Hạnh Phúc Và Con Đường Tu Học

Hạnh phúc ở mọi chặng đường

Thầy biết không, tôi nghĩ sự tu học bao giờ cũng phải cống hiến cho ta một phương pháp thực tập, một cái gì cụ thể. Sự tu học của ta không thể chỉ dựa trên niềm tin, hoặc những lý thuyết siêu hình và trừu tượng. Con đường thực tập cần phải được làm bằng những bước đi vững chắc và cụ thể! Tôi nghĩ, những người đến tu học, cho dù với một hoài bão hay kỳ vọng nào, có một khó khăn hoặc khổ đau nào, đạo Phật cũng vẫn có thể giúp được cho người ấy. Cho dù ta có là một bác sĩ, kỹ sư, một nhà kinh tế, một học sinh, hoặc một người vợ, một người chồng, một người cha, một người con… sự tu học vẫn có thể giúp cho ta giải quyết được những vấn đề của riêng mình. Vì tất cả đều là sự sống, mà đạo Phật dạy cho ta một phương pháp sống hạnh phúc và tự tại.

Thiền sư Lâm Tế có viết: “Phép lạ là đi trên mặt đất.” Tôi tu học không phải để được đi trên mây, để khiến mình trở nên kỳ dị và khác thường với những người chung quanh. Tôi tu học để tôi có thể thật sự sống đời sống của tôi, ý thức được những gì đang xảy ra chung quanh tôi, và để tôi có thể thật sự làm những gì mình muốn làm. Tôi muốn mình có thể thật sự đặt những bước chân mầu nhiệm trên mặt đất xanh tươi này.

Mấy ngày đầu trong khóa tu Thầy cũng thấy những thiền sinh mới đến, những bước chân của họ in rõ những dấu vết của sự muộn phiền, lo nghĩ. Chúng ta tuy sống trong hiện tại nhưng thường đi trên mặt đất tiếc nuối của ngày hôm qua, hoặc lo âu của những ngày sắp tới. Phép lạ là làm sao ta có thể thật sự đi trên mặt đất này bằng những bước chân chậm rãi và an ổn trong giờ phút hiện tại, phải không Thầy!

Trong một khóa tu đông người, trong giờ pháp đàm chúng ta thường chia ra nhiều nhóm nhỏ. Mỗi nhóm được sắp xếp tùy theo nhu cầu riêng của người tham dự. Có nhóm muốn chia sẻ về vấn đề gia đình, sự truyền thông giữa vợ chồng, hoặc cha mẹ với con cái. Có nhóm cần chia sẻ, trao đổi về vấn đề sự nghiệp, việc làm. Có nhóm muốn bàn thảo về vấn đề tình yêu, tuổi trẻ, bè bạn. Hoặc có nhóm muốn đi sâu hơn về thiền quán, về phương pháp thực tập, về vấn đề giải thoát và giác ngộ. Trong khóa tu ta cần phải nghĩ đến để đáp ứng hết mọi nhu cầu thực tiễn ấy.

Vấn đề kinh nghiệm và thực tập bao giờ cũng quan trọng hàng đầu. Những người hướng dẫn cho các nhóm không cần phải là người có nhiều kiến thức sách vở, mà phải là người có kinh nghiệm thực tập căn bản, biết lắng nghe, không có thành kiến, và biết sử dụng tình thương, hiểu biết trong lời nói. Tôi tin rằng chúng ta chỉ có thể chia sẻ với người khác những gì thật sự là của mình mà thôi. Dù vậy, trong những giờ pháp đàm đôi khi ta vẫn còn bị lôi kéo vào vấn đề lý thuyết và kinh điển nhiều quá. Tôi không nói rằng bàn luận về những vấn đề này là vô ích, nhưng tôi nghĩ chúng ta cũng có thể bàn thảo về những vấn đề có liên hệ trực tiếp với mình hơn, như là làm sao để có hạnh phúc, kinh nghiệm tu tập của mình trong gia đình, ngoài xã hội… Trong chúng ta ai cũng có thể chia sẻ và học hỏi được, mà đó cũng là Phật pháp!

Thầy ơi, có vài người đi tham dự khóa tu học về nói rằng, trong chương trình, giờ ngồi thiền của chúng ta sao ít quá! Họ đề nghị ta nên tăng thêm giờ ngồi thiền. Thầy nghĩ sao? Tôi thì thấy như vậy là vừa rồi. Những ai thích thực tập ngồi thiền vẫn có thể chọn ngồi nhiều hơn. Chương trình của khóa tu vẫn có thời gian dành cho việc ấy, nếu người ta muốn.

