Hình như, trong xã hội ….
văn minh vật chất , khoa học, hiện đại
Nhân thế càng hỗn độn, sự đời càng rối ren
Nào ai sáng tỏ,
lòng người khi nào trắng, lúc lại đen ?
Đừng quá cầu toàn, hoàn mỹ hoặc xét nét
Sẽ chỉ nhận căng thẳng, bất hạnh, tránh ghét !
Nào, cùng dạo chơi
với những bậc trí tuệ qua sự thôi thúc bên trong
Cứ bước ra khỏi vùng an toàn,
hành trình như một anh hùng (1)
Và tự nhắc nhớ : suốt cổ chí kim,
thiên thượng vẫn luôn trọng người có đức!
Một câu từ “Thiên Long bát bộ “,
Ôi, chuyện kiếm hiệp lại khiến tỉnh thức (2)
Phải chăng giáo lý Phật pháp ở khắp mọi nơi
Biết tận dụng từng khắc, từng giờ, từng lúc tuỳ thời
Tự mình vẽ lên bản đồ tu học nuôi dưỡng
Đối diện bóng tối, từ chối mọi tham hướng
Mỗi ngày qua, danh vọng, sợ hãi, thói quen
Những lớp vỏ này… lộ hiện dần lên
Khi tuổi sang chiều, mới thấy:
phú quý vốn phù phiếm, vinh hoa là hư ảo.!
Đấy ! giai đoạn nhận ra
Khổ (Dukkha) trong Tứ Diệu Đế /Phật giáo!
Lại hiểu rằng vạn vật trong đời
nương tựa nhau để sinh tồn
“Trung dung là đại đạo, cân bằng mọi lý thuyết hơn “
Bền vững nhất, khi tiến về
con đường phía trước bát ngát
Có khu vườn đơn sơ, đầy hương hoa, chim ca hát!
Không còn mỏi mệt
xa xa suối nước vẵng tiếng rì rào
Tự nhủ thầm
“phần thiêng liêng của thức tỉnh chính là nỗi đau”
Dạo chơi khi đời mỏi mệt, nhưng đừng dừng lại
Theo bản đồ mình vẽ , tiếp tục hành trình cách tự tại !
Huỳnh Phương – Huệ Hương
(1) Joseph Campbell (1904-1987) — một trong những học giả sâu sắc và có ảnh hưởng nhất trong thế kỷ 20 về thần thoại, tôn giáo so sánh, và ý nghĩa biểu tượng trong văn hóa. Ông là một học giả người Mỹ, nổi tiếng với công trình nghiên cứu về thần thoại thế giới, đặc biệt là mô hình “Hành trình của người anh hùng” (The Hero’s Journey), một nguyên mẫu kể chuyện có mặt trong hầu hết các nền văn hóa.
The Hero with a Thousand Faces (1949)—-Cuốn sách nổi tiếng nhất của Joseph Campbell , trong đó, Campbell giới thiệu khái niệm “monomyth”, hay “Hành trình của người anh hùng” – một cấu trúc kể chuyện phổ quát mà ông tìm thấy trong các thần thoại, tôn giáo và truyện dân gian khắp nơi.
Hành trình của một người anh hùng theo Joseph Campbell chính là một bản đồ tu học – đặc biệt hữu ích cho người bắt đầu bước vào con đường chuyển hóa nội tâm.
(2) Nam nhi đại trượng phu, thứ nhất luận nhân phẩm tấm lòng, thứ nhì luận tài năng sự nghiệp, thứ ba luận văn học võ công”. (Thiên long bát bộ)
Vì đức nâng đỡ tài năng, còn tài năng lại dựa vào đức mà thi triển. Hữu đức bất tài, dẫu không thể giúp đời thì vẫn là một tấm thân trong sạch. Hữu tài vô đức, càng thi triển tài năng thì chỉ càng gây họa cho xã hội mà thôi.