Sử Dụng những Phương Pháp Phật Giáo để Hỗ Trợ Chúng Ta trong Đời Sống Hàng Ngày

Giữ Gìn Đạo Đức

Ta sẽ áp dụng các biện pháp ngăn ngừa này như thế nào để tránh những vấn đề trong cuộc sống? Cấp độ đầu tiên, điều đầu tiên chúng ta làm, là áp dụng việc giữ gìn đạo đức, để tránh việc hành động một cách tiêu cực. Hành động một cách tiêu cực là hành động chịu ảnh hưởng của các phiền não như sân hận, tham lam, chấp thủ, ganh tỵ, ngây thơ, kiêu mạn và v.v… Điều đó có nghĩa là khi cảm thấy mình muốn hành động một cách tiêu cực, ta sẽ quyết định rất rõ ràng, “Không, tôi không muốn hành xử như thế.”

Khi tôi cảm thấy muốn la bạn vì sai sót nào đó bạn mắc phải, thì tôi biết rằng việc la lối sẽ chỉ khiến tình hình thêm tồi tệ. Tôi có thể phải sửa sai bạn hoặc giải quyết bất cứ sai sót nào bạn đã phạm phải, nhưng la lối sẽ chỉ khiến điều đó thêm tồi tệ, đúng không? Đặc biệt là việc chửi rủa và nguyền rủa bạn – dĩ nhiên điều đó sẽ không ích lợi gì cho tình hình. Vì vậy, việc giữ gìn đạo đức là nhận biết càng sớm càng tốt, thậm chí trước khi chúng ta hành động một cách tiêu cực, rằng ta sắp bị thôi thúc hành động theo lối tiêu cực. Có một xung động khiến mình hành động như thế và chúng ta sẽ phân biệt rằng: “Điều này sẽ không hữu ích gì cả,” và ta sẽ kềm chế bản thân để không hành động theo xung động của mình.

Hiện tại ở đây, chúng ta không nói rằng bạn cứ giữ cơn giận trong lòng, rồi nó ăn mòn bạn, và bạn cứ đè nén, đè nén nó cho đến khi bạn bùng nổ. Đó không phải là phương pháp. Nếu chúng ta không thể đối phó với nó và nó cứ lớn dần ở trong lòng – thế nhưng, đừng trút nó lên một người khác. Còn đấm vào tường thì chỉ làm tay bạn bị thương, nên đó là điều ngu ngốc. Thế thì bạn sẽ giải tỏa nó bằng cách nào khác, đúng không?

Người tham dự: Đấm vào một cái gối.

Alex: Đấm vào gối hay lau rửa toàn bộ sàn nhà của bạn – loại phương pháp “trí tuệ của người mẹ” dùng để đối phó với cơn giận và sự thất vọng, và thật ra làm việc nhà vất vả, chạy bộ đường trường, hoặc tập luyện mạnh mẽ trong phòng thể dục sẽ giúp bạn làm tiêu tan năng lượng của cơn giận đầy thất vọng đó.

Chánh Niệm và Định Lực

Nếu chúng ta ngày càng quen thuộc hơn với cách hành xử này, và kiềm chế bản thân mình để không hành động một cách tiêu cực khi ta cảm thấy mình muốn hành động theo lối ấy, thì điều ta đang sử dụng ở đây được gọi là “trí bát nhã (shes-rab)” của mình. Chúng ta phân biệt giữa điều gì ích lợi và điều gì gây hại, và dựa trên cơ sở ấy, chúng ta có thể điềm tĩnh và không giữ cơn giận trong lòng. Thế thì điều chính yếu mà ta đang nuôi dưỡng ở đây là điều thường được phiên dịch là “chánh niệm (dran-pa).” Nó có ý nghĩa là “ghi nhớ”. Nó tựa như chất keo tinh thần giữ gìn kỷ luật – tôi muốn làm điều gì, tôi muốn trở thành người như thế nào trong cuộc sống, tôi muốn hành động ra sao trong cuộc đời của tôi – nó là sự giữ gìn những điều này và không lãng quên chúng. Đó chính là chánh niệm. Nó đồng nghĩa với “chủ động ghi nhớ.”

