đã tạo thành một họa phẩm vĩ đại nhất vẽ nên một chân lý, một huyền thoại uyên nguyên về cả Hình nhi thượng lẫn Hình nhi hạ trong Nhân sinh quan và Vũ trụ quan Phật giáo.

Từ thuở nhỏ theo chân mẹ đến chùa, khung cảnh vườn Lâm-tỳ-ni nhân tạo đã làm cho bản thân người viết bài này vô cùng cảm kích, và đó cũng là một trong những nhân duyên lớn giúp bản thân xuất gia đầu Phật sau này. Từ đó đến nay đã bao mùa Phật đản, bao lần được chiêm ngưỡng cảnh trí huyền thoại của Lâm-tỳ-ni qua những bức họa của các họa sĩ lẫn những phối cảnh của các nghệ nhân trong các tự viện, thế mà mãi đến nay, hiện tượng Lâm-tỳ-ni vẫn là một khái niệm mơ hồ trong lòng kẻ hậu học này. Tại sao lại bước đi trên bảy đóa sen ? Tại sao nói : “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn” ? Có đúng là Thái tử sanh ra từ hông bên phải của Hoàng hậu Ma-da ? v.v… Những ẩn dụ hay sự thật hiển bày ? Truyền thuyết ấy là của Nam Tạng hay Bắc Tạng ? Ấn Độ hay Trung Hoa ? Luận thuyết ấy là từ Nguyên thủy hay sau này ? Của Bộ phái hay Phát triển ? Tất cả những câu hỏi ấy luôn thôi thúc bản thân tìm hiểu.

Thế rồi, càng lạc vào rừng điển tịch người viết càng hoang mang, càng thấy hiện tượng Lâm-tỳ-ni là một bức màn không thể vén lên hết được. Thôi thì, xin góp nhặt những tài liệu đây đó, một vài ghi nhận chủ quan, tìm hiểu về hiện tượng ra đời của Đức Phật 2500 năm trước.

1. LÂM TỲ NI – SỰ THẬT LỊCH SỬ

Nói đến lịch sử, chúng ta chỉ còn biết khảo sát một cách khoa học dựa trên những di chỉ còn lại đến ngày nay. Trải qua hơn 2500 năm, chắc chắn mọi sự đã thay đổi hoàn toàn. Vì thế, dẫu công tâm đến thế nào, người ta cũng dễ dàng rơi vào sự ức đoán hoặc phô diễn theo nhãn quan của mình, không thể tránh khỏi sự nhầm lẫn, đôi lúc làm sai sự thật.

Lâm-tỳ-ni (Phạn, Pàli : Lumbini – nay là Rumindai), được người Trung Hoa dịch là Hoa quả đẳng thắng diệu sự cụ túc, Lạc thắng viên quang giải thoát xứ, Khả ái, Hoa hương, Đoạn, Diệt, Diêm…, là khu vườn hoa nằm giữa Câu-lợi (Kol啕a) và Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavastu) thuộc Trung Ấn độ, vốn do Hoàng hậu Lâm-tỳ-ni của vua Thiện Giác (Phạn : Suprabudha) thiết lập. Khu vườn này có một thời gian lâu dài bị hoang phế. Mãi đến năm 1896, các nhà khảo cổ khai quật và phát hiện trụ đá của vua A-dục (Asoka) mới biết đây là Thánh địa, nơi đản sanh Đức Thích Tôn.

Theo THE HISTORICAL BUDHA của H.W. Schumann, một học giả người Đức, thạch trụ do vua A-dục dựng vào năm 245 trước CN, cao 6, 5 m. trên thạch trụ có lời ghi :

“Hai mươi lăm năm sau khi lên ngôi, quốc vương Devànampiya Piyadasi (Thiên Ái Thiện Kiến, tức A-dục) ngự đến đây chiêm bái, vì Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, bậc hiền nhân của bộ tộc Thích-ca, đã đản sanh tại đây. Nhà vua ban lệnh khắc 1 tượng bằng đá (?) và dựng một thạch trụ. Ngài miễn thuế đất ở làng Lumbini và giảm thuế hoa lợi từ 젴heo lệ thường xuống 1/8”. (ĐỨC PHẬT LỊCH SỬ , bản dịch của Trần Phương Lan, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1997, trang 38 – 39.)

