Bồ Tát – Phàm Phu Và Hiền Thánh – Mẹ Là Bồ Tát…

BỒ TÁT

Khi vào bếp hóa thân bồ tát
Nấu thức ăn … một lát vuông tròn
Trải nguyên tất cả tấm lòng
Đôi tay ngà ngọc … sắt son … vì người

Gửi trong đó nụ cười của Phật
Từ bi hỷ xả … mát trong lành
Một lòng phụng sự chúng sanh
Dược Sư chú tụng … bình an tròn đầy

Năm và tháng từng giây qua vội
Có nào phiền … người nói … khen chê
Không hề mặt ủ mày ê
Chỉ mong sẽ tốt … không nề gắng hơn

Khi vào bếp một lòng bồ tát
Chú nguyện lòng bao vất vả qua
Miễn sao tất cả gần xa
Thức ăn dược phẩm … thế là lòng an

Nguyễn Thiên Nhiên

_______________

Phàm Phu và Hiền Thánh…

Bồ tát trong kinh điển là Bồ Tát Hiền Thánh
Trong dân gian,
Bồ tát tuy được tán dương vẫn chỉ là phàm phu,
Đặc điểm chung, luôn giúp đỡ với lòng từ
Bất cứ thời khắc nào, dù ý nghĩ thoáng qua
chẳng len lỏi vào một tâm ác!

Tâm Bồ tát thường dễ hơn những đại nguyện thệ phát!
Đã có lúc nào phàm phu quyết hy sinh bản thân ?
Trong khi hiền thánh …
với tứ hoàng thệ nguyện phải đạt chính chân
Trên con đường giác ngộ, tiến xa vượt bực !

Nếu ví mình là Bồ tát vẫn chưa tỉnh thức
Nhân cách sống là chìa khoá thể hiện tâm linh
Sự tôn trọng, lịch sự,
kiến thức đủ đầy mới hoà ái được chúng sinh
Và phải đảm bảo mình có một cuộc sống ổn định !

Nếu mang năng lượng mùa đông
và cầu toàn trong lý tính !
Phải chăng đang chỉ là ánh sáng của ngọn đèn pin
Làm sao rọi sâu xuống 7/8 của tảng băng đang chìm (1)
Nên cần phải khiêm tốn,
nhẫn nại không ngừng tiến bước!

Tu dưỡng phẩm hạnh,
rèn giũa tài hoa để tạo Phước !
Thời đại kiếp giảm, ngàn việc đau khổ rối mò
Và chỉ khi đủ năng lực mới có thể ban cho(2)
Bồ tát giữa đời thường coi vậy rất quan trọng!

Ai ơi hãy mở rộng lòng bố thí hào phóng !
Sẵn sàng lá lành đùm lá rách mỗi lúc thiên tai
Chân thành giúp đỡ quý hơn những lời nói hay
Cuối cùng hãy để người tiếp cận
vẫn không biết đó là Bồ Tát !

Huệ Hương

(1) lời khuyên của thiền sư RAMANA MAHARSHI -“Ta không phải là mặt nước nơi sóng xuất hiện mà là ĐẠI DƯƠNG sâu thẳm bên dưới luôn tĩnh lặng và không bị lay động” 8 (Hãy nhớ về nguyên lý “tảng băng trôi” của Hemingway: 1/8 phần nổi, 7/8 phần chìm dưới nước Phần nổi là phần ta nhìn thấy được, còn phần chìm lớn hơn rất nhiều ta lại không nhìn thấy được, nhưng chính những phần chìm như thế mới thật sự đáng quan tâm” khi đánh giá bản chất con người )

(2) Sức hèn chớ vác nặng lắm nhiều, nói không trọng lượng chớ điều khuyên ai.

_______________

Mẹ Là Bồ Tát…

Không cần chứng đắc Bồ Tát, Thánh.
Mẹ là Bồ Tát giữa đời thường.
Chào đời nhờ Bồ Tát cưu mang.
Có thân mạng, mẹ là Bồ Tát !

Nhận hiểm nguy, cho ta có mặt !
Bao gian nan, nuôi dạy nên người.
Hỷ sinh từng giờ từ bé thơ.
Khôn lớn từng miếng ăn, giấc ngủ.

Bồ tát hy sinh đến sao cho đủ.
Tình mẹ nuôi con, biển thái bình.
Bồ tát kinh điển, có trong kinh.
Mẹ, Bồ Tát đời thường còn gặp.

Bầu sữa mẹ ngọt lành con lớn.
Ôi biết bao tình cảm mẹ dành.
Phật trời xả, Bồ Tát là đánh.
Mẹ Bồ Tát, đời thường còn gặp…

Viên An

_________________

Bồ Tát – Phàm Phu Và Hiền Thánh – Mẹ Là Bồ Tát…

Mẹ là Bồ Tát hóa thân,
Món ăn nấu nướng ân cần cho con.
Dưỡng nuôi ước vọng vuông tròn,
Nên người hữu dụng, vui lòng biết bao.

Nụ cười Bồ Tát thương sao,
Bao dung năm tháng, lao đao sai lầm.
Không hề mắng, ủ ê thầm,
Chỉ mong con sẽ tốt, tâm khẩn cầu.

Phàm phu nhưng mẹ khác đâu,
Thánh hiền dạy dỗ, giữ câu thiện lành.
Làm người giúp đỡ chân thành,
Tránh xa điều ác, ngọn ngành khổ đau.

Phàm phu Bồ Tát khác đâu,
Hy sinh mọi khắc, mặc câu nệ lời.
Từ bi chìa khóa sống đời,
Giữ luôn hòa ái, mọi người chung quanh.

Mẹ là Bồ Tát hiện sanh,
Ra tay cứu vớt con thành người nay.
Dù cho biển rộng, non mây,
Sao bằng ơn đức, cho bầy con thơ.

Từng dòng sữa, tiếng ầu ơ,
Nâng niu con lớn giấc mơ an bình.
Nắng mưa nào quản thân mình,
Mẹ Bồ Tát đã khắc in trong lòng.

Cho… không toan tính ngoài, trong,
Khó khăn nào ngại, vì con cả đời.
Nhẫn kham nhận, chẳng than lời,
Quyết hy sinh bản thân, thời hối đâu.

Lấy gì đo được ân sâu,
Chẳng mong hồi báo, nào cầu đáp ơn.
Thánh hiền Bồ Tát nào hơn,
Tấm lòng của mẹ vượt cơn thác ghềnh.

Giữa đời bể rộng chênh vênh…

tp

This entry was posted in Sách Truyện, Thơ Văn. Bookmark the permalink.