III. Kinh Điển Y Cứ
1.- Y Cứ vào Kinh A Di Đà: Kinh A Di Đà là bộ kinh cốt yếu của ba kinh Tịnh độ. Từ nghìn xưa, chư Cổ Đức đều lấy kinh A Di Đà làm công phu Tịnh độ, phương pháp nầy y cứ vào kinh A Di Đà để thực hành. Kinh A Di Đà là yếu chỉ của giáo nghĩa Tịnh độ và là một bộ kinh then chốt của kinh điển Đại thừa. Từ Kinh A Di Đà, chúng ta có thể thấy được toàn thể giáo điển của Như Lai. Chúng ta có thể liên hệ thời thuyết giáo đầu tiên đến thời thuyết giáo sau cùng thì rõ.
2. -Từ Kinh Hoa Nghiêm đến Kinh A Di Đà: Trên hội Hoa Nghiêm toàn thể hải chúng đều tuân theo 10 đại nguyện của Đức Đại Hạnh Phổ Hiền, nguyện sanh về thế giới Cực Lạc. Chính Bồ Tát Phổ Hiền là Bồ Tát địa thượng còn phát nguyện: ‘Nguyện con khi sắp lâm chung, dứt hết tất cả các chướng ngại, tạng mặt thấy Phật A Di Đà, liền được vãng sanh về thế giới Cực lạc’.
Chúng ta cũng thấy chính Bồ Tát cũng thệ nguyện niệm Phật vãng sanh.
3.- Từ Pháp Hoa đến Kinh A Di Đà: Trong kinh Pháp Hoa Phẩm Thí Dụ, Đức Thế Tôn có thí dụ nhà lửa. Trong lúc nhà sắp cháy mà các con vẫn ham chơi không biết nguy hiểm, nên Đức Phật dùng phương tiện, trang bị bên ngoài ba xe đồ chơi, để các con ham chơi ra ngoài cửa có sẵn đồ chơi ở trên xe. Các con vì ham đồ chơi nên chạy ra khỏi cửa và thoát nguy hiểm chết cháy. Chừng ấy người cha mới an ổn cho các con toàn là các xe lớn, xe trâu trắng (Phật thừa). Cũng thế Phật nói Kinh A Di Đà, chỉ y báo và chánh báo cõi Cực lạc trang nghiêm, mục đích cho chúng sanh thấy Ta Bà cảnh khổ đáng chán, cõi Cực lạc an vui muốn được về. Khi ra khỏi nhà lửa ba cõi, được về Tịnh độ liền được chứng quả Vô thượng bồ đề, ý chỉ tuy hai mà một.
4.- Từ Thiền đến Kinh A Di Đà: Thiền Sư Lương Giới đến tham vấn Thiền Sư Vân Nham, Sư hỏi: Vô Tình thuyết Pháp người nào nghe, Sư Vân Nham trả lời: Vô Tình thuyết pháp Vô Tình được nghe. Sư hỏi: Hòa Thượng nghe chăng? Vân Nham bảo: Ta nếu nghe, ngươi đâu thể được nghe ta thuyết pháp. Sư thưa: Con vì sao chẳng nghe? Vân Nham dựng phất tử hỏi: Lại nghe chăng? Sư thưa: Chẳng nghe. Vân Nham bảo: Ta thuyết pháp mà ngươi còn chẳng nghe, huống gì là Vô Tình thuyết pháp. Sư hỏi: Vô Tình thuyết pháp gồm kinh điển gì? Vân Nham bảo: Đâu không thấy Kinh A Di Đà nói: Nước, cây, chim, rừng đều niệm Phật, niệm pháp. Ngay câu nầy Sư liền tỉnh ngộ, thuật bài kệ:
Cũng rất kỳ, cũng rất kỳ!
Vô Tình thuyết pháp chẳng nghĩ gì,
Nếu lấy tai nghe trọn khó hội
Phải đem mắt thấy mới liễu tri.
