Cảm Niệm Phật Đản PL 2569 – 2025

Khi những ngọn gió thu hiu hắt phảng phất trên bầu trời xứ Úc, thì những lá xanh trên cành chuyển mình đổi sắc, nhuốm vàng và đỏ thẩm, khiến cảnh vật càng thêm sắc màu rực rỡ dưới trời thu. Thu đến với xứ sở của Kangroo, cũng là thời điểm của những người con Phật năm châu chuẩn bị cho mùa Tưởng Niệm Đức Phật Đản Sanh.

Để sự Tưởng Niệm Đức Phật Đản Sanh được sáng tỏ trong tâm thức, để tri ân báo ân cao cả, thì chúng ta hãy trở về lại với Kinh Tạng và lắng nghe những lời dạy từ kim khẩu của Từ Phụ, một trong những bản kinh nói về cuộc đời của Đức Phật là bản Kinh Đại Thừa Phương Đẳng Phổ Diệu, (trích từ Linh Sơn Đại Tạng – Đại Tập 12 – Bộ Bản Duyên III (Số 186 – 190) Số 186) ghi rằng:

[ Bấy giờ Bồ-tát từ hông bên phải của mẹ sinh ra, bỗng nhiên thấy thân Ngài đứng trên hoa sen báu, bước đi bảy bước, cất tiếng Phạm âm, chỉ dạy về vô thường:

『我當救度天上天下為天人尊,斷生死苦,三界無上,使一切眾無為常安。Ngã đương cứu độ thiên thượng thiên hạ nhơn tôn, đoạn sanh tử khổ, tam giới vô. thượng, sử nhất thiết chúng vô vi thường an』

“TA SẼ CỨU ĐỘ TRÊN TRỜI VÀ DƯỚI NHÂN GIAN, LÀM BẬC TÔN QUÝ TRONG HÀNG TRỜI NGƯỜI, BẬC VÔ THƯỢNG CỦA BA CÕI, ĐOẠN TRỪ KHỔ SINH TỬ. TA SẼ LÀM CHO TẤT CẢ CHÚNG SINH ĐẠT ĐẾN CHỖ VÔ VI AN LẠC”.

Thích, Phạm, Thiên Đế bỗng nhiên giáng hạ, đem đủ các loại nước thơm tắm
rửa Bồ-tát. Chín con rồng từ trên phun nước thơm xuống tắm rửa Thánh tôn.

Tắm rửa xong, thân tâm trong sạch. Chỗ ở, con đường dạo chơi hết sức đầy đủ. Sinh nơi dòng họ lớn, như vật trân bảo, các tướng đặc biệt tốt đẹp, xứng đáng là bậc Chuyển pháp luân, hoặc Chuyển luân vương trong ba cõi, dùng một con đường che khắp cả mười phương, trong lòng vua Bạch Tịnh bỗng nhiên phấn khởi khôn lường. ]

Hoặc giả, Kinh Nhân Quả Trong Đời Quá Khứ Và Hiện Tại – Quyển I (trích từ Linh Sơn Đại Tạng – Đại Tập 12 – Bộ Bản Duyên III (Số 186 – 190) Số 189) ghi rằng:

[ Lúc đó là ngày mồng tám tháng tư. Khi mặt trời vừa lên, phu nhân (Hoàng Hậu Ma Da) thấy cây đại thọ Vô ưu trong vườn đang nở hoa đẹp đẽ, tỏa hương thơm ngát, cành lá sum suê, vô cùng xanh tốt bèn đưa tay phải lên muốn vịn cành để hái hoa, Bồ-tát liền rời khỏi thai từ hông phải của mẹ. Dưới cội cây Vô ưu lúc đó xuất hiện bảy đóa hoa sen lớn bằng bánh xe, Bồ-tát liền tự đi bảy bước trên những đóa sen, đưa tay phải lên, nói tiếng nói như tiếng Sư tử oai vệ:

『我於一切天人之中最尊最勝,無量生死於今盡矣,此生利益一切人天。 Ngã ư nhất thiết thiên nhơn chi trung tối tôn tối thắng, vô lượng sanh tử ư kim tận. hỷ, thử sanh lợi ích nhất thiết nhơn thiên

“TỪ TRÊN TRỜI ĐẾN CÕI NHÂN GIAN, TA LÀ TỐI TÔN TỐI THẮNG. VÔ LƯỢNG KIẾP TRÔI LĂN TRONG SINH TỬ ĐẾN ĐÂY ĐÃ DỨT, TA SINH RA ĐỜI ĐỂ ĐEM LẠI LỢI ÍCH CHO TẤT CẢ TRỜI NGƯỜI.”

