Thiền Sư Thảo Đường

Thiền Sư Thảo Đường ( Từ một tù binh bị bắt làm nô bộc cho một vị Tăng Lục… Trở thành Quốc sư, lập ra thiền phái mới tại Việt Nam trong triều đại nhà Lý song song với thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông ).

Sơ Tổ Thiền Phái Thảo Đường tại VN cũng là thế hệ thứ 6 của Phái Vân Môn ( Nhất Hoa sinh ngũ diệp từ Lục Tổ Huệ Năng:Tào Động, Lâm Tế , Qui Ngưỡng, Vân Môn Pháp Nhãn ). Mỗi tông đều có phương pháp riêng để tiếp dẫn hậu học, gọi chung là Ngũ gia gia phong.

Từ tích sử Thiền phái Thảo Dường dẫn về nguồn cội ! (1)
Truyền thừa Tông Phái Vân Môn dẫn đến Thảo Đường (2)
Hành trạng Ngài Văn Yển (3) và
Tuyết Đậu Trùng Hiển tuyệt diệu khôn lường (4)
Dù Sơ Tổ bị bắt làm ….
Tù binh vua Lý Thánh Tông, sau Chiêm Thành bại trận! (5)

Phật giáo triều dại nhà Lý hưng thịnh, Tịnh độ có mặt (6)
Ngữ lục tiền nhân khuynh hướng thiền học trí thức, thi ca(7)
Tạo ảnh hưởng nhiều đời sau… một thí dụ như là (8)
Khi hiểu được ” Tâm ngộ đạo thì cảnh không dính dáng gì đến ” !!!

vLý thú thay ….
từ Tù binh đến Quốc Sư Đại Việt nơi chùa Khai Quốc (9)
Mang tên ” Trung tâm Phật Giáo kinh thành Thăng Long “
Tìm về địa danh lịch sử nằm kề cận sông Hồng
Qua bao thăng trầm đã trỏ thành điểm tâm linh hấp dẫn !!!
Trên thế giới Chùa là một trong 16 tự viện đẹp nhất (10)

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô Thảo Đường Thiền Sư tác đại chứng minh

Huệ Hương – Melbourne 31/7/2021

_____________________________________

(1) Theo HT Thích Thanh Từ trong Thiền Sư Việt Nam
Thiền sư Thảo Đường (Tổ khai sáng dòng thiền Thảo Đường ở Việt Nam)
Sư người Trung Hoa, là đệ tử của Thiền sư Trùng Hiển ở Tuyết Đậu (Tuyết Đậu Trùng Hiển) nhằm đời pháp thứ ba phái Vân Môn. Không rõ lý do gì, Sư sang ở Chiêm Thành.
Năm Kỷ Dậu (1069), vua Lý Thánh Tông đem binh sang đánh Chiêm Thành, bắt được Chế Củ là vua nước ấy cùng một số tù binh. Về triều, Vua ban cho bá quan những tù binh để làm nô bộc. Sư cũng nằm trong số tù binh ấy, và chính Sư lại rơi vào làm nô bộc cho một vị Tăng lục.
Một hôm vị Tăng lục đi khỏi, Sư thấy bản Ngữ lục để trên bàn có mấy chỗ sai, bèn tự ý sửa chữa lại. Vị Tăng lục đi về, xem thấy thế ngạc nhiên, hỏi ra mới biết Sư sửa. Ông đem việc ấy tâu lên vua Lý Thánh Tông. Vua đòi Sư vào triều, đem kinh luận và thiền hỏi Sư. Sư ứng đối rất lanh lẹ và xác đáng. Vua rất kính phục, truy nguyên ra mới biết tông tích của Sư.
Từ đó, vua Thánh Tông thường thưa hỏi Phật pháp nơi Sư và phong Sư chức Quốc sư, mời ở chùa Khai Quốc trong thành Thăng Long. Đồ chúng nghe tiếng tìm đến tham vấn rất đông. Do đây biến thành phái thiền thứ ba ở Việt Nam.
Đến năm mươi tuổi, Sư có chút bệnh ngồi kiết-già thị tịch.
Phái thiền của Sư truyền xuống được năm đời, song ít thấy ghi chép lịch sử đầy đủ.

