Nhân Đại Lễ Phật Đản lần thứ 2649, cùng nhau quán chiếu: “có phải Tỉnh thức là sinh nhật thật sự của một người đang sống ?”

Kính lạy Đức Thế Tôn,

Tuy con chưa đạt được danh hiệu người Phật tử thuần thành, nhưng trong con Đại lễ Phật Đản không chỉ là ngày kỷ niệm một bậc giác ngộ ra đời – mà là dịp thiêng liêng để con trở về với cội nguồn tâm linh sâu thẳm nhất. Trong trái tim con, hình ảnh Đức Bổn Sư hiện ra không phải qua pho tượng, mà là ánh sáng từ bi sống động, thắp lên niềm tin, sự tỉnh thức và lòng thương yêu vô lượng.

Kính bạch Ngài,

Có phải. Phật Đản là dịp để người con Phật quán chiếu lại chính mình: Đã buông bỏ được bao nhiêu sân si? Đã mở lòng được bao nhiêu yêu thương?
Được nghe, nhìn Phật đản sinh trong hoa sen,chắc hẳn mọi Phật tử đều cũng nguyện tâm mình là đóa sen nở giữa bùn – không vấy bẩn, luôn vươn lên ánh sáng.

Và với tâm thành kính, con cũng như mọi người cùng sắm sửa hoa tươi, nước thơm, đèn sáng – không vì hình thức, mà vì muốn dâng hiến trọn lòng thành kính trong sạch.

Mỗi bước chân đi quanh hình tượng Ngài, mỗi tiếng chuông ngân, mỗi câu kinh tụng – đều là lời nguyện thầm nhắc bản thân sống thiện, sống tỉnh thức giữa đời thường. Thật ra tâm thành của một hội chúng ấy cũng không cần phô bày nhưng trong thầm lặng, nó đã biểu hiện một sự huyền nhiệm thanh cao, và đủ sức làm rung động cả cõi nhân gian – như một tiếng chuông nhỏ giữa buổi tinh sương.

“Ngày nào còn tìm Phật trong kinh sách,
Mỗi lần mừng Phật Đản về,
lại gặp Phật khi tâm vắng bặt suy tư.”

Hôm nay trong tinh thần ấy khi nhớ lại đoạn văn nói về quan điểm của Đức Đạt Lai Lạt Ma về con đường tu tập theo Đức Phật qua cuộc phỏng vấn của ký giả Melvin Mc Leod vào ngày 29/7/2016 ( Theo Nguồn Trích dẫn – website trang nhà Quảng Đức – Niềm hạnh phúc tối hậu ).

Đức Đạt Lai Lạt Ma đã trả lời : Chấp nhận hay không cấp nhận một Đức tin tôn giáo nào đó là chuyện cá nhân , nhưng một khi đã bước vào một tôn giáo thì
phải nghiêm túc và thành thật ….

Ngài nói thêm: Một khi đã bước theo con đường tâm linh thì phải sâu xa và quyết tâm , các cảm nhận sâu xa đó chính là niềm hạnh phúc tối hậu mà người tu tập đạt được trong kiếp sống này, và vì Đức Phật vừa là một triết gia vĩ đại, một tư tưởng gia siêu việt đại tài cũng là một khoa học gia sáng chói nên Ngài đã dạy rằng Đức tin và lòng từ bi phải được kết hợp với trí tuệ và do đó “Trí thông minh và sự lý luận phải đặt lên hàng đầu”, vì sao vậy ?

vì Đức tin không trí tuệ là sự mù quáng
Vì tình thương, và lòng từ bi không có trí tuệ chỉ là một sự đam mê .

Như vậy “Tưởng niệm ngày sinh của Đức Phật không chỉ là lễ mừng cá nhân, mà là biểu hiện của sự tôn kính tuyệt đối với khởi nguồn giác ngộ và cứu độ của cả một truyền thống tâm linh.”

Chúng ta phải trọng thể hóa ngày sinh Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là đấng sáng lập Phật giáo – một hệ thống giáo lý giải thoát rất sâu sắc là để tri ân nguồn sáng lập, là gốc rễ thiêng liêng mà tất cả các bậc thánh và đệ tử đều dựa vào.

Do vậy Lễ Phật Đản (Vesak) không chỉ mừng ngày Ngài sinh ra, mà còn là ngày Ngài thành đạo và nhập Niết bàn – gọi là Tam hợp – nên rất được tôn kính và Vesak là cơ hội để dừng lại.

Tuy chúng ta thường vinh danh Phật bằng hoa và nhạc – nhưng hãy tự. nhắc mình “hãy vinh danh Ngài bằng sự chuyển hóa nơi chính mình”.

Khi tâm ta sáng lên một chút – Phật ra đời thêm một lần nữa.

Đứng về khía cạnh văn hóa và tâm lý đại chúng, Sinh nhật là biểu tượng của khởi đầu, và khi khởi đầu đó thay đổi dòng chảy tâm linh nhân loại, từ Đức Phật (người đã từng tỉnh dậy giữa cuộc đời vô minh) thì việc tưởng niệm có ý nghĩa rất lớn. Tuần lễ Vesak không chỉ là để nhớ Phật ra đời, mà là cơ hội để Phật tái sinh trong chính tâm ta.