Khi Thái tử nói những lời ấy xong, bốn vị Thiên vương lập tức dùng tấm lụa trời đỡ thân Thái tử đặt lên ghế báu, có Thích Đề-hoàn Nhân cầm lọng báu, Đại phạm Thiên vương cầm bạch phất đứng hầu hai bên. Các vị Long vương như Nan-đà Long vương, Ưu-ba-nan-đà Long vương từ trên không tuôn xuống hai dòng nước thanh tịnh, một dòng ấm áp, một dòng mát mẻ để tắm cho Thái tử.
Lúc ấy thân Thái tử ánh lên màu vàng ròng, đủ ba mươi hai tướng, phóng ánh hào quang lớn soi thấu ba ngàn đại thiên thế giới. Trời rồng cùng tám bộ chúng cũng ở trên không trung tấu nhạc, ca hát, ngợi khen, đốt hương rải hoa, tung Thiên y và chuỗi anh lạc rơi xuống đầy ngập, nhiều không thể đếm hết.]

Qua hai đoạn Kinh được trích ra từ hai Bản Kinh đã dẫn ở trên, là người con Phật, chúng ta không khỏi cảm xúc bất tận, về sự Thị Hiện Đản Sanh của Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni. Bởi sự Thị Hiện Đản Sanh của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni
Phật, là bức thông điệp tuyên ngôn về năng lực Đại Hùng Đại Lực, Đại Từ Đại Bi, Đại Trí Tuệ của đức Bổn Sư và cũng nói lên tính Bình Đẳng của tất cả chúng sanh:

“Ta Là Phật Đã Thành Chúng Sanh Là Phật Sẽ Thành”.

Trích từ Kinh Phạm Võng phẩm Bồ Tát Tâm Địa, đức Phật dạy:

Đại chúng lòng nên tin chắc:
Các người là Phật sẽ thành,
Ta đây là Phật đã thành.

– Đại Hùng Đại Lực – vì Ngài dõng dạt tuyên bố: “TA SẼ CỨU ĐỘ TRÊN TRỜI VÀ DƯỚI NHÂN GIAN, LÀM BẬC TÔN QUÝ TRONG HÀNG TRỜI NGƯỜI, BẬC VÔ THƯỢNG CỦA BA CÕI …”. Từ cổ chí kim chưa một bậc thánh nhân hay hiền triết nào dám tuyên bố như vậy, nếu có chăng, cũng chỉ nằm trong phạm trù của Loài Người mà thôi, chứ không dám nghĩ đến loài trên Trời cao và cũng không nghĩ đến sự cứu độ cho những hữu tình bực thấp như súc sanh, ngạ quỷ và địa ngục.

– Đại Từ Đại Bi – vì “TA SINH RA ĐỜI ĐỂ ĐEM LẠI LỢI ÍCH CHO TẤT
CẢ TRỜI NGƯỜI.”
Nói đến Trời Người là nói đến tất cả chúng hữu tình
trong 10 pháp giới, từ Tứ Thánh đến Lục Phàm một cách bình đẳng.

– Đại Trí Tuệ – vì “TA SẼ LÀM CHO TẤT CẢ CHÚNG SINH ĐẠT ĐẾN
CHỖ VÔ VI AN LẠC”
, là Ngài vận dụng phương tiện quyền xảo, giáo hoá
dẫn dắt từ chúng hữu tình phàm phu, ngoại đạo cho đến các bậc thánh Tam
Thừa, cứu cánh đạt quả vị Vô Thượng Chánh Giác, chính là “Chỗ Vô Vi An
Lạc” thật sự.

Chúng ta quả là những chúng hữu tình có phước đức lớn trong hiện đời, vì được làm thân người, trong sáu nẻo luân hồi, nhưng phước đức ấy, không chỉ dừng lại của một kiếp sống con người ngắn ngủi, với gia sản sự nghiệp phong phú giàu sang, hay danh vọng địa vị vinh quang ngất ngưỡng. Mà tiến xa hơn nữa, là chúng ta có được cái diễm phúc lớn lao vô cùng tận, được làm con của bậc Đạo Sư trời người, cha lành bốn loài.