Thế nên, điều mà chúng ta cố gắng thực hiện là trở nên tỉnh thức nhiều hơn. Từ “Phật” thật ra có ý nghĩa là “một người hoàn toàn tỉnh thức.” Ta cố gắng tỉnh thức về những cảm xúc nào mình đang cảm nhận, về những sự thôi thúc mạnh mẽ nào đó đang thúc bách khởi lên trong tâm mình, khiến mình hành động như thế này hoặc như thế kia, và chúng ta cố gắng không trở thành nô lệ đối với những điều này, mà khi nhận thức ra điều đó với sự hiểu biết, ta có thể lựa chọn cách mình hành động như thế nào. Nếu tâm trạng của tôi xấu, nó có thể thay đổi; tôi có thể làm điều gì đó để thay đổi nó.

Đôi khi, giải pháp cho một tâm trạng xấu lại khá đơn giản. Một trong những phương pháp đơn giản nhất là “đặt đứa trẻ cáu kỉnh lên giường ngủ.” Ta cảm thấy mình như một em bé đã thức quá lâu và khóc nhè “oa oa” suốt ngày và v.v… Thường thì khi không vui, chúng ta giống như vậy. Do đó hãy nằm xuống, chợp mắt một lát, đi ngủ. Khi chúng ta thức dậy, thường thì mọi việc sẽ tốt hơn.

Hoặc nếu bạn đang bất hòa với ai đó, và tình trạng đang đến mức rất dữ dội – thế thì bạn biết rằng trong tình huống này, người kia đã không còn thật sự lắng nghe bạn nữa, và bạn cũng không thật sự lắng nghe họ. Tốt hơn hết là chấm dứt cuộc thảo luận – “Hãy quay lại vấn đề này sau khi cả hai chúng ta đã bình tĩnh lại” – và đi dạo, hoặc làm điều gì tương tự để điềm tĩnh trở lại.

Đây là những phương pháp rất đơn giản. Thật ra, đạo Phật dạy những phương pháp hành động sâu sắc hơn thế nữa, nhưng đây là sự khởi đầu. Chúng ta cần khởi đầu bằng việc áp dụng những phương pháp mà mình thật sự có thể áp dụng. Tuy nhiên nguyên tắc là điều quan trọng, và nguyên tắc là quán xét đâu là nguyên nhân của vấn đề, và làm điều gì đó để khắc phục chúng. Đừng chỉ đóng vai nạn nhân của vấn đề. Nói một cách khác là hãy kiểm soát điều gì đang xảy ra trong cuộc đời bạn.

Bây giờ, nếu chúng ta có thể phát triển chánh niệm để giữ gìn sự hiểu biết về những hành vi nào của mình là hữu ích và hành vi nào gây hại. Nếu chúng ta có thể lưu ý điều gì đang diễn ra và nhớ đến phương cách mà ta muốn hành động, sau đó điều chỉnh lại, nếu ta chưa hành động theo cách đó. Nếu ta có thể thực hiện điều đó cùng với việc ta đang hành xử như thế nào bằng cơ thể, bằng lời nói, thì ta đã phát triển sức mạnh để có khả năng làm điều đó với tâm thức của mình, với những gì mình đang suy nghĩ.