(2) Tài liệu truyền thừa của phái Vân Môn và Thiền phái Thảo Đường:
Vân Môn tông (雲門宗, Unmon-shū) là tông phái nằm trong năm dòng thiền tông của Trung Quốc (Ngũ Gia Thất Tông;五家七宗) do thiền sư Vân Môn Văn Yển (雲門文偃) pháp tử thiền sư Tuyết Phong Nghĩa Tồn (雪峰義存) sáng lập từ năm 930. Môn phái này mở rộng vào đời Hậu Đường, học trò của Văn Yển rất đông trên dưới hơn 1000 vị và 61 vị nối pháp.
1/ Thiền Sư Vân Môn Văn Yến
2/ Thiền Sư Hương Lâm Trừng Viễn
3/ Thiền Sư Trí Môn Quang Tộ
4/ Thiền Sư Tuyết Đậu Trọng Hiển
Thiền sư Tuyết Ðậu thuộc hệ thống thiền phái Vân Môn: Ông được xem như là người phục hưng thiền phái Vân Môn.
5/ Thiền Sư Thừa Thiên Truyền Tông
5/ Thiền Sư Thảo Đường –> Thiền Phái Thảo Đường- Vân Môn Tông Việt Nam
Thiền sư Tuyết Ðậu tịch năm 1052, trong khi thiền sư Thảo Ðường được phong quốc sư ở Ðại Việt vào năm 1069, ta có thể nói Thảo Ðường là đệ tử trực tiếp của Tuyết Ðậu, và là anh em đồng sư với các thiền sư Nghĩa Hòa, Trí Phước và Truyền Tông.
Sách Thiền Uyển Tập Anh có ghi tên tuổi 19 người thuộc phái Thảo Đường, nhưng không ghi lại tiểu sử, niên đại và các bài truyền thừa của mỗi vị. Tất cả được phân làm sáu thế hệ như sau:
• Thế hệ 1: Thảo Đường
• Thế hệ 2: ba người: Lý Thánh Tông, Bát Nhã, Ngộ Xá.
• Thế hệ 3: bốn người: Ngô Ích, Thiệu Minh, Không Lộ, Ðịnh Giác.
• Thế hệ 4: bốn người: Ðỗ Vũ, Phạm Âm, Lý Anh Tông, Ðỗ Ðô.
• Thế hệ 5: ba người: Trương Tam Tạng, Chân Huyền, Ðỗ Thường.
• Thế hệ 6: bốn người: Hải Tịnh, Lý Cao Tông, Nguyễn Thức, Phạm Phụng Ngự.