Ngài đã ban tặng cho chúng sanh một kho tàng trí tuệ vĩ đại, mà từ cổ chí kim, chưa từng có một thánh nhân hay hiền triết nào để lại cho nhân loại với kho tàng vĩ đại như thế.

Một kho tàng trí tuệ đã bao hàm trên hai lãnh vực vừa là thế gian và vừa là xuất thế gian.

– Về lãnh vực Thế Gian:

– Đối với chư Thiên trong 3 cõi, thì Ngài là bậc Thầy siêu xuất giáo dục
chư Thiên có con mắt trí tuệ, để phân biệt chánh tà, đúng sai, phải trái,
thiện ác, để vượt thoát thế gian mà thấu đạt chân lý cứu cánh. Cảnh giới
chư Thiên dục giới được tạo bởi nhiên liệu của “Mười Thiện Nghiệp
Đạo”
. Cõi trời Sắc và Vô sắc tạo ra bởi năng lực thiền định, chế phục những phiền não tham sân si, tuy chưa đoạn hẳn tham sân si phiền não
chướng, nhưng cũng được nhẹ nhàng thanh tịnh thân tâm trong khi thiền
định.

– Đối với nhân loại trên quả địa cầu nầy, thì trí tuệ Ngài bao trùm mọi lãnh
vực từ học thuật, khoa học cho đến văn hoá, giáo dục, chính trị, kinh tế,
y tế, xã hội v.v…. Ngài còn hướng dẫn nhân loại muốn xây dựng một đời
người hoàn mỹ, thì phải kiến tạo bởi chất liệu bằng “Năm Giới Pháp.”

– Đối với chúng hữu tình đang bị đoạ đày trong ba con đường khổ đau bởi
si mê như loài súc sanh, đói khát cùng cực như loài quỷ đói và đau khổ tận cùng luôn sống trong sự sân hận như loài địa ngục tối tăm vô gián, tất
thảy đều được giáo pháp trí tuệ thiện xảo, an ủi vỗ về xoa dịu những nỗi
khổ đau và giáo dục chỉ bày phương pháp làm sao sớm thoát khỏi cảnh ác đạo tột cùng. Một phương tiện thù thắng có thể huỷ hoại tất cả cảnh giới súc sanh, ngạ quỷ và địa ngục, thì đó chính là năng lực “Quy Y Tam Bảo”.

 Quy Y Phật không đoạ địa ngục
 Quy Y Pháp không đoạ ngạ quỷ
 Quy Y Tăng không đạo bàng sanh

– Về lãnh vực Xuất Thế Gian: Ngài là Đạo Sư dẫn dắt các bậc Thánh tam Thừa đạt đến chân lý cứu cánh tuyệt đối vô thượng. Thánh Tam Thừa gồm có: Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát.

 Đối với hàng Thánh Thanh Văn thì Đức Thế Tôn dạy các ngài quán chiếu về Tứ Thánh Đế trải qua tam chuyển, thập nhị hành (3 chuyển 12 hành).

1) Thị chuyển: Đức Phật khai thị là chỉ bày cho các đệ tử về Bốn Chân lý hay
còn gọi là Bốn Thánh Đế:

 Đây là Khổ Thánh Đế
 Đây là Tập Thánh Đế
 Đây là Diệt Thánh Đế
 Đây là Đạo Thánh đế

2) Khuyến chuyển: Đức Phật khuyến nhũ tư duy quán chiếu về Tứ Thánh Đế.

 Đây là Khổ Thánh Đế phải biết.
 Đây là Tập Thánh Đế phải đoạn.
 Đây là Diệt Thánh Đế phải chứng.
 Đây là Đạo Thánh Đế phải tu.

3) Chứng chuyển: Giai đoạn chứng đắc bốn thánh quả

 Đây là Khổ Thánh Đế đã biết,
 Đây là Khổ Tập Thánh Đế đã đoạn,
 Đây là Khổ Diệt Thánh Đế đã chứng
 Đây là Khổ Đạo Thánh Đế đã tu.

Kết quả chứng đắc của hàng Thánh Thanh Văn là Thánh A La Hán, đoạn Kiến Tư Hoặc, thoát sanh tử chứng Niết Bàn tịch tịnh.