Như thế Kinh A Di Đà cũng có thể làm phương tiện ấn tâm như Lăng Già, Kim Cang.
5.- Nội dung Kinh A Di Đà: Kinh nầy Đức Thích Ca Thế Tôn nói ở Kỳ viên Tinh xá, vườn Cấp Cô Độc, thành Xá Vệ, nước Ca Tỳ La Vệ. Thính chúng dự gồm có 1250 tỳ kheo, Văn Thù Sư Lợi và các đại Bồ tát cùng chúng đệ tử cả trời và người.
Đầu tiên Đức Phật gọi trưởng lão Xá Lợi Phất chỉ từ đây về hướng tây cách 10 muôn ức cõi Phật có một thế giới gọi là Cực lạc và giáo chủ là Đức Phật A Di Đà hiện đang giáo hóa ở đó. Ngài nói về cõi Tịnh độ nầy là quốc độ trân bửu, tất cả đều do 7 thứ châu báu như: vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, mã não, châu đỏ hợp thành, vật nào cũng bằng 7 báu: ao báu, lầu gác, hoa sen báu, đất bằng vàng, nhạc trời vi diệu, hoa trời rưới khắp và các thắng tướng như chim chóc nói pháp, nước reo kinh, cây chuyển pháp để trang nghiêm.
Đức tướng ở cõi nầy có ánh sáng vô lượng và sống lâu vô lượng. Vị Phật ấy tên là A Di Đà, người nào khi vãng sanh về Cực lạc liền chứng vào vị bất thối chuyển. Kế đó Ngài nói về phương pháp thực hành để được vãng sanh. Kẻ phàm phu nào ít phước đức, ít duyên phần sẽ không được vãng sanh, vì Phật A Di Đà lúc tu nhơn có phát đại nguyện người nào chuyên niệm danh hiệu Phật từ một niệm nhẫn đến mười niệm, khi lâm chung Phật đến rước về cõi Cực lạc. Trong phần chánh hạnh bản kinh có nói: “Nầy Xá Lợi Phất! Nếu gã Thiện nam, người Thiện nữ nghe nói Phật A Di Đà, chấp trì danh hiệu từ 1 ngày cho đến 7 ngày một lòng không loạn. Người ấy đến khi lâm chung Phật A Di Đà và Thánh chúng hiện ở trước mặt. Người ấy khi chết tâm chẳng điên đảo; liền được vãng sanh về nước Cực lạc của Phật A Di Đà.” Việc niệm Phật vãng sanh e có người nghi hoặc, không tin, nên Đức Thế Tôn nói: “Ta thấy lợi ích như thế nên nói lời nầy.” Chứng minh rằng niệm Phật vãng sanh là điều chân thật không dối. Sau đó Ngài còn chỉ cho thấy, không phải một mình Ngài tán thán pháp môn niệm Phật nầy mà sáu phương chư Phật đều hiện tướng lưỡi rộng dài khen ngợi công đức không thể nghĩ bàn của Phật A Di Đà. Ngài còn bảo người trì danh hiệu Phật, hiện đời có lợi ích được chư Phật hộ niệm, và đời sau cũng được sanh về cõi Tịnh độ. Chư Phật cũng khen ngợi Đức Thích Ca Mâu Ni nói pháp khó tin nầy thực là ít có.
Cuối cùng các hàng đệ tử nghe xong đều y giáo phụng hành.
