Ảnh Hưởng Thiền Với Văn Hoá Dân Tộc Việt Nam

I.- Thiền học du nhập: 

Điều quan trọng nhất khi nghiên cứu ảnh hưởng Thiền học du nhập vào Việt Nam là nhận định cái yếu lý của tông phái. 

Thiền tông là một tông phái đi vào đạo lý chính thống của đức Phật. Sự hiện hữu của Thiền tông ở Trung Hoa cũng như ở Việt Nam cũng như hầu hết các nước Đông Nam Á nguyên nhân chính là đặt lại quan niệm đứng đắn về giác ngộ, thoát hình tướng, thoát văn tự. 

Sư tổ Thiền tông ở Trung Hoa chính là Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma đến Quảng Châu (520), thuyết pháp cho Lương Võ Đế, chính là lúc Phật giáo Trung Hoa mang nặng hình thức chủ nghĩa. Ngài ngồi nhìn vách chín năm (cửu niên diện bích), dùng thoại đầu, dùng Đạt Ma Tổ Sư Thiền, tức là  “Giáo ngoại biệt truyền,bất lập văn tự”. 

Những huyền thoại về ngài Đạt Ma như:  Cỡi sóng Đông Độ, Đạt Ma cắt mí mắt, Đạt Ma xách dép, tất cả tựu trung có một quan điểm: muốn giác ngộ;  điều cần nhất là đi thẳng vào sự thực, vươn mình lên trên tất cả để nhận chân cho được sự thực. 

Bất dự phàm thánh đồng triển,

Siêu nhiên danh vi viêt: “TỔ”.

Nghĩa là:

Chẳng cùng phàm, thánh sanh vai,

Vượt lên mới gọi là TỔ. 

Tóm lại, Thiền tông chú trọng về tâm giải thoát. Nghệ thuật thiền tông là những đường nét siêu thoát. 

Thiền tôn bén rễ ở Việt Nam, thích hợp với dân tộc tính cũng do các nguyên nhân căn bản sau đây:

1.-  Tinh thần dân tộc Việt Nam: Luôn luôn khai phóng, hòa đồng, dễ dãi chân thật.  Dân tộc thường mỉa mai lối nhìn: “xem mặt mà bắt hình dung”.  Đó là tinh thần chân – như – phương, đôn hậu, sâu kín “thức lâu mới biết đêm dài, ở lâu mới biết con người phải chăng”. 

2.-  Thiền tông thích hợp với con người Việt Nam.  Nghệ thuật thi ca, điêu khắc, âm nhạc, hội họa, thoại kịch, …  Chính vì vậy, Việt Nam có một nền văn hóa bình dân rất phong phú và sâu sắc. Tinh thần Việt Nam luôn luôn sâu kín, thâm trầm, ít hiếu động, khoe trương. Điều nầy ẩn tàng ngay trong nghệ thuật. 

3.-  Vào thời kỳ thiền tông du nhập (Khương Tăng Hội, Chí Cương Lương, Mâu Bác) chính là lúc mà ảnh hưởng Hán học, Lão học bành trướng mạnh. Cho đến đời Lý, ngay cả thời kỳ Tam giáo đồng nguyên, thì thiền tông vẫn ngã theo một chiều hướng riêng biệt. 

II.- Ảnh Hưởng Văn Hóa Dân Tộc

Ảnh hưởng lớp Trí thức: 

Trí thức Việt Nam ngày trước đều được đào tạo theo Khổng học. Con đường duy nhất của trí thức phong kiến là:  Chăm lo mười năm đèn sách, am tường tứ thư ngũ kinh, “dùi mài kinh sử để chờ kịp khoa”. Con đường của họ chỉ có hai ước vọng:  “- Trước là đẹp mặt  –  Sau là ấm thân”. 

Nhưng đó là lề lối đào tạo của người lãnh đạo quốc gia. Còn trí thức tạo cho mình một lối sống như thế nào, lại là một vấn đề khác. Cuộc đời của một nho sĩ, thường chia làm ba giai đoạn rõ rệt:  Hành nho – Hiển nho và Ẩn nho. Trừ ra thời kỳ hiển nho (làm quan, lập danh) còn cuộc đời họ lui về ẩn dật. Có người gọi là tư tưởng Lão Trang. Thú vui là cầm kỳ thi tửu, triết lý sống là lạc đạo, an bần. Nhân sinh quan là “độc hành kỳ đạo, độc thiện kỳ thân”. 

Nhưng Lão Tử với thuyết vô vi, Trang Tử với thuyết xuất thế, mộng ảo, thì quá xa với thực tế, với quần sinh.  Họ trở về với  thiên nhiên, với thiền học. 

Thiền  không phải là một quan niệm, một đường lối, mà chính là một lẽ sống chân như.  Thiền không văn tự không hình thức. 

Quan niệm ấy phải lấy bối cảnh là quê hương là ruộng vườn, làng mạc Việt Nam.  Chưa bao giờ, hương vị thiền bang bạc, mông lung như tâm sự của thi hào Nguyễn Du: 

Vạn sơn thâm sứ tuyệt phong trần
Thác loạn sài môn, bế mộ vân
Trưởng giả y quan do thị Hán,
Sơn trung giáp tý quýnh phi Tần
Mục nhi giáp chủy hoang giao mộ
Cáp nữ đồng liên ngọc tĩnh xuân,
Na đắc khiêu ly phù thế ngoại,
Trường tùy thu hạ, tối nghi nhân.   