 Đối với bậc Thánh Duyên Giác, thì Đức Phật dạy quán lưỡng trùng tam thế nhân quả (2 lớp 3 đời nhân quả) có hai phần:

1. Lưu chuyển môn còn gọi là Sanh Quán là quán duyên Vô Minh sanh
Hành, duyên Hành sanh Thức, duyên Thức sanh Danh Sắc, duyên
Danh Sắc sanh Lục Nhập, duyên Lục Nhập sanh Xúc, duyên Xúc sanh Thọ, duyên Thọ sanh Ái, duyên Ái sanh Thủ, duyên Thủ sanh Hữu, duyên Hữu sanh Sanh, duyên Sanh sanh Lão Tử, tức là quán tướng sanh khởi theo thứ tự. Vì vậy gọi là Lưu Chuyển Môn.

2. Hoàn diệt môn còn gọi là Diệt Quán nghĩa là quán Vô Minh diệt ắt Hành diệt, cho đến Sanh diệt thì Già Chết sẽ diệt, tức là quán tướng diệt hoại theo thứ tự. Vì vậy gọi là Hoàn Diệt Môn.

Hoặc có hai loại Quán:

1) Thuận sanh tử Quán: Quán nghiệp hữu lậu làm nhân.
2) Nghịch sanh tử Quán: Lấy quán chánh huệ vô lậu làm nhân, chánh
hạnh làm duyên, đó là tướng chứng quả Niết Bàn.

Hàng Thánh Duyên Giác do quán thuận nghịch 12 nhân duyên mà yểm ly sanh
tử và chứng Niết Bàn tịch tịnh. Còn gọi là Duyên Giác Phật hay Bích Chi Phật,
đoạn Kiến Tư Hoặc và một phần Tập Khí vi tế hoặc.

 Đối với Bồ Tát thì có 3 hạng bậc: Phàm phu Bồ Tát, Tam Hiền Bồ tát và Thập Thánh Bồ Tát. Chư hành giả Bồ Tát thì hành Lục Ba La Mật hay

Lục Độ Vạn Hạnh.

1- Bố Thí Ba La Mật
2- Trì Giới Ba La Mật
3- Nhẫn Nhục Ba La Mật
4- Tinh Tấn Ba La Mật
5- Thiền Định Ba La Mật
6- Trí Tuệ Ba La Mật

Cứu cánh của Bồ Tát Đạo là thành tựu Phật quả viên mãn, Vô Thượng Chánh
Đẳng Chánh Giác. Tâm nguyện của Bồ Tát Đạo là Trên Cầu Thành Phật, Dưới
Nguyện Lợi Lạc Quần Sanh. Do đó, thời gian tu tập của Bồ Tát Đạo căn bản là
Ba Đại A Tăng Kỳ Kiếp, đây là quan điểm của Tạng Giáo, theo sự phán giáo
của tông Thiên Thai.

Tóm lại, Ba Bậc Thánh ở trên, là một phương tiện quyền xảo của Từ Phụ Thích
Ca lập ra để giáo hoá theo căn cơ thứ lớp. Vì vậy cho đến năm thứ 40, sau khi
Thành Đạo, Ngài tuyên thuyết Nhất Thừa Viên Giáo, đó chính là bộ Kinh Đại
Thừa Diệu Pháp Liên Hoa, ở phẩm Phương Tiện thứ hai (Hoà Thượng Thích
Trí Tịnh dịch), Đức Phật dạy:

Xá-Lợi-Phất! Các đức Phật theo thời nghi nói pháp y-thú khó hiểu. Vì sao? Ta dùng vô số phương tiện các món nhân duyên, lời lẽ thí dụ diễn nói các pháp. Pháp đó không phải là suy lường phân biệt mà có thể hiểu, chỉ có các đức Phật mới biết được đó. Vì sao? Các đức Phật Thế-Tôn, chỉ do một sự nhân duyên lớn mà hiện ra nơi đời.

Xá-Lợi-Phất! Sao nói rằng các đức Phật Thế-Tôn chỉ do một sự nhân duyên lớn mà hiện ra đời? Các đức Phật Thế-Tôn…:

 Vì muốn cho chúng sanh Khai Tri Kiến Phật để được thanh tịnh mà hiện ra nơi đời;
 Vì muốn Chỉ Tri Kiến Phật cho chúng-sanh mà hiện ra nơi đời;
 Vì muốn cho chúng sanh Tỏ Ngộ Tri Kiến Phật mà hiện ra nơi đời;
 Vì muốn cho chúng sanh Chứng Vào Đạo Tri Kiến Phật mà hiện ra nơi
đời.

Xá-Lợi-Phất! Đó là các đức Phật do vì một sự nhân duyên lớn mà hiện ra nơi
đời”.