6.- Những Trọng Yếu của Kinh A Di Đà: Kinh A Di Đà lấy Tín, Nguyện, Hành để làm phương châm thực hiện, trong đó nguyện là trọng yếu. Chữ nguyện trong nhà Phật khác với nghĩa cầu. Cầu là hành động mong chờ một sự giúp đỡ của kẻ khác trong trạng thái may rủi, không tự chủ. Trái lại, nguyện là ước muốn, quyết tâm thực hành. Nguyện là chủ của tin và hành, trước khi muốn làm một cái gì phải có quyết tâm sau đó mới giải quyết hết tất cả các nghi để thực hành, vì thế Cổ Đức nói: Tu hành không nguyện, Đạo quả khó thành. Do đó, trong Kinh A Di Đà Phật Thích Ca sáu lần khuyên phát nguyện. Ngài dạy: Nầy Xá Lợi Phất! Nếu có người trước đã phát nguyện, nay đang phát nguyện hoặc sau sẽ phát nguyện, muốn sanh về nước Phật A Di Đà kia, thì các người ấy đều được bất thối chuyển đối với quả vô thượng chánh đẳng chánh giác nơi cõi nước kia, hoặc đã vãng sanh, hoặc đang vãng sanh hoặc sẽ vãng sanh. Thế nên, Xá Lợi Phất! các thiện nam tử, thiện nữ nhơn, nếu có lòng tin cần phải phát nguyện, nguyện sanh về cõi nước kia. Như thế, điểm trọng yếu của bộ kinh A Di Đà là Vãng Sanh Cực Lạc.
IV. Phương Pháp Tu Trì
1.- Phải Có Lòng Tin Sâu Chắc: Muốn có lòng tin không lay chuyển, hành giả phải nghiên cứu về pháp môn Tịnh độ thực rõ ràng bằng ba cách:
a.- Đọc kinh điển: Trước tiên hành giả phải đọc những kinh huấn giảng về giáo nghĩa Tịnh độ, để từ đó chúng ta không còn một chút nghi hoặc nào. Cũng có thể chúng ta đọc một số kinh điển khác để làm rõ pháp môn Tịnh độ hơn, nhưng cần phải có khả năng khá mới nghiên cứu kinh điển khác.
b.- Thiện tri thức: Hành giả hoặc vì nhiều duyên trói buộc, hoặc vì trở ngại về thời gian, ngôn ngữ nên không thể nghiên cứu tường tận tâm tôn. Chúng ta có thể tìm một thiện tri thức đã tu hành về pháp môn Tịnh độ, quán triệt được yếu chỉ có thể giải hết các nghi, chúng ta đến tham vấn, hỏi tất cả về tâm tôn, khi nghi đã hết lòng tin sẽ sâu chắc.
c.- Chứng nghiệm: Trường hợp không có giáo điển và thiện tri thức, hành giả có thể tin theo lời dạy của Phật gọi là Thánh Ngôn Lượng, y theo đó mà thực hành, vẫn được chứng nghiệm, chừng ấy mọi nghi đều tan, lòng tin dõng mãnh dù có trăm con trâu kéo cũng không quay trở lại.
2.- Phải Có Ý Nguyện Bền Vững: Muốn có ý nguyện bền vững, hành giả phải quan sát rõ.
a.- Ta bà là cõi khổ: Thấu hiểu được thân nầy là vô thường, do tứ đại hợp thành không có gì bền chắc, vì giả hợp nên không phải là của ta. Tâm mà chúng ta lầm nhận nó là vọng tâm, nó từng sát na sanh diệt không ngừng, nên tâm cũng vô thường, hoàn cảnh cũng vô thường, vì tất cả sự vật đều do duyên hợp mà sanh ra, luôn luôn ở trong luật thành trụ hoại không. Biết thân tâm và cảnh đều giả, đồng thời thấy được ba khổ, tám khổ xoay quanh, từ đó chúng ta chán nhà lửa ba cõi, muốn xa lìa.
b.- Cõi Cực lạc an vui: Biết cõi Cực lạc là báo độ của Phật A Di Đà vì lòng đại bi Ngài muốn độ thoát chúng sanh mà phát nguyện trang nghiêm Tịnh độ. Do đó, chúng sanh nào về cõi Cực lạc, các phiền não tự nhiên tiêu diệt, chứng vào vị bất thối thẳng đến thành Phật. Nói phiền não tự nhiên tiêu diệt là do Phật trang nghiêm diệu độ thù thắng mà có được. Như chúng ta biết, bất cứ chủng tử nào dều có những trường hợp hiện hành và sanh trưởng nhưng không có cơ hội hoặc bị dứt mầm, chúng sẽ bị tiêu diệt ở cõi Cực lạc.
