Các con tôi mỗi lần về chơi vào những dịp lễ lớn như Phục sinh, Christmas, hay school holidays chúng nó thường cười cười nhìn tôi mà nói với nhau:
• Không ra khỏi nhà sau 6 giờ chiều hả mẹ …
• Nhà mẹ còn hơn là fortress (lâu đài phòng thủ) vì muốn vào được phải qua ba lần khoá
Mỗi lần như thế tôi đều có một câu giải thích mà thôi “đúng vậy, cẩn tắc thì vô ưu. Đề phòng như vậy thì khỏi lo sợ rắc rối xảy đến cho mình và làm phiền tới người thân phải giúp đỡ” Và cứ như thế… mặc cho các con tôi khuyên nhiều lần là “mẹ sẽ thấy mình bị giam hãm với những sự đề phòng quá mức ”
Thế mà mới cách đây 2 tuần, nhân dịp đến nhà chị bạn để đi ăn trưa hàng tháng (chúng tôi định kỳ hằng tháng gặp nhau để trao đổi phật pháp, những gì tu tập được và chia sẻ cho nhau) trong khi chờ đợi chị Xuân đóng khoá vườn sau, tôi bỗng thấy tạp chí Văn Hoá Phật Giáo 174 nằm trên bàn trong phòng khách, vô tình giở vài trang bỗng tôi giật mình khi đọc được SỰ CẨN TRỌNG QUÁ MỨC LÀ XUẤT PHÁT TỪ LÒNG SỢ HÃI… trong một đề tài thảo luận ở một khoá tu Trước khi ra đi, tôi bèn mượn chị Xuân cuốn tạp chí này để về tham khảo và tìm hiểu thêm về chính mình, buổi ăn trưa hôm ấy sao mà kéo dài lâu thế, … chẳng qua tánh tôi còn hấp tấp háo hức khi muốn biết điều gì mới mẻ ( một tánh rất xấu mà tôi chưa sửa được )
Tôi đã đi từ ngạc nhiên đến hứng thú say mê tìm hiểu khi biết được người viết này là một giáo sư tại Đại học Naropa tên là Gaylon Ferguson, đã được sự chỉ giáo của các Đạo Sư Tây Tạng nỗi tiếng như Chogyam Trungpa Rinpoche và Sakyon Mapham Rinpoche và đã hướng dẫn các khoá tu như thế này hơn 35 năm.
Theo tác giả có bốn nỗi sợ hãi chính yếu đó là:
– sợ chính mình,
– sợ tha nhân,
– sợ khoãng không,
– sợ biểu lộ
Tôi đã rút tỉa được những điều học được làm kinh nghiệm cho bản thân và tự hứa sẽ điều chỉnh lại thói quen của sự âu lo của tôi hầu đem đến nhiều hỷ lạc hơn hơn trong sự hoà hợp mình với thế giới bên ngoài một cách tự nhiên hơn
Bạn hãy cùng tôi đi vào bài viết này đã được Nguyễn văn Nghệ dịch nhé, để cùng học hỏi thêm trong khoá tu có tên là LÒNG DŨNG CẢM TỰ NHIÊN
Theo Ferguson,, là một hành giả đi trên con đường học Phật để đạt đên giác ngộ, chúng ta phải biết sợ sức mạnh của những thói quen thâm căn cố đế, đó là:
– thói quen vô minh
– thói quen phản ứng có tánh tự vệ
– thói quen luôn không quan tâm đến cái thực tế mà mình trải nghiệm, kể cả thực tế của sự âu lo
Và do đó trong khoá tu này người tu học phải tìm được một kết luận “phải làm sao sớm làm bạn được với sự sợ hãi của chúng ta”
Bài viết còn rất nhiều điều để ta học hỏi nhưng với tôi một giải pháp để tôi bớt sợ hãi chính là những câu giải thích như sau: “Con đường dẫn đến sự Vô uý hoàn toàn Tỉnh giác có được chỉ khi nào chúng ta mở được lòng mình ra để đi vào không gian chung quanh ta
Chúng ta sẽ khám phá rằng tiếng nói phê phán bên trong ta thường làm giám sát quá mức sự tiến bộ của chúng ta và trớ trêu thay, kẻ phê phán chỉ trích quá bận rộn bên trong ta lại nói không rõ ràng và mang lại kết quả ngược với sự mong đợi
Tin tưởng vào lời bình phẩm dường như lan man không ngừng chảy qua đầu óc chúng ta, chúng chỉ làm cản trở những người thực sự can đảm như chúng ta vốn thực sự là như thế ”
Và bạn biết không, trước đây tôi rất sợ hãi về cái chết vô thường nay tôi đã hết sợ hãi và đã trình bày qua bài thơ sau đây
ĐỜI NGƯỜI NHƯ GIÓ THOẢNG QUA
Đến một ngày ….
em cùng tôi , chúng ta phải trở về …..
Trả lại Đất những gì đang vay mượn
Hoài bảo ước mơ dù còn mắc vướng
Cũng trở thành bụi khói lẫn trong mây
Nếu chẳng là xương trắng phơi thây
Hãy chấm dứt kiếp người …. cách cho kỳ diệu
Vì “Sự trở về” xưa nay, điều thiết yếu
Thấy “đến “ra sao và” về “phải thế nào ?
Chiêm nghiệm thời gian đếm được là bao
Vòng xoáy cuộc đời, ai xuôi chèo, ngược lái.
Tâm vọng động tỉnh mê, đường đâu tiến thoái ?
Ngậm ngùi câu ” ĐỜI NGƯỜI NHƯ GIÓ THOẢNG QUA “
Ao ước được một lần nghe, nhìn tất cả
Sớm mai vui theo tiếng hót chim ca
Sợi nắng vàng buông nhẹ buổi chiều tà
Để cảm tạ cuộc đời dù rất ngắn ……
Huệ Hương