Nhật Ký

Ngày 04/01/2011, sáng – Hôm nay không những là ngày đầu tiên trở về làm việc mà cũng là ngày đám tang của một người bạn trẻ! Trong người cảm thấy mệt mỏi, buồn bã, chán nản, ê chề…

Tin người bạn ra đi đến trong lúc mọi người đang lăng xăng đón mừng Noel và năm mới. Vì tin đến quá đột ngột, nên chưa kịp và cũng không tiện dò hỏi về lý do cái chết bất thình lình. Đến ngày đưa đám mới biết người bạn này đã quyên sinh. Tuy là bác sĩ, nhưng cũng như những bịnh nhân tầm thường khác, cô ta bị lâm vào bịnh post-Pregnancy Depression Syndrome (bịnh tâm thần sau khi sinh sản). Người bình thường uống thuốc tự vẫn thì còn cơ hội cứu chữa, bác sĩ uống thuốc tự vẫn thì sao cứu được!

Anh chị em và bà con xa gần của người bạn này đa phần là phục nghiệp trong ngành y, nào là bác sĩ, nào là chuyên khoa, nào là nhà tâm lý, cho đến bác sĩ chuyên gia về bệnh tâm thần cũng có… Nên phải biết, mọi người trong gia đình cô đã đóng một vài trò rất hoàn thiện trong sự đốt ngọn đèn xua tan bóng tối. Nghe nói, cô ta đã được rất nhiều hướng dẫn của chuyên khoa, trợ giúp của bạn bè và những người đồng nhiệp, nhưng tất cả đều thất bại trong công việc níu kéo một linh hồn trẻ đang đứng giữa lằn ranh của sự chọn lựa.

Không ai có thể ngờ được, một người tài hoa xuất chúng, tương lai sáng lạng, chồng hiền con thảo, giàu sang phú quý, có thể nói là một đời mỹ mãn đầy hạnh phúc mà tất cả mọi người đều mong cầu, lại chọn lựa cho mình một con đường cùn không lối thóat.

Trong phòng truy điệu giữa đám đông, tự nhiên cảm thấy mình rất may mắn! May mắn vì trong những ngày bị cơn bệnh tâm thần giày vò trên tinh thần lẫn thể xác, bác sĩ, gia đình, bạn bè đều lo sợ mình bị lâm vào cảnh gới ‘màu đen’. Nhưng không hiểu sao tự trong tận đáy lòng, mình không có một mảy may ý định nào về vấn đề quyên sinh. Có thể đây là sự khác biệt của người hiểu đạo vào không hiểu đạo. Trong đạo Phật, tội tự sát hại thân thể chẳng khác gì tội sát hại sinh vật khác. Tất cả những sự buồn khổ, lo âu, tật bịnh trong cuộc đời đều là nghiệp phải trả. Kết thúc sinh mạng này chỉ là sự bắt đầu của một sinh mạng khác… sinh sinh diệt diệt, nhân quả luân hồi, chạy đâu cho khỏi!

Tư tưởng mình bị gián đoạn khi âm nhạc tiễn đưa cuối cùng được phát ra, điệu nhạc chậm chạp và buồn hiu… làm cho mọi người đều rơi lệ! Khổ cho đứa bé gái 2 tháng vẫn còn ngủ say mê bên bầu sữa trên chiếc xe pram, trong khi mọi người đang âm thầm đưa tiễn người mẹ một chuyến ra đi không trở về…

Ngày 7/01/2011, trưa, trời nóng. Tình cờ đọc một bài thơ rất hay: Tôi Yêu Em – Bài thơ tiếng Nga của đại thi hào Puskin (do Thúy Toàn dịch)

Tôi yêu em: đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai
Nhưng không để em bận lòng thêm nữa
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài

Tôi yêu em âm thầm, không hy vọng
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen
Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em

Cái hay của bài thơ này không phải ở nơi văn chương mà là sự biểu hiện của một tình yêu cao thượng. Chúng sinh bị trầm luân trong bể khổ chỉ vì cái chấp ngã chấp ta. Những gì thuộc về mình hoặc ngay cả những gì không thuộc về mình, ta đều muốn tranh dành rồi bo bo gìn giữ. Và chính vì cái lo sợ bị mất đi những gì thuộc về ‘mình’, nhiều khi đã làm con người mất đi lý trí và ý nghĩ bị đưa vào những ngõ đường cùn không lối thoát, rồi sau đó trở nên cực đoan để rồi nổi lên những cơn ghen cơn giận như một người điên cuồng. Thử hỏi có mấy ai làm được ‘Cầu em được người tình như tôi đã yêu em’. Phật đã từng dạy: “Ta là Phật đã thành; chúng sinh là Phật sẽ thành”. Tự nhiên mình cảm thấy cái ‘sẽ’…. xa vời quá!

Ngày 09/01/2011 – trưa, khí hậu oi bức. Hôm nay vừa được một quyển chuyện ngắn mới xuất bản của Y Ban và đó là món quà Michael đem tặng sau chuyến holiday tại Việt Nam. Chưa kịp ăn trưa là đem ra đọc, và Y Ban đã không làm mình thất vọng, bài viết đầu tiên ‘Danh dự’ là một bài viết thật hay.

Câu chuyện xảy ra vào lúc chiến tranh ở Hà Nội. người mẹ là một người nổi tiếng về công thương trong ngành ăn uống và đã từng đoạt được nhiều giải thưởng trong nước. Bà ngoại là người rất xem trọng về tiếng tăm danh dự của gia đình. Người luôn giáo dục con cháu trong nhà phải ăn ở đàng hoàng, để gia đình khỏi bị mang tai mang tiếng với đời. Nhưng một hôm… người mẹ lại bạo dạn làm một việc trái với gia giáo trong nhà…. Bà đã ăn cắp những miếng thịt vụn khi trổ tài trong cuộc thi tòan quốc. Sau khi sự kiện bị phát giác, bà đã bị đuổi ra khỏi ngành và ra khỏi công ty làm việc. Bà buồn bã, ngã bịnh hơn ba tháng. Sau khi lành bịnh, bà quỳ gối xin tội với mẹ và nói rằng, bà không hối hận những gì mình đã làm, bà thấy lũ con thèm thịt quá, tội cho chúng nên đã làm liều. Đến nay, lũ con đã trưởng thành, không sầu ăn uống, có đứa còn phải kiêng ăn vì quá béo phì. Nhưng họ vẫn còn nhớ nồi thịt vụn kho của mẹ – một nồi kho hấp dẫn, tuyệt vời nhất trên đời! Và họ vẫn còn nhớ những câu thì thầm với nhau trong bữa ăn đó: “Sao mẹ không đem về miếng thịt lớn tí?!”

Trong đoạn cuối Y Ban đã đưa ra một câu hỏi: Đối với một người đàn bà, danh dự quan trọng hơn hay là những miếng thịt vụn cho lũ con quan trọng hơn? Chính vì những câu hỏi không được trả lời này, đã làm cho cuộc đời chúng ta đầy bí ẩn và mơ hồ!

Ah Yin – Sydney 13/01/2011

http://www.daophatngaynay.com

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.