Và dựa trên tinh thần của Đức Đạt Lai Lạt Ma, có lẽ con sẽ tu tập 7 Quán Chiếu Tuần Phật Đản – Theo Tinh Thần Trí Tuệ và Bi Mẫn để được tỉnh thức như Đức Thế Tôn ạ,

Sau đây là điều con cảm nhận sâu xa được

1. Quán chiếu về Chân lý – Sự thật cần được thấy, không chỉ tin ”Ta không nên tin vì điều ấy được truyền thống giữ gìn, mà hãy xét xem điều ấy có lý lẽ và đưa đến bớt khổ, thêm thương yêu hay không.”

2. Quán chiếu về Nhân quả – Không có gì ngẫu nhiên trong khổ đau hay hạnh phúc—-Hạt giống nào mình gieo, kết quả ấy sẽ đến. Không cần ai trừng phạt – chỉ cần hiểu mình là người tạo dựng số phận mình bằng từng suy nghĩ, hành động.

3. Quán chiếu về Vô minh – Gốc rễ của mọi đau khổ (Vô minh là không hiểu rõ bản chất của đời sống, không thấy rõ sự thay đổi, dính mắc vào cái “ta” giả tạm).

4. Quán chiếu về Từ bi – Không thể có trí tuệ nếu không có tình thương (Trí tuệ mà không từ bi thì sắc bén nhưng lạnh lùng. Từ bi mà không trí tuệ thì mù mờ và dễ bị lạc hướng).

5. Quán chiếu về Vô thường – Nền tảng cho sự buông bỏ (Hiểu vô thường không phải để buồn, mà để sống trọn vẹn).

6. Quán chiếu về Tâm – Nơi bắt đầu và kết thúc mọi khổ đau và hạnh phúc (Mọi điều ta thấy, yêu, ghét, đau khổ… đều bắt nguồn từ tâm chưa được điều phục.)

7. Quán chiếu về Sự thực hành – Hiểu mà không hành, là chưa hiểu gì cả— Hiểu sâu đến đâu mà không sống theo đó, thì vẫn chỉ là lý thuyết.

Lời kết:

Kính lạy Đức Thế Tôn, nhân tuần Đại Lễ Phật Đản lần thứ 2649, con chợt suy nghiệm rằng “Khi ta thật sự tỉnh thức,( buông tất cả sự vọng động, trở về với tâm rỗng sáng tự nhiên )thì ta đang đi trên con đường mà Đức Phật đã đi.
Và có phải Tỉnh thức là sinh nhật thật sự của một người đang sống – như Phật từng tỉnh dậy giữa cuộc đời vô minh.

Mỗi năm Phật đản lại về
Mà tâm con vẫn bộn bề gió mây
Con không dám hứa điều hay
Chỉ mong tỉnh thức mỗi ngày thêm ra

Một lần thở, nhớ Phật qua
Một lần buông, nhẹ thiết tha giữa đời
Một câu nói, chớ buông lơi
Nếu chưa thể tốt, thì thôi… xin hiền

Con không dựng tượng bằng xi măng
Mà nguyện đắp tượng bằng ăn, ở, nhìn
Bằng đôi mắt biết lặng thinh
Trước sân si, trước phận mình mong manh

Phật đản không chỉ bức tranh
Mà là khúc hát thanh thanh trong lòng
Xin cúi đầu, nguyện được sống
Như một ánh nến… cháy trong lặng thầm.

Không cần lễ hội lớn, không cần đèn hoa rực rỡ – chỉ cần một tâm quay về, một hơi thở tỉnh thức, là đủ để Phật hiện diện.và nếu trong tuần lễ Phật đản, ta chỉ lo hình thức tổ chức rầm rộ, trang hoàng đèn hoa, tụng niệm lễ nghi… mà không dừng lại để tự quán chiếu, học hỏi và thực hành lời dạy của Đức Phật thì quả là một điều đáng tiếc.

Kính lạy Đấng Thế Tôn
Có ai hỏi: Phật đâu rồi?
Nào, chắp tay búp..mỉm cười hiền thôi
Phật chẳng ở núi xa xôi
Phật đang thở nhẹ trong đôi mắt mình

Phật là lúc dạ tâm lành
Biết thương người khác, biết dành phần thua
Phật không chỉ ngự chùa xưa
Phật ngồi giữa chợ, giữa trưa, giữa đời.

Kính bạch Đấng Thế Tôn, có phải ?

Khi con chẳng giận một lời
Khi con chịu lắng nghe người buồn đau
Khi không hơn – thua nữa đâu
Thì trong hơi thở… Phật mầu hiện ra

Không cần đèn, chẳng cần hoa
Một tâm an tịnh – đó là đạo sâu
Phật chẳng nói, chẳng cúi đầu
Mà là ánh mắt – nhìn nhau thật lòng

Ai còn mãi kiếm non bồng
Xin dừng một bước… thấy lòng thảnh thơi
Phật là phút chẳng rong chơi
Là về với chính mình thôi – rất gần.
Nam Mô Lâm Tỳ Ni Viên, Vô Ưu Thọ Hạ Thị Hiện Đản Sinh Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Phật tử Huệ Hương
Sydney ngày mùng tám tháng tư âm lịch năm Tân Tỵ (Phật Đản lần thứ 2649)

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.