(3) Nhắc lại Hành trạng Tổ Vân Môn Văn Yển
Thiền sư Vân Môn Văn Yến ban sơ tham vấn Thiền sư Mục Châu Đạo Túng(睦州道蹤) phát minh tâm địa, sau yết kiến Thiền sưTuyết Phong Nghĩa Tồn, thấu được áo chỉ bèn nối pháp Tuyết Phong.
Gia phong của Thiền sư Mục Châu mãnh liệt bén nhọn còn gia phong của Thiền sư Tuyết Phong thì ôn hòa, huyền ảo, thiền sư Vân Môn Văn Yến kế thừa sở trường của hai nhà, phát huy Tông chỉ vi diệu đặc biệt, trụ núi Vân Môn -Thiều Châu.
Trước Sư đến Mục Châu tham vấn Trần Tôn Túc. Vừa thấy Sư đến, Tôn Túc liền đóng cửa. Sư gõ cửa. Tôn Túc hỏi: Ai? Sư thưa: Con. Tôn Túc hỏi: Làm gì? Sư thưa: Việc mình chưa sáng xin Thầy chỉ dạy. Tôn Túc mở cửa, trông thấy Sư liền đóng cửa lại. Như thế, liên tiếp đến ba ngày. Ngày thứ ba, Tôn Túc mở cửa, Sư liền chen vào. Tôn Túc nắm đứng bảo: nói! nói! Sư suy nghĩ. Tôn Túc liền xô ra, nói: ? Đời Tần dùi xoay lăn.? Rồi đóng sầm cửa lại, kẹp nát bàn chân Sư. Cái đau thấu xương ấy khiến Sư ngộ nhập. Tôn Túc chỉ Sư đến yết kiến Tuyết Phong.
Sư đến Trang sở của Tuyết Phong, thấy một vị Tăng, bèn hỏi: Hôm nay Thượng tọa lên núi chăng?
Tăng đáp: Lên.
Sư nói: Có một nhân duyên nhờ hỏi Hòa thượng Đường đầu mà không được nói với ai, được chăng?
Tăng bảo: Được.
Sư nói: Thượng tọa lên núi thấy Hòa thượng thượng đường, chúng vừa nhóm họp, liền đi ra đứng nắm cổ tay, nói: ông già! trên cổ mang gông sao chẳng cổi đi.
Vị Tăng ấy làm đúng như lời Sư dặn.
Tuyết Phong bước xuống tòa, thộp ngực ông ta, bảo: Nói mau! nói mau! Vị Tăng nói không được. Tuyết Phong buông ra, bảo: Chẳng phải lời của ngươi.
Vị Tăng thưa: Lời của con. Tuyết Phong gọi: Thị giả! đem dây gậy lại đây.
Vị Tăng thưa: Chẳng phải lời của con, là lời của một Thượng tọa ở Chiết Trung đang ngụ tại Trang sở dạy con nói như thế.
Tuyết Phong bảo: Đại chúng! đến Trang sở rước vị Thiện tri thức của năm trăm người lên.
Tông phong của phái này là cơ phong sắc bén, thẳng tắp; ngữ cú thì giản đơn và phương tiện tiếp hóa dứt khoát khác với các tông kia, thường dùng ba chữ Cố (nhìn), Giám (xem), Ỷ (chê) để khám xét người học; ngoài ra còn có Vân Môn Bát Yếu: một Huyền, hai Tùng, ba Chân Yếu, bốn Đoạt, năm Hoặc, sáu Quá, bảy Tán, tám Xuất. Pháp Nhãn Thiền Sư Thập Qui Luận xưng Thiền sư Vân Môn là “Hàm cái triệt lưu”, ý nói gia phong nhà họ giống như nước sông đang chảy gấp mà đột nhiên dừng lại.
Thiền sư Vân Môn Văn Yến có tự làm bài kệ nêu lên ý chỉ của Tông mình rằng:
Vân Môn chót vót trên đám mây,
Cá chẳng dám trụ, nước chẳng bay,
Vào cửa đã biết ôm kiến giải,
Đâu phiền kể lại sình bánh xe.
Rất nhiều bậc kiệt xuất ra đời trong Vân Môn Tông; dưới thời nhà Tống thì tông này cùng phát triển mạnh song song với Lâm Tế Tông, đặc biệt mở rộng trong xã hội thượng tầng; nhưng đến thời Nam Tống thì từ từ suy yếu, đến thời nhà Nguyên thì hoàn toàn tuyệt dứt dòng pháp hệ, rồi lụi tàn với khoảng 200 năm tồn tại.

(4) Hành trạng Sư Phụ của Thiền Sư Thảo Đường : Tuyết Đậu Trùng Hiển
Thảo Ðường thuộc truyền thống thiền của thiền sư Tuyết Ðậu Minh Giác ở Trung Hoa.
Sưhọ Lý ở phủ Toại Ninh theo Thượng nhân Nhơn Săn ở việnPhổ An xuất gia. Sau khi thọ giới cụ túc, Sư dạo qua cácnơi giảng kinh luận, nghiên cứu giáo lý tột cùng. Sư thưahỏi lanh lẹ, biện luận thông suốt, các nơi đều nhận làpháp khí (món đồ chứa đạo pháp). Bước sang tham vấn Thiềntông, ban đầu Sư đến Trí Môn chùa Thiền sư Quang Tộ trụtrì.
Sưhỏi Trí Môn: “Chẳng khởi một niệm, tại sao có lỗi?” TríMôn gọi Sư lại gần. Trí Môn cầm phất tử nhằm vào miệngSư đánh. Sư toan mở miệng, Trí Môn lại đánh. Sư hoát nhiênkhai ngộ. Sư ở lại đây năm năm, nhận tột chỗ u huyền,mới đi tham vấn khắp nơi.
Sưđến Thiền sư Thông ở Động Sơn, Thông hỏi: “Con trâu củaQui Sơn là ý thế nào?” Sư đáp: “Làm tiêu bảng cho ngườisau.” Thông toan nói, Sư lấy tọa cụ phủi một cái rồi đi.Thông gọi: “Hãy đến đây Thượng tọa!” Sư nói: “Chưa đếnnhà tham thiền.”
Ông là người Tứ Xuyên, họ Lý, rất giỏi văn chương, đi xuất gia với thiền sư Quang Tộ, nhờ một gậy của thầy mà khai ngộ. Ông ở bên thầy năm năm, trú tại núi Linh Ẩn ba năm nữa, rồi về chùa Tư Khánh ở núi Tuyết Ðậu, mở trường dạy học. Vua Tống ban hiệu cho ông là Minh Giác đại sư. Ông tịch năm 73 tuổi.
Trong lúc sinh thời, thiền sư có rút những tinh yếu từ 1.700 cổ tắc trong bộ Cảnh Ðức Truyền Ðăng Lục, làm ra 100 bài tụng cổ, trong ấy có đủ các lời thăng tòa, thuyết pháp, pháp ngữ, niêm hương, những cơ duyên truyền đăng và những câu thâm thúy trích trong kinh điển.
Sau này Viên Ngộ thiền sư đã thêm vào tác phẩm này các lời thùy thị, trước ngữ và bình xướng, và tạo thành tác phẩm Bích Nham Tập, một tác phẩm trọng yếu trong thiền môn, xưa nay được gọi là cuốn sách quý nhất của tông phái thiền (tông môn đệ nhất thư).
Sau khi thiền sư mất, các đệ tử thu góp lại những ngữ cú, thi ca và kệ tụng của ngài làm thành các tác phẩm Ðộng Ðình Ngữ Lục, Tuyết Ðậu Khai Ðường Lục, Bộc Truyền Tập, Tổ Anh Tập, Tụng Cổ Tập, Niêm Hương Tập và Tuyết Ðậu Hậu Lục

