Những cây trong một lọ thủy tinh lớn vẫn phát triển bình thường dù chủ nhân của chúng đã bịt kín miệng lọ trong hơn 40 năm qua.
Cựu kỹ sư điện David Latimer chỉ tưới cây đúng hai lần từ năm 1960 tới nay. (Ảnh: BNPS)
David Latimer – một cựu kỹ sư điện ở làng Cranleigh, hạt Surrey, Anh – bắt đầu trồng những cây thài lài trong lọ thủy tinh cỡ lớn vào năm 1960. Sau khi tưới nước lần thứ hai vào năm 1972, ông quyết định bịt kín miệng lọ và đặt nó bên dưới cầu thang, gần một cửa sổ để cây có thể đón ánh sáng tự nhiên. Dù không được chăm sóc và tưới, những cây trong lọ vẫn tiếp tục phát triển tới tận ngày nay, BNPS đưa tin.
“Tôi không bao giờ xén hay tỉa những cây trong lọ và có vẻ như chúng đã không thể mọc thêm nữa”, người đàn ông 80 tuổi nói.
Dù cô lập với thế giới bên ngoài, những cây trong lọ thủy tinh đã tự tạo ra một hệ sinh thái thu nhỏ. Quá trình quang hợp diễn ra bình thường vì cây vẫn nhận ánh sáng. Cây hút khí carbon dioxide (CO2) và tạo ra khí oxy (O2), hơi nước. Khi lượng hơi nước trong lọ đủ lớn, chúng sẽ biến thành “mưa” và rơi xuống để cây hút.
Những chiếc lá già rụng xuống đáy lọ. Quá trình phân hủy của chúng cung cấp CO2 – loại khí mà cây cần để quang hợp – và dưỡng chất.
Vườn cây thu nhỏ của Latimer ở bên dưới cầu thang gần cửa sổ trong ngôi nhà của ông. (Ảnh: BNPS)
Các chuyên gia về nông nghiệp biết tới vườn cây độc đáo của Latimer sau khi ông gửi ảnh về nó tới đài phát thanh BBC. Chris Beardshaw, một chuyên gia thiết kế vườn kiêm người dẫn chương trình truyền hình tại Anh, nói rằng vườn cây của Latimer là một bằng chứng tuyệt vời về vòng tuần hoàn của sự sống.
“Khả năng kỳ diệu của thực vật là nguyên nhân khiến Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ muốn đưa thực vật lên vũ trụ để chúng hấp thụ chất ô nhiễm trong Trạm Không gian Quốc tế”, Beardshaw bình luận.
Theo VNE
http://khoahoc.com.vn/khampha/sinh-vat-hoc/thuc-vat/44303_Vuon-cay-trong-lo-thuy-tinh.aspx