Theo tôi thì sự thực tập của chúng ta không thể tách rời với sự sống. Sự sống và những sinh hoạt hằng ngày vẫn có thể là một môi trường tốt để cho ta thực tập, và thực tập một cách sâu sắc. Từ thiền đường trở về phòng, ta vẫn có thể thực tập thiền quán. Trong phòng tắm, vào phòng ăn, trong giờ nghỉ ngơi… có bao giờ mà ta lại không có cơ hội thực tập đâu, phải không Thầy! Nếu ta có một không gian yên tĩnh để cho mình ngồi xuống trên tọa cụ và thực tập thì không còn gì bằng. Nhưng cuộc đời ít khi cho chúng ta có được cơ hội ấy! Chắc Thầy cũng nhớ câu chuyện của một người ngoại đạo đến hỏi Phật: “Tôi nghe người ta nói ông dạy đạo sống an lạc và giác ngộ, thế thì mỗi ngày các ông ở đây thực tập như thế nào?” Phật đáp: “Ở đây mỗi ngày chúng tôi ăn, uống, đi, đứng, nằm, ngồi.” “Như vậy có gì là khác biệt, là khó đâu? Ai mà chẳng đi, đứng, nằm, ngồi?” Phật đáp: “Nhưng chúng tôi ở đây khi đi biết là mình đi, khi đứng biết là mình đứng, khi ngồi biết là mình ngồi, và khi nằm chúng tôi biết là chúng tôi nằm!”

Thầy biết không, có người hỏi chúng tôi thêm rằng: “Có ai đi mà không biết mình đi, ngồi mà không biết mình ngồi, thở mà không biết mình đang thở đâu?” Chúng ta có thể mất công giải thích hết giấy mực, nhưng thật ra nhiều khi chỉ cần mời người ấy đến thực tập với chúng ta mà thôi, phải không Thầy!

Nhớ có một lần tôi hỏi Thầy Viện Trưởng rằng, không biết các tôn giáo khác họ có dạy về uy nghi và tế hạnh không, chứ trong đạo Phật, việc giữ gìn uy nghi là bước đầu tiên căn bản và rất cần yếu trong sự tu học. Trong những khóa tu chúng ta cũng chú trọng đến việc thực tập uy nghi. Thật ra, uy nghi chỉ có nghĩa là mình có ý thức rõ ràng về mỗi hành động của mình. Uy nghi là một phương cách để ta thực tập chính niệm, để khi đi ta biết là mình đang đi, khi ngồi ta biết là mình đang ngồi… Chúng ta bỏ bớt những cử động hấp tấp và thừa thãi vô ý thức. Nhiều khi chúng ta có quá nhiều những thói quen đi đứng vụt chạc, hối hả không cần thiết, mà vì quá quen nên mình không còn để ý đến chúng nữa, ta cho đó là tự nhiên.

Khi ta có ý thức rõ ràng về những cử động của mình, nó sẽ khiến những bước chân của ta nhẹ nhàng hơn, dáng ngồi của ta an ổn hơn và sự đi đứng của ta khoan thai hơn. Mỗi động tác tự nhiên sẽ trở nên đẹp hơn. Thầy biết không, trong khóa tu năm ngoái có một chị nhắc khéo là chúng tôi hơi lơ là trong việc chắp tay búp sen chào mỗi khi gặp nhau đó Thầy! Người ta thích được thực tập những cung cách, lễ nghi hay đẹp ấy! Tôi nghĩ sự thực tập trong thiền đường giúp cho sự thực tập bên ngoài thiền đường được nghiêm túc hơn, và ngược lại, sự thực tập bên ngoài thiền đường sẽ giúp cho việc ngồi thiền được thâm sâu hơn.

Phương pháp thực tập của chúng ta cần phải thích hợp và giải quyết được những khó khăn ngay trong cuộc đời này, cho thời đại này. Nhưng điều ấy không có nghĩa là chúng ta sẽ coi thường vấn đề sinh tử và giải thoát của mình. Thật ra, giải quyết được những khó khăn, phiền muộn của mình cũng đã là một sự giải thoát rồi, vì nếu không bớt đi sự dính mắc, trói buộc thì làm sao ta có thể thật sự giải thoát được! Phật có khi nào dạy chúng ta trên con đường thực tập, mình phải nhất thiết xa lìa cuộc đời này không Thầy nhỉ? Tôi đặt câu hỏi này, vì vẫn còn ngờ việc ấy. Trên con đường đi đến cứu cánh giải thoát cuối cùng, Phật có dạy chúng ta về sự thực tập chính mạng. Mà tôi nghĩ chính mạng không thể nào là trốn tránh cuộc đời. Chính mạng có nghĩa là phải sống với cuộc đời này sao cho thật trọn vẹn, với tình thương và tuệ giác!

