Đọc các thông tin trên báo chí, đặc biệt là các trang tin điện tử hàng ngày, có thể thấy đầy dẫy những chuyện không tốt đẹp trong đời sống xã hội được phản ánh. Từ chuyện thiếu “liêm chính” của một số ít người hoạt động chính trị, kinh tế; vụ lợi dẫn đến thiếu trung thực của một số doanh nghiệp; vì tiền bạc, quyền lợi mà bỏ mất giá trị đạo đức, tình nghĩa, có trường hợp mất hết cả tình người…
Người con Phật khắp đó đây đang ngày ngày tu-học, kiện toàn những khả tánh thanh cao để truyền đi ánh sáng tin yêu, gieo mầm đạo đức vào lòng nhân loại và chúng sinh…
Những hiện tượng tiêu cực trong xã hội, ứng xử thiếu đạo đức của con người như thế đã làm nhiều người lo lắng về sự mất ổn định, không an toàn cho đời sống; phẩm chất con người bị giảm sút.
Đất nước chúng ta hòa bình thống nhất đã lâu, tình hình chính trị ngày càng nhiều cởi mở, thông thoáng hơn, theo đó, sự hội nhập với quốc tế cũng được thúc đẩy, đặc biệt là qua sự tác động của công nghệ thông tin internet. Song song với sự du nhập những tích cực, sự tiến bộ của khoa học, những xu hướng sống ích kỷ, thực dụng và văn hóa tiêu dùng cũng ồ ạt tấn công nếp sống của nhiều bộ phận người Việt, đặc biệt là lớp trẻ, làm cho nền tảng đạo đức lối sống trở nên chông chênh, các giá trị đạo đức truyền thống bị lung lay, thậm chí bị hoài nghi, phân vân!
Nói cách khác, sau khi hòa bình thống nhất, do phải đối mặt với nhiều vấn đề cần giải quyết của đất nước, chúng ta chưa thực sự có một quá trình giáo dục về đạo đức lối sống cho người dân thật căn bản và thuyết phục, nên khi xã hội mở cửa, trước sức mạnh của những làn sóng trên, nếp đạo đức truyền thống của một số bộ phận người dân không còn được giữ vững, mà còn bị chi phối.
Một số trường hợp, cán bộ phụ trách trực tiếp làm thất thoát ngân sách của nhà nước đến cả ngàn tỷ đồng như vụ Vinashin, gian dối trong các công trình xây dựng cơ bản, thiếu tinh thần trách nhiệm và phụng sự dẫn tới việc để lại khối lượng nợ xấu khổng lồ, vì cái lợi của tiền bạc trước mắt mà con cái đẩy cha mẹ ra khỏi nhà, anh em sát hại nhau vì những mâu thuẫn quyền lợi đất đai được thừa hưởng… bao nhiêu chuyện đau lòng dường như chưa có dấu hiệu giảm lại, mà ngày mỗi tăng lên khiến những ai ưu tư đều hết sức lo lắng.
Đã đến lúc chúng ta cần tỉnh táo lại để có những giải pháp giáo dục ý thức đạo đức cho người dân, điều chỉnh những giáo trình dạy ở trường học từ mẫu giáo cho đến đại học, các trường dạy nghề, trung tâm hướng nghiệp.
Bởi nếu một khi con người có tài và trí nhưng thiếu căn bản đạo đức thì chắc chắn sẽ dễ dàng bị những cám dỗ vật chất làm cho mê muội, có những hành vi tổn hại đến bản thân, gia đình, cộng đồng, để lại những hậu quả xấu và khó khắc phục trong xã hội.
Với người Phật tử, đặc biệt là người xuất gia thì đạo đức và đạo đức giải thoát chính là căn bản làm nên phẩm chất, quy định giá trị của nhân cách. Sự cao quý hay thấp hèn của con người không phải do các yếu tố địa vị xã hội, dòng dõi, tài sản, sắc đẹp… mà chính do chất lượng trong suy nghĩ, lời nói và hành động làm nên. Đức Phật luôn nhấn mạnh điều đó trong các kinh điển và luật nghi dành cho cả hai giới xuất gia và tại gia.Nói cách khác, người đệ tử Phật đúng nghĩa cần phải có một nếp sống đạo đức theo 10 điểm: khiêm tốn, tàm quý, trung thực, kiên định, không phóng dật, nhẫn nhục, biết ơn, buông xả, dấn thân và tiết tháo. Đó cũng là điều mà người con Phật cần đóng góp vào cuộc đời, đem lại lợi lạc thiết thực và ý nghĩa nhất.
HT.Thích Giác Toàn
http://giacngo.vn/thoisu/cauchuyentrongtuan