Cuốn Sổ Nợ Của Mẹ Kế

1. Cô không có ấn tượng gì về mẹ ruột của mình, lúc mẹ cô bỏ nhà ra đi cô còn quá nhỏ, hai tuổi là cái tuổi không có ký ức đối với một đứa bé. Sống với cha cho đến năm tuổi, thì cô có mẹ kế. Không giống những gia đình khác là cha con cô sống ở nhà mẹ kế, xài tiền của mẹ kế.

Mẹ kế có người con trai lớn hơn cô ba tuổi, không ức hiếp cô, nhưng lại ít nói, thỉnh thoảng cũng dùng ánh mắt lơ đễnh nhìn cô. Bà có một sạp bán trái cây, tình cảm đối với cha cô cũng tốt, cơm nấu xong phải chờ cha cô về mới được ăn, còn chuẩn bị cho cha cô một ít rượu ấm. Lúc đó cha cô đang làm thời vụ cho một công trường với mớ lương ba cọc ba đồng.

Cô là một đứa bé sống lặng lẽ, ít nói, không thân thiện với mẹ kế lắm. Mẹ kế đóng học phí cho cô, giặt quần áo cho cha con cô. So với những đứa trẻ khác, cô không quá hạnh phúc, nhưng cũng sống yên ổn.

Cuộc sống bình dị cứ lặng lẽ trôi qua, cho đến năm cô lên mười tuổi, công trường nơi cha cô đang làm việc bị sập do quá cũ, bốn người bị vùi trong đống đổ nát, trong đó có cha cô.

Lúc cô chạy đến bệnh viện, cha cô đã được người ta phủ vải trắng lên người, bên cạnh là mẹ kế đang khóc lóc vật vã. Cô đứng như trời trồng trước cửa phòng bệnh, con của mẹ kế ở phía sau đẩy lưng cô ” Mau đi nhìn cha lần cuối…”, cô định thần lại, nhảy bổ đến, khóc thét lên một tiếng rồi ngất đi trên mình cha cô.

Ngày đưa quàn, cô thẫn thờ bê bức di ảnh của cha, nghe những người xung quanh xì xào, đứa bé thật tội nghiệp, không biết có bị mẹ kế đuổi khỏi nhà không? Tối đó, cô mơ thấy mình quần áo rách rưới, ăn xin ở ngoài đường, lâu lâu lại bị mấy thằng choai choai chửi bới, ném đá vào người. Tỉnh lại, lần đầu tiên trong đời cô cảm thấy tột cùng sợ hãi.

Sáng sớm, mẹ kế giống như thường ngày, thức dậy nấu cơm, sau đó kêu cô dậy tựa như chưa hề xảy ra chuyện gì. Đầu cô nhức, cô thấp giọng van nài “Hôm nay con có thể không đi học không? Con nhớ cha.”

Cô nghĩ bà sẽ đồng tình với cô, nhưng bà lạnh lùng nói : Không được! Không đi học thì cha cô sẽ sống lại được hay sao? Nếu ông ấy có sống lại cũng cho cô vài cái tát.

Hôm đó, cô đến trường trong nước mắt. Trước lúc ra khỏi nhà, mẹ kế từ phía sau la tới : “Châu Gia Ngọc, cô nhớ cho kỹ, bắt đầu từ hôm nay tôi không muốn nhìn thấy cô khóc.”

Cũng từ hôm đó, mẹ kế hầu như không bao giờ cười với cô, nói chuyện với cô cũng toàn nạt nộ, hoàn toàn khác xa so với lúc cha cô còn sống. Cô nghĩ, quả thật là hành vi của những bà mẹ kế. Mình nhất định phải mau lớn, nhanh chóng rời khỏi cái nhà này, không bao giờ trở về nữa.

Năm học lớp bảy, lần đầu tiên có chu kỳ, cô sợ hãi, hốt hoảng. Mẹ kế biết chuyện, vứt cho cô miếng băng vệ sinh. Nhón lấy miếng băng mà cô không biết dùng như thế nào, bà không giúp cũng không chỉ, nghiêng mắt nhìn cô, quát “Châu Gia Ngọc, chuyện gì cũng dựa vào người khác dạy mới làm được à?”

Chính giây phút đó, nước mướt uất ức bỗng tuôn trào, cô biết bắt đầu từ đây, chuyện của mình tự mình làm, đừng bao giờ trông chờ vào người khác.

Cô bắt đầu học cách giặt giũ, nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, ngay cả khâu nút áo. Mẹ kế nói được làm được, bà không còn giặt đồ cho cô lần nào nữa, và cũng không cần cô giặt đồ cho cả nhà.

2. Mẹ kế không được học nhiều, con trai của bà thành tích học tập thuộc loại bình thường, tốt nghiệp trung học xong thì chuyển sang học trung cấp. Nhưng bà ra lệnh cho cô phải được hạng nhất, nên không thì đừng hòng trở về nhà.

Cho dù thành tích học tập của cô cũng không đến nỗi tệ lắm, nhưng để giành được hạng nhất thì đó là một khoảng cách quá xa. Cô hận, hận người mẹ kế độc ác, đối xử hà khắc với cô, cô có cảm giác bà ta đang tìm trăm phương ngàn kế đuổi cô ra khỏi nhà này, nhưng bây giờ cô không thể ra đi, cô không muốn trở thành một kẻ ăn mày. Không còn cách nào khác, cô lao đầu vào học. Học ngày học đêm. Đèn nhà người ta đã tắt hết, chỉ có đèn nhà cô vẫn sáng. Có nhiều lúc không chịu nỗi cô nằm dài xuống bàn thiếp đi một lúc, tỉnh dậy đi rửa mặt lại ngồi vào bàn học tiếp. Cô chán ghét việc học, nhưng cô không có quyền lựa chọn, bắt buộc phải giành được hạng nhất. Kết quả thi cuối năm công bố, tên của cô vượt lên hai hai mươi mấy người, xếp hạng ba. Đến chủ nhiệm lớp còn kinh ngạc, một cô bé vốn dĩ lặng lẽ ít nói lại có thể xếp thứ ba trong lớp. Ban bè ngạc nhiên nhìn cô, nhưng cô chỉ biết cắn chặt môi, không có chút niềm vui của kẻ chiến thắng.

Tan học, cô ngập ngừng bước vào nhà, mẹ kế chỉ vào góc tường mắng “Đúng là đồ phế vật không có chí, quỳ xuống.” Thì ra, trước khi cô về, mẹ kế đã đến nhà bạn học của cô hỏi thăm kết quả. Tối đó, cô cứ quỳ mãi như thế, đối diện với bức tường cô không hề rớt một giọt nước mắt nào, cũng không nói một câu yếu lòng. Vì hai tiếng “phế vật” cô thề sẽ thi đậu đại học – trường điểm, tốt nghiệp xong cô sẽ kiếm thật nhiều tiền, sau đó sẽ đem tiền quăng vào mặt bà ta mà hỏi ” Năm xưa bà nói ai là đồ phế vật?”

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.