Xá-Lợi-Phất ! Nay ta cũng lại như thế, rõ biết các chúng sanh có những điều ưa muốn, thân tâm mê chấp, ta tùy theo bản tánh kia dùng các món nhân duyên lời lẽ thí dụ cùng sức phương tiện mà vì đó nói pháp.

Xá-Lợi-Phất ! Như thế đều vì để chứng được một Phật thừa “nhứt-thiết chủng-trí.”

Thật không còn diễm phúc nào hơn, được làm con Phật, được tu học Giáo Pháp của Ngài. Để cảm niệm ân đức cao sâu bất tận vô biên của Từ Phụ đã vì chúng sanh mà Thị Hiện Đản Sanh, thì không gì hơn là những người con Phật hãy phát khởi Đại Bồ Đề Tâm, là Tâm phát nguyện rộng lớn vì lợi ích tất cả chúng sanh trong ba cõi sáu nẻo luân hồi, hành Bồ Tát Đạo và nguyện cùng pháp giới chúng sanh đồng thành Phật Đạo Vô Thượng.

Kính lạy Đức Từ Phụ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, chúng con một lòng tha thiết thành kính lạy Đức Thế Tôn muôn ngàn vạn lạy, nguyện xin Ngài từ bi gia hộ nhiếp thọ cho chúng con ba nghiệp thanh tịnh, ai mẫn nạp thọ phẩm vật cúng dường của chúng con bằng những chất liệu như:

 HƯƠNG được huân ướp mùi thơm của Năm Phần Pháp Thân là; Giới, Định, Huệ, Giải Thoát, Giải Thoát Tri Kiến Hương của Tam Thừa Cộng Giáo.
 HOA được huân ướp bởi Sáu độ Vạn Hạnh hoặc Mười Hạnh Nguyện Vương
của Phổ Hiền Bồ Tát.
 QUẢ vị thơm ngọt được huân ướp bởi Ba Đức của Phật là; Pháp Thân Đức,
Bát Nhã Đức và Giải Thoát Đức.

Nương nhờ công đức cúng dường bằng những năng lực tu tập thiền quán, tụng niệm, thọ trì kinh chú, lạy Phật, nguyện cho chúng con và chúng sanh được xả ly những kiến chấp trói buộc về Ngã chấp, xả ly những vọng niệm phân biệt thuộc về Pháp chấp.

Kính lạy Đức Thế Tôn!

Chúng con và chúng sanh, vì Ngã chấp quá nặng, cho nên phải gánh chịu bao hệ luỵ đau thương từ những cuộc chiến phi nghĩa, như quân sự, chính trị, kinh tế, ý thức hệ, lẫn tín ngưỡng cuồng vọng v.v… Cũng vì vậy những hoạn nạn thiên tai như động đất, hồng thuỷ, hoả tai, cuồng phong, v.v… không ngừng, gây ra bao sự đau khổ bất an trong kiếp sống ngắn ngủi này.

Kính lạy Đức Thế Tôn, từ bi gia hộ cho chúng con và chúng sanh, tăng trưởng thâm tín được đạo lý nhân quả, để những nỗi khổ đau đang dày xéo không có cơ hội trổ hoa sanh quả. Thay vào đó những đoá hoa hoà bình sẽ nở rộ và trái ngọt thương yêu bình đẳng thơm ngon sẽ nặng trĩu trên cành cây nhân loại. Tạo ra một cảnh thanh bình an lạc thật sự tại địa giới.

Bao nhiêu công đức tu tập trong Mùa Đại Lễ Phật Đản Phật Lịch 2569 – Tây Lịch 2025, Kính lạy Đức Thế Tôn, từ bi gia hộ cho thế giới được hoà bình, mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, nhân sanh an lạc. Nguyện cầu cho các nhà lãnh đạo trên thế giới ở mọi phương diện, luôn được sáng suốt, ứng dụng lời dạy Từ Bi Bình Đẳng của đức Phật, để lãnh đạo điều hành, ngỏ hầu giảm bớt nỗi lo âu sợ hải của nhân loại và đem lại sự hoà bình thật sự trên quả địa cầu nầy.

Nam Mô Lâm Tỳ Ni Viên Vô Ưu Thọ Hạ Thị Hiện Đản Sanh Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Hòa Thượng Thích Hoằng Khai (Tự Thích An Chí)

This entry was posted in Sinh Hoạt, Tin Tức. Bookmark the permalink.