Chủng tử không còn cơ hội hiện hành: như chúng ta có chủng tử phiền não, tham vàng bạc ngọc ngà, khi sanh về cõi Cực Lạc, đầy đường vàng ngọc, nên chủng tử tham không còn có cơ hội để hiện hành, lần lần bị tiêu diệt.
Chủng tử bị dứt mầm sanh trưởng: như chúng ta có chủng tử sân. Phàm sân phải có nghịch duyên, nghe những lời trái ý nghịch lòng, chủng tử sân mới có cơ hội hiện hành, đằng nầy ở cõi Cực lạc, bạn là Bồ tát, chim nói pháp, nước reo kinh, đâu có lời nào làm ta sân hận. Như người có phiền não si mê luôn luôn cận kề bên Phật, từ phụ đang nói pháp, Ngài là một Đại Y Vương giải quyết tất cả mê lầm, sống bên cạnh Đức từ phụ A Di Đà trí huệ tự nhiên mở tỏ, chủng tử si phiền não tự nhiên dứt sạch. Chúng ta biết được cái khổ vô thường giả tạm ở cõi Ta bà, biết rõ cái vui an lạc ở cõi Tịnh độ rồi, chắc chắn ý nguyện chúng ta sẽ bền vững, phát nguyện vãng sanh về cõi Cực lạc để thành Phật, rồi trở lại Ta bà độ chúng sinh chứ không phải vì ham vui, có như vậy thì ý nguyện càng thêm bền vững.
3.- Phải Thực Hành Đúng: Người tu Tịnh độ niệm Phật không phải cầu đời nầy được hưởng phước hoặc cầu cho con cái bình yên, gia đình hạnh phúc, hoặc cầu sanh lên cõi trời hưởng thụ, hoặc cầu đời sau giàu có, làm tăng thuyết pháp vô ngại. Tất cả cầu phước báo đều không phải là bản hoài của chư Phật. Đức Thích Ca Mâu Ni ra đời có một hoài bão duy nhất là độ chúng sanh thoát khỏi sanh tử, chứng quả bồ đề. Vì thế, người tu Tịnh độ phải vì muốn thoát ly sanh tử mà phát nguyện về Cực lạc để chứng đạo bồ đề. Niệm Phật như thế, chỗ xu hướng mới đúng pháp.
4.- Những Bước Tu Tập: Hành giả trì danh hiệu Phật thường có ba bước tu tập:
a) Tán niệm: Sở dĩ nói tán niệm là vì khi niệm; tâm chúng ta vừa duyên theo cảnh vừa niệm, còn phân tâm nên tâm không hoàn toàn định hẳn. Ban đầu tâm hành giả còn nhiều tán loạn, nên trì danh hiệu Phật càng nhiều càng tốt. Trong thời gian tán niệm nầy, Cổ Đức thường dạy chúng ta niệm công cứ, mỗi sổ công cứ là 4,800,000 câu. Niệm được một sổ niệm công cứ, coi như chúng ta đã qua giai đoạn tán niệm.