(5) Vua Lý thánh Tông
Lý Thánh Tông (chữ Hán: 李聖宗 30 tháng 3 năm 1023 – 1 tháng 2 năm 1072) là vị hoàng đế thứ ba của hoàng triều Lý nước Đại Việt, trị vì từ tháng 11 năm 1054 đến khi qua đời năm 1072. Trong thời kỳ cầm quyền của mình, Lý Thánh Tông đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, khoan giảm hình phạt, đồng thời bảo trợ Phật giáo và Nho giáo. Ông còn xây dựng quân đội Đại Việt hùng mạnh, thực hiện chính sách đối ngoại cứng rắn với Đại Tống và mở đất về ba châu Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính (nay là một phần thuộc Quảng Bình và Quảng Trị, Bắc Trung Bộ Việt Nam) sau thắng lợi trong cuộc chiến tranh Việt – Chiêm (1069). Sử thần đời Hậu Lê Ngô Sĩ Liên viết về Lý Thánh Tông: “Vua khéo kế thừa, thực lòng thương dân, trọng việc làm ruộng, thương kẻ bị hình, vỗ về thu phục người xa, đặt khoa bác sĩ, hậu lễ dưỡng liêm, sửa sang việc văn, phòng bị việc võ, trong nước yên tĩnh, đáng gọi là bậc vua tốt”.[3]
Thời đại của cha ông là Lý Thái Tông, ông và con ông là Lý Nhân Tông được xem là thời thịnh vượng của Nhà Lý với tên gọi là Trăm Năm Thịnh Thế.
Theo Đại Việt Sử ký
Tháng 7 âm lịch năm 1054, thấy mình già yếu, Thái Tông cho phép Thái tử Nhật Tôn ra coi chầu nghe chính sự.[12][13] Đến ngày 1 tháng 10 âm lịch (3 tháng 11 dương lịch) năm 1054, Lý Thái Tông qua đời.[12] Lý Nhật Tôn lên nối ngôi, tức Hoàng đế Lý Thánh Tông, lấy niên hiệu đầu là Long Thụy Thái Bình. Ông lập 8 hoàng hậu, và tôn mẹ là Mai thị làm Linh Cảm Thái hậu.[4]
Trong thời gian cầm quyền, Lý Thánh Tông tự xưng là “vạn thặng”[14] và đặt 5 niên hiệu:
• Long Thụy Thái Bình (龍瑞太平 1054 – 1058)
• Chương Thánh Gia Khánh (彰聖嘉慶 1059 – 1065)
• Long Chương Thiên Tự (龍彰天嗣 1066 – 1067)
• Thiên Huống Bảo Tượng (天貺寶象 1068 – 1069)
Về quân sự, Lý Thánh Tông chia quân chính quy làm 8 hiệu quân, đặt tên là Ngự Long, Vũ Thắng, Long Dực, Thần Điện, Phủng Thánh, Bảo Thắng, Hùng Lược và Vạn Tiệp. Mỗi hiệu quân có 4 bộ gồm Tả, Hữu, Tiền và Hậu, hợp lại là 100 đội có kỵ binh, cung thủ và lính bắn đá. Còn phiên binh (quân các vùng sâu xa) thì được phiên chế thành các đội riêng.[26][25][27] Mô hình quân đội của Lý Thánh Tông đã đạt được trình độ cao đến mức một võ quan Đại Tống là Thái Diên Khánh phải áp dụng, và được Tống Thần Tông khen ngợi.[25][26]

