Nếu – Muốn Biết Mình Là Người Thế Nào – Tu Khiêm Hạ…

NẾU

Nếu tự nhủ mình là rơm rác
Lời chê bai người khác nhẹ tênh
Dĩ nhiên là sẽ dễ quên
Có nào hờn giận … luôn nên nụ cười

Nếu tự nhủ sống đời cây cỏ
Luôn tươi vui cơn khó trôi qua
Đắng cay bầm dập Ta Bà
Xem thường tất cả … thế là bình tâm

Nếu tự nhủ thời gian rất vội
Tranh lợi danh nào lợi ích gì
Trăm năm từng lúc trôi đi
Đấu tranh tranh đấu rồi thì không yên

Nếu tự nhủ có duyên mới gặp
Bao kiếp qua … xin chắp tay chào
Hoa sen hiệp chưởng hãy trao
Di Đà thầm niệm hôm nao đã tròn

Nếu tự nhủ cõi lòng luôn mở
Thì nhân lành không khó sẽ thành
Những lời ái ngữ ân cần
Phép màu tứ nhiếp bình an ta người

Nguyễn Thiên Nhiên

_______________

Muốn biết mình là người thế nào!

Hãy nhìn vào những mối quan hệ xung quanh ta đó
Vì phần lớn những người bạn
chính là sự phản chiếu của bản thân.
“Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” chẳng sai lầm
Theo thời gian, mỗi ngày bạn một thay đổi
và những người bạn tiếp cận cũng thay đổi.

Trải qua quá trình chọn lọc,
dần dần gặp gỡ thêm nhiều bạn mới
Ta sẽ nhận ra được bản thân mình dễ dàng
Chính nhờ những mối quan hệ chút nhịp nhàng
Giúp tự kiểm điểm hành vi từ góc nhìn truyền thống
Giúp nhận ra giá trị thực sự của cuộc sống! (1)

Cuộc đời là một chuỗi tình cờ, tất cả do duyên
Mời nghe Đại Sư Vivekananda truyền trao lời khuyên (2)
“Sức mạnh là Sự sống; Yếu đuối là Cái chết.
Mở rộng là Sự sống; Co cụm là Cái chết.
Tình yêu là Sự sống; Hận thù là Cái chết.”

Muốn biết mình thế nào, xem xét kỹ bạn
từ ý tưởng cho đến hành động”
Nếu còn nhắm mắt theo bất cứ một ai,
Vẫn còn vương vấn quá khứ mà quên mất tương lai.
Thì bạn ơi, từng ngỏ ngách bên trong tâm thức
chưa thật sự cảm nhận !
Vì sự trưởng thành tâm linh đích thực,
con đường của ý thức tự làm chủ số phận.

Huệ Hương

(1)Tự biết mình đơn giản có nghĩa là tự kiểm điểm hành vi cá nhân từ góc nhìn của người thứ ba trong các tình huống khác nhau – và sau đó cố gắng xác định nguyên nhân của những vấn đề trong cuộc sống. Tu tập có nghĩa là bạn luôn chọn Sự Thật trong mọi khoảnh khắc trong đời sống

(2) Đạo sư Vivekananda (12/1/1863 – 4/7/1902) là một tu sĩ đạo Hindu và là một trong những bậc thầy tâm linh có sức ảnh hướng lớn nhất Ấn Độ. Ông không chỉ là một bậc thầy tâm linh, mà còn là một triết gia, nhà văn, giảng sư, ưu tú và cần mẫn với số lượng khổng lồ những bài giảng pháp qua văn bản và thuyết trình trong quảng đời khá ngắn ngủi của mình (39 năm). Ông là người đã tiếp tục lan truyền ngọn lửa trí tuệ của thầy ông, Ramakrishna, tới những chân trời mới. Ông đã hoạt động không biết mệt mỏi cho một xã hội tốt đẹp hơn, phục vụ những người nghèo khổ, hết mình vì đất nước. Ông là người đã mang lại sự phục hưng cho tâm linh Hindu và đã khiến cho đạo Hindu trở thành một tôn giáo đáng kính nể trên toàn thế giới. Thông điệp về tình anh em đại đồng và sự thức tỉnh tâm hồn/chân ngã (self-awakening) vẫn còn giữ được giá trị quan trọng của nó đặc biệt là trong thời đại thế giới biến loạn ngày nay. Vị đạo sư trẻ và giáo huấn của ông đã khơi nguồn cảm hứng cho rất nhiều người, và lời lẽ của ông đã trở thành mục tiêu phấn đấu phát triển bản thân đặc biệt là cho giới trẻ Ấn Độ. Cũng chính vì lý do này, ngày sinh của ông, 12 tháng Một, đã trở thành một ngày lễ quốc gia (National Youth Day / TD: Ngày Tuổi Trẻ Toàn Quốc) ở Ấn Độ.