b.- Định niệm: Đây là giai đoạn thực hành làm thế nào chánh niệm hiện tiền chỉ còn có nhất niệm hiệu Phật, mà không còn có một niệm nào khác, mỗi ngày một thời (2 giờ) hoặc hai thời cho đến 6 thời. Trong thời gian định niệm hành giả dẹp hết các duyên, nhiếp tâm vào câu hiệu Phật, không cho chạy loạn. Để kiểm soát thời định niệm, hành giả ban đầu lấy hai cái lọ, một lọ đựng đậu đen, một lọ đựng đậu trắng. Dùng chuỗi đếm, niệm thong thả câu hiệu Phật, không trại không mờ. Niệm xong một chuỗi mà tâm ta vẫn ở trong câu hiệu Phật, không duyên theo cảnh khác được gọi là chuỗi định niệm, ta bỏ một hạt đậu trắng vào lọ. Khi đang niệm mà tâm giong duỗi theo quá khứ, vị lai, hiện tại hoặc hôn trầm coi chuỗi ấy là chuỗi tán niệm. Ta bỏ hạt đậu đen vào lọ. Khi xong một thời, chúng ta đổ đậu ra kiểm soát. Nếu hạt trắng nhiều và hạt đen ít là tốt, ta ghi rõ từng ngày. Ví dụ: hôm nay một thời gồm 5 hạt đen và 5 hạt trắng. Đến ngày hôm sau chúng ta cố gắng được 6 hạt trắng và 4 hạt đen, cứ như thế mà tiến lên, cho đến khi trong một thời niệm Phật mà toàn hạt trắng là chúng ta đã thành công được một thời tịnh niệm. Trường hợp chúng ta niệm mãi không thấy tiến, chúng ta cần hỏi thiện tri thức giải rõ hoặc chúng ta quan sát tìm xem động cơ chính, rồi tìm cách giải lần sẽ tiến lên. Trong thời định niệm nầy, chúng ta không hẳn chỉ có ngồi, mà vẫn có thể đi kinh hành, lễ bái, hoặc đứng cũng được, miễn là tâm được yên tĩnh mà thôi, nhưng tuyệt đối không được nằm.
c.- Cầu chứng niệm: Khi chúng ta định niệm được một thời, từ đó chúng ta có thể tiến lên 2, 3, 4, 5, 6 thời hoặc chúng ta tổ chức kiết thất 7 ngày, hoặc 21 ngày chuyên dùng định niệm. Trong thời gian 7 ngày chúng ta được tịnh niệm một ngày, vẫn được coi là nhất tâm bất loạn được một ngày. Người được nhất tâm bất loạn, chắc chắn khi lâm chung, Phật và Thánh chúng tiếp dẫn sanh về thượng phẩm chứng vô sanh nhẫn.
Nếu người giữ nhất tâm được liên tục thì tam muội hiện tiền. Người được tam muội thì được thấy Phật, thấy Thánh cảnh, thấy tánh minh tâm như người cầm được hạt ngọc Như Ý trong tay, bước đường về nhà, không còn chướng ngại phiền não nào có thể ngăn cản được.
V. Kết quả Tu chứng:
Thực ra người tu theo đạo Phật không có cái gọi là tu chứng. Vì sao? Vì nói tu chứng là sửa, nhờ có trau sửa mà vật trau sửa trở thành tốt hơn từ bản tánh đến hình tướng. Trái lại Phật tánh chúng ta từ vô thỉ cho đến nay luôn luôn sáng suốt ở Thánh không thêm, ở Phàm không bớt, thể nó vốn như như nên không thể nhờ tu mà có được nên gọi là không tu. Còn chứng là được một cái gì mới, do công năng tu tập, nhưng bản tánh chúng ta xưa nay vốn là của ta nhưng vì ta quên không thấy được, như chàng cùng tử vì mê mờ không biết được trong túi mình có ngọc, nay nhờ người chỉ, thò tay vào thì hạt châu từ xưa là của mình, đâu có được thêm một chút gì nên gọi là không có chứng. Tuy nhiên gương mờ bụi, nếu không lau thì không sáng, ngọc trong tay nếu không người chỉ thì không đến tay. Vì thế thiền sư Hoài Nhượng đến Tào Khê tham vấn lục Tổ Huệ Năng. Tổ Huệ Năng hỏi: Ở đâu đến? Sư thưa: ở Trung Sơn đến. Tổ hỏi: Có mang vật gì đến? Sư thưa: Nói in tuồng một vật tức không trúng. Lại hỏi: Có thể tu chứng không? Sư thưa: Tu chứng chẳng không, nhiễm ô tức chẳng được. Hành giả tu pháp môn Tịnh độ, khi dụng công đến mỗi giai đoạn chúng ta đều biết, như người cọ lửa, khi có hiện tượng có khói biết lửa sắp cháy, người đào giếng đến đất ướt biết mạch nước gần kề, người niệm Phật đến khi thuần thục có những kết quả như sau:
1.- Hiện tiền chứng Tam Muội: Người niệm Phật nhất tâm bất loạn, tâm lần vào chánh định gọi chứng niệm Phật Tam Muội. Người được Tam Muội, ở trong định có thể thấy Phật, hiện chứng cảnh Tây phương, hoặc Thánh cảnh hiện tiền, tất cả thiện căn khai phát, hoặc giới căn thanh tịnh tướng, định căn thanh tịnh tướng, hoặc huệ căn thanh tịnh tướng. Các chứng tướng có rất nhiều trong bài niệm Phật Tam Muội hay Pháp Hoa Tam Muội chúng tôi đã nói rõ.
