Nhập Dòng Giải Thoát

Trong kinh điển thường đề cập đến bốn quả vị mà người con Phật phải nhắm đến trên đường giải thoát, đưa đến Niết Bàn. Các quả vị nầy được xem như là các dấu mốc – hoặc các chặng đường – trên hành trình thanh lọc tâm ý, tiêu diệt các ô nhiễm ngủ ngầm trong tâm, thường được gọi là mười kiết sử hay thằng thúc (samyojana), trói buộc chúng sinh vào vòng luân hồi.

Bốn quả vị đó là:

– Dự lưu (Sotàpanna, Tu-đà-hoàn),
– Nhất lai (Sakadàgàmi, Tư-đà-hàm),
– Bất lai (Anàgàmi, A-na-hàm),
– A-la-hán (Arahat, Ứng cúng).

Mười kiết sử là:

– thân kiến (sakkàya-ditthi),
– hoài nghi (vicikicchà),
– giới cấm thủ (silabata-paràmàsa)
– tham đắm vào cõi dục (kàma-ràga)
– sân hận (vyàpàda),
– tham đắm vào cõi sắc (rùpa-ràga),
– tham đắm vào cõi vô sắc (arùpa-ràga),
– mạn (màna),
– trạo cử vi tế (uddhacca),
– si vi tế (avijjà).

Trong nhiều bài kinh, Đức Phật thường tóm tắt về bốn quả thánh đó như sau:

– “Có những Tỳ-khưu là những vị A-la-hán, các lậu hoặc đã đoạn trừ, Phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, gánh nặng đã đặt xuống, mục đích đã thành đạt, hữu kiết sử đã được đoạn tận, được giải thoát nhờ chánh trí.

Có những Tỳ-khưu là những vị Bất lai, đã đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, ở đấy được nhập Niết-bàn, không còn phải trở lại đời này nữa.

Có những Tỳ-khưu là những vị Nhất lai, đã đoạn trừ ba kiết sử, đã làm cho muội lược tham, sân, si, sau khi sanh vào đời này một lần nữa, sẽ đoạn tận khổ đau.

Có những Tỳ-khưu là những vị Dự lưu, đã đoạn trừ ba kiết sử, không còn đọa vào ác đạo, chắc chắn sẽ được giác ngộ”. – (Trung bộ, 118)

*

Người đạt quả Dự lưu là người đã đoạn trừ ba kiết sử đầu tiên: thân kiến, hoài nghi, và giới cấm thủ. Người nầy được xem như là một người đã nhập vào dòng giải thoát, tùy theo hạnh nghiệp và tinh tấn mà chỉ tái sinh làm người hoặc trong các cõi trời, tối đa là bảy kiếp, vì vậy có sách gọi là quả Thất lai. Người nầy còn được gọi là đã mở “Pháp nhãn”, vì người ấy đã bắt đầu có thanh tịnh về quan kiến, đã trực nhận rõ ràng Chánh Pháp của Ðức Phật. Người đó không còn xem mình như là một bản thể riêng biệt và thường tồn, kể cả hình sắc và tâm thức. Người đó không còn một chút nghi ngờ nào về sự hiện hữu và lợi ích của Tam Bảo: không còn hoài nghi về sự giác ngộ của Ðức Phật, không còn hoài nghi về con đường mà Ðức Phật đã vạch ra để đi đến giác ngộ, không còn hoài nghi về những đệ tử của Ngài đã đi theo con đường ấy và đã đạt được sự giải thoát tối hậu. Người ấy cũng không còn có ảo tưởng rằng Niết Bàn có thể đạt được bằng cách ép mình vào các hình thức lễ nghi phiến diện hay các điều lệ ước định nào đó.

Thân kiến, kiết sử đầu tiên, là sự hiểu sai lạc về cái gọi là Tự ngã, hay cái Tôi, đồng hóa nó với một trong năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức). Trong bài kinh số 44, thuộc Trung Bộ, Ni sư Dhammadina giảng rằng một người đã đoạn trừ thân kiến là một người “không xem sắc là tự ngã, không xem tự ngã là có sắc, không xem sắc là trong tự ngã, không xem tự ngã là trong sắc”, tương tự như thế đối với bốn uẩn còn lại.