(3) Nagarika Shri Munindra (1915 – 14 tháng 10 năm 2003), còn được các đệ tử của ông gọi là Munindraji, là một thiền sư Vipassanā người Ấn Độ, người đã chỉ dạy nhiều vị thiền sư danh tiếng bao gồm Dipa Ma, Joseph Goldstein, Sharon Salzberg, và Surya Das. Chữ Anagarika đơn giản có nghĩa là một Phật tử thực hành sống cuộc sống du mục mà không vướng mắc để tập trung vào Giáo pháp

_______________

Tu Khiêm Hạ…

Giản dị nhưng bao gồm tất cả !
Luôn nhúng nhường trước mọi tha nhân.
Không hơn thua nên chẳng biết Sân.
Khiêm hạ có lòng Tham càng giảm.

Không Si nên lời chê tiếng trách.
Không giận hờn, gió thoảng bên tai.
Tham Sân Si vượt thoát ra ngoài.
Ba căn bản, tu làm người tốt.

Tu khiêm hạ nên không ngã mạn.
Mọi người thương cỏi tạm bình yên.
Cuối đầu vượt mọi cửa ra vào !
Trăm năm cõi tạm đời bình an.

Tha nhân gặp có duyên tiền kiếp.
Không ngẫu nhiên quen biết bao giờ.
Thân thương đối đãi, câu kinh chờ.
Cùng nhau hướng Phật A Di Đà !

Khiêm hạ, Ái ngữ, dặn lòng ta.
Xa lìa tam độc, Phật đến gần.
Luôn tự nhủ, ứng dụng thế nhân.
Đời, đạo,vuông tròn, nay quyết tâm.

Tu Tâm Khiêm Hạ, luôn nằm lòng.

Viên An

_______________

Nếu – Muốn Biết Mình Là Người Thế Nào – Tu Khiêm Hạ…

Nếu xem mình nhẹ rác rơm
Chỉ là cát bụi, duyên đơm… hợp thành
Chê bai… sẽ gió thoảng nhanh
Giận hờn chi để thiệt thân chính mình

Nếu coi lời nói vô tình
Nặng nề chấp nhất, quán nhìn lại ta
Làm sao chống nổi ta bà
Đắng cay bầm đập, phong ba dẫy đầy

Biết mình – người thế nào thay
Ngưu tầm – mã gặp, câu này khó sai
Bạn bè duyên tụ hôm nay
Lỡ sau quay mặt, đổi thay do gì

Biết người, mình,… sống từ bi
Bản thân kiểm soát… hành vi, lời dùng
Vị tha, nhẫn nhịn nhau chung
Giữ tâm khẩu ý… hòa dung, nhẹ nhàng

Hạ khiêm, nhường chút đừng than
Bớt đi tam độc thế gian, tu mình
Sân si, tham – hận khổ rình
Mua thân phiền não, chuốc nghìn dây dưa

Tu khiêm hạ, biết không thừa
Mặc ai kiếm chuyện, lời bừa.. ngoài tai
Trăm năm cõi tạm tuồng hài
Sao không buông xả, chớ hoài ghét, ưa

Nếu mình thấu hiểu nắng mưa
Còn vin chấp ngã, tự mua khổ rồi
Chính ta chưa dẹp cái tôi
Làm sao tránh được người – ôi trách gì

Nếu mình khiêm hạ từ bi
Tu chưa thành được, nói chi mọi người
Nào ai hoàn hảo mười mươi
Lỗi không phạm phải, dễ ngươi… ở đời

Thôi thì buông để thảnh thơi…

tp

This entry was posted in Sách Truyện, Thơ Văn. Bookmark the permalink.