NGUYỄN DU  (Thanh hiên Tiền hậu tập) 

Nghĩa là:

Ruộng sâu thăm thẳm tuyệt phong trần,
Hoàng hôn che cửa, áng phù vân,
Trưởng giả áo xuân còn nệ Hán,
Trong hạnh giáp tý chẳng theo Tần,
Gõ sừng mục tử ca chiều xuống,
Giếng ngọc nô đùa mấy gái xuân,
Ao ước thoát ra ngoài phù thế,
Nằm khỉnh gốc tùng quá sướng thân.
 

Tinh thần siêu thoát đưa con người gần với thiên nhiên, với cỏ cây, xa lánh những cuộc bon chen, đố kỵ “con người là chó sói của người”. Khó mà nói rằng đó là ảnh hường của Lão Trang. Lối sống vô câu thúc chí có nghĩa rằng đưa con người tìm lại bản thân mình. Nó bắt nguồn từ những thất bại, bất đắc chí trên đường công danh “Trị quốc bình thiên hạ”.  Nhưng dần dà, nỗi bi quan đó dẫn dắt đến một nếp sống tốt đẹp hơn, sâu sắc hơn, phong phú hơn.  Đó là con đường tìm đến giải thoát và liễu ngộ. 

Nghệ thuật trà đạo cũng mang sắc thái thiền. 

Thiền hiểu theo nghĩa rộng lớn, tự nhiên, vượt thoát ra ngoài những hình thức hay ngôn tự.  Tranh thủy mạc, nhạc tiêu sái, thơ yêu thiên nhiên, các loại đạo ca, tâm ca, hoan ca… đều bắt nguồn từ thái độ sống theo thiền. 

Ảnh hưởng quảng đại quần chúng: 

Người nông dân Việt nam sống gần gủi với thiên nhiên.  Tâm hồn họ chất phác, hiền hòa đạm bạc.  Đó là ảnh hưởng của hoàn cảnh xã hội và bản chất của con người.  Gần đây, có người vì mang chủ trương chính trị, nên gán cho quần chúng nông thôn những từ ngữ: đắc trách giai cấp công nông liên minh, ý thức tranh đấu.  Mấy chục năm nay, khi những chủ trương ấy phát động, dân quê vẫn tham gia thụ động. Đó không phải là bản chất. 

Tình yêu nơi chôn nhau cắt rốn, yêu ruộng vườn làng mạc, con trâu cái cày “Ta đây trâu đấy ai mà quản công”. Tất cả đều được nói lên một cách sống hài hòa, hồn  nhiên phong phú lạ thường. 

Ảnh hưởng đó tràn sang các địa hạt thi ca, tình ái xã hội. Ca dao tục ngữ xét cho cùng chỉ để biểu hiện nếp sống toàn vẹn con người. Hội hè đình đám phản ảnh sức sống hòa hợp của thiên nhiên. 

III. – Đặc tính thiền ở Việt Nam: 

1.-  Hoàn cảnh nhân văn: 

Khi thiền tôn còn phát triển tại Ấn Độ (theo D.T.Suzuki) hoàn toàn mang tư tưởng thần bí.  Thật ra, Ấn Độ chỉ thích hợp với Duy Thức Tôn, Chân Như Tôn, Hoa Nghiêm Tôn, Không Luận Tôn.  Khi sang Trung Hoa và Việt Nam , thiền tôn gặp môi trường thích hợp.  Theo tác giả Manua of Zen Buddhism, thì thiền tôn ở Việt Nam dễ bám rễ vì ở đấy thấm nhuần tư tưởng Lão Trang.  Thiền tôn đòi hỏi tinh thần điềm đạm hào sáng và cơn thuần. Vì vậy Đại Thừa Phật Giáo kiểu của hai ngài Mã Minh và Long Thọ, hay qua các bộ kinh Duy Ma Cật, Lăng Già Tâm Ấn, Bát Nhã Kim Cang… cũng cần phải gieo trồng trên mãnh đất khác.  Đó là Trung Hoa và Việt Nam. 

2.-  Nghệ thuật và văn chương: 

Nền văn chương thiền đã bàng bạc suốt mấy thế kỷ Lý -Trần. Các nhà khảo cổ tìm thấy ở bia ký, các bài kệ các phú pháp.  Thường là những bài thơ ngắn nhưng rất súc tích.  Đó là đặc tính của ngôn ngữ thiền. 

Nghệ thuật điêu khắc cũng độc đáo. Đời Lý đã tạo lập nhiều chùa tháp. Hầu hết các danh lam thắng cảnh do từ đời nhà Lý mà ra.  Các thắng tích ở Hà Thành như chùa Trần Vũ, chùa Diên Hựu, đền Nhị Nữ, đền Linh Láng.  Sách Thiền Uyển Tập Anh có biên chép:  Nhiều chùa chiền xây dựng ở Thăng Long đời Lý, nay đã bị hủy diệt. 

Các danh sơn cũng có nhiều công trình kiến trúc.  Núi Long Đồi (ở huyện Du Tiên) núi Phật Tích (ở huyện An Sơn), núi Tiên Du (ở huyện Tiên Du), núi Lam Sơn (ở huyện Quế Dương), núi Tiên Sơn (ở huyện Yên Phong),Ngũ Hành Sơn (tức động non nước Đà Nẵng), núi Linh Ứng(Quảng Ngãi). Tất cả đều bàng bạc màu sắc của Phật Giáo, mà nhất là đều ảnh hưởng thiền học, Phật Giáo.

HT. Thích Tín Nghĩa

http://www.buddhahome.net

________________________

Ghi chú Đây là một vài ý ngắn về Ảnh hưởng Thiền với Văn hóa Dân tộc, chỉ là một lời nhỏ, nhưng cũng ghi vào vào đây để quý vị đọc cho vui – Hy vọng, chúng tôi có thì gian sẽ tiếp tục cho vài lời nhỏ nầy

This entry was posted in Văn Hóa, Đời Sống. Bookmark the permalink.