Có người thường hiểu lầm về chữ “hoài nghi” dùng ở đây. Tiếng Pàli là “vicikicchà”, thường dùng để chỉ thái độ nghi ngờ về Phật Pháp Tăng và về lý Duyên sinh. Ngài Phật Âm(Buddhaghosa), trong bộ luận Thanh Tịnh Đạo, nói rằng vicikicchà còn là một thái độ do dự, không nhất quyết, không sẵn sàng tra vấn, học hỏi. Do đó cần phải đoạn trừ kiết sử nầy. Ðức Phật khuyến khích chúng ta phải biết nỗ lực suy tư, luận giải và chứng nghiệm ngay trong đời sống hằng ngày, vì Pháp là “mời mọi người đến xem xét” (ehipassika). Ðể rồi chúng ta thấy, biết rõ ràng sự ích lợi của Phật Pháp cho con đường hành trì của ta, và từ đó, có một niềm tin vững chắc vào Tam Bảo, không còn thắc mắc, phân vân, hay do dự gì nữa.

Chữ “giới cấm thủ” cũng thường bị hiểu lầm. Ở đây để chỉ thái độ mê tín mù quáng, bám thủ vào các hình thức lễ nghi, tin rằng làm như thế là đủ để thanh lọc tâm. Đoạn trừ giới cấm thủ không có nghĩa là một thái độ buông lơi, phóng túng, dễ duôi, không giữ gìn giới hạnh. Trái lại, nó có nghĩa là một thái độ minh triết, xem giới luật như là một phương tiện tốt, cần thiết để luyện tâm, nhưng lại không mù quáng, không quá lệ thuộc vào các hình thức giáo điều. Một người không còn giới cấm thủ là một người lúc nào cũng có giới đức trong sạch, nhưng sống thảnh thơi trong giới luật đạo hạnh, không còn xem đó là một gánh nặng trên con đường hành trì của mình.

Để trừ khử các kiết sử trên, Đức Phật khuyên chúng ta phải nỗ lực thực hành bốn điều: (1) thân cận bậc chân nhân, (2) lắng nghe diệu pháp, (3) như lý tác ý, và (4) thực hành pháp và tùy pháp, như đã ghi trong Tương Ưng 55.11:

“Thân cận bậc Chân nhân là Dự lưu phần.
Nghe diệu pháp là Dự lưu phần.
Như lý tác ý là Dự lưu phần.
Thực hành pháp và tùy pháp là Dự lưu phần”.

Rồi Ngài giảng về sự liên quan của bốn pháp trên:

– “Này các Tỳ-khưu, giao thiệp với bậc Chân nhân được viên mãn thời làm viên mãn nghe diệu pháp; nghe diệu pháp được viên mãn thời làm viên mãn lòng tin; lòng tin được viên mãn, thời làm viên mãn như lý tác ý; như lý tác ý được viên mãn, thời làm viên mãn chánh niệm tỉnh giác; chánh niệm tỉnh giác được viên mãn, thời làm viên mãn các căn được chế ngự; các căn được chế ngự được viên mãn, thời làm viên mãn Ba thiện hành; Ba thiện hành được viên mãn, thời làm viên mãn Bốn niệm xứ; Bốn niệm xứ được viên mãn, thời làm viên mãn Bảy giác chi; Bảy giác chi được viên mãn, thời làm viên mãn Minh giải thoát” (Tăng Chi 10.61).

Về thân cận bậc chân nhân, Ngài giảng:

– “Thế nào là làm bạn với thiện? Ở đây, thiện nam tử sống tại làng hay tại thị trấn. Tại đấy có gia chủ hay con người gia chủ, những trẻ được nuôi lớn trong giới đức, hay những người lớn tuổi được lớn lên trong giới đức, đầy đủ lòng tin, đầy đủ giới đức, đầy đủ bố thí, đầy đủ trí tuệ, vị ấy làm quen, nói chuyện, thảo luận. Với những người đầy đủ lòng tin, vị ấy học tập với đầy đủ lòng tin. Với những người đầy đủ giới đức, vị ấy học tập với đầy đủ giới đức. Với những người đầy đủ bố thí, vị ấy học tập với đầy đủ bố thí. Với những người đầy đủ trí tuệ, vị ấy học tập với đầy đủ trí tuệ. Đây gọi là làm bạn với thiện” (Tăng Chi 8.54).

Rồi Ngài khuyên:

Nếu thấy bậc hiền trí,
Chỉ lỗi và khiển trách,
Như chỉ chỗ chôn vàng,
Hãy thân cận người trí.
Thân cận người như vậy,
Chỉ tốt hơn, không xấu. (Pháp Cú, 76)

Chớ thân với bạn ác,
Chớ thân kẻ tiểu nhân.
Hãy thân người bạn lành,
Hãy thân bậc thượng nhân. (Pháp Cú, 78)

Đức Phật đề cập đến 5 lợi ích của việc biết nghe diệu pháp: (1) được nghe điều chưa nghe, (2) làm cho trong sạch điều được nghe, (3) đoạn trừ nghi, (4) làm cho tri kiến chánh trực, và (5) làm cho tâm tịnh tín (Tăng Chi, 5.202).