(6) Lý Thánh Tông còn là một tín đồ Phật giáo mộ đạo. Ông đã cho xây rất nhiều chùa tháp, trong đó có chùa Thiên Phúc, Thiên Thọ – nơi hoàng gia nhà Trần sau này thường lễ Phật. Ông còn dựng các tượng Đế Thích, Phạm Thiên bằng vàng và đúc chuông đồng lớn. Đặc biệt, trong khuôn viên chùa Súng Khánh, nhà vua sai dựng Bảo tháp Đại Thắng Tư Thiên (gọi tắt là Tháp Báo Thiên) vào năm 1056.[3] Ngôi tháp này có 12 tầng và cao 20 trượng (chừng 70m). Đây được xem là một trong An Nam tứ đại khí, tức 4 kỳ quan của Đại Việt thời Lý-Trần.[28] Lý Thánh Tông còn là một thiền sư – cư sĩ, được coi là vị Tổ thứ hai của Thiền phái Thảo Đường – một trong ba dòng thiền chính tại Đại Việt thời đó.[29] Theo giáo sư Hoàng Xuân Hãn trong sách Lý Thường Kiệt: lịch-sử ngoại-giao triều Lý, các biểu hiện thương dân của Thánh Tông xuất phát từ sự thấm nhuần tinh thần từ bi của Phật pháp, chứ không phải từ động cơ tuyên truyền chính trị.[30] Bên cạnh đó, ông rất chú trọng mở mang Nho học. Mùa thu năm 1070, nhà vua đã xây dựng Văn miếu và tạc tượng thờ Chu Công, Khổng Tử cùng 4 học trò xuất sắc. Ông cũng cho vẽ tranh thờ 72 môn sinh của Khổng Tử và sai tế lễ bốn mùa.[19]