Tôi nghĩ, chúng ta là ai, làm gì, đang ở trong hoàn cảnh nào, mình vẫn có thể thực tập hạnh phúc. Hạnh phúc bao giờ cũng có mặt trên con đường thực tập, như Phật nói: “Con đường của ta tốt đẹp ở đoạn đầu, tốt đẹp ở đoạn giữa và tốt đẹp ở đoạn cuối.” Hạnh phúc không phải chỉ có mặt ở giai đoạn cuối của con đường tu tập mà thôi. Con đường tu học của ta là một con đường hạnh phúc, ta có thể bắt đầu bất cứ khi nào, bất cứ ở đâu, và ngay khi ấy nó sẽ làm cho cuộc sống của ta được tốt đẹp hơn lên.

Có người nghĩ rằng, trên con đường tu học chúng ta phải chịu khổ cực bây giờ để ngày mai được giải thoát. Việc ấy có lẽ chỉ đúng được phần nào mà thôi. Lẽ dĩ nhiên, sự tu tập đòi hỏi một sự tinh tấn, nhưng tôi nghĩ không có nghĩa là ta phải chịu khổ đau và trốn tránh cuộc đời.

Trong kinh Tương Ưng, có lần Phật nói: “Này các thầy, ví như có ai đến nói với một người rằng: ‘Này bạn, vào buổi sáng bạn hãy đâm một trăm cây thương vào thân mình, vào buổi trưa bạn sẽ đâm một trăm cây thương, vào buổi chiều bạn sẽ đâm một trăm cây thương nữa… sau một trăm năm bạn sẽ giác ngộ được Tứ diệu đế.’ Này các thầy, một người hiểu biết có thể nào chấp nhận điều ấy chăng? Này các thầy, ta không bao giờ nói rằng nhờ khổ và ưu mà Tứ diệu đế được chứng ngộ. Nhưng này các thầy, ta dạy rằng nhờ lạc và hỷ mà Tứ diệu đế được chứng ngộ!”

Tiếp xúc với hạnh phúc

Trên con đường tu học, chúng tôi thường được các thầy nhắc nhở phải biết tiếp xúc với hạnh phúc. Ta đâu cần phải giàu có hoặc có nhiều quyền lực mới có thể hưởng được những cái sang đẹp, cao cả của cuộc đời. Có lần, tôi nghe kể về một bài văn của nhà văn Pháp Marcel Proust viết gửi cho một anh thanh niên nghèo. Ông ta tưởng tượng ra chàng thanh niên ấy sống trong một căn gác nhỏ chật hẹp, sống một cuộc đời rất tầm thường. Anh ta ngồi một mình trong bóng tối, bên cửa sổ, mơ tưởng đến những cuộc sống xa hoa của xã hội Paris thời ấy, với những buổi tiệc linh đình, với những lâu đài tráng lệ, những buổi dạ vũ thâu đêm…

Ông Proust viết thư cho người thanh niên ấy. Biết anh đang buồn chán vì thấy cuộc đời mình quá tầm thường, ông muốn mời anh đi thăm bảo tàng viện Lourve ở Paris để xem tranh. Nhưng ông không đưa anh vào xem tranh của những lâu đài, về đời sống của những bậc vua chúa mà anh mơ tưởng. Ông sẽ mời anh ta vào xem phòng tranh của Jean-Baptiste Chardin, một danh họa Pháp thế kỷ 18. Điều đặc biệt là những bức tranh của Chardin không vẽ những gì kiêu xa, cầu kỳ. Đối tượng của ông là những tĩnh vật rất tầm thường như trái táo, chén rượu bạc, nồi nấu súp, ống điếu, chùm nho, một tủ chén… hoặc những sinh hoạt bình thường như là mẹ đi chợ về, cậu bé thổi bóng xà phòng… Những hình ảnh của sự vật tầm thường trong một cuộc sống bình thường. Nhưng màu sắc của những bức tranh ấy rất sống động và tuyệt mỹ. Chúng gợi cho ta thấy được một cái nhìn thật tươi mới và sâu sắc. Và sau khi dẫn anh thanh niên nghèo ấy đi xem những bức tranh tuyệt mỹ ấy xong, ông ta sẽ hỏi: “Sao, bây giờ cậu đã thấy mình là người hạnh phúc hay chưa?”