Trong kinh “Tất cả các lậu hoặc” (Trung Bộ 2), Đức Phật dạy về pháp như lý tác ý để điều hướng các sự suy nghĩ của mình sao cho có lợi lạc trên đường tu tập, như sau:

– “Này các Tỳ-khưu, thế nào là các pháp cần phải tác ý và vị ấy tác ý? Này các Tỳ-khưu, những pháp nào do vị ấy tác ý mà dục lậu chưa sanh không sanh khởi, hay dục lậu đã sanh được trừ diệt, hay hữu lậu chưa sanh không sanh khởi, hay hữu lậu đã sanh được trừ diệt, hay vô minh lậu chưa sanh không sanh khởi, hay vô minh lậu đã sanh được trừ diệt, đó là những pháp cần phải tác ý và vị ấy tác ý. Nhờ vị ấy không tác ý các pháp không cần phải tác ý, tác ý các pháp cần phải tác ý, nên các lậu hoặc chưa sanh không sanh khởi và các lậu hoặc đã sanh được trừ diệt.

Vị ấy như lý tác ý: Ðây là khổ; như lý tác ý: Ðây là khổ tập; như lý tác ý: Ðây là khổ diệt; như lý tác ý: Ðây là con đường đưa đến khổ diệt. Nhờ vị ấy tác ý như vậy, ba kiết sử được trừ diệt: thân kiến, nghi, giới cấm thủ. Này các Tỳ-khưu, các pháp ấy được gọi là pháp dùng tri kiến để đoạn trừ các lậu hoặc”.

Khi Tỳ-khưu Kotthika hỏi ngài Trưởng lão Xá Lợi Phất cần phải như lý tác ý thế nào để được giải thoát, ngài đáp:

– “Này Hiền giả Kotthika, Tỳ-khưu giữ giới cần phải như lý tác ý năm thủ uẩn là vô thường, khổ, bệnh hoạn, ung nhọt, mũi tên, bất hạnh, ốm đau, người lạ, hủy hoại, rỗng không, vô ngã.

Năm thủ uẩn đó là gì? Đó là sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn. Này Hiền giả Kotthika, vị Tỳ-khưu giữ giới cần phải như lý tác ý năm thủ uẩn là vô thường, khổ, bệnh hoạn, ung nhọt, mũi tên, bất hạnh, ốm đau, người lạ, hủy hoại, rỗng không, vô ngã” (Tương Ưng 22.122).

Về thực hành pháp và tùy pháp, ở đây được giảng rộng ra, bao gồm chánh niệm tỉnh giác, phòng hộ các căn, huân tập ba thiện hành (thân, khẩu, ý), thực hành bốn niệm xứ (thân, thọ, tâm pháp), và phát triển bảy giác chi (niệm, trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, định, xả).

Trong nhiều bài kinh (Tương Ưng Bộ, Phẩm Dự Lưu), Đức Phật thường đề cập đến bốn đặc tính của một vị thánh Dự lưu là: niềm tín thành bất động nơi Đức Phật, nơi Giáo Pháp của Ngài, nơi đoàn thể các vị Thánh Tăng và có giới đức cao thượng, lúc nào cũng được các bậc chân nhân khen ngợi. Trong Tăng Chi 10.92, Ngài giảng:

– “Thế nào là thành tựu bốn Dự lưu phần? Ở đây, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử thành tựu tịnh tín bất động đối với Đức Phật: Ðây là Thế Tôn, bậc Ứng Cúng, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Vị ấy thành tựu tịnh tín bất động đối với Pháp: Pháp được Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu. Vị ấy thành tựu tịnh tín bất động đối với chúng Tăng: Diệu hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn; Trực hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn; Ứng lý hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn; Chơn chánh hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn. Tức là bốn đôi tám chúng. Chúng đệ tử Thế Tôn đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được đảnh lễ, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời. Vị ấy thành tựu với những giới đức được các bậc Thánh ái kính, không bị phá hủy, không bị bể vụn, không bị điểm chấm, không bị uế nhiễm, đưa đến giải thoát, được bậc trí tán thán, không bị chấp trước, đưa đến thiền định.”