(7) Thiền phái Thảo Đường do thiền sư Thảo Đường sáng lập truyền thừa được 5 đời, từ năm 1069đến 1205. Nhưng vì có quá ít tài liệu nên người đời sau gần như không biết gì về nội dung tư tưởng của phái thiền này [6]
Thiền sư Thảo Ðường cố nhiên đã giảng Tuyết Ðậu Ngữ Lục nhiều lần tại chùa Khai Quốc; khuynh hướng thiền học trí thức và thi ca đã từ đó ảnh hưởng đến hai thiền phái Tỳ Ni Ða Lưu Chi và Vô Ngôn Thông. Các thiền sư Minh Trí (mất năm 1190) và Quảng Nghiêm (mất năm 1190) của phái Vô Ngôn Thông chẳng hạn, đã rất hâm mộ Tuyết Đậu Ngữ Lục. Các thiền sư Viên Chiếu (mất năm 1090) và Trí Bảo (mất năm 1190) của phái Vô Ngôn Thông và thiền sư Chân Không (mất năm 1100) của phái Tỳ Ni Ða Lưu Chi là những người đã chịu ảnh hưởng nhiều về khuynh hướng thiền học tri thức và thi ca của phái Tuyết Đậu. Sau này thiền phái Trúc Lâm của đời Trần còn tiếp tục chịu ảnh hưởng này.
Vì khuynh hướng thiên trọng trí thức và văn học của nó, thiền phái Thảo Ðường không cắm rễ được trong quần chúng mà chỉ ảnh hưởng đến một số trí thức có khuynh hướng văn học. Trong số 19 người thuộc thiền phái Thảo Ðường được ghi chép ở sách Thiền Uyển Tập Anh, ta thấy chỉ có 10 vị là người xuất gia, kể cả Thảo Ðường: Thảo Ðường, Thiệu Minh, Phạm Âm, Ðỗ Ðô, Trương Tam Tạng, Chân Huyền, Hải Tịnh, Bát Nhã, Không Lộ và Ðịnh Giác. Ba vị sau có khuynh hướng Mật giáo; Không Lộ và Định Giác (tức Giác Hải) đồng thời cũng thuộc thiền phái Vô Ngôn Thông. Ta thấy có tới 9 vị là cư sĩ, mà phần nhiều là vua với quan: Thánh Tông, Anh Tông và Cao Tông đều là vua, Ngô Ích là quan tham chính, Ðỗ Vũ là quan thái phó, Đỗ Thường cũng là quan thái phó, Nguyễn Thức là quan quản giáp. Thiền phái Thảo Ðường, vì những lý do trên, đã không đủ sức tạo nên một truyền thống sinh hoạt tăng viện độc lập có thể lưu truyền về sau. Ảnh hưởng của thiền phái này chỉ đáng kể về mặt học tập.
Nên đến đời Vua Lý Hy Tông đã có các tượng Phật A Đi Đà tại các chùa
Về yếu chỉ của dòng Thiền này, trong bài văn Cảnh sách, sư Thảo Đường đã nêu lên quan điểm: Thiền bản vô môn, phi túc cụ linh căn, đa địa kỳ đồ, mạt kiếp dung lưu, thành nan ngộ nhập. Quán tâm vi tế, như vô bát nhã chi tuệ, hãn năng giai chứng. Duy hữu niệm Phật nhất môn, tối vi điệp cảnh. Tự cổ chí kim, ngu trí đồng tu, nam nữ cộng thú, vạn vô nhất thất như tứ liệu giả sở minh. Chỉ yếu tự biện khẳng tâm, vật nghi tự chi bất đắc. (12) (
Tạm dịch: Thiền vốn không có cửa vào nhất định, không phải người có đủ linh căn, thì phần nhiều rơi vào đường lầm lạc, trọn đời trôi nổi, khó mà giác ngộ. Phép quán tâm thì rất tế nhị tinh vi, nếu không có trí tuệ bát nhã, ít có thể đạt tới chứng nghiệm. Chỉ có lối niệm Phật là rất mau lẹ tiện lợi. Từ xưa đến nay, người thông minh kẻ ngu độn cùng tu được, đàn ông đàn bà đều chuộng, muôn người không một ai sai lầm như bốn lời đã tỏ rõ. Chỉ cần tự phân tích lấy tâm của mình, chớ có nghi ngờ mình làm không được.)
Và tư tường của dòng Thiền Thảo Đường là sự kết hợp giữa Nho và Phật, giữa Thiền tông và Tịnh Độ tông (thiền quán gắn với tụng niệm, nhờ vào tha lực, thờ Phật bà Quán Thế Âm). Thiền quán là con đường tự lực, đốn ngộ, phù hợp với trí thức, căn cơ phát triển; còn tụng kinh niệm Phật là con đường tha lực, phù hợp với người bình dân, ít căn cơ. Vì thế mà Lý Thánh Tông cùng các triều thần cố gắng vun đắp cho dòng Thiền này. Như thế, so với Thiền nguyên thuỷ và Thiền Việt Nam trước đó thì dòng Thiền Thảo Đường có khác, nội dung phong phú với Thiền Tịnh song tu