Đây là một phát hiện di vật sớm nhất còn lại đến ngày nay, và đoạn văn khắc trên trụ đá này có thể được xem là “bản khai sanh” của Thái tử Tất-đạt-đa. Còn một phiến đá có lẽ xuất hiện vào khoảng thế kỷ II TL, được tìm ra ở Lumbini và được lưu trữ tại một ngôi chùa nhỏ địa phương. Phiến đá cho thấy Hoàng hậu Ma-da sanh Hoàng tử trong lúc đang đứng vịn cành cây Sàla (tên khoa học là Shorea Robusta). Các học giả Tây phương hiện đại cũng khảo cứu kỹ lưỡng khu vườn nổi tiếng này. Theo CUNINGHAM’S ANCIENT GEOGRAPHY OF INDIA (S.N. Majundar), di tích vườn Lâm-tỳ-ni hiện nay còn một khu đất có chiều dài khoảng 30m, chiều rộng khoảng 20m, có ao tắm hình vuông và ngôi nhà bằng gạch, đây là nhà thờ Lỗ-mục-mễ-điệt (?), vách bên trong chánh điện có khắc tượng phu nhân Ma-da bằng đá, được suy đoán là tác phẩm vào thời đại vương triều Cấp-đa (Guppta) hoặc sau đó.

Về Hoàng hậu Màyà và dòng dõi của bà cũng đã được các nhà khảo cứu truy nguyên kỹ lưỡng, tưởng không cần phải kê ra dài dòng ở đây. Việc làm của các nhà khảo cứu trên tinh thần khoa học là đáng trân trọng. Tuy nhiên, do không được hun đúc trong tinh thần truyền thống và do sự khách quan quá mức cần thiết, cách nhận định của các nhà khảo cổ đôi lúc cũng đi quá xa, lệch lạc đối với kinh văn và suy luận thực tế. Chẳng hạn H. W. Schumann, trong phần khảo sát “Nguồn gốc Thái tử Sìddhattha và sự đản sanh của Ngài”, có đoạn viết :

” … Hoàng hậu Màyà đã 40 tuổi, ngay trước thời kỳ lâm sản đã lên đường trở về quê song thân ở Devadaha để sanh con và nhờ mẫu thân Yasodharà bảo dưỡng. Cuộc hành trình bằng xe ngựa hay xe bò cọc cạch lắc lư trên những con đường đất bụi nóng bức khiến cho việc lâm sản xảy ra sớm trước khi về đến Devadaha. Gần làng Lumbini giữa trời không có nhà cửa che chở, chỉ có được tàng cây Sa-la và cũng không có thầy thuốc nào lo việc hộ sản, Hoàng tử ấu nhi Sìddhattha sanh ra đời vào khảng tháng 5, năm 563 trước CN.” … (ĐỨC PHẬT LỊCH SỬ , bản dịch của Trần Phương Lan, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1997, trang 38.)

Tư liệu do H. W. Schumann khảo cứu quả không có gì khác với kinh văn là mấy. Song với cách trình bày chủ quan như “… xe ngựa hay xe bò cọc cạch lắc lư trên những con đường đất bụi nóng bức khiến cho việc lâm sản xảy ra sớm…”, hay “không có nhà cửa che chở”, “cũng không có thầy thuốc lo việc hộ sản” … khiến người đọc có cảm giác Thái tử bị sanh ra trong một hoàn cảnh bất đắc dĩ, hoàn toàn không hợp lý với một vị Vương tử của một vương triều đang thịnh trị.

Dẫu sao, việc Thái tử Tất-đạt-đa do Hoàng hậu Ma-da đản sanh dưới tàng cây Vô-ưu tại vườn Lâm-tỳ-ni là một sự thật lịch sử đã được xác nhận. Còn những chi tiết quan trọng khác nói trong kinh văn thì không thể khảo chứng. Đối với sự ra đời của một vĩ nhân, thường thường người ta hay xây dựng thêm những yếu tố cần thiết để tạo sự khác biệt với người thường, đồng thời cũng phù hợp với quan niệm của người Đông phương. Có những con vật thiêng như rồng, kỳ lân …, người thường chẳng bao giờ thấy, nhưng người ta vẫn tin nó một cách tuyệt đối mà chẳng hề nghi vấn. Đây là điểm mà người nghiên cứu cần phải bước qua lịch sử để vói đến một giá trị khác khi tìm hiểu huyền học Đông phương. Nếu không như thế, người viết sử chỉ là những anh hề trên sân khấu lịch sử mà thôi.

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.