Những bức tranh này giúp ta nhìn lại những vật tầm thường quanh mình bằng một con mắt mới. Chúng nhắc nhở ta về cái đẹp của những sự vật trước mắt mình mỗi ngày, mà ta không thấy được. Sau chuyến viếng thăm ấy, chàng thanh niên nghèo sẽ hiểu rằng, những cái hay, cái đẹp, cái cao sang, cái chân thiện mỹ, không phải chỉ dành riêng cho bậc vua chúa, mà chính anh ta cũng có thể có được. Hạnh phúc đang có ngay trước mắt anh. Chỉ cần anh biết dừng lại mà nhìn cho sâu sắc. Mặt trời lúc hoàng hôn cũng đẹp mà một ngọn đèn dầu nhỏ cũng đẹp, trời mùa thu cũng đẹp mà một chiếc lá, cọng cỏ cũng đẹp. Trăng rằm mười sáu đẹp mà một con đom đóm lập lòe trên cánh đồng mùa hè cũng đẹp. Không có một cái gì trên đời này là tầm thường cả! Nếu mình chưa thấy có hạnh phúc thì phải biết cách làm cho mình có hạnh phúc. Mỗi năm chúng ta có tổ chức và đi tham dự những khóa tu cũng chỉ để làm việc ấy thôi. Chữ “khóa tu” vẫn làm cho một số bạn thấy ngại! Nhưng thật ra trong khóa tu ta chỉ thực tập bấy nhiêu đó thôi, thật sự có mặt với sự sống này, thực tập tiếp xúc với hạnh phúc. Sự sống này có những cái hay và đẹp, muốn tiếp xúc được với chúng, ta phải có mặt. Và việc ấy đòi hỏi nơi chúng ta một công phu, một sự thực tập.

Có lần trong một khóa tu, tôi có trình bày về vấn đề tiếp xúc với hạnh phúc trong giờ phút hiện tại. Trong bài nói chuyện, tôi có trình bày hai bức vẽ. Bức thứ nhất vẽ một cặp thanh niên nam nữ đang ngồi ăn ngoài trời, thảnh thơi trên bãi cỏ giữa trời rộng bao la. Bức vẽ thứ hai là một cặp thanh niên nam nữ đang nhảy nhót theo điệu nhạc trên một sàn nhảy đông người, với khói thuốc, đàn trống, âm thanh náo nhiệt… Tôi giải thích, bức vẽ thứ nhất tượng trưng cho niềm vui của những người sống trong hiện tại, và bức vẽ thứ hai là cuộc vui của những người bị lôi cuốn theo những khích động của giác quan trong giờ phút hiện tại.

Sau buổi nói chuyện, có một người bạn trẻ đến gặp tôi. Anh tâm sự: “Tôi hiểu điều anh muốn nói. Nhưng riêng cá nhân tôi, trong cuộc sống tôi vẫn thích chọn những cuộc vui được diễn tả trong bức vẽ thứ hai của anh hơn.”

Tôi cũng hiểu những gì anh muốn nói. Anh đã nói lên một điều rất thực. Tôi rất đồng ý với anh, nếu ta chưa tiếp xúc được với niềm vui trong sự tu tập, của giờ phút hiện tại, thì ta khó có thể nào cưỡng lại được sự lôi cuốn của những thú vui kích động trong cuộc đời. Nếu ta chỉ biết có mỗi một thú vui qua sự kích thích của giác quan, thì làm sao ta có thể có một sự chọn lựa nào khác hơn được? Bỏ chúng đi, ta chỉ cảm thấy trống vắng mà thôi. Mà việc gì cũng vậy, nếu ta không cảm thấy hạnh phúc trong những gì mình đang làm, ta sẽ không chọn con đường ấy được dài lâu. Trên con đường tu học, khi ta có được niềm vui trong sự thực tập rồi, ta sẽ từ bỏ những thú vui khác rất dễ dàng, vì biết rằng chúng không mang lại hạnh phúc như mình nghĩ. Cũng giống như người đang cầm một hòn than nóng trong tay, ta sẽ tự động buông mà không cần ai khuyên bảo gì hết.

Thầy biết không, có lần có người hỏi chúng tôi làm sao có thể có được nhiều thì giờ quá vậy? Họ biết chúng tôi ai cũng đi làm, có gia đình bận rộn, vậy còn thì giờ đâu nữa để viết sách, làm báo, đi tu học, tham dự những ngày quán niệm… Hỏi vậy thôi, chứ tôi biết họ cũng đâu có ít thì giờ hơn tôi đâu! Tôi thấy có những người vừa đi làm, vừa đi học, có người bận rộn chuyện gia đình mà còn phải làm một lúc hai, ba việc, đeo đuổi hai, ba dự án… Thật ra, tôi nghĩ vấn đề chỉ là hạnh phúc nào chúng ta cho là quan trọng hơn mà thôi!
 
Nguyễn Duy Nhiên, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính

http://www.phathoc.net/thu-vien/doi-song-xa-hoi/doi-song/72C002_hanh_phuc_va_con_duong_tu_hoc/p10.aspx

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.