(8) Vài Ngữ Lục của Tiền nhân Tuyết Đậu
Sư xem khắp đại chúng bảo:
– Trời người khắp nhóm họp, phát minh cái việc gì? Đâu thể lầm lẫn phân chủ khách đuổi theo vấn đáp là đúng tông thừa. Môn phong quảng đại oai đức tự tại, sáng vượt xưa nay, nắm đứng càn khôn, ngàn thánh chỉ nơi “tự biết”, năm thừa đâu thể kiến lập. Sở dĩ trước lời ngộ ý chỉ vẫn lầm mối ngoái xem, qua lời nói ngộ được tông môn còn bị lầm hiện bày của tình thức.
Quí vị cần biết tướng chân thật chăng? Chỉ là về trước không đeo dính, về sau bặt thân mình, tự nhiên tường quang hiện tiền, mỗi mỗi vách đứng ngàn nhẫn (một nhẫn hai thước tây). Lại biện minh được hay không? Chưa biện thì biện lấy, chưa minh thì minh lấy. Đã biện minh được, hay cắt đứt dòng sanh tử, đồng ở ngôi Phật Tổ, diệu viên siêu ngộ chính ở khi này, kham đền cái ơn chẳng đền, dùng giúp giáo hóa pháp vô vi.
Tăng hỏi:- Thế nào là cổi áo ngự bào mặc y nhơ xấu?
Sư đáp:- Duỗi tay chẳng duỗi tay.
– Xin Thầy phương tiện.
– Mắt trái móc gân, mắt mặt bươi thịt.
Sư lại bảo:
Duy-ma đại sĩ khứ hà tùng
Thiên cổ linh nhân vọng mạc cùng
Bất nhị pháp môn hưu cánh vấn
Dạ lai minh nguyệt thướng cô phong.
Dịch:
Đại sĩ Duy-ma đi không nơi
Ngàn xưa lắm kẻ trông vời vời,
Pháp môn bất nhị thôi chớ hỏi
Đêm về trăng sáng trên đảnh đồi.
Sư thượng đường nói:
Xuân sơn điệp loạn thanh
Xuân thủy dạng hư bích
Liêu liêu thiên địa gian
Độc lập vọng hà cực.
Dịch là ….
Núi xuân chồng chất xanh
Nước xanh lóng lánh biếc
Thênh thang bầu trời không
Đứng riêng trông nào tột.
– Sư thượng đường:”Chỗ ruộng đất ẩn mật Phật Tổ còn chẳng dám gần, vì sao giở chân chẳng lên? Thần thông du hí quỉ thần không thể lường, vì sao để chân xuống chẳng được? Thẳng cho mười chữ tung hoành sáng đánh ba ngàn chiều đánh tám trăm.”
Thị giả của Bảo Hoa đến tham vấn Sư. Sư hỏi Bảo Hoa có bao nhiêu chúng. Thị giả thưa: Chẳng nhọc Hòa thượng như thế.Sư bảo: Ta hỏi rành rẽ, ngươi nhảy chạy làm gì? Thị giả thưa: Cũng chẳng được bỏ qua. Sư bảo: Thật là sư tử con. Uống trà xong, Sư nắm đứng thị giả, hỏi: Vừa rồi tại sao vô lễ? Thị giả suy nghĩ, Sư cho một tát tai, bảo: Đi về thuật rõ lại cho Bảo Hoa.
Sư làm bài tụng Đạo Quí Như Ngu:
Vũ quá hàn vân hiểu bán khai
Sổ phong như họa bích thôi ngôi
Không Sanh bất giải nham trung tọa
Mặc đắc thiên hoa động địa lai.
Dịch:
Mưa qua mây lạnh trời rạng đông
Dãy núi sắp bày cao ngất xanh
Không Sanh chẳng hiểu ngồi trong núi
Lặng lẽ bao giờ thiên hoa rơi.
[Không Sanh: chỉ cho ngài Tu-bồ-đề.}
Lại có bài tụng Danh Thật Vô Đương:
Ngọc chuyển châu hồi Phật Tổ ngôn
Tinh thông du thị ô tâm điền
Lão Lư chỉ giải trường xuân mễ
Hà đắc phong lưu vạn cổ truyền?
Dịch:
Chuyển ngọc xoay châu Phật Tổ bàn
Tinh thông vốn lại nhớp tâm điền
Ông Lư chỉ giỏi nghề giã gạo
Sao được danh truyền mãi muôn đời?
[Ông Lư: Đức Lục Tổ khi mới đến Huỳnh Mai vẫn còn là người cư sĩ, nên gọi Ngài là Lư hành giả. Ngài chuyên giã gạo đến ngộ đạo. Vì họ thế tục của Ngài là Lư nên gọi là Ông Lư.]
(8)Hoà Thượng Thích Huyền Vi để lại :
NỢ TRƯỚC BỐN ƠN MONG GẮNG TRẢ
THÂN SAU BA CÕI NGUYỆN CHẢNG VAY
Đó là mượn ý từ Ngài Tuyết Đậu
“Chánh Pháp Nhãn Tạng của Như Lai ủy thác tại ngày hôm nay
Về trước không đeo dính – Về sau bặt thân mình ”