Mặc dù đoạn kinh trên thường được xem là các tiêu chuẩn căn bản của quả Dự lưu, trong kinh điển còn có ghi các danh sách khác, trong đó, tiêu chuẩn về giới hạnh được thay thế bằng tiêu chuẩn bố thí và trí tuệ:

– Tương Ưng 55.32 ghi tiêu chuẩn thứ tư như sau: “Lại nữa, vị Thánh đệ tử trú ở gia đình, với tâm thoát khỏi cấu uế của xan tham, bố thí dễ dàng, bàn tay rộng mở, thích thú từ bỏ, đáp ứng điều yêu cầu, thích thú chia xẻ vật bố thí.”

– Tương Ưng 55.33 ghi tiêu chuẩn thứ tư như sau: “Lại nữa, vị Thánh đệ tử có trí tuệ, thành tựu trí tuệ về sanh diệt các pháp, trí tuệ các bậc Thánh thể nhập các pháp, đưa đến chơn chánh đoạn tận khổ đau.”

Khi các danh sách liệt kê này được kết hợp lại, chúng ta có được bốn đức tính của vị Thánh Dự Lưu: (1) đầy đủ lòng tin, (2) đầy đủ giới đức, (3) đầy đủ bố thí, và (4) đầy đủ trí tuệ.

Đó cũng là bốn pháp đưa đến hạnh phúc tương lai, an lạc tương lai cho một cư sĩ Phật tử:

– “Có bốn pháp đưa đến hạnh phúc tương lai, an lạc tương lai cho thiện nam tử. Thế nào là bốn? Đó là đầy đủ lòng tin, đầy đủ giới đức, đầy đủ bố thí, đầy đủ trí tuệ” (Tăng Chi 8.54).

Ở đây, lòng tin nơi Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng) không phải chỉ đơn thuần là sự tin tưởng, sùng tín mù quáng. Vị Dự Lưu thật sự tín nhiệm, tin tưởng nơi nguyên lý nghiệp quả – nguyên lý của hành động và hậu quả – vì vị ấy đã chứng nghiệm rõ ràng khi bắt đầu nhập dòng Thánh.

*

Trong giai đoạn tu tập kế tiếp, khi tham dục (tham đắm vào dục giới) và sân hận được trừ khử một cách đáng kể thì người đó đắc quả Nhất lai, nghĩa là có thể còn tái sinh làm người hoặc trong cõi trời dục giới một lần nữa. Khi hai kiết sử tham dục và sân hận được loại bỏ hoàn toàn, thì người ấy đắc quả Bất lai, nghĩa là không còn tái sinh vào cõi dục giới nầy nữa. Năm kiết sử đầu tiên nầy gọi là hạ phần kiết sử (orambhàgiya-samyojana), cột trói chúng sinh trong cõi dục. Tùy theo trình độ chứng đạt, bậc thánh Bất lai sẽ thác sinh về Tịnh cư thiên thuộc cõi trời sắc giới (rùpa-loka), trước khi nhập Niết-bàn tối hậu. Ba quả vị Dự lưu, Nhất lai, Bất lai cũng thường được gọi chung là quả vị của bậc thánh Hữu học.

Người ấy tiếp tục hành trì thanh lọc tâm ý, và tinh tấn trừ khử năm kiết sử còn lại: tham đắm vào cõi sắc, tham đắm vào cõi vô sắc, trạo cử vi tế, mạn, và si vi tế. Năm kiết sử nầy gọi là thượng phần kiết sử (uddhambhàgiya-samyojana), cột trói chúng sinh trong cõi sắc và vô sắc. Ở đây, tham đắm vào cõi sắc và cõi vô sắc là sự tham đắm vào bốn tầng thiền-na hữu sắc (rùpa-jhàna) và bốn tầng thiền-na vô sắc (arùpa-jhàna). Trạo cử vi tế là trạng thái vẫn còn một vài giao động nhỏ trước trần cảnh, mạn (màna) là các ý tưởng so sánh, và si vi tế là một vài dấu vết vô minh ngăn che còn sót lại.

*

Ðến lúc đó, người ấy đã phá tung tất cả mười sợi dây trói buộc, trừ khử mười loại kiết sử ô nhiễm, lậu hoặc đã đoạn tận, tuệ giác khai mở, không còn tạo nghiệp, không còn phải tái sinh, luân hồi nữa. Nói một cách khác, như đã mô tả trong Trung Bộ Kinh, bài kinh số 1 (Kinh Pháp Môn Căn Bản), đối với người ấy: “các lậu hoặc đã tận, tu hành thành mãn, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã thành đạt lý tưởng, đã tận trừ hữu kiết sử, đạt chánh trí giải thoát”. Người ấy trở thành bậc A-la-hán, bậc thánh Vô học, đắc đạo quả Niết Bàn, giải thoát rốt ráo tối hậu.

Bình Anson (Theo buddhismtoday.com)

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.