Vì vậy, khi chúng ta bắt đầu có dòng tư tưởng lo lắng, hoặc dòng tư tưởng như: “Thật tội nghiệp cho tôi. Không ai thương tôi cả,” v.v…và v.v…, những dạng tư tưởng như thế, thì ta sẽ nói rằng, “Thôi! Tôi không muốn tiếp tục lẩn quẩn trong sự tủi thân, lo lắng và v.v… nữa. Điều này sẽ chỉ khiến mình buồn rầu mà thôi,” và ta đưa sự chú tâm của mình trở về với điều gì tích cực hơn. Có nhiều điều tích cực hơn mà ta có thể làm với thân và tâm của mình, thay vì chỉ ngồi đó và lo lắng. Có nhiều điều tích cực hơn mà ta có thể suy nghĩ, thay vì nghĩ rằng mọi thứ có thể thậm tệ ra sao, như khi ta đang lo lắng. Bạn thấy đó, bởi vì điều chúng ta đang nỗ lực phát triển ở đây là định lực, để ta có thể mang sự chú tâm của mình trở về, khi nó bắt đầu đi lang thang.

Ví dụ, khi ta đang nói chuyện với người nào đó và tâm mình bắt đầu đi lang thang – nó không nhất thiết là sự lo lắng mà có thể là về: “Khi nào họ mới ngừng nói nhỉ?” hoặc “Tôi sẽ ăn gì cho bữa tối đây?”, nó có thể là ý nghĩ về bất cứ điều gì – và chúng ta ngưng chú tâm đến người đối diện, hoặc ta đang bình luận trong tâm mình: “Những gì họ nói thật là ngớ ngẩn,” ta hãy đưa sự chú tâm của mình trở lại và chỉ tập trung lắng nghe họ mà thôi.

Đây là sự ứng dụng rất thực tế về việc định tâm, nhưng nó đòi hỏi kỷ luật; và ta phát triển kỷ luật ấy trước tiên về mặt thể chất và hành vi ngôn từ của mình. Khi bạn phát triển kỹ năng này, kỹ năng về việc đem sự chú tâm của mình trở lại và điều chỉnh bất kỳ sự chệch hướng nào, thì bạn có thể ứng dụng nó trong tất cả các tình huống. Nó thật sự rất là hữu ích. Ví dụ, bạn bắt đầu có chánh niệm về cách bạn giữ thân hình của mình như thế nào. Nếu hai vai của bạn gồng lên và cần có sự chú tâm, và cổ bạn gồng lên và v.v… – nếu bạn có chánh niệm và nhận biết điều đó, thì chỉ cần hạ vai xuống và thả lỏng chúng. Đây chỉ là vấn đề về sự chú tâm, ghi nhớ và làm một điều gì liên quan đến sự chú tâm ấy. Hoặc khi bạn bắt đầu trở nên quá phấn khích và nó hoàn toàn không phù hợp trong tình huống này, và bạn bắt đầu nói ngày càng to và hung hăng hơn đối với người khác, bạn sẽ nhận ra điều đó và chỉ cần thay đổi nó. Bạn chỉ cần điềm tĩnh lại, giống như việc hạ vai mình xuống, nhưng bạn làm điều đó ở khía cạnh sinh lực và cảm xúc.

Đây là toàn bộ bí quyết về cách áp dụng những phương tiện của Pháp trong cuộc sống. Chỉ cần ghi nhớ và có đủ kỷ luật để thực hiện, áp dụng chúng. Và bạn làm điều đó không phải vì bạn muốn làm người tốt, hay muốn làm đạo sư của mình vui lòng, hay điều gì tương tự. Bạn thực hiện nó vì bạn muốn ngăn ngừa các vấn đề – các khó khăn – vì bạn biết rằng nếu không làm gì cả thì bạn sẽ chỉ khiến bản thân mình khốn khổ, và nó chẳng có gì vui, có phải thế không? Thế thì ta cần áp dụng kỷ luật bản thân trên lãnh vực tinh thần, về mặt định tâm – ngay cả về việc đối phó với những cảm xúc của mình. Tất nhiên, việc đối phó với những cảm xúc thì vi tế hơn, khó khăn hơn nhiều. Nhưng như tôi đã nói, nếu bạn trở nên quá phấn khích, thì bạn có thể điềm tĩnh lại.

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.