(9) Chùa Trấn Quốc ban đầu có tên là chùa Khai Quốc, xây dựng vào năm 541 thuộc thời Tiền Lý. Lúc đó, chùa nằm gần bờ sông Hồng bởi vậy khi đê sạt lở vào năm 1615 (đời vua Lê Trung Hưng), chùa được di dời vào phía trong đê Yên Phụ khu gò đất Kim Ngưu.
Sau đó, trong khoảng thế kỉ 17, chúa Trịnh cho đắp đê Cố Ngự (nay là đường Thanh Niên) để nối với đảo Kim Ngưu. Chùa đổi tên thành chùa Trấn Quốc vào đời vua Lê Hy Tông (1681 – 1705) với ý nghĩa mong muốn đây sẽ là nơi giúp dân xua đi thiên tai, đem lại cuộc sống bình yên cho toàn dân. Và cái tên đó được sử dụng cho tới tận ngày nay.
Xưa kia, chùa Trấn Quốc là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long. Các vua Lý, Trần vẫn thường hay vãn cảnh và ngự giá cúng lễ vào các dịp lễ, Tết tại chùa bởi vậy mà có nhiều cung điện đã được xây dựng phục vụ việc nghỉ ngơi của vua: cung Thúy Hoa, điện Hàm Nguyên.
Chùa tọa lạc trên một hòn đảo phía Đông của Hồ Tây, nép mình trầm mặc trên con đường Thanh Niên tấp nập. Là một ngôi chùa cổ được xây dựng từ lâu, chùa Trấn Quốc đã trải qua rất nhiều lần trùng tu, diện mạo có phần thay đổi, quy mô và kiến trúc của chùa hiện giờ là kết quả của một đợt trùng tu lớn năm 1815. Tổng diện tích chùa khoảng hơn 3000m2, bao gồm vườn tháp, nhà tổ và thượng điện
Chùa thuộc hệ phái Bắc tông với kết cấu và kiến trúc theo nguyên tắc khắt khe của Phật Giáo gồm 3 ngôi chính: Tiền đường, nhà thiêu hương và Thượng điện nối với nhau thành hình chữ Công (工).
Nhà Tiền đường có hướng về phía Tây, phía sau có nhà Tam bảo. Hai dãy hành lang nằm hai bên nhà thiêu hương và Thượng điện. Phía sau Thượng điện là gác chuông nằm trên trục sảnh đường chính với kiến trúc ba gian có mái chồng diêm. Nhà tổ nằm bên trái Thượng điện và bên trái là nhà bia hiện còn lưu giữ 14 tấm bia mang nhiều giá trị lịch sử và văn hóa.
Năm 1998, ngôi Bảo Tháp lục độ đài sen được xây dựng, đến năm 2003 thì hoàn thành tạo thành khu vườn tháp của chùa. Ngôi Bảo Tháp cao 15m, gồm 11 tầng. Ở mỗi tầng tháp có đặt một pho tượng Phật A Di Đà bằng đá quý màu trắng trong mỗi ô cửa hình vòm. Đặc biệt, trên đỉnh có một tháp sen 9 tầng (Cửu phẩm liên hoa) được tạc bằng đá quý, tạo nên vẻ đẹp uy nghi, linh thiêng nhưng lại rất mềm mại. Bảo Tháp được dựng đối xứng với cây bồ đề do Tổng thống Ấn Độ tặng năm 1959 trong chuyến đến thăm thủ đô Hà Nội của ông. Cây bồ đề này được chiết từ cây đại bồ Đạo Tràng – nơi mà Đức Phật Thích Ca ngồi hành đạo cách đây hơn 25 thế kỷ.
Hiện nay, chùa còn lưu giữ nhiều pho tượng Phật và Bồ Tát có giá trị lớn được đặt chủ yếu ở Thượng điện. Trong đó nổi bật nhất là bức tượng Phật Thích Ca nhập Niết bàn được làm từ gỗ, sơn son thiếp vàng, là bức tượng Niết bàn đẹp ở Việt Nam.
Qua bao thăng trầm của thời gian, chùa Trấn Quốc vẫn nằm đó uy nghi, mang nét yên bình mà cổ kính giữa lòng Hà Nội tấp nập. Hàng năm, chùa thu hút rất đông phật tử thập phương, du khách trong và ngoài nước đến dâng hương, lễ phật cũng như vãn cảnh chùa.

(10) Nằm ở phía đông Hồ Tây, chùa Trấn Quốc với tuổi đời hơn 1500 năm là ngôi chùa cổ và linh thiêng bậc nhất Hà Nội. Từng là trung tâm Phật giáo của Thăng Long dưới thời Lý – Trần, chùa Trấn Quốc giờ đây trở thành điểm đến tâm linh hấp dẫn của thủ đô, thu hút rất đông du khách tới thăm quan và lễ bái mỗi năm. Đặc biệt, năm 2016, chùa Trấn Quốc đã lọt vào danh sách 16 ngôi chùa đẹp nhất thế giới do báo Daily Mail của Anh bình chọn.

This entry was posted in Sách Truyện, Thơ Văn. Bookmark the permalink.