2.- Hiện đời thấy Phật: Trong kinh Văn Thù Bát Nhã Phật dạy: Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhơn muốn vào Nhất Hạnh Tam Muội, nên ở chỗ vắng vẻ bỏ ý tán loạn, không chấp tướng mạo, nhiếp tâm vào một vị Phật, chuyên xưng danh hiệu, tùy theo chỗ trụ của vị Phật này, ngay thẳng hướng về, có thể ở một vị Phật khác, mỗi niệm tương ứng, liền ở trong lúc niệm ấy, có thể thấy các chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai. Kinh Ban Chu Tam Muội nói: Người được Tam Muội, nếu ban ngày không thấy được Phật, chắc chắn trong mộng ban đêm sẽ thấy được Phật. Kinh Thập Nhị Phật Danh có bài kệ: Nếu người có chí tâm, bảy ngày niệm hiệu Phật, mắt thanh tịnh trong suốt, được thấy Phật Vô Lượng.
Qua các kinh trên, chúng ta thấy nếu người chí thành niệm Phật hiện đời, trong lúc niệm Phật hoặc trong lúc mộng sẽ thấy được Phật. Người thân được thấy Phật, phải biết người ấy trọng chướng đã sạch, có thể tiến đến Tam Muội. Người ấy lòng tin kiên cố, như hành giả đã nắm chắc bản đồ, biết nẻo vào kho báu, quyết tiến mà không bao giờ lui sụt.
3.- Lâm chung vãng sanh: Nếu người hiện đời tu được, tín nguyện niệm Phật Tam Muội, trì danh hiệu Phật Tam Muội, hoặc quán tưởng niệm Phật Tam Muội, hiện đời được pháp lạc, khi lâm chung chắc chắn vãng sanh về bậc thượng. Có người tuy chưa được Tam Muội, nhưng tín nguyện trì danh, chuyên niệm danh hiệu Phật khi lâm chung, Phật A Di Đà và Thánh chúng tiếp dẫn về cõi Cực lạc, hoa nở thấy Phật, nghe pháp ngộ đạo, thân chứng vô sanh. Tất cả những người niệm Phật lâm chung, đều có đoan tướng vãng sanh, biết giờ biết khắc, sanh tử tự tại, thật không có vui nào bằng.
Người tu thiền muốn bắt đầu thực hành thường trải qua hai việc rất khó.
Thứ nhất là đốn ngộ tiệm tu, Hành giả muốn được đốn ngộ, phải có thiện tri thức khai ngộ, nếu không gặp thiện tri thức phải ngàn dậm cầu thầy tham vấn cho được đốn ngộ. Có nhiều vị phải trải qua một thời gian một hai chục năm nhưng vẫn chưa có được đốn ngộ, nên vẫn chưa có được chỗ hạ thủ công phu. Có vị được đốn ngộ nhưng chưa triệt nên vẫn phải mòn gót trên đường tham vấn. Đến khi được đại triệt đại ngộ, rồi mới bắt đầu tiệm tu.
Thứ hai là tiệm tu rồi mới đốn ngộ, trong thời gian tiệm tu, như người mù mò đường chưa biết đâu là bờ bến, nên sự tu thường không có chỗ hạ thủ đúng. Lần mò đến khi đốn ngộ, mới thấy nẻo về nhà. Trái lại người tu Tịnh độ, việc hạ thủ công phu vô cùng dễ, chỉ dùng sáu chữ hồng danh niệm không rời tâm miệng, được coi là hạ thủ công phu đúng cách. Hồng danh là Vạn Đức của chư Phật nên ảnh hưởng người niệm rất lớn, như người thoa nước hoa, chỉ có một giọt mà toàn thân và y phục đều có mùi thơm. Do đó Cổ Đức cho rằng trì danh niệm Phật là hạ thủ dễ mà thành công cao, dùng sức ít mà công hiệu chóng.
Lại nữa, pháp môn trì danh hiệu Phật rất thực tế, rất khoa học, rất chắc chắn, vì người ở đời muốn thực hiện một điều gì, dù nhỏ hay lớn, đều không ra ngoài nguyên lý nầy. Buổi sáng chúng ta cảm thấy đói bụng muốn ăn, chúng ta tin rằng ở ngoài chợ có nhiều thực phẩm ngon, nếu đến chợ được món ngon nào cũng có, vì thế ta đi thẳng ra chợ, dù bên ngoài trời đang mưa ta vẫn nhất quyết đi đến nơi. Bụng muốn ăn là nguyện, tin ở chợ có nhiều thực phẩm là tín, đi ra chợ là hành. Đây là nguyên lý ắt có và đủ của hành môn. Nếu thiếu một như đỉnh chỉ có hai chân, sẽ không đứng vững, do đó trì danh hiệu chắc chắn được thành công.
Phương pháp nầy có nhiều điểm đặc biệt, vì đây là phương pháp có đầy đủ Chỉ và Quán, khi Chỉ và Quán thành tựu thì được niệm Phật Tam Muội, là thuần tưởng khi lâm chung thuần tưởng nên bay lên, cộng tu phước huệ tâm liền mở tỏ, thấy các cõi Tịnh độ của mười phương chư Phật, tùy nguyện vãng sanh. Đồng thời phương pháp nầy cũng tương ứng với đại nguyện thứ 18 của Phật A Di Đà, không trái với kinh giáo, giữ đúng lời Phật dạy, nên dù nghiệp hoặc chưa sạch, cũng được tùy nguyện vãng sanh. Thật là một phương pháp tuyệt đối an toàn, nên Cổ Đức dạy: Pháp môn Tịnh độ là pháp môn thẳng tắt nhất trong các pháp môn, mà phương pháp Trì danh hiệu Phật là phương pháp thẳng tắt nhất trong các phương pháp niệm Phật. Đây chính là chỗ rất thù thắng vậy. Kính mong toàn thể hãy cùng chúng tôi khảo sát kỹ phương pháp thẳng tắt nầy.
Câu hỏi Trì Danh Niệm Phật:
1. Chủ trương và đường lối thực hành của Pháp trì danh niệm Phật thế nào?
2. Muốn có lòng tin sâu chắc hành giả phải làm gì và hiểu gì?
3. Giáo điển ngũ thừa của Phật chỉ có một vị là vị giải thoát, động tâm tức mất không thuận chơn như vì sao hành giả phải làm lành để sai Pháp thể?
4. Kẻ phàm phu thường tham chấp sự, nếu tu2y nghi giảng nói để được gốc lý, cần phải tạo tác theo sự?
Thích Hồng Nhơn
Download pdf file